Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Đề bài: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3
5. Bài mẫu số 4
6. Bài mẫu số 5
7. Phân tích những câu Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
8. Phân tích bài ca dao Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
9. Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

5 bài văn mẫu Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

 

1. Bài mẫu số 1: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân (Chuẩn)

Những câu ca dao là khúc hát ân tình, du dương, trầm bổng của nhân dân ta từ ngàn đời nay. Trong những câu ca nhẹ nhàng, bình dị ấy chất chứa biết bao tình cảm, bao nỗi niềm của nhân dân. Và trong những câu ca ấy, đặc biệt là qua những bài ca dao than thân chúng ta dễ dàng nhận thấy và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. 

Trước hết, qua những bài ca dao than thân, người phụ nữ trong xã hội xưa hiện lên với thân phận bé nhỏ, hẩm hiu, nổi trôi, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Chắc hẳn, khi nhắc đến đây, chúng ta sẽ không thể nào quên hình ảnh người phụ nữ hiện lên qua những câu ca, bài ca bắt đầu từ cụm từ “thân em”.

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Hay:

“Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày”

Bài ca dao bắt đầu bằng cụm từ “thân em” gợi lên biết bao nỗi niềm của người phụ nữ. Cụm từ ấy vừa thể hiện sự khiêm nhường của người phụ nữ nhưng có lẽ hơn hết đó chính là sự tự ý thức, sự nhận thức rõ ràng của họ về sự nhỏ nhoi, thấp kém của mình trong xã hội lúc bấy giờ. Thêm vào đó, “thân em” lại được so sánh với những vật nhỏ bé, mỏng manh, là “tấm lụa đào”, “hạt mưa sa”.  Đồng thời, hình ảnh của tấm lụa đào và giọt mưa sa lại đi liền cùng các động từ “phất phơ”, “vào” - “ra” càng nhấn mạnh sự lệ thuộc, long đong, lận đận, trôi nổi, vô định, những người phụ nữ ấy rồi không biết sẽ đi về đâu của người phụ nữ. 

Bài văn Cảm nhận về Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Cùng với đó, sự lệ thuộc, số phận nổi trôi của người phụ nữ còn được thể hiện rõ nét qua bài ca dao:

“Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi”

Ở bài ca dao này, hình ảnh người phụ nữ được so sánh với “chổi đầu hè” - một loại chổi không chỉ xấu về hình thức mà nó còn được dùng để quét dọn ngoài đường. So sánh người phụ nữ với “chổi đầu hè” đã gợi lên sự rẻ rúng của họ nhưng tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở đó, nhân dân ta đã cho thấy người phụ nữ bị những người đàn ông chà đạp, khinh thường và rồi số phận họ lại không biết trôi dạt về nơi đâu. Điều đó đã được thể hiện chân thực và rõ nét qua hàng loạt các hình ảnh “chùi chân”, “vứt ra sân”,...

Không chỉ có số phận lênh đênh, rẻ rúng, sống phụ thuộc vào người khác mà người phụ nữ xưa còn phải gánh chịu bi kịch của tình yêu khi họ không được làm chủ, không được quyền quyết định tình yêu, hạnh phúc của chính mình. 

“Mẹ em tham thúng xôi rền
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.”

Có thể dễ dàng nhận thấy, người phụ nữ trong bài ca dao trên cũng như số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa đó chính là họ bị ép cưới theo quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Những người phụ nữ ấy không có quyền lên tiếng, không có quyền quyết định cho tình yêu của bạn thân mình, họ buộc phải nghe theo sự sắp xếp của gia đình và để rồi đến cuối cùng chịu biết bao đau đớn, tủi nhục, bao nỗi cô đơn.

Đồng thời, bi kịch tình yêu, hôn nhân của những người phụ nữ còn thể hiện ở nỗi cô đơn, niềm nhớ nhà và nhiều khi đó còn là sự căm phẫn, đau đớn vì bị phản bội, vì cảnh lấy chồng chung.

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”

“Thân em đi lấy chồng chung
Khác nào như cái bung xung chui đầu”

Tóm lại, qua những bài ca dao nói chung, ca dao than thân nói riêng đã thêm một lần nữa giúp chúng ta nhận thấy và cảm nhận sâu sắc hơn về thân phận, tình cảnh của những người phụ nữ trong xã hội xưa.

---------------------HẾT BÀI 1---------------------

Nhằm bày tỏ rõ hơn về hình ảnh người phụ nữ, các em có thể tìm hiểu Cảm nhận về số phận người phụ nữ qua những câu hát than thân yêu thương tình nghĩa hay nội dung Cảm nhận về câu ca dao: "Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" hàm ý nói đến số phận trôi nổi của người phụ nữ năm xưa.

 

2. Bài mẫu số 2: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia đình, quê hương, đất nước... không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.

Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông được coi trọng, được quyền "năm thê bảy thiếp", được nắm quyền hành trong xã hội, trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối. Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.

"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Tiếng nói đầy mặc cảm, cay đắng. Người phụ nữ ví mình như một tấm lụa được người ta bày bán giữa chợ. Thân phận họ cũng chỉ là vật giữa chợ đời bao người mua. Thân phận họ bé nhỏ và đáng thương quá đỗi. Hai từ "thân em" cất lên sao xót xa, tội nghiệp. Xã hội lúc bấy giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:

"Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu"

Phân tích Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Không một lối thoát nào mở ra trước mắt, họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh "Tấm lụa đào", hay "con cá rô thia" trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đây nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tạc, quan niệm phong kiến bao đời hà khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:

"Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa
Em với anh cũng muốn kết nghĩa giao hòa
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,
Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,
Sợ rằng mây bạc giữa trời mau tan"...

Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm mình và cất lên tiếng than cay đắng.

"Thân em như miếng cau khô
Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày"

Câu ca dao nào cũng đầy ai oán, số phận nào cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm lũi, chua cay.

"Năm nay em đi làm dâu
Thân khác gì trâu mang theo ách
Năm nay em đi làm vợ
Thân mang cày, dây khiến không biết ai?
Em đi làm dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm."

Người con gái trong bài ca dao H'mông này đang than thân trách phận mình khi "xuất giá tòng phu''. Họ lấy chồng, không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con vật suốt đời "theo ách" như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:

"Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra"
Có khi họ bị chồng đánh đập:

"Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai"
Có khi bị chồng phụ bạc:

"Nhớ xưa anh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh tham duyên mới anh đành phụ tôi."

Ở lĩnh vực nào người phụ nữ xưa cũng không được quyền hạnh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được tôn trọng... Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.

"Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Không tin bóc vỏ mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi''

Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu gai... thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu, miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết. Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: "Không tin bóc vỏ mà xem, ăn rồi mới biết là em ngọt bùi". Một sự mời mọc ngập ngừng.

Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.

 

3. Bài mẫu số 3: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Ca dao là tiếng hát cất lên từ cõi lòng những người bình dân. Trong đó, có không ít những câu ca thể hiện nỗi lòng của những người phụ nữ. Họ là những người bị coi thường trong chế độ xã hội phụ quyền với tư tưởng"trọng nam khinh nữ". Qua những bài ca dao than thân về thân phận những người phụ nữ trong xã hội cũ, phần nào tôi hiểu được nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng.

Trong xã hội ấy, họ bị tước đi những quyền lợi cơ bản của con người. Họ bị biến thành nô lệ cho những luật lệ, những ràng buộc nghiêm khắc của lễ giáo phong kiến và những quan niệm cổ hủ lạc hậu. Họ không có quyền quyết định số phận mình mà hoàn toàn phụ thuộc vào người khác bởi quy định "tam tòng" quá nghiêm khắc của Nho giáo "Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" (ở nhà theo bố mẹ, lấy chồng nghe lời chồng, chồng chết phụ thuộc con). Điều giàng buộc ấy dẫn theo bao nhiêu bất hạnh của người phụ nữ, vì thế họ cất lên tiếng hát thân thở về thân phận bị động của mình:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào giếng ngọc, hạt ra ruộng cày
Thân em như giếng giữa đàng
Người không rửa mặt, người phàm rửa chân

Họ so sánh "Thân em..." với rất nhiều thứ, thể hiện nhiều bình diện khác nhau song vẫn có một điểm chung là: khẳng định giá trị của bản thân và than về số phận phụ thuộc của mình. Dù là "tấm lụa đào" quý giá hay "giếng giữa đàng" mát trong thì họ vẫn không biết tương lai như thế nào. Những hình ảnh so sánh ấy làm nổi bật thân phận bơ vơ, bất trắc của họ. Họ không thể tự quyết định số phận của mình. May mắn thì được chỗ yên lành hạnh phúc, bất hạnh thì bị rơi vào chốn lao đao và dù trong hoàn cảnh nào họ cũng phải chấp nhận bởi thân "các chậu chim lồng" :

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thủa nào ra

Vì phụ thuộc nên học phải lấy chồng khi còn ít tuổi, người phụ nữ là nạn nhân đau khổ nhất của nạn tảo hôn:

Bướm vàng đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm, lời ru càng buồn

Đọt mù u non nớt đã bị bướm vàng đến đậu và quấy phá. Cũng như người phụ nữ, càng làm vợ sớm thì càng khổ nhiều. Họ gửi nỗi buồn vào lời ru bởi không thể tâm sự cùng ai. Những cô gái bị ép gả khi còn tuổi niên thiếu đã dẫn đến những bi kịch số phận, đã có những câu ca dao tự trào đầy cay đắng xót xa:

Lấy chồng từ thủa mười ba
Đến nay mười tám thiếp đà năm con

hay:

Ra đường thiếp hãy còn son
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng

Vì nạn tảo hôn, vì những hủ tục lạc hậu ấy mà người con gái trong xã hội xuă không được hưởng tuổi thanh xuân. Chưa kịp lớn, chưa kịp hiểu cuộc đời thì họ đã phải gắn cuộc đời mình với con thơ, phải chịu cảnh làm dâu trăm chiều cay đắng. Bao nhiêu gánh nặng cuộc đời đè nặng lên đôi vai gầy guộc của người phụ nữ.

Những bài cảm nhận Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân hay nhất

Quá nhiều bất trắc đón đợi người phụ nữ trên con đường đời, vì thế họ luôn mang trong mình những nỗi lo âu, khắc khoải. Số phận bấp bênh, hạnh phúc mong manh quá đỗi. Có được người yêu thương chân thành đã khó, giữ được người ấy và được sống chung lại càng khó hơn bởi họ đâu có quyền tự lựa chọn hạnh phúc cho mình. Quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" đã tước đi của người con gái quyền được tự lựa chọn hạnh phúc cho mình. Bao nhiêu bất trắc, âu lo về số phận được gửi trong những câu ca dao đầy tâm sự:

Hòn đá đóng rong vì hòn nước chảy
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa
Em thương anh không dám nói ra
Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời
Em với anh cũng muốn kết đôi
Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan

Bao nhiêu giàng buộc, bao nhiêu bất trắc trút lên vai cô gái để cô phải mang trong lòng mình những nỗi lo âu. Thân phận yếu đuối của người phụ nữ trong xã hội xưa đã được thể hiện trong rất nhiều câu ca dao ca dao như thế. Thân phận con cò, con vạc lầm lũi, gầy guộc, vất vả kiếm sống, số phận lênh đênh đã trở thành một biểu tượng quen thuộc trong dân ca ca dao để chỉ người phụ nữ. Điều đó cho ta thấy, trong xã hội cũ, khi con người chưa có sự bình đẳng giới thì người phụ nữ phải chịu thiệt thòi như thế nào.

Ngày nay, xã hội đã tiến bộ, nam nữ đã bình quyền, người phụ nữ đã được sống hạnh phúc hơn. Mặc dù không thể có sự bình đẳng tuyệt đối, nhưng người phụ nữ ngày nay đã được xã hội quan tâm đúng mực. Họ đã được phát huy hết khả năng của mình, được chủ động quyết định số phận của mình. Tuy đây đó còn nhiều bất công, người phụ nữ còn chịu thiệt thòi, song so với người phụ nữ thời xưa thì xã hội đã tiến một bước rất dài. Chúng ta sẽ loại bỏ dần những quan niệm lạc hậu, không phù hợp để người phụ nữ được quyền sống hạnh phúc, để những lời ca dao than thân được thay thế bằng những khúc ca vui.

 

4. Bài mẫu số 4: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Hình ảnh người phụ nữ và thân phận long đong như thân cò mò mẫn xuất hiện rất nhiều trong thơ văn, đặc biệt trong ca dao dân ca Việt Nam thì hình ảnh này lại được tác giả dân gian lựa chọn đặc tả rất hay và những câu ca ấy luôn đi cùng năm tháng.

Đặc biệt người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa là những người phải chịu nhiều thiệt thòi, áp bức bóc lột của giai cấp cường quyền, thậm chí cuộc đời họ vướng vào nhiều chông gai, sóng gió. Người phụ nữ mang vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng với tâm hồn và tình yêu trong sáng nhưng họ luôn bị các thế lực tàn bạo vùi dập một cách không thương tiếc. Sự bất công dưới chế độ không kiến càng được hiện hữu rõ khi theo tư tưởng "trọng nam khinh nữ", họ chỉ coi phụ nữ như tầng lớp cuối của xã hội không có chỗ để họ vực dậy đấu tranh.

Người phụ nữ xưa không được làm chủ chính cuộc sống của mình, phải thuận theo những khuôn phép chật hẹp trói buộc cuộc đời họ trong những khung sắt giam giữ tâm hồn họ không có gì gọi là cho riêng mình. Đặc biệt khi xã hội phong kiến rất coi trọng "tam tòng, tứ đức" thì đã biến cuộc đời mỗi phụ nữ khi được sinh ra là phải luôn sống hy sinh cho người khác, sống vì người khác không phải cho mình. Chúng ta có thể thấy được trong thơ Hồ Xuân Hương hình ảnh người phụ nữ là chủ để chính cốt lõi luôn được bà nhắc đến và để dành một khoảng trống viết về từng cuộc đời thân phận của họ.

Bài Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân tuyển chọn

Lời thơ giống như lời bộc bạch cho chính thân phận tác giả và lời kêu vang muốn bảo vệ cho phụ nữ nói chung:

"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son..."

Người phụ nữ xưa có nhan sắc, phẩm hạnh nhưng quả thực đúng như câu nói cho các bậc thi nhân nói về số phận của người phụ nữ "tài hoa bạc mệnh" dù họ đẹp nhưng vẫn phải chịu một cuộc đời trôi nổi đầy sóng gió. Như những chiếc bánh trôi "bảy nổi ba chìm với nước non", tác giả Hồ Xuân Hương rất tinh tế khi mượn hai từ "nổi", "chìm" để nói lên được rõ nhất số phận những người con gái tài hoa cứ chìm, nổi không biết dạt về chốn nào.

"Thân em như tấm lụa đào,
phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Đây cũng là một câu ca dao đã nói lên được hết số phận trôi nổi, "phất phơ" giữa cuộc đời không chốn nương tựa. Người phụ nữ giống như "tấm lụa đào" tuy đẹp tuy thướt tha nhưng dường như không có giá trị cứ mặc ngang giữa đường đời không ai hay.

Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam còn rất nhiều những câu thơ hay về chủ đề quen thuộc này, những câu ca dao than thân, trách phận:

- "Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày"

- "Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân
Chùi rồi lại vứt ra sân
Gọi người hàng xóm có chân thì chùi"

Nỗi khổ của người phụ nữ không chỉ về vật chất "ngày ngày hai buổi trèo non", "ngày thì dãi nắng đêm thì dầm sương" mà nỗi khổ lớn nhất chính là những chịu đựng cay đắng về tinh thần, họ chỉ được ví với "hạy mưa sa", "chổi đầu hè"...Ta có thể cảm nhận được bao nỗi xót xa của người phụ nữ khi cất lên những lời ca ấy. Họ hiểu được thân phận mình cả đời họ chỉ lầm lũi giống thân cò thân vạc, cam chịu trong sự đau khổ, nhọc nhằn. Và dường như sự bất hạnh ấy của người phụ nữ trong xã hội xưa là một hằng số chung.

Đến khi đi lấy chồng, người phụ nữ còn chịu thêm trăm điều cay cực. Quan niệm "xuất giá tòng phu", "lấy chồng làm ma nhà chồng" đã khiến bao người phụ nữ xưa phải ngậm ngùi nuốt đăng cay, đặc biệt khi lấy chồng xa quế nỗi nhớ khôn nguôi khi đứng ngóng trông về quê mẹ:

- "Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò"

- "Chiều chiều ra đứng ngõ sau
trông về quê mẹ ruột đau chín chiều"

- "Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần"

Trong xã hội xưa thì khi về làm dâu phải thuận theo nhà chồng, phải chịu những cảnh cực khổ, những khuôn phép ràng buộc, giữ ý tứ khiến người phụ nữ bị bó buộc.

Đã phải chịu nhiều cay đắng tủi cực, họ đều nhẫn nhịn cam chịu, nhưng những người phụ nữ đã vùng lên đứng dậy phản kháng bởi áp lực quá lớn lên đôi vai gầy để đến khi họ không thể chịu được. Đặc biệt số phận người phụ nữ càng trở nên bi kịch khi chịu cảnh chồng chung. Xã hội phong kiến cho phép "trai quân tử năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng" đây là điều bất công mà bao đời nay vẫn còn tiếp diễn. Những người chịu nhiều thua thiệt họ cần được cảm thông, chia sẻ:

- "Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy đi cày chị chẳng kể công
Tối tối chị giữ mất chồng
Chị cho manh chiếu, nằm không chuồng bò
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống, gà o o gáy dồn
Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn
Để tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con"

- "Thân em làm lẽ chẳng nề
Có như chính thất, ngồi lê giữa đường"

Mặc dù phải chịu những đau thương như vậy nhưng tâm hồn họ vẫn trong sáng, người phụ nữ vẫn luôn có khao khát được hưởng một hạnh phúc trọn vẹn, vẫn ước mơ có tình yêu đẹp:

"Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi"

Chỉ là những lời ca ngắn ngủi nhưng vô cùng cô đọng, đó là những lời than thân những lời thổ lộ hết nỗi lòng của người phụ nữ xưa. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì vẻ đẹp của người phụ nữ cũng không bị vùi lấp. Hình ảnh đó vẫn luôn là chủ đề được các nhà văn, nhà thơ lựa chọn trong sáng tác của mình.

 

5. Bài mẫu số 5: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Có thể khẳng định rằng lịch sử văn học của một dân tộc là lịch sử tâm hồn của dân tộc đó. Những câu ca điệu hát từ thời xa xưa đã giúp những người lao động bình dân gửi gắm biết bao nỗi niềm tâm tư sâu kín. Và trong thế giới tâm hồn đầy sắc màu đó, lắng sâu hơn cả vẫn là những vần thơ về hình ảnh người phụ nữ. Họ được đề cập đến ở nhiều phương diện, khía cạnh khác nhau nhưng có thể thấy rằng xuất hiện với tần suất khá cao là những câu ca dao than thân, đặc biệt là những câu ca ngắn gọn mở đầu bằng hai chữ "Thân em":

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.
Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt người phàm rửa chân.
Thân em như trái bần trôi
Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu.

Hai tiếng "thân em" cất lên thật ngậm ngùi, xót xa gợi lên những thân phận nhỏ bé, hẩm hiu của những người phụ nữ ngày xưa dưới thời phong kiến. Chế độ xã hội phong kiến phụ quyền tồn tại hàng trăm năm với những quan niệm bất công, khắt khe với người phụ nữ: "Tại gia tòng phụ , xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" - một thân phận hoàn toàn bị phụ thuộc. Họ còn bị xem thường, xem như không tồn tại: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô; nam tôn nữ ty....tất cả đã trói buộc cuộc đời họ. Nhưng nỗi khổ, nỗi lo lắng băn khoăn nhất là nỗi lo về thân phận mong manh, nổi nênh bị phụ thuộc:

Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?

Câu hỏi vang lên đầy lo lắng, băn khoăn day dứt. Quãng đời thanh xuân của người thiếu nữ là quãng đời đẹp nhất, ngọt ngào nhất như tấm lụa đào vậy mà họ lại phải cất lên lời than đầy xót xa, ngậm ngùi "biết vào tay ai ? ". Dẫu rằng, họ cũng ý thức được giá trị của bản thân mình - một tấm lụa đào mềm mại, óng ả duyên dáng đẹp từ trong ra ngoài vậy mà lại "phất phơ giữa chợ". Ở chợ, tấm lụa đào trở thành đối tượng để mọi người khen chê, mặc cả và sẽ trở thành sở hữu của bất kì ai muốn mua, những người có tiền dù họ tốt hay xấu. Nó không có quyền lựa chọn hay định đoạt số phận của mình. Câu hỏi cất lên khiến chúng ta mỗi khi đọc lại cũng không khỏi xót xa ngậm ngùi. Cuộc sống thân phận của họ hoàn toàn phụ thuộc vào người sử dụng: nếu là "giếng giữa đàng" thì "người khôn rửa mặt người phàm rửa chân.", là "miếng cau khô" thì "kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày"....

Trong cái xã hội bất công ấy có biết bao nỗi khổ mà người phụ nữ phải chịu đựng, từ nỗi khổ về vật chất, tinh thần, về sự áp bức. Họ chưa bao giờ được tự chủ, tự quyết định bất cứ việc gì kể cả hạnh phúc của bản thân:

Mẹ em thấy của thời tham
Hang hùm cứ tưởng hang vàng ép con
Nói ra thẹn với nước non
Ngậm vào cay đắng lòng con đêm ngày.

Bị ép duyên, không hạnh phúc dường như là mẫu số chung của những cô gái thời xưa, thế nên vẫn còn đó lời ca buồn:

Bướm vàng đậu dọt mù u
Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn.

Thân phận người phụ nữ xưa là thế: mỏng manh, phụ thuộc, không biết trôi về đâu giữa dòng đời trong đục. Chính vì thế, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã tiếp nối mạch cảm xúc của văn học dân gian để khắc họa rõ nét hơn qua một tiếng thơ đầy bản sắc:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Dù cuộc đời có nổi trôi, có bảy nổi ba chìm họ cũng không hoàn toàn tự đánh mất mình, buông xuôi theo số phận. Họ vẫn giữ một "tấm lòng son" đầy kiêu hãnh, giữ được vẻ đẹp rực rỡ của tâm hồn, phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam.

Những điệu khúc ca dao của những người lao động bình dân đã đem đến cho chúng ta một cái nhìn toàn diện về họ và những bài học quý giá về cuộc sống, về con người để biết quý trọng những giá trị của ngày hôm nay.Văn học nghệ thuật ngày nay vẫn tiếp tục lưu giữ những vẻ đẹp của người phụ nữ trong một phương diện mới, khía cạnh mới. Và xã hội ngày nay đã tạo mọi điều kiện để phụ nữ thể hiện mình và hơn hết họ còn được xã hội tôn vinh qua các ngày lễ dành riêng cho phái nữ. Chúng ta hãy dần loại bỏ những quan niệm lạc hậu để những lời ca dao than thân xưa được thay thế bằng những khúc ca vui ngợi ca về người phụ nữ. Xin mượn lời nhà thơ Xuân Quỳnh để thêm một lần nữa khẳng định giá trị và vai trò của người phụ nữ trong xã hội:

Một buổi sớm mai trớm bước chân mình trên cát
Người mẹ cho ra đời những Phù đổng thiên vương
Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng
Là bác học hay là ai đi nữa
Cũng là con của một người phụ nữ
Người đàn bà bình thường không ai biết tuổi tên.

------------------HẾT----------------

Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, bên cạnh Những câu ca dao than thân yêu thương tình nghĩa, các em còn được học nhiều thể loại tiêu biểu khác của văn học dân gian như: ca dao hài hước, truyện cười, tục ngữ, truyện cổ tích. Để củng cố kiến thức về những thể loại này, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích ca dao hài hước, Phân tích truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày, Phân tích truyện Tấm Cám, Phân tích tiếng cười trong truyện Tam đại con gà

Qua những câu ca dao than thân, cuộc sống và số phận của những người phụ nữ phong kiến được hiện lên vô cùng rõ nét. Các em hãy cùng tham khảo phân tích những câu ca dao than thân để thấy được thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân sẽ giúp các em có những cảm nhận sâu sắc về hình tượng người phụ nữ qua những bài ca dao quen thuộc.
Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa
Phân tích một số bài ca dao để làm nổi bật số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa
Dàn ý cảm nhận về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
Phân tích bài ca dao Thương thay thân phận con tằm
Giới thiệu chùm ca dao than thân
Dàn ý phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai...

ĐỌC NHIỀU