Thuyết minh về Hồ Gươm

Đề bài: Thuyết minh về Hồ Gươm

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Thuyết minh về Hồ Gươm


I. Dàn ý Thuyết minh về Hồ Gươm (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về Hồ Gươm

2. Thân bài

* Vị trí địa lí:
- Thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
- Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Hà Nội

* Lịch sử tên gọi: Có nhiều tên gọi khác nhau:
- Hồ Tả Vọng
- Hồ Lục Thủy
- Từ thế kỉ XV hồ được gọi với tên Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) gắn liền với truyền thuyết hoàn gươm của vua Lê Lợi.

* Đặc điểm của hồ:
- Là hồ nước ngọt tự nhiên, trước đây là một phần của sông Hồng.
- Diện tích: 12 héc ta
- Độ sâu trung bình: 1- 1,4 mét
- Chiều dài bờ hồ: 1750 mét

- Quần thể di tích gắn với Hồ Gươm:
+ Tháp Rùa: Biểu tượng của Hồ Gươm, nằm ở mỏm đất giữa hồ, được xây theo phong cách kiến trúc Pháp.
+ Đền Ngọc Sơn: Thờ vị thần Văn Xương và Trần Hưng Đạo
+ Cầu Thê Húc: màu đỏ nổi bật nối bờ hồ với đền Ngọc Sơn, tên cầu mang ý nghĩa “nơi đậu ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm”.
+ Tháp Bút, Đài Nghiên: 2 công trình kiến trúc độc đáo thể hiện truyền thống hiếu học.
- Hệ sinh thái: Sự xuất hiện của Rùa Hồ Gươm đã trở thành biểu tượng cho Hồ và mang nét đẹp về tâm linh của người Việt.

* Ý nghĩa của Hồ Gươm:
- Di tích gắn liền với bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử.
- Mang giá trị tinh thần to lớn
- Là trái tim của thủ đô
- Hiện nay Hồ Gươm trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

3. Kết bài

Cảm nghĩ về Hồ Gươm: Hồ Gươm vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh có giá trị và ý nghĩa tinh thần to lớn đối với mỗi một người dân Hà Nội.
 

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về Hồ Gươm

Mỗi lần về thăm thủ đô Hà Nội, tôi lại muốn đến ngắm nhìn hồ Gươm trước tiên, nó đã tồn tại ở đây hàng mấy trăm năm, nhuốm đủ bụi của thời gian và dòng chảy lịch sử với biết bao đổi dời. Nhưng mặt hồ ấy vẫn thế, sáng trong như một chiếc gương ngọc, nằm tĩnh lặng với vẻ đẹp cổ kính, ngay giữa lòng thủ đô ồn ào, náo nhiệt.

Hồ Gươm là hay còn gọi là Hồ Hoàn Kiếm là một hồ nước ngọt tự nhiên, thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 héc ta, khá nông, độ sâu trung bình khoảng từ 1 đến 1,4 mét, chiều dài bờ hồ ước tính khoảng 1750 mét. Về địa lý, hồ Gươm có nguồn gốc từ một phân lưu của dòng sông Hồng, sau phình to ra và đọng lại ở khu vực trũng của thủ đô và hình thành nên hồ như ngày nay. Đây là điểm liên kết giữa các khu phố cổ bao gồm các phố Hang Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ,… với các khu phố Bảo Khánh, Nhà Thờ, Hàng Bài, Tràng Tiền, do thực dân Pháp quy hoạch từ hàng trăm năm trước.

Hồ Gươm có rất nhiều tên gọi khác nhau, trước kia hồ có tên gọi là hồ Lục Thủy, bởi màu nước xanh như ngọc, tuyệt đẹp. Vào thời vua Lê – chúa Trịnh thì hồ dùng để duyệt quân, luyện binh nên còn có tên gọi là hồ Thủy Quân, hồ Tả Vọng, Hữu Vọng. Tên gọi Hoàn Kiếm bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ 15, gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa Thần. Chuyện xưa kể rằng, trong một lần dạo chơi trên thuyền rồng ở giữa hồ Gươm, bỗng từ đâu xuất hiện một con Rùa lớn, đòi nhà vua hoàn trả lại thanh gươm mà Long Vương đã cho mượn để dẹp tan giặc Minh thuở trước. Lê Lợi bèn rút gươm ra trả, rùa ngậm lấy gươm rồi lặn mất, từ đó hồ còn có tên gọi khác là Hồ Hoàn Kiếm.

Trên hồ còn có rất nhiều các di tích lịch sử, đầu tiên phải kể đến Tháp Rùa, là biểu tượng của hồ Gươm, mà ai đến tham quan cũng muốn ghé chân một lần. Tháp Rùa nằm trên một mỏm đất nổi lên giữa hồ, được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp, khởi công vào khoảng năm 1884, đến năm 1886 thì hoàn thành. Với lối thiết kế độc đáo, tòa tháp cao bốn tầng tạo nên một cảnh quan đặc sắc ngay giữa lòng hồ, cô tịch, lặng lẽ lại phủ kín rêu phong, chứng minh sự tồn tại vững bền của nó qua bao năm tháng, là nhân chứng lịch sử đắt giá.

Hướng mắt sang phía Bắc là đền Ngọc Sơn, trước đây vốn có tên gọi là Tượng Nhĩ nhưng sang đến thời Trần thì được đổi lại. Đền chủ thờ vị thần Văn Xương chuyên cai quản việc khoa cử và Trần Hưng Đạo. Ngay phía trước đền là cây cầu Thê Húc uốn cong, với lớp sơn son đỏ rực rỡ dưới ánh mặt trời, được danh sĩ Nguyễn Văn Siêu cho xây dựng vào năm 1886, tên cầu có ý nghĩa là “nơi đậu ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm”. Sự kết hợp độc đáo của đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đã đem lại vẻ đẹp chan hòa, đậm chất cổ kính, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên tươi đẹp.

Quay sang nhìn về hướng Đông Bắc ta thấy Tháp Bút đang sừng sững đứng, như muốn vẽ vài nét bút lên nền trời xanh thẳm. Tháp gồn có 5 tầng, đỉnh tháp là hình ngọn bút đang chỉ lên trời, phần thân bút được chạm khắc ba chữ lớn “Tả Thanh Thiên”. Đi liền với Tháp Bút chính là Đài Nghiên, hai công trình kiến trúc độc đáo này đều được xây dựng vào năm 1865, tạo nên một vẻ đẹp hài hòa lại đậm chất nhân văn, thể hiện tinh thần hiếu học của nhân dân Việt Nam ta.

Ngoài những công trình kiến trúc lịch sử đã kể trên hồ Gươm còn gắn với các công trình kiến trúc khác như: Tháp Hòa Phong ở hướng Đông, hay đền Bà Kiệu ở hướng Đông Bắc (thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, Đệ nhị Ngọc nữ và Đệ tam Ngọc nữ), Thủy Tạ và đền thờ vua Lê,…

Hệ sinh thái của hồ không có gì đặc biệt, nhưng đáng nhắc đến nhất là Rùa Hồ Gươm, ban đầu có tất cả bốn con, tuy nhiên đều đã qua đời hết, con rùa cuối cùng vào năm 2011, được đưa lên để chạy chữa những vết thương lở loét khắp người, nhưng đến đầu năm 2016 thì “cụ Rùa” cuối cùng cũng lìa đời. Đây đều là hệ quả của việc một số bộ phận người dân vô ý thức, xả rác xuống lòng hồ làm ô nhiễm nguồn nước, cộng với nạn săn bắt trộm Rùa.

Hồ Gươm có một ý nghĩa vô cùng quan trọng với người dân thủ đô, nơi đây không chỉ là nơi thưởng thức phong cảnh hữu tình mà còn là di tích đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử đổi dời vận mệnh của dân tộc. Hồ mang một giá trị văn hóa tinh thần vô cùng to lớn, in hằn trong ký ức của người dân Hà Nội, nhắc đến Hà Nội ai cũng nhớ đến Hồ Gươm yên bình với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn đậm nét cổ kính. Chẳng thế mà người ta lại ví rằng hồ Gươm là trái tim xinh đẹp của thủ đô Hà Nội. Hiện nay hồ Gươm đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn ngay giữa lòng Hà Nội, thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, xung quanh bờ hồ cũng là nơi dạo mát lý tưởng cho các thế hệ từ già đến trẻ.

Tuy không phải là hồ lớn duy nhất ở thủ đô nhưng với những nét đặc trưng về lịch sử và vẻ đẹp cổ điển nhuốm màu thời gian, hồ Hoàn Kiếm đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca và nhạc họa. Hồ Gươm vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh có giá trị và ý nghĩa tinh thần to lớn đối với mỗi một người dân Hà Nội, là điểm nhấn bình lặng giữa thủ đô ồn ào, vội vã. Nếu bạn có cơ hội hãy một lần đến với Hà Nội, đến với hồ Gươm để được tự mình cảm nhận hết vẻ đẹp độc đáo, nhiều dấu ấn xưa cũ này nhé.

--------------------HẾT--------------------

Để có thêm hiểu biết về các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam đồng thời nâng cao kĩ năng viết văn thuyết minh, bên cạnh bài Thuyết minh về Hồ Gươm trên đây, các em có thể tham khảo thêm những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Thuyết minh về Quảng trường Ba Đình, Thuyết minh về di tích lịch sử ngục Kon Tum, Thuyết minh về chùa Một Cột, Thuyết minh về chùa Yên Tử.


Trong nội dung bài viết thuyết minh về Hồ Gươm này, người viết đã vận dụng vốn hiểu biết phong phú, sâu rộng của bản thân để giới thiệu những kiến thức hết sức thú vị và bổ ích đến với người đọc về Hồ Gươm, một biểu tượng văn hóa độc đáo của thủ đô Hà Nội nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung
Em hãy đóng vai Lê Lợi kể lại truyện sự tích Hồ Gươm
Phát biểu cảm nghĩ về truyện Sự tích Hồ Gươm
Phân tích truyền thuyết Sự tích hồ Gươm
Trong vai Rùa Vàng, hãy kể lại câu chuyện Sự tích Hồ Gươm
Dàn ý phân tích truyền thuyết Sự tích hồ Gươm
Hình ảnh Hồ Tây đẹp, lãng mạn, bình yên

ĐỌC NHIỀU