Đề bài: Thuyết minh về món bún tôm Hải Phòng
Thuyết minh về món bún tôm Hải Phòng
Mẹo Cách làm bài văn thuyết minh hay
- Giới thiệu về thành phố Hải Phòng
- Giới thiệu về các món đặc sản ở Hải Phòng trong đó có món bún tôm thơm ngon.
a. Nguồn gốc
+ Không ai biết xuất hiện từ bao giờ, do ai sáng tạo ra
+ Chỉ biết xuất hiện từ lâu, ăn sâu vào văn hóa ẩm thực của Hải Phòng và trở thành món đặc sản.
b. Thành phần:
+ Các nguyên liệu: đa dạng các loại nguyên liệu khác nhau nhưng quan trọng nhất là bún và hải sản tươi sống.
+ Bún: là loại bún to, như bún nấu riêu cưa, đôi khi là bánh đa đỏ
+ Hải sản: thường là tôm, ngoài ra còn có thể là các loại khác như cua, mực hay bề bề.
+ Tôm: là loại tôm su hay tôm rảo, tươi ngon, nhiều thịt, được lựa chọn kĩ càng, còn tươi sống và "mẩy".
+ Nước dùng: được ninh từ xương ống, chân giò của lợn, tạo nên vị thơm, béo ngậy cho món ăn.
+ Ngoài ra còn có các loại rau và rau sống đi kèm
c. Cách chế biến: Có hai cách chế biến: đơn giản và cầu kì.
- Cách chế biến thứ nhất: đơn giản, được nhiều người Hải Phòng lựa chọn:
+ Tôm được chọn tươi sống từ các chợ hải sản lớn, được luộc lên lấy nước dùng cho món bún tôm
+ Xương lợn được mua về, rửa sạch, ninh kỹ để tạo nên vị ngọt cho nước dùng.
+ Nước dùng: là sự kết hợp của hai loại nước luộc tôm và nước ninh xương.
+ Tôm luộc lên, để nguội, lột bỏ vỏ, lưu ý bóc tôm lúc nguội để thịt tôm không bị nát.
+ Sau đó, phi hành thơm rồi cho tôm vào đảo đều, cho tới khi săn thịt lại thì thôi. Cho thêm nước mắm để tôm thêm thơm và đậm vị.
+Bún được chần qua nước sôi, đơm ra tô rồi múc tôm bày lên phía trên.
+ Hành răm, thì là thái nhỏ rắc lên phía trên bát bún.
+ Rưới đều nước dùng còn nóng lên trên, ta được tô bún tôm thơm phức, đậm vị.
+ Ăn kèm cùng các loại rau sống.
- Cách thứ hai: Cầu kì, công phu hơn cách thứ nhất:
+ Vẫn là các nguyên liệu chính nhưng thêm các nguyên liệu phụ khách như thịt ba chỉ, rau cần, cà chua, nấm hương, mộc nhĩ, ... tăng hương vị và màu sắc cho món ăn.
+ Tôm: được bóc vỏ, bỏ đầu và sợi chỉ đen ở thân. Sau đó, vỏ và đầu được rang lên, giã ra, lọc lấy nước dùng.
+ Xương cũng được ninh kĩ như ở cách một.
+ Thịt ba chỉ thái mỏng, to bản, ướp cùng mắm muối cho đậm đà.
+ Rau cần nhặt sạch, cắt khúc tầm hai đốt ngón tay. Cà chua bổ múi, nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, thái nhỏ.
+ Phi hành thơm rồi cho tôm vào đảo cho săn thịt lại, nhớ cho thêm mắm để cho thơm và đậm đà.
+ Thịt ba chỉ cũng được xào chín, cùng nấm hương và mộc nhĩ, trút tôm vào đảo cùng rồi cho ra bát.
+ Cà chua cho vào chảo, đảo nhừ, rồi đổ chung vào nồi nước dùng là hỗn hợp của nước tôm và nước ninh xương là ta được nồi nước dùng vừa thơm vừa màu sắc.
+ Cuối cùng, xếp bún ra tô, xếp rau cần lên rồi múc tôm và thịt lên phía trên, rắc thêm chút hành răm rồi rưới nước dùng còn nóng lên là có được tô bún tôm ngon lành.
d. Giá trị của món bún tôm trong nền ẩm thực Hải Phòng:
- Món bún tôm đã trở thành món ăn đặc sắc mà người Hải Phòng vô cùng tự hào.
- Cùng với bánh đa cua, nem cua bể, bánh mỳ cay, .., bún tôm Hải Phòng thực sự mang tới cho thực khách hương vị khó quên
- Món bún tôm là một trong những món ăn tiêu biểu cho nền ẩm thực Hải Phòng.
- Ai ăn rồi cũng sẽ không quên.
Hải Phòng - thành phố của những đóa hoa phượng đỏ rực rỡ, của những cảng biển tấp nập thuyền bè qua lại. Người Hải Phòng nổi tiếng hào sảng, với tính cách dễ thương, trìu mến. Về góc độ văn hóa, Hải Phòng là một trong những thành phố với những cảng biển lâu đời, nên nền văn hóa chứa đựng những đặc sắc văn hóa từ nhiều vùng miền khác nhau. Nhắc về nền ẩm thực, Hải Phòng nổi tiếng với những món hải sản tươi ngon, đầy ấn tượng. Và một trong số đó là món bún tôm, món ăn mà thực khách không chỉ bị hấp dẫn bởi hương vị mà còn bị hấp dẫn bởi những nguyên liệu và cách chế biến độc đáo nữa.
Bún tôm - món đặc sản của người Hải Phòng, cũng như nem cua bể hay bánh đa cua, đã xuất hiện và lưu truyền từ bao đời nay ở đất cảng này. Không ai biết bún tôm là do ai sáng tạo nên, người ta chỉ thấy nó xuất hiện như một điều tự nhiên, một thứ văn hóa ăn sâu vào trong suy nghĩ của mỗi con người nơi đây. Có lẽ xa xưa, khi những người dân Hải Phòng với vùng biển giàu có, đã đặc biệt sáng tạo ra món ăn này để làm mới hương vị bữa ăn hàng ngày. Cứ như thế, bún tôm đã dần trở thành một nét văn hóa phi vật thể, một đặc sản khó quên mà ai đến Hải Phòng cũng mong mỏi được nếm thử.
Món bún tôm nghe có đơn giản về nguyên liệu thế nhưng để làm nên hương vị một tô bún tôm thơm ngon, đúng điệu lại là sự tập hợp của đa dạng những loại nguyên liệu khác nhau, mà quan trọng nhất là hải sản tươi sống.
Khác với các loại bún khác, bún trong món bún tôm được chọn là loại bún sợi to, tròn, như loại bún được sử dụng trong món bún riêu cua mà ta thường hay nấu. Đôi khi, để tạo nên nét mới, đổi vị, người ta sử dụng bánh đa cua hay bánh đa đỏ - thứ bánh đa đặc trưng của người Hải Phòng để chế biến món bún tôm như một cách thay đổi khẩu vị thường ngày. Về hải sản, người ta thường chọn tôm là thứ hải sản chính để chế biến, ngoài ra, họ cũng có thể chế biến thay đổi các loại khác như mực, cua hay bề bề. Với một vùng đất đa dạng về hải sản tươi ngon như Hải Phòng thì một tô bún tôm hay bún hải sản cũng có thể làm ấm lòng ngay cả những thực khách khó tính nhất.
Về nguyên liệu tôm, loại tôm mà thường được người dân ở đây lựa chọn khi chế biến món bún tôm đó là tôm sú hoặc tôm giảo. Hai loại tôm này không chỉ luôn tươi ngon mà còn cho một lượng thịt lớn, ngon ngọt hơn so với các loại tôm khác.
Về nước dùng, người ta tạo nên nước dùng món bún tôm bằng sườn hoặc xương ống lợn ninh kĩ, thêm nước được chế biến từ tôm, tạo nên một vị béo ngậy thơm ngon, nức lòng du khách.
Người Hải Phòng không như các vùng khác, đối với các món bún hoặc bánh đa, họ thường dùng chung với các loại rau sống như xà lách, rau thơm, húng, ... được thái nhỏ để ăn cùng. Các món rau này không chỉ cho tô bún một vị thanh đạm mà còn khiến món ăn thêm dậy mùi kích thích tất cả các giác quan của người thưởng thức.
Về cách chế biến món bún tôm, người Hải Phòng có hai cách thức để chế biến món đặc sản này, một cách chế biến truyền thống mà người Hải Phòng chính gốc hay sử dụng còn một cách là sự biến tấu cho món bún tôm thêm màu sắc và thơm ngon hơn.
Với cách chế biến thứ nhất, rất phổ biến, người ta chọn mua nguyên liệu chính là những con tôm từ những chợ hải sản lớn nhất của Hải Phòng. Tôm được chọn phải còn sống, tươi ngon, đầy đặn. Sau đó, nó được rửa sạch rồi luộc lên để lấy nước dùng. Xương ống của lợn được chọn từ chợ, ninh thật kĩ trong khoảng thời gian đủ lâu để nước có đủ vị ngọt, béo và thơm. Sau đó, ta trộn hai loại nước này, nêm nếm cho vừa miệng là đã có được nước dùng món bún tôm đặc sản rồi.
Tôm sau khi luộc lên lấy nước thì được vớt ra, để ráo sau đó bóc vỏ cho thật sạch. Có một lưu ý nhỏ khi bóc vỏ tôm đó là phải để tôm thật nguội, khi bóc vỏ mới không làm trầy thịt tôm, không bị nát thịt tôm. Bóc xong vỏ, ta bỏ thịt tôm ra bát rồi phi hành khô thật vàng, cho thịt tôm đã bóc vỏ vào đảo, cho thêm một chút nước mắm để tôm có thêm mùi thơm. Sau khi thấy thịt tôm săn lại, rắn chắc vàng đều thì tắt bếp rồi đổ ra bát.
Bún được mua về, chần qua nước nóng rồi múc ra bát, bày biện tôm lên phía trên, thêm một chút rau răm, thì là, hành lá nữa, múc thêm một bát nước dùng còn đang nóng hổi rưới thật đều lên bát bún. Vậy là ta đã có được một tô bún tôm đặc sản đậm chất của người Hải Phòng rồi. Ăn kèm cùng với một phần rau sống đã được thái nhỏ, thì thật đúng là tuyệt vời, đặc biệt là trong một ngày mùa đông lạnh giá.
Cách chế biến này khá đơn giản, được nhiều người Hải Phòng chọn lựa làm cách chế biến món bún tôm ăn trong gia đình. Còn cách chế biến thứ hai là sự biến tấu của cách chế biến thứ nhất, tuy cầu kì, thế nhưng lại mang tới những hương vị độc đáo, riêng biệt cho món bún tôm của người Hải Phòng.
Vẫn với các nguyên liệu chính như cách chế biến đầu, thế nhưng, ở cách chế biến này, người ta còn lựa thêm cà chua, thêm mộc nhĩ, nấm hương, một chút rau cần và thịt ba chỉ. Nước dùng ở cách chế biến thứ hai này cũng công phu và cầu kì hơn cách chế biến trước.
Cũng vẫn là những con tôm tươi ngon, đã được lựa chọn kĩ càng, người ta đem bóc vỏ, bỏ đầu, rút sợi chỉ đen ở thân tôm, còn phần thịt tôm được để riêng ra bát. Sau đó, phần vỏ tôm và đầu tôm được đem đi rang lên thật giòn, bỏ vào cối, giã tầm năm phút rồi đổ một lượng nước vừa phải lọc từ từ và bỏ phần bã đi. Cách lọc này giống với khi chúng ta làm cua trong món bún riêu.
Về phần rau cần, chúng được nhặt sạch, rửa kĩ rồi cắt khúc tầm hai đốt ngón tay. Một chút thịt ba chỉ được thái mỏng, to bản, ướp cùng một chút mắm muối cho đậm đà, mộc nhĩ, nấm hương được ngâm nở, thái nhỏ. Vậy là đã cơ bản xong phần chuẩn bị nguyên liệu, chúng ta cùng bước vào giai đoạn chế biến.
Cũng giống như cách chế biến trước, phần thịt tôm cũng được xào lên cho săn tôm lại thì đổ ra, giữ trong bát tô. Thịt ba chỉ cũng được đảo qua chảo hai ba phút cho chín rồi bỏ thêm nấm hương, mộc nhĩ vào đảo cùng, sau đó cho phần thịt tôm đã đảo vào xào lên cùng. Cà chua được phi hành thơm, đảo cho nhừ rồi cho vào chung với nồi nước ninh xương cùng nước tôm lọc đã được nấu sôi, nêm nếm cho vừa miệng. Cà chua vừa có vị thanh chua, vừa tạo nên màu sắc thật bắt mắt cho món bún tôm. Vậy là đã có được một nồi nước dùng cho món bún tôm ngon rồi!
Rau cần và bún được chần qua nước sôi, để ráo, sau đó được xếp vào tô theo thứ tự bún, rau cần, tôm và thịt ở phía trên, rắc thêm một chút hành lá, rau răm, thì là đã cắt nhỏ, rồi rưới thêm một tô nước dùng thơm ngon là ta đã có một tô bún tôm cực kì đặc sắc rồi.
Phải nói, bún tôm không chỉ đậm đà vị ngon ngọt đặc trưng của xương ninh, mà còn thơm mùi tôm, của thứ hải sản tươi sống cùng với rau và các gia vị khác nữa. Bất cứ ai khi đến Hải Phòng cũng đều luôn mang trong mình niềm yêu thích với các món ăn đặc sản nơi đây mà đặc biệt là món bún tôm này. Một tô bún tôm như là một bức tranh đồng quê đặc sắc với màu đỏ của cà chua, màu xanh của rau và màu vàng cam của những chú tôm thơm ngọt. Về Hải Phòng, người ta không chỉ bắt gặp những quán xá lộng lẫy mà còn bắt gặp những quán ăn đậm chất bình dân với chỉ vài chiếc bàn ghế nhựa kê gọn trên hè phố, một tấm biển treo, chỉ cần thế nhưng cái hương vị thì không đâu có thể sánh bằng.
Những người dân Hải Phòng luôn luôn tự hào về nền văn hóa ẩm thực của mình. Mỗi thực khách đến với Hải Phòng đều không thể nào quên được những tô bún tôm, bánh đa cua hay bánh mì cay, ... cùng với tấm lòng tràn đầy thân thiện và yêu mến của người dân nơi đây. Mỗi du khách qua thành phố cảng này đều lưu luyến những nét văn hóa, nét ẩm thực nơi đây mà chẳng muốn trở về.
-----------------------------------HẾT--------------------------------------
Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em về nguồn gốc, cách chế biến cũng như hương vị đặc trưng của món bún tôm Hải Phòng. Khám phá nền ẩm thực độc đáo của Việt Nam và học tốt nội dung văn thuyết minh lớp 8, các em có thể tìm hiểu thêm qua bài: Thuyết minh về món Mỳ Quảng, Thuyết minh về món nem rán, Thuyết minh về món nem chua Thanh Hóa, Thuyết minh về món ăn nem chua Thanh Hoá