Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học

Mục Lục bài viết:
1. Bài soạn số 1
2. Bài soạn số 2


SOẠN BÀI QUÁ TRÌNH VĂN HỌC VÀ PHONG CÁCH VĂN HỌC, ngắn 1

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Quá trình văn học

1. Khái niệm quá trình văn học
- Quá trình văn học là một khái niệm chỉ sự vận động của văn. học.
- Nó bao gồm tất cả các tác phẩm văn học, các hình thức tồn tại của văn học từ quá khứ đến hiện tại và dự báo cả tương lai.
- Quá trình văn học bao gồm cả các thành tố của đời sống văn học như tác giả, người đọc, các hình thức tổ chức văn học, các hoạt động nghiên cứu, phê bình, dịch thuật... và cả sự ảnh hưởng qua lại giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau.
- Những quy luật chung của quá trình văn học: + Quy luật văn học gắn bó với đời sống.
+ Quy luật kế thừa và cách tân.
+ Quy luật bảo lưu và tiếp biến.

2. Quy luật văn học gắn bó với đời sống.
- Văn học là một hình thức sinh hoạt văn hoá, một bộ phận trong đời sống tinh thần của xã hội. Vì thế, sinh hoạt văn học gắn chặt với các sinh hoạt khác trong đời sống xã hội.
- Những chuyển động lịch sử của đời sống xã hội thường kéo theo những biến đổi trong ý thức của nhà văn và công chúng. Điều đó dẫn đến những chuyển động của đời sống thường tạo nên những chuyển động của văn học.
- Chẳng hạn: + Việc hình thành xã hội thực dân nửa phong kiến trong những năm đầu thế kỉ XX khi thực dân Pháp xâm lược, vơ vét tài nguyên và nô lệ dân tộc ta là nền tảng cho sự ra đời của văn học lãng mạn, văn học hiện thực phê phán.
+ Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công mở ra một chân trời mới cho văn học: nền văn học cách mạng mang đậm tính chiến đấu, phục vụ sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thể hiện niềm tự hào và ý chí quyết chiến quyết thắng của một dân tộc ngoan cường.

3. Quy luật kế thừa và cách tân của văn học
- Quy luật kế thừa và cách tân là quy luật tồn tại và phát triển của văn học. Không tuân thủ quy luật này, văn học sẽ không tồn tại.
- Kế thừa là dựa trên nền tảng truyền thống, là cơ sở tồn tại của văn Chẳng hạn Thơ mới kết thừa cảm xúc, hình tượng, thể thơ,... của thơ ca cổ điển.
- Cách tân là làm ra cái mới mà trước đó chưa có, cách tân làm cho văn học luôn vận động và phát triển. Cách tân bao giờ cũng dựa trên cơ sở của cái đã có, cái tồn tại trước đó. Nhờ cách tân mà các nghệ sĩ mới thể hiện được phong cách và khẳng định chỗ đứng của mình trong tiến trình văn học. Việt Bắc của Tố Hữu là sự cách tân độc đáo về thi pháp ca Ao cổ để phù hợp với tâm trạng, cảm xúc của con người ở thời đại mới.
- Kế thừa và cách tân là hai mặt không thể tách rời của quá trình văn học. Nhờ quy luật này mà văn học ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ mới của con người.

4. Quy luật bảo lưu và tiếp biến.
- Bảo lưu là giữ gìn những yếu tố tốt đẹp của văn học. Hình thức, cảm xúc, hình tượng... của thơ lục bát là nền tảng cho nhiều cách tân thơ về sau. Đây chính là thể thơ mang đậm tính dân tộc.
- Tiếp biến là quá trình tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn học của thế giới và cải biến cho phù hợp với tinh thần dân tộc. Huy Cận mượn tứ thơ khói sóng gợi buồn của Thôi Hiệu trong hai câu kết của Tràng giang. Chí Phèo của Nam Cao có sự tiếp thu các hình tượng Ca-di-mô-đô và Giăng Van giăng trong tiểu thuyết của Huy-gô.
- Bảo lưu và tiếp biến là hai biểu hiện chung của tất cả các nền văn học. Một mặt nó thể hiện tính dân tộc đậm đà, mặt khác nó mở cửa ra | thế giới hoà vào nhịp đập chung của văn học nhân loại. Ngày nay, truyện ngắn của ta vẫn mang nhiều yếu tố truyền thống như nặng về kể lể, chú trọng cốt truyện,... nhưng một số nhà văn đã mở rộng biên độ truyện của mình sang các phạm vi mĩ học hậu hiện đại với các nhãn quan “tiểu tự sư”, mảnh vỡ, huyền ảo...

5. Khái niệm trào lưu văn học
- Trào lưu văn học cũng là một khái niệm diễn tả sự phát triển lịch sử của nghệ thuật ngôn từ. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo... là các trào lưu văn học.
- Đây là một hiện tượng có tính chất lịch sử, nó ra đời và mất đi trong một khoảng thời gian nhất định.
- Là khái niệm chỉ mối liên hệ giữa những nhà văn, những tác phẩm có sự gần gũi nhau về cảm hứng, về nguyên tắc miêu tả hiện thực, về hình tượng trung tâm hoặc về tư tưởng và nổi lên thành một dòng rộng lớn, có bề thế trong đời sống văn học.

6. Những đặc trưng cơ bản chủ nghĩa lãng mạn
- Chủ nghĩa lãng mạn là con đẻ của các cuộc cách mạng tư sản nổ ra vào khoảng cuối thế kỉ XVIII ở phương Tây.
- Trào lưu này ý thức đầy đủ về vai trò và cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ đối lập với sự “bắt chước tự nhiên” của chủ nghĩa cổ điển. Chủ nghĩa lãng mạn cho rằng người nghệ sĩ có quyền cải biến thế giới hiện thực bằng cách tạo cho mình một thế giới riêng đẹp hơn, chân thực hơn vì thế hiện thực hơn.
- Văn học lãng mạn là tiếng nói cá nhân tràn đầy cảm xúc, nó thích sự tưởng tượng phóng khoáng và bác bỏ tính quy phạm trong mĩ học và sự quy định có tính chất duy lí trong nghệ thuật.
- Xu hướng văn học này tìm cách thoát khỏi thực tại bán các sâu vào thế giới nội tâm, thế giới của mộng ước.
- Cảm hứng sáng tác của chủ nghĩa lãng mạn là ngợi ca. Nguyên tắc phản ánh thường hướng đến cái cao quý, kì vĩ với cái kết thường có hậu.

7. Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa hiện thực.
-Là trào lưu tiếp nối chủ nghĩa lãng mạn, đề cao tính khách quan ra đời với mục đích phê phán những mặt xấu xa của xã hội con người.
- Theo nghĩa hẹp, dưới góc độ xem xét là một trào lưu văn học, chủ nghĩa hiện thực mô tả cuộc sống bằng hình tượng tương ứng của bản chất những hiện tượng của cuộc sống và bằng điển hình hoá các sự kiện của đời sống.
- Thừa nhận sự tác động giữa con người và môi trường sống, giữa tính cách và hoàn cảnh, các hình tượng hiện thực chủ nghĩa hướng tới tái hiện chân thực các mối quan hệ khác của con người và hoàn cảnh.
- Cùng với sự điển hình hóa nghệ thuật, coi trọng những cá thể thể và độ chính xác của chúng trong việc mô tả con người và cuộc sống, coi trọng việc khách quan hoá những điều được mô tả làm cho nó “tự” nói lên tiếng nói của chính mình.
- Chủ nghĩa hiện thực luôn hướng đến các giá trị hiện thực và phong phú về hình thức. Nó sử dụng huyền thoại, tượng trưng, cường điệu, ẩn dụ,... song những cái đó đều phải phục tùng những nguyên tắc sáng tác hiện thực chủ nghĩa, phục tùng sự nhận thức của con người trong mối quan hệ phức tạp với thế giới xung quanh, với những điều kiện lịch sử - xã hội cụ thể.

8 Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa
- Lấy thế giới quan Mác – Lê-nin làm cơ sở triết học, và nguyên tắc tính Đảng vô sản làm nguyên tắc chỉ đạo.
- Nhà văn, nhà nghệ sĩ phải miêu tả hiện thực một cách chân thực, lịch sử cụ thể trong quá trình phát triển biện chứng của nó.
- Nhiệm vụ chủ yếu trong phản ánh thực tại là coi việc đấu tranh nhằm khẳng định bằng nghệ thuật những cái mới, tích cực, tiên tiến tốt đẹp trong cuộc sống.
- Tích cực đề xuất giải pháp cho các tình huống xã hội và lạc quan tin tưởng vào tương lai tốt đẹp cho nhân loại.

II. Phong cách văn học

1. Khái niệm phong cách văn học
- Là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy được thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể.
- Là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.
- Phong cách của thơ Tố Hữu là trữ tình - chính trị. Phong cách của Nguyễn Tuân là cái “ngông” đầy hào hoa, lịch lãm...
- Không giống phương pháp sáng tác, các dấu hiệu của phong cách dường như nổi lên bề mặt tác phẩm, tất cả đồng quy tạo thành một thể thống nhất hữu hình và có thể tri giác được tất cả mọi yếu tố cơ bản của hình thức nghệ thuật. .
- Phong cách là quy luật thống nhất các yếu tố của chính thể nghệ thuật, là biểu hiện của tính nghệ thuật. Chỉ có những nhà văn tài năng, bản lĩnh mới có được phong cách riêng độc đáo.

2. Những biểu hiện của phong cách văn học
- Cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, giọng điệu riêng biệt của tác giả.
- Sự sáng tạo các yếu tố nội dung của tác phẩm cũng in đậm dấu ấn riêng của tác giả. .
- Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác. Cái độc đáo, vẻ đẹp riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất quán.
- Khi nói Xuân Diệu là vị chúa của thơ tình, có nghĩa đề tài về tình yêu luôn thường trực trong thơ ông và cách ông xử lí đề tài ấy độc đáo không trùng lặp với bất kì ai.

B. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI, BÀI TẬP

1. Nhận xét vắn tắt sự khác biệt về đặc trưng của văn học lãng mạn và văn học hiện thực phê phán qua truyện Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ – Vũ Trọng Phụng) .

Gợi ý làm bài
a) - Huấn Cao là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được viết theo phong cách lãng mạn. Đây là một trong những hình tượng nghệ thuật đẹp nhất của Nguyễn Tuân và của cả nền văn học Việt Nam. Đặc trưng của bút pháp lãng mạn chủ yếu tập trung ở nghệ thuật xây dựng nhân vật Huấn Cao. Một hình tượng mang tính lý tưởng cao của chủ nghĩa lãng mạn. Cụ thể, nhân vật này hội tụ cả vẻ đẹp của tài hoa, thiên lương và khí phách.
- Tài hoa: tư chất người nghệ sĩ của Huấn Cao.
+ Huấn Cao là người nghệ sĩ đặc biệt tài hoa trong nghệ thuật thư pháp. Để tô đậm cái tài ấy của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã miêu tả nó một cách gián tiếp qua cuộc chuyện trò của thầy thơ lại và viên quán ngục. Trong cuộc chuyện trò có phần bí mật của họ, ta thấy:
+ Chữ ông Huấn đẹp và vuông lắm.
+ Tài viết chữ đẹp của ông Huấn nổi danh khắp nơi.
+ Chữ ông Huấn trở thành một báu vật đối với quản ngục, còn thấy thơ lại thì thấy tiếc nếu phải chém một người như vậy.
- Thiên lương: cái tâm của người nghệ sỹ.
+ Cái tâm ấy được biểu hiện trong ý thức về giá trị cao quí của nghệ thuật
+ Cái tâm ấy còn được biểu hiện trong thái độ của ông đối với quản ngục. Ông rất sợ phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ nên đã đồng ý cho chữ quản ngục.
– Khí phách: biểu hiện của một đấng anh hùng
+ Được thể hiện trong thái độ đường hoàng, bình thản của ông lúc nhập lao, trước sự sỉ nhục của bọn lính ngục.
+ Được thể hiện trong cách sống điềm nhiên, thư thái của ông trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình.
+ Thậm chí ông còn tỏ ra khinh bạc đến điều với quản ngục.
+ Ngay cả đêm trước ngày ra pháp trường ông vẫn ung dung cho chữ và khuyên bảo quản ngục những lời chí tình, sâu sắc.
- Vẻ đẹp tài hoa, thiên lương, khí phách của Huấn Cao được hội tụ lại trong cảnh cho chữ.
+ Để viết được những nét chữ cuối cùng của cuộc đời không chỉ cần đôi bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, mà còn phải có khí phách hiên ngang, bất khuất của một đấng anh hùng. Sự hoà ngập của những phẩm chất cao quí đã chiếu sáng, nâng đỡ cho cái đẹp, cái thiện.
+ Trong cảnh tượng “xưa nay chưa từng có” này, Huấn Cao hiện thân cho cái đẹp chân chính với sức mạnh phi thường. Cái đẹp ấy có thể chiến thắng cái ác, nâng đỡ cái thiện ngay trong chốn ngục tù..
- Có thể nói Huấn Cao là một trong những hình tượng nghệ thuật đẹp nhất của Nguyễn Tuân và của cả nền văn học Việt Nam hiện đại. Hình tượng này đã trở thành khúc ca khải hoàn của tài năng và nhân cách. Nghệ thuật xây dựng nhân vật ở đây chủ yếu thuộc về thế giới tinh thần của nhà văn hơn là tuân thủ tính khách quan của hiện thực.
_ Bút pháp lãng mạn còn được tập trung ở việc xây dựng những hình tượng đối lập giữa Huấn Cao và nhà tù, giữa bóng tối và ánh sáng. Vận động của những đối lập ấy là để đi đến cái đích ánh sáng đẩy lùi bóng tối, cái thiện chiến thắng cái ác.

b) - Cảm hứng sáng tạo của Nguyễn Tuân trong thiên truyện là ngợi ca. Trong khi đó, cảm hứng sáng tác của Vũ Trọng Phụng trong Hạnh phúc của một tang gia là phê phán, giễu cợt chua cay.
- Hạnh phúc của một tang gia có giá trị hiện thực sâu sắc. Giá trị hiện thực ấy được đặt trên sự quan sát thấu đáo và phản ánh khách quan hiện thực, thể hiện như sau:
– Vũ Trọng Phụng đã vạch trần bộ mặt xấu xa, thối nát của tầng lớp giầu sang trong xã hội thượng lưu.
- Qua chân dung những người ngoài tang gia: Họ đến tang gia để chia buồn nhưng thực chất họ không một chút xót thương hay kính trọng người đã khuất.
+ Các vị tại to, mặt lớn.
+ Những giai thanh, gái lịch đất Hà Thành.
+ Cả một đám đông ra xem và khen đám ma to..
- Qua chân dung những người trong tang gia: Bề ngoài họ tỏ vẻ đau thương nhưng thực chất họ sung sướng đến cực điểm. Mỗi người đều tìm được một niềm hạnh phúc riêng và họ đóng kịch trong tang lễ để che dấu niềm hạnh phúc ấy.
+ Cụ cố Hồng - con trai người chết.
+ Cháu trai, cháu gái, cháu rể người chết: Văn Minh, tú Tân, Tuyết, Phán mọc sừng...
- Tất cả bọn chúng đều dốt nát, lố bịch và đáng khinh, đáng giận hơn là chúng giả dối, bất hiếu đến táng tận lương tâm, chúng chà đạp lên luân thường đạo lí. .
- Qua đó, nhà văn tái hiện một cách chân thực và sâu sắc bề mặt đen tối, thối nát của một xã hội “chó đểu”, “vô nghĩa lí”:
+ Một xã hội suy đồi về đạo đức (Nên cha chết, ông chết mà đám con cháu hí hửng vui mừng...).
+ Một xã hội giả dối (đến niềm đau thương cũng giả...).
+ Một xã hội đểu cáng, lố bịch (như đám tang cụ Tổ...”
- Bằng chất giọng mỉa mai châm biếm và thái độ phẫn nộ trước hành động bỉ ổi của giới thượng lưu ấy, Vũ Trọng Phụng còn chỉ ra cái thực chất của phong trào Âu hoá, văn minh rởm là đua đòi, ăn chơi lố lăng:
+ Nên đám ma được tổ chức theo cả lối Ta, Tàu, Tây.
+ Nên những người đi đưa đám mặc những mốt mới nhất của tiệm may Âu hoá lăng xê cho những nhà có đám.
+ Nên đám ma lại chụp ảnh như ở hội chợ.
– Giá trị hiện thực ấy đã làm nên sức mạnh phủ định rất lớn cho chương truyện cũng như cho toàn bộ tác phẩm. Đây cũng chính là sự khác biệt lớn giữa hai cây bút của hai trào lưu khác nhau: lãng mạn và hiện thực.

2. Nêu những nét chính trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và Tố Hữu.
- Nguyễn Tuân: Là nhà văn lãng mạn, văn Nguyễn Tuân bay bỗng hướng tới những hình ảnh phi thường tráng lệ, những cái đẹp tuyệt mĩ trong đời. Qua thế giới hình tượng mang đậm dấu ấn chủ quan của chủ thể sáng tác, Nguyễn Tuân cho thấy một cây bút tinh tế tài hoa bậc thầy trong việc sử dụng ngôn từ và khái quát hiện thực qua những hình tượng độc đáo. Cảm hứng sáng tác của Nguyễn Tuân là ngợi ca cái đẹp theo hướng lí tưởng hoá. Hình tượng nhân vật của ông là những con người vượt lên cảnh ngộ, cái thiện luôn chiến thắng cái ác, bóng tối phải nhường chỗ cho ánh sáng...
- Tố Hữu: Là nhà thơ - chiến sĩ, phong cách thơ ông vì thế là thơ chiến đấu. Thơ phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ngôn ngữ thơ Tố Hữu hào sảng, ngọt ngào cảm xúc. Hình tượng thơ bám sát cuộc đời. Tính hiện thực luôn được đề cao. Cảm hứng sáng tạo của Tố Hữu chủ yếu là ngợi ca. Những đối tượng được ngợi ca là con người đang chiến đấu cho nên độc lập, thống nhất tổ quốc. Hồn thơ Tố Hữu thấm đẫm tinh chất văn hoá dân gian của dân tộc. Ông biết khai thác những cội nguồn, những hình ảnh, những ngôn từ,... từ trong ca dao, dân ca, kết hợp với những cách tân thơ hiện đại để khắc tạc lên những diện mạo khó phai mờ trong lòng độc giả: Đó là hình ảnh Bác Hồ kính yêu, anh giải phóng quân quật cường trên tuyến đấu chống Mĩ, mẹ Suốt, mẹ Tơm,...

 

SOẠN BÀI QUÁ TRÌNH VĂN HỌC VÀ PHONG CÁCH VĂN HỌC, ngắn 2

Câu 1. Quá trình văn học là gì? Nêu các quy luật chung của quá trình văn học?

Trả lời:
- Quá trình văn học là diễn biến hình thành tồn tại, phát triển, thay đổi của văn học qua các thời kì lịch sử.
- Những quy luật chung:
+  Văn học gắn bó với đời sống, thời đại nào thì văn học ấy, những biến động lịch sử của xã hội thường tạo nên những chuyển biến trong lịch sử phát triển của văn học. 
+  Văn học phát triển trong sự kế thừa và cách tân (kế thừa từ văn học dân gian) .
+  Văn học một dân tộc tồn tại, vận động trong sự bảo luwuvaf tiếp biến.
 
Câu 2. Xác định những đặc trưng cơ bản của văn học Phục hưng, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Nói vắn tắt về các trào lưu văn học hiện đại trên thế giới và các trào lưu văn học ở Việt Nam.
Trả lời:
* Trào lưu văn học là một hiện tượng có tính chất lịch sử, ra đời và mất đi trong một khoảng thời gian nhất định.  
* Các trào lưu văn học chính trên thế giới:
-  Văn học thời Phục hưng (Châu  u thế kỉ XV, XVI):
+ Đặc trưng: giải phóng con người, đề cao cá tính.
+ Tác giả tiêu biểu: Sếch-xpia (Anh), Xéc-van-tét (Tây Ban Nha),...
-  Chủ nghĩa cổ điển (Pháp, thế kỉ XVII):
+ Đặc trưng: Coi văn hoá cổ đại là hình mẫu, lí tưởng, luôn đề cao lí trí, sáng tác theo quy luật chặt chẽ.
+ Tác giả tiêu biểu: Cooc-nây, Mô-li-e (Pháp).
-  Chủ nghĩa lãng mạn :
+ Hình thành từ các nước Tây  u sau cách mạng Pháp 1789. 
+ Đặc trưng: đề cao những nguyên tắc chủ quan.
+ Tác giả tiêu biểu: V. Huy-gô (Pháp), F. Sin-le (Đức).
-  Chủ nghĩa hiện thực phê phán (Châu  u thế kỉ XIX).
+ Đặc trưng: thiên về những nguyên tắc tôn trọng khách quan.
+ Tác giả tiêu biểu: H. Ban-dắc (Pháp), L. Tôn-xtôi (Nga).
-   Chủ nghĩa hiện thực XHCN:
+ Thời điểm ra đời: thế kỉ XX, sau Cách mạng tháng Mười Nga.
+ Đặc trưng: miêu tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng, đề cao vai trò lịch sử của nhân dân.
+ Người mở đầu: M. Gor-ki (Nga).
-   Chủ nghĩa siêu thực: (Pháp - 1924) 
+ Đặc trưng quan niệm về thế giới trên hiện thực mới là mảnh đất sáng tạo của nghệ sĩ. 
+ Tác giả tiêu biểu: A. Brơ-tôn.
-  Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Mĩ La - Tinh, sau Thế chiến thứ hai)
* Ở Việt Nam các trào lưu xuất hiện khoảng từ những năm 30 của thế kỉ XX.
-   Trào lưu lãng mạn (1932 - 1945): Thơ mới, tiểu thuyết lãng mạn. 
-   Trào lưu hiện thực phê phán : gồm các truyện ngắn, tiểu thuyết hiện thực phê phán. 
-   Trào lưu văn học hiện thực XHCN : Gồm nhiều thể loại, trước và sau Cách mạng Tháng Tám. 
 
Câu 3. Thế nào là phong cách văn học?
Trả lời: 
-  Phong cách văn học làsự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo
 
Câu 4. Phân tích những biểu hiện của phong cách văn học?
Trả lời:
Cách nhìn, cách cảm thụ văn học có tính chất khám phá, ở giọng điệu riêng biệt của tác giả.
Sự sáng tạo thuộc yếu tố nội dung tác phẩm (chọn đề tài, chủ đề, hình ảnh,...)
Hệ thống phương thức biểu hiện, các thủ pháp kĩ thuật lưu lại đậm đặc cá tính sáng tạo của tác giả (ngôn ngữ, thể loại…)
 
LUYỆN TẬP
 
Câu 1. Phân tích sự khác biệt giữa trào lưu văn học lãng mạn và trào lưu văn học hiện thực phê phán qua truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân với đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng.
Trả lời:
-  Tác phẩm lãng mạn (Chữ người tử tù): lấy đề tài lịch sử xây dựng hình tượng nhân vật có vẻ đẹp phi thường là Huấn Cao.
-  Tác phẩm hiện thực phê phán (đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia) lấy đề tài từ cuộc sống hiện thực, xây dựng những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình (Xuân tóc đỏ, Tuyết, gia đình Văn Minh, TYPN, bà Phó Đoan...)
 
Câu 2. Nêu những nét chính về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân và Tố Hữu.
Trả lời:
-  Phong cách nghệ thuật của Tố Hữu:
+ Thơ trữ tình - chính trị.
+ Mang đậm khung hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
+ Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào
+ Nghệ thuật mang đậm tính dân tộc.
-  Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:
+ Chất “ngông” trong sự tài hoa, uyên bác
+ Say mê với cái đẹp và là “bậc thầy” về ngôn từ. 

-------------------HẾT--------------------

Trong chương trình học Ngữ Văn 12 phần Nghị luận xã hội về ước mơ khát vọng là một nội dung quan trọng các em cần chú ý chuẩn bị trước.

Tìm hiểu chi tiết nội dung phần Soạn bài Thực hành một số biện pháp tu từ cú pháp để học tốt môn Ngữ Văn 12 hơn.

Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học là một nội dung, bài học hay trong SGK Ngữ Văn 12. Sau phần học này chúng ta tiếp tục chuẩn bị trả lời câu hỏi, Soạn bài Người lái đò sông Đà cùng với phần Soạn bài Chữa lỗi lập luận trong văn nghị luận để học tốt môn Ngữ Văn lớp 12 hơn

Tham khảo soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học, các em không chỉ có thêm những gợi cho cho câu hỏi tìm hiểu trong SGK mà qua đó còn hiểu được quá trình thành, phát triển của các trào lưu văn học ở Việt Nam và thế giới.
Tài liệu soạn văn lớp 12, bài giảng môn văn 12 hay nhất
Tổng hợp soạn văn lớp 11, bài giảng môn văn 11 hay nhất
Tổng hợp soạn văn lớp 7, bài giảng môn văn 7 hay nhất
Tổng hợp soạn văn lớp 10, bài giảng môn văn 10 hay nhất
Soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận, soạn văn lớp 11
Soạn bài Lập dàn ý bài văn thuyết minh

ĐỌC NHIỀU