Thuyết minh về tác giả Nam Cao

Đề bài: Thuyết minh về tác giả Nam Cao

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Thuyết minh về tác giả Nam Cao


I. Dàn ý Thuyết minh về tác giả Nam Cao (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả Nam Cao.

2. Thân bài

* Cuộc đời nhà văn Nam Cao:

- Nam Cao (1917 - 1951), tên khai sinh Trần Hữu Tri.
- Quê hương: làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân, tỉnh Hà Nam.
- Học xong bậc thành chung vào Sài Gòn kiếm sống, sau 3 năm lại trở về quê.
- Dạy học ở ngoại ô Hà Nội, chật vật xoay sở bằng nghề viết văn, làm gia sư.
- Năm 1943 tham gia Văn hóa cứu quốc.
- 1946 là phóng viên đoàn Nam tiến vào Nam Trung Bộ
- 1947 - 1950 lên Việt Bắc tham gia chiến dịch Biên Giới. 1951 bị giặc phục kích sát hại.

* Con người của tác giả Nam Cao:

- Bề ngoài lạnh lùng, vụng về, ít nói nhưng nội tâm phong phú.
- Có tấm lòng đôn hậu, chan chứa yêu thương.

* Sự nghiệp sáng tác của tác giả Nam Cao:

- Quan điểm nghệ thuật tiến bộ, tự giác, hệ thống và nhất quán.
- Tư tưởng nhân đạo là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi cao sự tìm tòi sáng tạo, nhà văn phải có lương tâm.
- Các đề tài chính: người trí thức nghèo, người nông dân nghèo và văn xuôi kháng chiến.
- Phong cách nghệ thuật độc đáo, quan tâm tới đời sống tinh thần con người.

3. Kết bài

Khẳng định những giá trị và đóng góp to lớn mà tác giả Nam Cao đóng góp cho nền văn học nước nhà.


II. Bài văn mẫu Thuyết minh về tác giả Nam Cao (Chuẩn)

Tác giả Nam Cao - tuổi nghề chỉ trên 10 năm nhưng sự nghiệp lại kết nối cả hai giai giai đoạn lịch sử quan trọng trước và sau 1945. Những tác phẩm của Nam Cao để lại đã trở thành bức phù điêu bất hủ trong lịch sử văn học hiện đại của Việt Nam. Chẳng thấy ở tác giả nào mà đời sống và đời văn lại gắn bó chặt chẽ với nhau như ở Nam Cao, nhìn vào văn ông thấy được đời mà nhìn vào đời để thấy được các giá trị từ trang văn của ông.

Nam Cao tên khai sinh là Trần Hữu Tri, bút danh Nam Cao được lấy trong tên huyện và tên tổng nơi quê của ông là làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân tỉnh Hà Nam). Ông sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân bình thường, gia đình khá đông con và ông là người con duy nhất được ăn học tử tế. Sau khi học hết bậc Thành chung, năm 1935 ông bắt đầu đi làm kiếm sống, Nam Cao cùng cậu đi vào Sài Gòn nhưng làm được khoảng 3 năm thì bệnh tật khiến ông phải trở về quê và dạy học, viết văn. Dấu mốc quan trọng nhất chính là vào năm 1943 Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc, từ đó tới lúc hi sinh ông đã tận tụy phục vụ cách mạng và kháng chiến, ông tham gia kháng chiến ở quê nhà rồi vào mặt trận Nam Trung Bộ, sau đó năm 1947 lại lên Việt Bắc tham gia chiến dịch Biên giới năm 1950. Ngày 30-11-1951 khi đang trên đường vào vùng địch ở Liên khu III thì ông bị giặc phục kích và sát hại.

Chính Nam Cao đã từng nói về mình rằng "có cái mặt không chơi được", ấy là vì vẻ ngoài ông lạnh lùng, ít nói nhưng thực ra bên trong nội tâm ông lại vô cùng phong phú, luôn sôi sục. Bản thân Nam Cao luôn đấu tranh với những suy nghĩ của mình để làm sao việc làm và ý nghĩ không phải xấu hổ, thoát ra khỏi sự tầm thường, nhỏ nhen. Nam Cao giàu ân tình với quê hương, sống gần gũi, gắn bó và có tấm lòng đồng cảm với những người nghèo khổ bị khinh miệt, áp bức trong xã hội lúc bấy giờ. Tình cảm ấy của ông được thể hiện rõ qua các tác phẩm như: Chí Phèo, Lão Hạc, những áng văn chan chứa niềm xót thương với kiếp lầm than, thấm đượm tư tưởng nhân đạo và tình thương đồng loại. Con người Nam Cao khi ấy cũng là trí thức nghèo, vừa hiểu nông dân lại vừa thấm thía cuộc sống người trí thức đương thời nên lí tưởng nhân đạo trong ông rất cao cả, cuộc đời ông gói gọn trong sáng tạo nghệ thuật và hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông là tấm gương cao đẹp của một nhà văn chân chính mà bao thế hệ nhà văn khác phải noi gương. Vào năm 1996 Nam Cao được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

So với những nhà văn cùng thời với Nam Cao, quan điểm nghệ thuật của ông có phần tiến bộ hơn, có tính tự giác, hệ thống và nhất quán. Đối với Nam Cao nghệ thuật phải viết về con người và hướng đến những thứ tốt đẹp của con người. Khi mới bắt đầu sự nghiệp sáng tác, ông cũng chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn. Thế nhưng sau đó ông đã nhận ra sự xa lạ của thứ văn chương ấy với thực tại cuộc sống đau khổ, lầm than của con người. Ông cho rằng, nghệ thuật phải gắn bó với đời, nhà văn cần nhìn thẳng vào hiện thực cuộc sống để nói lên sự thật và cả những những nỗi khổ, cùng quẫn của nhân dân. Nam Cao phê phán và không tán thành với loại sáng tác thi vị hóa cuộc sống, chỉ tả được vỏ ngoài của xã hội, quan niệm của ông trong sáng tác phải có tư tưởng nhân đạo là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi cao sự tìm tòi sáng tạo, nhà văn phải có lương tâm.

Từ chủ nghĩa hiện thực mà ông theo đuổi, Nam Cao đã lựa đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, ông tham gia kháng chiến, vừa tận tụy phục vụ kháng chiến vừa ấp ủ những hoài bão sáng tác. Các đề tài chính của Nam Cao cũng được chia theo giai đoạn lịch sử đó là trước và trong Cách mạng. Trước Cách mạng ông viết nhiều về đề tài người trí thức nghèo và người nông dân nghèo, trong cách mạng, ông dùng ngòi bút để đấu tranh, ông viết nhiều về đề tài chiến tranh, người lính. Đối với đề tài người trí thức nghèo có các tác phẩm tiêu biểu như: Giăng sáng, Đời thừa, Nước mắt, Cười, tiểu thuyết Sống mòn,... những trí thức trong số các tác phẩm này được Nam Cao miêu tả sâu sắc tấn bi kịch tinh thần của họ trong xã hội cũ, từ họ mà đặt ra những triết lí sâu sắc, phê phán xã hội ngột ngạt, phi nhân đạo đã tàn phá tâm hồn con người, rồi cũng từ đó thể hiện niềm khao khát sống có ích và ý nghĩa. Đối với đề tài người nông dân, các tác phẩm tiêu biểu là: Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no, Mua danh, Trẻ con không được ăn thịt chó,... trong đó Chí Phèo là một kiệt tác. Trong đề tài này Nam Cao vẽ tranh về nông thôn Việt Nam chân thực trong cái nghèo đói xơ xác, thê thảm, bị bần cùng hóa, lưu manh hóa, ông không phải bôi nhọ dân nghèo mà là đang cố gắng khẳng định nhân phẩm bản chất tốt đẹp của họ cũng như kết án xã hội tàn bạo đã hủy hoại nhân tính của họ. Sau này trong kháng chiến, Nam Cao là cây bút tiêu biểu cho văn học kháng chiến chống Pháp với các tác phẩm văn xuôi thời kì đầu như: Nhật kí ở rừng, Đôi mắt. Phong cách nghệ thuật Nam Cao độc đáo, quan tâm tới đời sống tinh thần con người, biệt tài của ông chính là diễn tả và phân tích tâm lí nhân vật rất sắc sảo, từ những việc đời thường lại thể hiện triết lí sâu sắc về con người, cuộc sống, nghệ thuật.

Có thể nói tác giả Nam Cao vừa là nhà văn hiện thực, vừa là nhà nhân đạo chủ nghĩa, qua các sáng tác của ông ta chợt thấy khắc nghiệt thời gian chẳng tồn tại, càng về sau giá trị sáng tác của ông càng ngời sáng, các bộc lộ ý nghĩa cả về nội dung và nghệ thuật. Thế hệ người đọc của ông mãi nhớ về ông với những nhân vật đã in hằn trong tâm trí, một nhà văn đóng góp rất lớn cho nền văn học nước nhà, để lại nhiều giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

-----------------HẾT--------------------

Đối với một bài văn thuyết minh về tác giả văn học, các em cần thuyết minh được những nội dung trọng tâm như con người, quan điểm nghệ thuật, tư tưởng và phong cách nghệ thuật của tác giả đó. Các em có thể tham khảo thêm những bài văn đặc sắc khác như: Thuyết minh về một tác giả văn học, Thuyết minh về tác giả Chính Hữu và bài thơ Đồng chí, Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu để có thêm kinh nghiệm viết bài.

Bài Thuyết minh về tác giả Nam Cao sẽ giúp các em có thêm những thông tin thú vị về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác cũng như phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn Nam Cao. Tham khảo bài viết để giúp cho bài văn thuyết minh của mình thêm phong phú, hấp dẫn nhé.
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều
Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu
Thuyết minh về danh lam thắng cảnh, bài mẫu số 1
Thuyết minh về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm
Thuyết minh truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao
Thuyết minh về một tác giả văn học

ĐỌC NHIỀU