Đề bài: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại).
A. Dàn ý chung bài Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại):
1. Mở đầu:
- Lời giới thiệu.
- Khái quát về vấn đề cần bàn luận.
2. Nội dung chính:
- Làm rõ vấn đề.
- Đưa ra quan điểm, ý kiến phê bình dành cho vấn đề được nhắc đến.
- Nêu ý kiến trái chiều (nếu có).
- Đề xuất giải pháp (nếu có).
3. Kết thúc:
- Bài học nhận thức và hành động.
- Lời kết
B. Bài mẫu Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại):
* Gợi ý đoạn văn mẫu Ngữ văn 8 Kết nối tri thức
I. Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại) - mẫu số 1:
Đề tài: Thói lười nhác, hay than vãn.
1. Dàn ý chi tiết:
1.1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Nêu vấn đề cần bàn luận: Thói lười nhác, hay than vãn.
1.2. Nội dung chính:
a, Làm rõ vấn đề:
- Thói lười nhác:
+ Ngại khó, ngại khổ, không muốn làm việc.
+ Thích ăn không ngồi rồi, hay dựa dẫm vào người khác.
- Hay than vãn:
+ Hay kêu ca, than thở một cách tiêu cực.
+ Chỉ biết phàn nàn mà không chịu hành động.
- Nguyên nhân:
+ Do bản tính con người.
+ Do sự phát triển của khoa học, công nghệ khiến con người bị phụ thuộc quá nhiều.
b, Nêu ý kiến phê phán:
- Sự lười biếng, hay than vãn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho cá nhân:
+ Làm trì trệ tiến độ phát triển trong học tập, công việc.
+ Gây ra thói ỷ lại.
+ Khiến người khác có cái nhìn không quá thiện cảm về bản thân.
- Sự lười biếng, hay than vãn gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của cộng đồng:
+ Làm gia tăng tỉ lệ các tệ nạn xã hội.
+ Làm chậm sự phát triển của nước nhà.
c, Nêu ý kiến trái chiều:
- Việc lười nhác, than vãn là của cá nhân. Miễn sao họ vẫn hoàn thành công việc là được, không có gì đáng chê trách.
- Phản bác:
+ Việc lười nhác là của cá nhân. Nhưng nếu trong một hoạt động nhóm, điều này sẽ ảnh hưởng nhiều đến tiến độ công việc của mọi người.
+ Việc than vãn ít nhiều sẽ mang lại năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm trạng của người xung quanh.
1.3. Kết thúc:
- Khái quát lại những ý đã nêu.
- Rút ra bài học nhận thức, hành động.
- Lời kết.
2. Bài mẫu: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại)
Xin chào cô và các bạn! Nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart từng phải thốt lên: "Tôi rất muốn biết vì sao sự lười nhác lại thịnh hành trong những người trẻ tuổi đến nỗi không thể khuyên ngăn họ rời khỏi nó dù bằng ngôn từ hay bằng sự trừng phạt". Và đây cũng chính là một trong những thói quen mang tính tiêu cực của con người hiện đại: lười nhác và hay than vãn.
Trước tiên, về mặt khái niệm, "lười nhác" là cụm từ dùng để chỉ thái độ ngại khó, ngại khổ, không muốn làm việc của một bộ phận người dân. Thay vào đó, họ thích "ăn không ngồi rồi", chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Nhưng cũng chính những kẻ này khi gặp chuyện lại rất hay than vãn. Họ dùng lời lẽ để kêu ca, than thở, chống đối một cách tiêu cực. Không những không hành động để giải quyết vấn đề mà họ còn liên tục phàn nàn, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Hiện tượng này xảy ra một phần do bản tính vốn có của cá nhân, phần khác cũng do họ quá phụ thuộc vào khoa học, máy móc. Và nó lại càng nghiêm trọng hơn trong thời đại công nghệ số như hiện nay.
Dễ thấy, sự lười biếng, hay than vãn mang lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho đời sống con người. Nó gây ra thói ỷ lại, làm chúng ta trì trệ đi, dần dần trở nên phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Và trên thực tế, không ai có một cái nhìn thiện cảm đối với người lười nhác cả. Người xưa cũng từng có câu: "Nhàn cư vi bất thiện". Khi không chịu làm việc, con người sẽ sinh ra rảnh rỗi. Từ đó, thực hiện những hành vi đi ngược lại với thuần phong mĩ tục hay các giá trị đạo đức đã đề ra. Việc này làm tăng tỉ lệ tệ nạn, trực tiếp kéo lùi sự phát triển của cộng đồng.
Mang hậu quả nghiêm trọng là vậy nhưng vẫn có ý kiến cho rằng việc các cá nhân lười biếng, than vãn là chuyện của họ. Nếu như họ vẫn hoàn thành công việc thì chẳng có gì đáng chê trách. Cá nhân tôi hoàn toàn phản đối cách suy nghĩ này. Đúng là việc lười nhác, than thở bắt nguồn từ họ. Nhưng nếu trong hoạt động tập thể, chỉ cần một cá nhân bị thụt lùi, tiến độ công việc của mọi người sẽ đều bị ảnh hưởng. Chưa kể, không ai muốn suốt ngày nghe một người than thở, chê trách cuộc đời cả. Điều đó phần nào khiến tâm trạng của những người xung quanh tệ đi rất nhiều.
Chính vì vậy, dù là lười biếng hay than vãn đều là thói quen xấu mà chúng ta cần loại bỏ. Thay vào đó, hãy không ngừng phát triển bản thân, rèn luyện sự kiên nhẫn, ý chí cầu tiến. Có như vậy ta mới dần hoàn thiện được chính mình.
Trên đây là những ý kiến cá nhân của tôi. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
II. Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại) - mẫu số 2:
Đề tài: Sự ba phải, thiếu chủ kiến khi làm việc nhóm.
1.1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Nêu vấn đề cần bàn luận: Sự ba phải, thiếu chủ kiến khi làm việc nhóm.
1.2. Nội dung chính:
a, Làm rõ vấn đề:
- Sự ba phải, thiếu chủ kiến trong làm việc nhóm:
+ Không đủ dũng cảm để bộc lộ chính kiến hay nêu quan điểm cá nhân.
+ Không có lập trường vững vàng.
+ Ai nói gì cũng cho là đúng, "gió chiều nào theo chiều nấy".
+ Dễ dàng bị thuyết phục, dẫn dắt mà buông bỏ ý kiến của mình.
- Nguyên nhân:
+ Thiếu sự tự tin.
+ Thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
b, Nêu ý kiến phê phán:
- Gây khó khăn, bế tắc trong hoạt động nhóm.
- Sinh ra thói ỷ lại, chỉ biết dựa dẫm vào người khác.
- Không được người khác đánh giá cao.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân cũng như kết quả chung của mọi người.
c, Đề xuất giải pháp khắc phục:
- Mỗi cá nhân tự rèn luyện bản thân cả về kiến thức, kĩ năng và thái độ; rèn tính dũng cảm, dám nêu lên ý kiến riêng; tự tìm hiểu kĩ về vấn đề cần thảo luận để có được cái nhìn bao quát nhất.
- Tập thể cần tạo điều kiện cho các cá nhân được phát triển đồng đều, ai cũng được bày tỏ quan điểm riêng.
1.3. Kết thúc:
- Khái quát lại những ý đã nêu.
- Rút ra bài học nhận thức, hành động.
- Lời kết.
2. Bài mẫu: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại)
Xin chào cô và các bạn! Với bài thuyết trình ngày hôm nay, mình xin phép được nêu ý kiến về một trong những thói xấu của con người hiện đại. Đó chính là sự ba phải, thiếu chính kiến khi làm việc nhóm.
Theo như mình tìm hiểu, "ba phải" là từ dùng để chỉ những người không có lập trường, ai nói gì cũng cho là đúng. Họ không có đủ dũng cảm để nêu lên chính kiến, quan điểm cá nhân của mình và dễ dàng bị thuyết phục, dẫn dắt. Trong khi làm việc nhóm, họ gần như "gió chiều nào theo chiều nấy", gần như không đóng góp được gì cho mọi người. Điều này xảy ra do sự thiếu tự tin của bản thân những người đó. Mặt khác, cũng có thể do họ chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực cần bàn luận.
Tình trạng ba phải, thiếu chủ kiến sẽ gây ra nhiều khó khăn cho quá trình hoạt động của cả nhóm. Nếu như trong một tập thể, ai cũng không nêu được ý kiến, quan điểm riêng thì làm sao mọi người có thể thảo luận được. Không chỉ vậy, lâu dần, tình trạng đó sẽ dẫn đến thói ỷ lại, chỉ biết dựa dẫm vào người khác. Nó không chỉ khiến bản thân cá nhân kia bị mọi người đánh giá thấp mà thành tích của cả nhóm cũng phần nào bị kéo lùi.
Như vậy, để có thể cải thiện thói xấu nêu trên, mình xin đưa ra một số giải pháp như sau. Đầu tiên, mỗi người cần tự giác rèn luyện, trau dồi và phát triển bản thân cả về kiến thức, kinh nghiệm lẫn thái độ. Nếu thiếu hiểu biết, hãy dành nhiều thời gian hơn để đọc sách báo, tìm tòi thông tin trên mạng. Nếu yếu giao tiếp, hãy tự luyện tập ở nhà hoặc nhờ người thân tập cùng. Một vài sự nỗ lực nhỏ thôi cũng có thể mang lại nhiều giá trị tích cực hơn cho chính bản thân chúng ta. Còn đối với các hội nhóm, hãy tạo điều kiện cho các cá nhân được phát triển đồng đều, dành cơ hội cho mọi người đều được nêu ý kiến. Có như vậy, cả tập thể mới có được thành tích cao như mong đợi.
Nhìn chung, sự ba phải, thiếu chính kiến không hề đem lại lợi ích cho con người. Thế nên chúng ta hãy cứ không ngừng rèn luyện, dũng cảm nói lên quan điểm cá nhân. Chỉ khi đó, bản thân ta mới trưởng thành hơn được.
Mình xin kết thúc bài trình bày ở đây. Rất mong nhận được sự đóng góp, nhận xét của mọi người.
III. Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại) - mẫu số 3:
Đề tài: Lối sống ảo mà một số người đang theo đuổi.
1.1. Mở đầu:
- Lời chào và giới thiệu.
- Nêu vấn đề cần bàn luận: Lối sống ảo mà một số người đang theo đuổi.
1.2. Nội dung chính:
a, Làm rõ vấn đề:
- Khái niệm sống ảo:
+ Hiện tượng con người sử dụng mạng xã hội để phô trương, khoe khoang về bản thân (theo chiều hướng phóng đại/ bịa đặt) hoặc nói những "đạo lí", "điều hay lẽ phải".
+ Mục đích: Tạo sự chú ý, muốn được người khác ngưỡng mộ, tán dương, ca ngợi.
- Nguyên nhân:
+ Nguyên nhân chủ quan: Do thói hư vinh của con người hoặc ý muốn trốn tránh thực tại.
+ Nguyên nhân khách quan: Do sự khiêu khích, tác động từ các yếu tố bên ngoài, muốn được bằng "ông nọ bà kia".
b, Nêu ý kiến phê phán:
- Thực trạng:
+ Cập nhật trạng thái mọi lúc, mọi nơi.
+ Đưa ý kiến gây tranh cãi về một vấn đề xã hội.
+ Lúc nào cũng gắn liền với cái điện thoại.
+ Khoe khoang về những thứ vật chất phù phiếm, thậm chí là những thứ mình không có.
- Hậu quả:
+ Gây mất thời gian.
+ Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người.
+ Ảnh hưởng đến đời sống con người.
+ Làm mất đi những mối quan hệ thực tế.
+ Kéo lùi sự phát triển của xã hội.
+ Gây nên những hành vi tiêu cực ngoài đời thực.
c, Đề xuất giải pháp:
- Tập cách phân bổ thời gian hợp lí, không quá đắm chìm vào mạng xã hội.
- Chú tâm rèn luyện và phát triển bản thân.
- Không tham dự vào những sự việc tiêu cực.
- Biết chọn lọc thông tin trên các trang mạng xã hội.
1.3. Kết thúc:
- Khái quát lại những ý đã nêu.
- Rút ra bài học nhận thức, hành động.
- Lời kết.
2. Bài mẫu: Trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội (một thói quen xấu của con người trong xã hội hiện đại)
Xin chào cô và các bạn!
Như mọi người cũng biết, thế giới hiện nay đang ở thời kì 4.0 - giai đoạn công nghệ số, thực tế ảo phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những mặt tích cực, điều này cũng đem đến không ít thói xấu cho con người. Nổi bật trong đó phải kể đến lối sống ảo mà một số người đã và đang theo đuổi.
"Sống ảo" là từ dùng để chỉ hiện tượng con người sử dụng mạng xã hội với mục đích phô trương, khoe khoang về bản thân. Nó sẽ không có gì là xấu nếu như người ta không hướng điều này theo cách phóng đại, bịa đặt để tạo sự chú ý. Những kẻ sống ảo thường chỉ muốn được người khác ngưỡng mộ, tung hô, thậm chí còn làm ra việc trái đạo đức nhằm gây xôn xao dư luận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phần lớn là thói hư vinh của con người. Một vài lí do khác có thể kể đến như sự khiêu khích, tác động của yếu tố bên ngoài; ham muốn sự nổi tiếng; trốn tránh thực tại;...
Hiện nay, lối sống ảo được thấy một cách khá rõ nét. Đó là việc người ta liên tục cập nhật trạng thái, đăng ảnh khoe khoang tài sản hoặc đưa ra ý kiến gây tranh cãi về một vấn đề đang nổi cộm trong xã hội. Việc này đã đem đến không ít hậu quả cho cá nhân đó nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Nào là gây mất thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần của người dùng; khiến các mối quan hệ thực tế mất dần đi;... Chính những điều này đã và đang tạo ra ngày một nhiều những hành vi tiêu cực ngoài đời thật. Người ta sẵn sàng trộm cướp để có tiền, giả mạo người khác để có sự nổi tiếng, thậm chí còn ảo tưởng quyền lực mạng, nghĩ mình là trung tâm của mọi chuyện. Tất cả khiến cho xã hội ngày càng thụt lùi về kinh tế cũng như văn hóa, đạo đức.
Để giải quyết được vấn đề tiêu cực này, chúng ta cần nhanh chóng hành động. Mỗi người hãy tự tập cách phân bổ thời gian sao cho hợp lí. Thay vì đắm chìm vào mạng xã hội, ta có thể ra ngoài chơi thể thao, tham gia các hoạt động cộng đồng hay đơn giản là dành thời gian cho gia đình. Đồng thời, hãy tập trung phát triển bản thân một cách tích cực nhất, tránh xa những thông tin tiêu cực đang tràn lan trên internet. Đó cũng là một cách để ta bảo vệ chính mình.
Như vậy, việc sống ảo đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống con người. Vậy nên chúng ta cần tỉnh táo chọn lọc thông tin, dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống bên ngoài màn hình. Có như vậy, ta mới có cơ hội hoàn thiện bản thân từng ngày, trở thành một công dân có ích trong xã hội.
Trên đây là quan điểm của mình về hiện tượng sống ảo hiện nay. Rất mong nhận được những sự góp ý, đánh giá từ phía cô và các bạn!
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Để có thể bàn luận về các vấn đề xã hội, em hãy chú ý tìm hiểu kĩ vấn đề đó ngoài thực tế. Từ đây, đưa ra các dẫn chứng, lập luận xác thực và logic nhất nhé. Taimienphi.vn mời các em tham khảo thêm các bài mẫu khác như: Đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về chi tiết phó may may áo ngược hoa; Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống, một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại.