Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đề bài: Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm


I. Dàn ý Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho tài đức vẹn toàn
- Ông có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà
- Ông được coi là một nhân vật ảnh hưởng nhất đến lịch sử văn hoá của Việt nam thế kỉ 16.

2. Thân bài:

a. Cuộc đời:

- Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh 1491 mất năm 1585, tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân am cư sĩ.
- Ông sinh tại làng Trung Am nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành thành phố Hải Phòng.
- Ông là cháu ngoại của Thượng thư Nhữ Văn Lan nên sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc gia giáo, sớm được tiếp xúc với kỉ cương, giáo dục.
- Mẹ của ông, bà Nhữ Thị Thục, là người thông thạo tướng số, khi sinh ông đã thấy ông có tướng đặc biệt nên dốc lòng đào tạo.
- Người thầy đầu tiên của ông là cụ bảng nhãn, thượng thư Lương Đắc Bằng.
- Ông sinh ra và lớn lên trong một thời đại suy thoái và loạn lạc, vậy nên tới tận năm 1535, năm 45 tuổi mới đi thi lần đầu và đỗ Trạng Nguyên.
- Ông ra làm quan dưới thời Mạc, với mong muốn cải cách xã hội, giúp xã hội phát triển thịnh vượng thế nhưng ông đã bị thất vọng.
- Khi Mạc Thái Tông qua đời, Mạc Hiến Tông lên ngôi, chưa thể điều hành chính sự, ông dâng sớ chém 18 lộng thần nhưng không được chấp thuận, vậy nên ông cáo quan về ở ẩn tại quê nhà.
- Tuy đã cáo quan, thế nhưng vua quan nhà Mạc, chúa Trịnh, Nguyễn đều rất tôn trọng ông, khi có việc hệ trọng đều hỏi ý kiến của ông.
- Không chỉ vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được coi là người có tài tiên tri.
- Ông được nhà Mạc phong tước Trình Tuyền hầu, Trình Quốc công nên tục gọi là Trạng Trình.
- Ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu, Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đời ở tuổi 95, trước khi mất, ông vẫn dâng sớ lên nhà Mạc với hy vọng nhà vua có thể "lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng": có thể thấy ông là con người hết lòng vì đất nước

b. Sự nghiệp văn chương:

- Ông để lại cho đời hai tập thơ lớn chữ Hán và chữ Nôm:
+ Tập Bạch Vân am thi tập là tập thơ chữ Hán với hơn 700 bài thơ
+ Tập Bạch Vân quốc ngữ thi là tập thơ chữ Nôm với khoảng 170 bài.

- Các tác phẩm của ông mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ca ngợi những người quân tử, thú chơi thanh nhàn, phê phán những điều xấu xa trong xã hội.
- Học trò của ông có nhiều người sau này nổi tiếng, có nhiều cống hiến như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Khuyến, ...

3. Kết bài:

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà chính khách, hiền triết, nhà thơ, tiên tri có nhiều đóng góp cho nước nhà.


II. Bài văn mẫu Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm (Chuẩn)

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho nổi tiếng có tài đức vẹn toàn. Ông đã đóng góp cho nền văn học nước nhà vô số những tác phẩm giá trị. Ông được coi là một trong nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất đến lịch sử và văn hoá nước ta ở thế kỉ XVI.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491 mất năm 1585, tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ. Ông được sinh ra tại làng Trung Am, nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành thành phố Hải Phòng. Nguyễn Bỉnh Khiêm là cháu ngoại của quan thượng thư Nhữ Văn Lan, sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc, có học vấn cao thời bấy giờ. Cả cha và mẹ của ông đều là những người có học vấn, văn tài học hạnh nên ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được tiếp thu sự giáo dục gia giáo và kỉ cương. Đặc biệt mẹ của ông, bà Nhữ Thị Thục - con gái của thượng thư Nhữ Văn Lan, tương truyền bà là người giỏi về thuật tướng số, tinh thông về địa lý, nên ngày từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm chào đời, bà đã dốc lòng đào tạo, dạy dỗ ông trở thành một người tài giỏi để giúp nước, cũng như cứu đời. Chính vì vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sớm được người thầy đức cao vọng trọng là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng - người từng giữ chức Thượng thư dưới triều Lê sơ dạy bảo. Có một người phụ mẫu hết lòng vì con cùng một người thầy giỏi, Nguyễn Bỉnh Khiêm từ nhỏ sớm tinh thông mọi học vấn và trở thành một tài năng vô cùng kiệt xuất.

Là một người có tài có đức nhưng đáng tiếc, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy những biến động. Nhà Lê suy thoái, họ Mạc lộng hành, chiến tranh phe phái nổi lên khắp nơi. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nên nhà Mạc. Có lẽ chính vì sống trong hoàn cảnh xã hội như thế mà suốt những năm tháng còn trẻ, dù học rộng, hiểu nhiều nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa một lần đi thi thố, chỉ sống ẩn dật tại quê nhà. Mãi tận năm 1535, dưới triều Mạc, khi đã 45 tuổi, ông mới đi thi lần đầu. Ba lần thi Hương, Hội, Đình, ông đều đứng đầu tiên, năm đó ông đỗ Trạng Nguyên và ra làm quan dưới triều nhà Mạc, được phong chức Tả thị lang (một chức quan đứng thứ ba trong bộ Hình). Với một người có tư tưởng lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, làm quan dưới thời Mạc, ông mong muốn xã hội được cải cách, đất nước được đổi mới. Đúng khi ấy, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh - một người rất đảm lược, có chí khí. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhìn ra được điều đó ở nhà vua mới, vậy nên ông càng hi vọng Mạc Đăng Doanh sẽ giúp đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren mà nhà Lê và các tập đoàn phong kiến trước đây đã gây ra.

Thế nhưng, niềm hi vọng của ông lại lần nữa bất thành khi Mạc Thái Tông qua đời đột ngột, Mạc Hiến Tông lên ngôi, chưa đủ khả năng điều hành chính sự, triều đính kết bè phái. Không muốn đất nước lại lần nữa rơi vào cảnh chiến tranh, chết chóc, ông dâng sớ chém đầu 18 lộng thần. Vua không nghe, ông thất vọng bèn cáo quan về ở ẩn tại quê hương, lập nên quán Trung Tân, dựng lên am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy làm quan ngắn ngủi nhưng tài năng và kiến thức của ông đã khiến cho vua quan nhà Mạc cũng như chúa Trịnh, Nguyễn đều hết sức nể trọng. Mỗi khi có việc gì hệ trọng, họ đều sai người hỏi ý kiến của ông. Là một học giả có tấm lòng thương xót cho "vận mệnh" của quốc gia, cũng như cảm thông sâu sắc với những nỗi thống khổ của người dân, ông luôn mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình, tránh khỏi lửa, chiến tranh tương tàn. Mà khi ấy, những thế lực trong nước chưa thể đảm đương được việc thống nhất một mối. Vậy nên khi những tập đoàn phong kiến hỏi kế sách, ông thường bày cho họ những phương sách để tạo nên thế cục cân bằng, giữ yên bình cho quốc gia. Tương truyền, năm 1568, khi Trịnh Kiểm sát hại Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng kinh sợ, bèn cho người hỏi ý Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông chỉ nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (dựa vào một dải Hoành sơn, có thể lập nghiệp lâu dài), vậy nên Nguyễn Hoàng đã xin chúa Trịnh được vào trấn thủ ở đất Thuận Hóa. Cũng vào thời đó, tại kinh thành Thăng Long, chúa Trịnh ra sức muốn phế bỏ vua Lê, sai người hỏi ý Trạng Trình. Ông không hề trả lời mà chỉ dẫn sứ giả ra thăm chùa đồng thời nói với nhà sư trong chùa rằng: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", tức là ý muốn chúa Trịnh hãy cứ tôn phò vua Lê để giữ được quyền hành đất nước.

Không chỉ là một người có kiến thức sâu rộng, Nguyễn Bỉnh Khiêm còn được biết đến như một người có tài tiên tri. Sau khi nhà Mạc lên ngôi vài năm, chiến tranh, loạn lạc xảy ra liên miên khiến cho nhà Mạc phải bỏ chạy. Nhà Mạc có ý muốn lên vùng đất Cao Bằng để thế thủ mới sai người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông đáp lại rằng: "Cao Bằng tuy tiểu, khả diên sổ thể" tức là Cao Bằng tuy là nơi đất hẹp nhưng có thể giữ được vài đời. Quả đúng như lời Trạng Trình, nhà Mạc ở đất Cao Bằng, giữ được ba đời mới bị diệt. Có thể nói rằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là một học giả "trên thông thiên văn, dưới tường địa lí" mà còn là một người thấu hiểu nhân sinh, sự đời. Ông được nhà Mạc phong tước Trình tuyền hầu, Trình quốc công nên được dân gian gọi là Trạng Trình.

Tới ngày 28 tháng 11 năm Ất Dậu, ông qua đời ở tuổi 95 tại quê nhà. Trước khi mất, ông vẫn dâng sớ lên nhà Mạc với hi vọng nhà vua có thể "lấy con dân làm gốc, lấy nước làm trọng" để giữ gìn "cơ nghiệp tổ tiên" cũng như mang tới sự thái bình, thịnh trị cho dân. Có thể thấy, tới cuối cuộc đời mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa lúc nào thôi nghĩ cho nước, cho dân, một lòng vì đất nước.

Về sự nghiệp văn chương, ông để lại cho hậu thế tập thơ chữ Hán với khoảng 700 bài mang tên Bạch Vân am thi tập và tập thơ chữ Nôm mang tên Bạch Vân quốc ngữ thi với khoảng 170 bài. Thơ của ông không chỉ đậm chất triết lí, giáo huấn mà còn ca ngợi chí khí của bậc quân tử, thú vui thanh nhàn hay phê phán những điều xấu xa ở trong xã hội. Đặc biệt, ông gay gắt phê phán những tên quan lại tham ô, nhũng nhiễu nhân dân. Đọc thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, ta thấy một tấm lòng nghĩ cho nước, cho dân, những đạo lí vua tôi, cha con, bè bạn sâu sắc. Có lẽ, cả cuộc đời mình ông luôn trăn trở với một đạo lí duy nhất: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" tức "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ". Vậy nên khi ông mở lớp dạy học đã có vô số học trò đến theo và trở thành những người nổi tiếng, cống hiến cho sự nghiệp của nước nhà như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Khuyến,...

Cả cuộc đời mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trở thành một nhà chính khách uy tín, một nhà hiền triết, tiên tri, một nhà thơ với những đóng góp rất quan trọng cho văn học nước nhà. Ông là một tấm gương sáng về tài năng và nhân cách của một con người đức độ, toàn tài. Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ mãi được các thế hệ sau ghi nhớ như một con người hết lòng vì dân tộc Việt Nam.

------------------HẾT------------------

Bên cạnh bài văn Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, để mở rộng vốn hiểu biết về những tác gia tiểu biểu của nền văn học Việt Nam và rèn luyện kĩ năng viết văn thuyết minh, các em có thể tham khảo thêm những bài viết đặc sắc khác như: Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu, Thuyết minh về tác giả Nam Cao, Thuyết minh về một tác giả văn học, Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Bài văn mẫu Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm sẽ giúp các em nắm được những thăng trầm trong cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng như sự nghiệp thơ văn của ông để lại cho đời sau.
Triết lí nhân sinh trong bài thơ Nhàn
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều
Bình giảng bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Trãi và tác phẩm Bình Ngô đại cáo
Thuyết minh Chuyện chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ
Cảm nhận về cuộc sống và nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua bài thơ Nhàn

ĐỌC NHIỀU