1. Tìm hiểu thêm thông tin về sử thi "Ra-ma-ya-na" từ các nguồn khác nhau; lựa chọn và ghi chép lại một số thông tin quan trọng về đoạn trích.
Trả lời:
- "Ra-ma-ya-na" là sử thi Ấn Độ nổi tiếng, ca ngợi trí tuệ, sức mạnh và đạo đức của con người.
- "Ra-ma-ya-na" được bồi đắp bởi nhiều thế hệ tu sĩ và đạt đến hình thức hoàn thiện cuối cùng nhờ Van-mi-ki.
- Tác phẩm là câu chuyện kể về những chiến thắng lẫy lừng của Ra-ma, hoàng tử trưởng của nhà vua Đa-sa-ra-tha.
1. Hình dung về bối cảnh Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau.
Trả lời:
Ra-ma và Xi-ta gặp nhau sau khi chiến thắng với quỷ Ra-va-na nhưng Ra-ma nghi ngờ đức hạnh của nàng, nổi cơn ghen dữ dội trước sự chứng kiến của Lắc-ma-na, các bậc thánh, các chư thần, các phụ nữ lẫn loài Rắc-sa-xa và Va-na-ra. Bầu không khí trở nên vô cùng căng thẳng, nặng nề, trang nghiêm như một phiên tòa phán xử.
2. Lời nói và tình cảm của Ra-ma có gì mâu thuẫn?
Trả lời:
- Tình cảm của Ra-ma:
+ "Thấy người đẹp khuôn mặt bông sen với những cuộn tóc lượn sóng đứng trước mặt mình, lòng Ra-ma đau như dao cắt".
- Lời nói của Ra-ma:
+ Vì sợ tai tiếng, trước mặt những người khác, Ra-ma đã nói những lời lạnh nhạt với vợ mình và tuyên bố "ta không cần đến nàng nữa. Nàng muốn đi đâu tùy ý".
=> Lý giải nguyên nhân: Sự mâu thuẫn trong lời nói và tình cảm của Ra-ma bắt nguồn từ việc Ra-ma là người đứng đầu của cộng đồng. Trên cương vị của một đức vua, Ra-ma phải hi sinh lợi ích, tình cảm của bản thân cho lợi ích, danh tiếng của cộng đồng.
3. Tâm trạng của Xi-ta như thế nào?
Trả lời:
- Tâm trạng của Xi-ta:
+ Đau đớn đến nghẹt thở.
+ Cảm thấy xấu hổ cho số kiếp của mình.
4. Thái độ của Xi-ta khi bước lên giàn lửa có gì đặc biệt?
Trả lời:
Thái độ của Xi-ta khi bước lên giàn lửa vô cùng quyết đoán, không chút do dự để chứng minh sự trong sạch của mình đối với Ra-ma: "Nói dứt lời, nàng lượn qua giàn thiêu rồi dũng cảm bước vào ngọn lửa".
1. Văn bản "Ra-ma buộc tội" kể về sự kiện gì? Bối cảnh diễn ra sự kiện ấy như thế nào?
Trả lời:
- Văn bản "Ra-ma buộc tội" kể về sự kiện: Ra-ma sau khi giải cứu Xi-ta khỏi con quỷ Ra-va-na lại nghi ngờ đức hạnh của vợ và tuyên bố từ bỏ nàng. Để chứng minh sự trong sạch của bản thân, Xi-ta bước lên giàn lửa.
- Sự kiện ấy diễn ra trong bối cảnh:
+ Ra-ma kết tội Xi-ta trước mặt chứng kiến của toàn thể mọi người bao gồm: Lắc-ma-na, các bậc thánh, các chư thần, các phụ nữ lẫn loài Rắc-sa-xa và Va-na-ra.
+ Bầu không khí căng thẳng, nặng nề, trang nghiêm như một phiên tòa phán xử.
2. Nhân vật người anh hùng trong sử thi được miêu tả như là đại diện cho cộng đồng, luôn đặt danh dự cộng đồng lên trên danh dự cá nhân. Điều đó được thể hiện trong đoạn trích "Ra-ma buộc tội" như thế nào?
Trả lời:
Nhân vật người anh hùng trong sử thi được miêu tả như là đại diện cho cộng đồng, luôn đặt danh dự cộng đồng lên trên danh dự cá nhân. Điều đó được thể hiện trong đoạn trích "Ra-ma buộc tội" ở các khía cạnh:
* Lời nói:
- "Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xóa bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh sự của dòng họ lừng lẫy tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường".
- "Người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương?", "vậy làm sao ta có thể nhận nàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?"
=> Danh dự và uy tín của Ra-ma đã được đồng nhất với danh dự, uy tín của cộng đồng.
* Hành động:
- "Ra ma vẫn ngồi, dán mắt xuống đất" khi Xi-ta bước lên giàn lửa.
=> Dù rất yêu thương vợ của mình nhưng vì lợi ích và danh dự của cộng đồng, Ra-ma không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận để cho Xi-ta bước lên giàn lửa. Giữa tình yêu và danh dự, chàng đã chọn hi sinh hạnh phúc cá nhân để bảo vệ danh dự của cộng đồng.
3. Qua hai nhân vật Ra-ma, Xi-ta, em hiểu như thế nào về quan niệm của người Ấn Độ cổ đại đối với mẫu người anh hùng lý tưởng và mẫu người phụ nữ lý tưởng? Theo em, quan niệm đó còn phù hợp với ngày nay không? Tại sao?
Trả lời:
* Qua hai nhân vật Ra-ma, Xi-ta, em thấy được quan niệm của người Ấn Độ cổ đại đối với:
- Mẫu người anh hùng lý tưởng:
+ Dòng dõi, xuất thân cao quý.
+ Sức mạnh, trí tuệ phi thường.
+ Thủy chung, giàu tình yêu thương.
+ Luôn đặt danh dự của động đồng lên trên danh dự của cá nhân.
- Mẫu người phụ nữ lý tưởng:
+ Xinh đẹp
+ Chung thủy
+ Phẩm giá trong sạch
* Theo em, quan niệm này vẫn có ý nghĩa nhất định trong cuộc sống ngày nay. Bởi nó đề cao phẩm chất, nhân cách đạo đức tốt đẹp của con người.
4. Từ đoạn trích "Ra-ma buộc tội", hãy liên hệ với đoạn trích "Hê-ra-clét" đi tìm táo vàng để chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt của nhân vật anh hùng trong sử thi và thần thoại (các phương diện: ngoại hình, diện mạo, nội tâm,...)
Trả lời:
- Điểm tương đồng: đều là các nhân vật anh hùng mang sức mạnh phi thường với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, sẵn sàng hi sinh lợi ích của cá nhân cho tập thể.
- Điểm khác biệt:
+ Nhân vật anh hùng trong sử thi mang dáng dấp của con người xã hội.
+ Nhân vật anh hùng trong thần thoại mang dấu ấn thần linh.
Thông qua văn bản Ra-ma buộc tội (trích sử thi Ra-ma-ya-na), người Ấn Độ cổ đại đã thể hiện quan niệm với mẫu người anh hùng lý tưởng luôn đặt danh dự cộng đồng lên danh dự cá nhân và mẫu người phụ nữ thủy chung. Các em có thể tham khảo bài soạn văn mẫu lớp 10 khác như:
- Soạn bài Thực hành tiếng Việt bài 1, Ngữ văn lớp 10, Cánh Diều
- Soạn bài Nghị luận về một vấn đề xã hội, Ngữ văn lớp 10, Cánh Diều