Đề bài: Thuyết minh về nghệ thuật Múa rối nước
Thuyết minh về nghệ thuật Múa rối nước
1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề cần thuyết minh: Nghệ thuật múa rối nước
2. Thân bài:
a. Khái quát:
- Múa rối nước hình thành và phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp lúa nước của châu thổ sông Hồng
- Được diễn ở hội làng, lễ hội truyền thống, tết, ...
- Là nghệ thuật độc đáo riêng chỉ có tại Việt Nam.
b. Lịch sử hình thành:
- Múa rối nước ra đời song hành cùng nền văn hoá lúa nước.
- Nhưng đến thế kỉ thứ 10 mới thực sự phát triển vượt bậc.
- Minh chứng rõ nhất được để lại trên bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh năm 1121.
c. Cơ sở hình thành: gồm tự nhiên và xã hội:
- Tự nhiên: Do con người sống gắn liền với nguồn nước ở vùng châu thổ sông Hồng.
- Xã hội:
+ Do con người có thói quen sống tụ cư xung quanh các vùng nước
+ Do nhu cầu giải trí cũng như nhu cầu bày tỏ những ước mơ của con người.
d. Đặc điểm và hình thức biểu diễn:
- Đặc điểm:
+ Rối nước được làm bằng gỗ sung, được điêu khắc với tạo hình ngộ nghĩnh, đáng yêu.
+ Được thể hiện dưới nước, trong các thuỷ đình chứ không phải trên mặt đất.
+ Thuỷ đình được trang trí bởi cờ, quạt, lọng, ...
+ Người nghệ nhân đứng phía sau thuỷ đình để điều khiến rối.
+ Múa rối nước không thể thiếu tiếng trống, tiếng pháo để làm cho không khí sôi động.
- Hình thức biểu diễn:
+ Nghệ nhân múa rối nước điều khiển con rối bằng sào, dây, thừng, ... hoặc giật dây được bố trí sẵn.
+ Múa rối nước lấy động tác của con rối để làm ngôn ngữ diễn tả.
+ Được trình bày trên nền dân ca Bắc Bộ hoặc chèo.
e. Giá trị:
- Giá trị nhận thức: phản ánh chân thực đời sống của người dân trong mối quan hệ với thiên nhiên, cộng đồng, bày tỏ ước mơ ấm no, hạnh phúc của con người.
- Giá trị giáo dục: thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên và con người, hướng ta tới những điều tốt đẹp.
- Giá trị giải trí: Mang lại tiếng cười sảng khoái cho người dân.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của múa rối nước.
Mỗi dân tộc đều có những loại hình nghệ thuật riêng biệt gắn liền với những phong tục tập quán và văn hóa của dân tộc ấy. Nếu như Hàn Quốc có nghệ thuật âm nhạc truyền thống Pansori, Nhật Bản có nghệ thuật gấp giấy Origami, nghệ thuật cắt giấy Kirigami thì Việt Nam có nghệ thuật múa rối nước. Đây là một loại hình nghệ thuật cực kỳ đặc sắc, độc đáo của dân tộc ta.
Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của Việt Nam. Nó được hình thành và phát triển từ nền nông nghiệp lúa nước của cư dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Múa rối nước thường được trình diễn trong các dịp hội hè, hội đình, hội làng, Tết. Múa rối có ở nhiều quốc gia nhưng múa rối nước thì chỉ có ở riêng Việt Nam. Vậy nên, nó sớm đã trở thành biểu tượng của dân tộc ta và được mọi người dân Việt Nam và quốc tế yêu thích.
Về mặt lịch sử, múa rối nước ra đời cùng thời với nền văn hoá lúa nước. Thế nhưng phải đến thế kỉ thứ 10, dưới thời vua Lý Thái Tổ, nghệ thuật này mới có được bước tiến vượt bậc của mình. Những minh chứng đầu tiên được ghi chép lại của múa rối nước là vào những năm 1121, trên bia Tháp Sùng Thiện Diên Linh với nội dung như sau: "Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt...". Có lẽ đây là những bằng chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của loại hình nghệ thuật này.
Về cơ sở hình thành múa rối nước, theo nghiên cứu, người ta chia thành hai loại là cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội. Người ta cho rằng việc cư trú ven sông và nền nông nghiệp lúa nước là nguồn cảm hứng khiến các cư dân của vùng châu thổ sông Hồng tạo nên nghệ thuật múa rối nước. Thêm vào đó là cách sống tụ cư quanh làng và nhu cầu giải trí trong những dịp lễ hội cũng như trong đời sống hàng ngày nên múa rối nước ra đời để đáp ứng nhu cầu đó của họ. Cùng với đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân trong tạo hình và điêu khắc đã tạo nên những con rối với độ thẩm mỹ cao, phóng khoáng, mạnh mẽ nhưng cũng rất mộc mạc, giản dị. Quy tụ tất cả những điều đó, múa rối nước được hình thành và trở thành một trong những nghệ thuật dân gian được yêu thích thời bấy giờ.
Nếu như múa rối thường dùng sân khấu trên mặt đất để diễn thì múa rối nước lại dùng mặt nước để tạo nên những vở diễn của mình. Sân khấu này được gọi là nhà rối hay thuỷ đình. Xung quanh thuỷ đình có trang trí các loại như cờ, quạt, lọng. voi, ngựa. Phía sau thuỷ đình, những người nghệ nhân múa rối nước dùng sào, dây để điều khiển những con rối biểu diễn. Thêm vào đó, để làm cho không khí trở nên sôi nổi, sinh động, những người nghệ nhân còn dùng tiếng pháo, tiếng trống để phụ trợ. Để cho những con rối có thể nổi trên mặt nước, khi chế tác người ta sẽ dùng gỗ sung bởi loại gỗ này rất nhẹ. Những con rối được đục đẽo với nhiều hình dáng khác nhau, được sơn màu sặc sỡ để phù hợp cho từng vở diễn. Con rối nước thường có tạo hình ngộ nghĩnh, đáng yêu, có tính biểu tượng cao.
Khi vào các vở diễn, những người nghệ nhân đứng trong buồng trò để điều khiến con rối của mình. Họ thực hiện trên các cây sào, thừng hay vọt hoặc có thể giật con rối theo hệ thống dây được bố trí sẵn. Múa rối nước là một trò diễn đòi hỏi sự khéo léo, lấy các động tác của con rối biến thành các ngôn ngữ để diễn tả. Múa rối nước đi cùng với âm nhạc, những tiếng nhạc, mõ, chuông sẽ giúp điều khiển tốc độ cũng như giữ sự nhịp nhàng, dẫn dắt các động tác. m nhạc trong múa rối nước thường là chèo hoặc các làn điệu dân ca Bắc Bộ.
Nghệ thuật múa rối nước không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà nó còn mang tới những giá trị cao cả trong đời sống của con người. Đầu tiên là giá trị nhận thức, múa rối nước đã phản ánh đời sống của những người dân Việt Nam và mối quan hệ giữa con người với thế giới thiên nhiên, với cộng đồng. Múa rối nước còn thể hiện ước mơ của nhân dân ta về một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, bình đẳng. Về giá trị giáo dục, múa rối nước giúp con người ta yêu quê hương, đất nước của mình, yêu thiên nhiên và có lòng tự hào về dân tộc. Nó hướng chúng ta đến cái đẹp của tình người, sự gắn kết cộng đồng trong những lúc thiên tai, hoạn nạn. Và cuối cùng, nó giúp chúng ta có những tiếng cười sảng khoái, tạo nên tinh thần lạc qua, phấn khởi vui tươi cho mọi người.
Các vở múa rối nước nổi tiếng phải kể đến như Bật cờ, Vinh quy bái tổ, Bắt vịt, Múa lân, ... Hiện nay còn rất nhiều những phường múa rối nước đang tích cực hoạt động để giữ gìn và phát triển bộ môn nghệ thuật này như Múa rối Thăng Long, Đào Thục, Nguyên Xá, Nam Chấn, ...
Ngày nay, múa rối nước tuy không còn được thịnh hành như trước, nhưng nó vẫn là một loại hình giải trí nghệ thuật đặc sắc mà bất cứ ai khi thưởng thức đều tấm tắc khen ngợi. Múa rối nước không chỉ mang thông điệp về giáo dục, mang những nét văn hoá truyền thống mà nó còn mang những giá trị nhân văn sâu sắc.
--------------HẾT----------------
Cùng với múa rối nước, các em có thể tìm hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật truyền thống khác của Việt Nam như: Thuyết minh về cải lương, Thuyết minh về nghệ thuật sân khấu tuồng, Thuyết minh về làn điệu chèo, Thuyết minh về một loại hình ca nhạc hoặc sân khấu tại Thuthuat.Taimienphi.vn.