A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
I. Tác giả
1. Cuộc đời
- Uy-li-am Sếch-xpia (William Shakespeare, 1564-1616), nhà soạn kịch thiên tài của người Anh và là kịch gia số một của nhân loại. Ông sinh tại Xtrát-phớt, một thị trấn trung tâm nước Anh.
- Thuở nhỏ Sếch-xpia được học hành đàng hoàng nhưng đến năm 14 tuổi, gia đình sa sút, Sếch-xpia phải bỏ học, đi làm phụ giúp gia đình.
- Năm 23 tuổi, Sếch-xpia tới Luân Đôn với niềm đam mê sân khấu. Nhờ không ngừng học hỏi và phấn đấu, từ 1590, Sếch-xpia bắt tay vào sự nghiệp sáng tác. Ông mất ngày 23–4–1616, thi hài an táng tại quê nhà.
2. Sự nghiệp
- Ngoài sáng tác thơ, Sếch-xpia thành công rực rỡ với các thể loại kịch: Hài kịch, kịch lịch sử, bi kịch.
– Trong khoảng 20 năm cầm bút, Sếch-xpia để lại gần 40 vở kịch, hai trường ca và 154 bài thơ Xon-nê.
- Những vở hài kịch tiêu biểu của Sếch-xpia là: Ấm ĩ vì chuyện không đâu, Đêm thứ mười hai, Giấc mộng đêm hè, Người lái buôn thành Vơ-ni-do...
- Những vở bi kịch nổi bật: Rô-mê-ô và Giu-li-ét, Hăm-lét, Ô-ten-lô, Vua Lia, Mác-bét...
3. Phong cách
- Là bậc thầy của văn học phục hưng, Sếch-xpia sáng tác với nguồn cảm hứng dồi dào, say mê về cuộc đời. Ở những vở kịch ban đầu, cái nhìn của Sếchxpia đầy trong sáng, chan chứa niềm tin vào con người và cuộc đời. Con người và những nỗi buồn vui trần thế là trung tâm trong tác phẩm của ông.
- Ở giai đoạn sau 1601 (năm vở kịch Hăm-lét ra đời), Sếch-xpia chuyển sang sáng tác bi kịch. Cái nhìn của ông thấm đượm nỗi chua chát về những đổi thay của thế thái nhân tình khi chủ nghĩa tư bản manh nha xuất hiện. Dẫu thế, niềm tin vào con người và hạnh phúc của con người trên dương thế vẫn thường trực trong ngòi bút của ông.
- Tác phẩm ông đầy ắp các giá trị hiện thực và chủ nghĩa nhân văn thời đại phục hưng.
II. Đoạn trích “Tình yêu và thù hận”
1. Xuất xứ
- Đây là vở bi kịch nổi tiếng đầu tiên của Sếch-xpia. Ông sáng tác Rô-mê-ô và Giu-li-ét khoảng năm 1594–1595, gồm năm hồi, dựa trên một câu chuyện có thật thời trung cổ.
- Đoạn trích Tình yêu và thù hận nằm trong phần đầu của hồi hai của vở kịch.
2. Bối cảnh và ý nghĩa của đoạn trích
- Vườn nhà Giu-li-ét vào một đêm khuya, trăng sáng.
- Đôi trai gái không được công khai, tự do bày tỏ tình yêu với nhau như những người bình thường khác, họ phải nhờ đến bóng đêm và không gian thanh vắng làm bạn đồng hành.
- Điều này cũng chứng tỏ sự mãnh liệt trong tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét, dù hoàn cảnh nào cũng không ngăn cản được bước chân của tình yêu.
- Bóng tối cũng làm cho người thiếu nữ e thẹn tự nhiên hơn trong cách bày tỏ tình yêu.
3. Rô-mê-ô đã dùng những hình tượng thiên nhiên để so sánh với sắc đẹp của người yêu
- Giu-li-ét là “mặt trời”, “vùng dương đẹp tươi”.
- Đôi mắt nàng là “hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời”.
- Đôi gò má làm cho “các vì tinh tú phải hổ ngươi”.
- So sánh vẻ đẹp của người yêu với các hình tượng thiên nhiên nhưng Rô-mê-ô cho rằng Giu-li-ét còn đẹp hơn các hình tượng ấy. Đó là lối nói thậm xưng. Nó chứng tỏ trong mắt Rô-mê-ô, người yêu chàng là đẹp nhất, không gì có thể sánh bằng.
- Tình cảm Rô-mê-ô dành cho Giu-li-ét là:
+ Lãng mạn, đắm say.
+ Quyết tâm có được tình yêu dù phải hi sinh tính mạng.
+ Chung thủy, sắt son.
4. Tâm trạng của Giu-li-ét
- Tâm trạng của Giu-li-ét trong đoạn trích có diễn biến khá phức tạp. Diễn biến đó cho thấy niềm đam mê xen lẫn sự băn khoăn, day dứt trong lòng nàng.
- Ở lời thoại thứ hai, tiếng than “Chao ôi!” cho thấy bao nỗi niềm chất chứa trong lòng nàng. Tâm hồn trĩu nặng bởi Giu-li-ét biết mình đã trót mang lòng yêu một người nhà Môn-ta-ghiu.
- Sang đến lời thoại thứ 4, Giu-li-ét đã khẳng định rõ quyết tâm: nếu “chàng yêu em” và “từ chối dòng họ của chàng” thì “em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa”.
5. Sự khác biệt ở sáu lời thoại đầu tiên với mười lời thoại còn lại của đoạn trích.
- Mười lời thoại cuối là lời đối đáp của Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Sáu lời thoại đầu là độc thoại nội tâm của hai người.
- Độc thoại nội tâm là nói cho một mình mình biết, chính vì thế nỗi lòng nhân vật chân thành hơn bao giờ hết. Với Rô-mê-ô và Giu-li-ét, độc thoại là cơ hội để họ bày tỏ tình yêu của mình.
- Những lời ngợi ca Rô-mê-ô dành cho người yêu được nói ra dễ dàng hơn khi chàng chỉ có một mình. Giu-li-ét cũng vậy. Là một thiếu nữ quý tộc e thẹn, nhưng trước đêm trăng thanh vắng, nỗi nhớ dạt dào, Giu-li-ét đã thốt lên những tiếng lòng mà nàng cho rằng chỉ một mình mình biết.
- Nét đặc biệt trong những lời độc thoại của Rô-mê-ô và Giu-li-ét:
+ Độc thoại mà như đối thoại, độc thoại mà hướng tới người khác.
+ Rô-mê-ô gọi thầm người yêu: “Hỡi nàng tiên lộng lẫy!” Còn Giu-li-ét thì cất tiếng: “Ôi, Rô-mê-ô, chàng Rô-mê-ô!”. Họ bày trải nỗi lòng, tin rằng đối tượng của mình không hay biết nhưng trong lòng thì luôn hướng tới người đó.
6. Những lời văn thể hiện hoàn cảnh hận thù của hai dòng họ:
- Lời Giu-li-ét:
+ Chàng hãy khước từ cha chàng và dòng họ của chàng đi.
+ Em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa.
+ Chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi
+ Chàng hãy vứt bỏ tên họ chàng đi,... đổi lấy cả em đây!
+ Đây là nơi tử địa,... nếu anh bị họ hàng nhà em bắt gặp”...
- Lời Rô-mê-ô:
+ Tôi sẽ thay tên đổi họ.
+ Tôi thù ghét cái tên tôi.
+ Tôi chẳng ngại gì lòng hận thù của họ nữa đâu...
7. Bản chất vấn đề “tình yêu và thù hận”.
- Cách hiểu đơn giản nhất, trước hết là tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét là tình yêu giữa hai con người thuộc về hai dòng họ đối đầu, thù hận nhau.
- Nhưng thù hận cũng có thể được tình yêu hóa giải bởi tình yêu chân chính có tác dụng cảm hóa, nâng đỡ con người vượt qua thù hận.
- Vấn đề thù hận của hai dòng họ đã được Rô-mê-ô và Giu-li-ét xử trí bằng cách quyết tâm vượt qua:
+ Hai người quyết tâm yêu nhau bất chấp sự hận thù và ngăn cấm của hai dòng họ.
+ Rô-mê-ô khẳng định “cái gì tình yêu có thể làm là tình yêu dám làm” còn Giu-li-ét thì chấp nhận “em sẽ không còn là con cháu nhà Ca-piu-lét nữa”.
8. Tư tưởng nghệ thuật của Sếch-xpia
- Đó là tư tưởng mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Tình yêu sẽ mang lại hạnh phúc cho con người. Thù hận chỉ làm con người thêm nhỏ nhen, bất hạnh, mù quáng.
- Tác phẩm viết về con người, ngợi ca con người và khẳng định những tình cảm cao đẹp của con người sẽ tồn tại vĩnh hằng.
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Soạn bài Tình yêu và thù hận, Uy-li-am Sếch-xpia bài tiếp theo, các em chuẩn bị trả lời câu hỏi SGK, Soạn bài Ôn tập phần văn học và cùng với phần để học tốt hơn
Trong chương trình học Ngữ Văn 11 phần Phân tích nhân vật Chí Phèo qua truyện ngắn Chí Phèo là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.
Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Phân tích nghệ thuật trào phúng qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia trong Số đỏ nhằm chuẩn bị cho bài học này.