Tả cây bàng vào mùa đông

Đề bài: Tả cây bàng vào mùa đông

Mục lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

Tả cây bàng vào mùa đông


I. Dàn ý Tả cây bàng vào mùa đông (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về cây bàng mà em định tả (Em nhìn thấy cây bàng vào mùa đông ở đâu?)

2. Thân bài

a. Tả khái quát về cây bàng vào mùa đông:
- Hình dáng: thân cao tán rộng xòe ra như một chiếc ô khổng lồ
- Cây bàng khẳng khiu, trơ trụi

b. Tả chi tiết các bộ phận của cây bàng:
- Thân cây màu nâu sẫm, xù xì và nứt nẻ
- Rễ cây trồi lên trên mặt đất
- Lá cây đã rụng đỏ dưới gốc, trên cây không còn sót lại một chiếc lá nào
- Các cành khẳng khiu nhìn rõ rừng cành to nhỏ đan xen nhau

c. Vẻ đẹp của cây bàng vào mùa đông:
- Dáng vẻ trơ trụi, co ro trong mùa đông giá rét của cây bàng
- Sự hy sinh, chịu đựng của cây bàng chờ cho mùa xuân đến để những chồi non nảy lộc

3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ của em về cây bàng vào mùa đông


II. Bài văn mẫu Tả cây bàng vào mùa đông


1. Tả cây bàng vào mùa đông, mẫu 1 (Chuẩn)

Đứng bơ vơ giữa cánh đồng trong mùa đông này chính là cây bàng cô đơn. Mùa đông những ruộng lúa cũng chẳng còn một bóng cây chỉ toàn là đất cày nứt nẻ. Có thể cây bàng sẽ đỡ cô đơn hơn nếu chúng có những chiếc lá để trò chuyện, tiếc là lá đã rụng hết từ mùa thu.

Em nhớ những chiều mùa hè đi chăn thả bò trên cánh đồng, gốc cây bàng này là nơi đáng quý nhất, mọi người ai đi làm đồng đều ngồi nghỉ trốn nắng dưới gốc bàng, đám con trai đi chăn bò thả diều cũng chơi đủ trò bắn bi, pháo đất và đánh khăng ở đây, lúc đó cây bàng mới nhộn nhịp và náo nhiệt làm sao. Đến mùa đông, chiếc lá cuối cùng cũng rời khỏi thân cây, cây bàng trở nên khẳng khiu, trơ trọi như không còn sự sống.

Thân cây bàng to bằng cả một vòng ôm của em, bên trên nó tỏa ra các cành vươn ra xung quanh tạo ra một cái ô đặc biệt. Từ những cành vươn ra đó lại có những cành mọc thẳng, nhìn lâu mới thấy cây bàng mọc cành cũng phải theo quy tắc. Mùa đông, lớp vỏ của cây bàng dày hơn, cứng hơn và cũng thô ráp hơn, nó không mỡ màng như các mùa khác, có lẽ vỏ cây trở nên cứng cáp hơn để giúp cây chịu đựng cái giá rét của mùa đông. Nhìn bên ngoài ta thấy cây bàng dường như đang ngủ đông nhưng thực ra bên trong nó mọi quá trình của sự sống vẫn luôn tuần hoàn tiếp diễn, gốc rễ vẫn hàng ngày hút dinh dưỡng nuôi thân, thân to nuôi cành lớn, cành lớn nuôi cành nhỏ, tất cả đều no đủ. Cây bàng còn chuẩn bị cho mình một cuộc trỗi dậy vào mùa xuân rất kỹ càng, một khi đội quân chồi non đã thức dậy thì việc phủ xanh màu lá cho cây bàng chỉ trong vài ngày.

Cây bàng mang một dáng vẻ lạ lùng nhưng cũng rất đặc trưng vào mùa đông. Dáng vẻ khẳng khiu, trơ trọi nhưng nuôi dưỡng sức sống mạnh mẽ bên trong của cây bàng vào mùa đông khiến nó trở nên khác biệt với tất cả các loài cây khác. Đây cũng là lí do em yêu thích cây bàng hơn cả, đó không chỉ là loài cây gắn liền với những kí ức tuổi thơ mà nó còn là biểu tượng cho sức sống mạnh mẽ của tự nhiên.
 

2. Tả cây bàng vào mùa đông, mẫu 2 (Chuẩn)

Mùa đông đến rồi, trong khi các loài cây khác có lớp áo lá che chắn bao bọc thì cây bàng lại trơ trụi, khẳng khiu và lạnh lẽo một mình giữa sân trường. Hình ảnh cây bàng trơ trụi lá vào mùa đông đã trở nên quen thuộc với mỗi người học sinh chúng em.

Ngôi trường cấp hai em đang theo học trồng rất nhiều cây bàng trong sân trường. Cây bàng nào cũng rất to lớn nên che rợm bóng mát cho cả góc sân trường. Cây bàng mang một vẻ đẹp khác biệt hơn hẳn so với những loài cây khác, lá bàng to và thường chuyển màu đỏ khi sang thu, hoa bàng nhỏ li ti và thường mọc thành chùm. Cây bàng trở nên đặc biệt nhất là vào mùa đông, vì khi ấy cây bàng sẽ rụng hết lá, thân cây bàng trơ trụi khác hẳn với dáng vẻ vốn có của nó. Dù là đầu mùa đông hay cuối mùa đông thì cây bàng vẫn giữ nguyên một vẻ, đó là dáng vẻ khẳng khiu, trơ trụi. Những hôm có mưa là thân cây ướt hết thảy từ cành nhỏ đến tận gốc rễ không đâu thoát khỏi ướt, có khi nước còn chảy thành dòng trên thân cây xuống gốc.

Những chiếc lá bàng rụng dưới gốc đã khô dần, mỗi khi có cơn gió thổi qua lá bàng lại xào xạc trên sân trường. Nhìn cây bàng như đang khẳng khiu, xơ xác như mất dần sự sống, thế nhưng bên trong nó lại nuôi dưỡng một sức sống vô cùng mạnh mẽ. Những chiếc lá rụng xuống vào mùa đông để ấp ủ những mầm sống mới bên trong, sẵn sàng bung nở tươi tốt vào mùa xuân.

Em luôn thấy cây bàng mạnh mẽ hơn cả, mặc dù một thân một mình giữa mùa đông giá lạnh nhưng nó vẫn lạc quan và trở lại với vẻ xanh non mơn mởn vào mùa xuân.


3. Tả cây bàng vào mùa đông, mẫu 3 (Chuẩn)

Cây bàng là loại cây cho bóng mát được trồng rất phổ biến ở khắp các vùng miền, đặc biệt là trong các trường học, chính vì thế đối với những người học sinh, cây bàng đã quá quen thuộc. Em rất thích quan sát sự thay đổi của cây bàng khi vào mùa đông, vì khi ấy những chiếc lá dần rụng xuống, cây bàng khẳng khiu, trơ trọi nhưng vẫn mang một vẻ đẹp lạ kì.

Trong khuôn viên trường em trồng nhiều cây bàng, mỗi cây được trồng trong bồn cao hơn mặt đất khoảng 50 xăng ti mét, từ đó chúng đâm rễ xuống sâu bên dưới. Mùa thu học sinh chúng em có rất nhiều trò vui dưới gốc cây bàng như: ngắm lá đỏ lá vàng, nhặt lá rơi, chọn lá đẹp, hái quả, đập quả lấy hạt ăn... Nhưng đến mùa đông, hoạt động vui chơi dưới tán bàng trở nên vắng vẻ hơn hẳn bởi khi ấy cây bàng khẳng khiu, xơ xác như không còn sự sống.

Thân cây bàng mùa đông chịu những cơn gió bấc thổi trực tiếp chẳng có lá che chắn lộ ra vẻ khô xác nứt nẻ, những mảng thân cây nứt toác ra xù xì. Lại thêm những cành con mỗi lần gió to lại tự đập vào nhau nghe rõ tiếng "cạch cạch". Mất lá rồi cây bàng dường như ôm nỗi buồn, nỗi nhớ rơi vào trầm tư, nhìn các cây khác đung đưa ve vẩy đám lá mà nó thì chỉ biết đứng im trơ trọi. Mùa hè nắng to thì học sinh chỉ chọn cây bàng để ngồi dưới gốc cho râm vì lá bàng to che kín nắng, đến mùa đông khi có mưa phùn thì chẳng ai còn ngồi dưới gốc bàng, những cành cây khẳng khiu của nó không thể đan nhau để che mưa nữa, nó càng vươn ra chỉ càng bị giá lạnh buốt thêm.

Cây bàng vào mùa đông im ắng và lặng lẽ thế thôi nhưng ẩn dưới lớp vỏ cây kia là những sức sống âm thầm, những chồi non ấy chỉ cần một tia nắng mùa xuân chiếu đến sẽ ngay lập tức vùng dậy khỏi lớp vỏ áo choàng kia mà vươn lên, lúc đó cây bàng lại xanh non mơn mởn.

Em yêu cây bàng chính bởi cái vẻ đẹp phía sau hình ảnh một cái cây trơ trụi vào mùa đông. Cây bàng vẫn luôn khiến người ta phải chờ đợi, chờ được ngắm mầm xanh của nó phải chờ hết cả một mùa đông.

--------------------HẾT------------------------

Tả cây cối là chủ đề quan trọng trong văn miêu tả lớp 4. Để rèn luyện kĩ năng viết bài, bên cạnh bài Tả cây bàng vào mùa đông trên đây, các em có thể tham khảo và luyện tập thêm với những đề bài khác như: Tả cây xà cừ, Tả cây vải quê em, Tả cây hoa mười giờ, Tả cây táo trong vườn nhà em.

Mùa thu là mùa rụng lá của nhiều loại cây trong đó có cây bàng, chính vì thế sang đến mùa đông cây bàng sẽ mang một vẻ đẹp hoàn toàn khác lạ. Những bài văn Tả cây bàng vào mùa đông sẽ cùng các em khám phá về diện mạo độc đáo, ấn tượng của cây bàng khi đông về nhé.
Viết đoạn văn ngắn tả lá bàng
Dàn ý Tả cây bàng
Viết đoạn văn ngắn tả thân bàng
Dàn ý tả một cây bàng đang đổi lá giữa mùa thu
Bài văn tả cây bàng
Tả cây phượng vĩ và tiếng ve vào mùa hè

ĐỌC NHIỀU