I. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
Cần đọc chậm nhiều lần bài văn để bước đầu cảm nhận được chất trữ tình tinh tế và sâu lắng của tác phẩm qua ngòi bút Thạch Lam; đọc kĩ chú thích (*) để nắm được tác giả và thể tùy bút là thể văn thiên về biểu cảm, giàu hình ảnh và chất trữ tình. Hai điều này sẽ tạo điều kiện cho em đọc - hiểu văn bản được thuận lợi.
1. Tìm hiểu chung về bài văn. Các em tìm hiểu về 3 điều sau đây:
a) Bài văn nói về cái gì? - Một thứ quà của lúa non: Cốm.
b) Sử dụng những phương thức biểu đạt nào? - Miêu tả, kể, nhận xét, bình luận, nhưng nổi bật nhất là biểu cảm, biểu hiện trực tiếp cảm xúc của tác giả, và cảm xúc ấy đã thấm sâu vào các chi tiết miêu tả, nhận xét, bình luận (các em có thể nêu dẫn chứng trong bài để chứng minh).
c) Có mấy đoạn? Bài tùy bút của Thạch Lam có mạch cảm xúc và liên tưởng khá tự do, nhưng vẫn hợp lý. Có thể nhận ra mạch ấy qua bố cục 3 đoạn sau đây:
+ Đoạn 1: phần mở bài từ đầu đến "chiếc thuyền rồng...". Từ hương thơm của lúa non gợi nhớ đến cốm và sự hình thành của hạt cốm.
+ Đoạn 2: từ "Cốm là thức quà riêng biệt" đến "kín đáo và nhũn nhặn": Phát hiện và ca ngợi giá trị nhiều mặt của cốm - đặc biệt là giá trị văn hóa.
+ Đoạn 3: phần còn lại: bàn về sự thưởng thức cốm với những ý nghĩa sâu xa.
2. Tác giả đã mở đầu bài viết về "Cấm" như thế nào và có giá trị biểu cảm ra sao?
Phần mở đầu thất tự nhiên và gợi cảm: cảm hứng được gọi lên từ hương thơm của lá sen trong làn gió mùa hạ lướt qua vùng sen của mặt hồ. Hương thơm lá sen gợi nhắc đến hương vị của cốm - thứ quà đặc biệt của lúa non - thì thật đúng và cũng thật thơ, vì đây đều là những hương vị thanh khiết của thiên nhiên, đất trời, rất gần nhau, hợp nhau (lá sen dùng để gói cốm là do trời sinh ra như tác giả đã nói ở đoạn cuối). Cái mùi thơm mát của bông lúa non được miêu tả tinh tế và gợi cảm với một tấm lòng trân trọng đáng quý: "Trong cái vỏ xanh kia, có một giọt sữa trắng thơm, phảng phất hương vị ngàn hoa cỏ... bông lúa càng ngày càng cong xuống, nặng vì cái chất quý trong sạch của Trời".
3. Tục lệ dùng hồng - cốm làm đồ sêu tết của nhân dân ta. Đây là một phương diện giá trị văn hóa đặc sắc của cốm được Thạch Lam miêu tả và bình luận rất sâu sắc, tinh tế, gợi cảm. Việc dùng cốm làm lễ vật sêu tết thật thích hợp và có ý vị sâu xa, bởi cốm là thức dâng của đất trời, hương vị của đồng quê, không còn gì hợp hơn nữa (cũng như tục làm bánh chưng, bánh giầy ngày Tết). Thứ lễ vật ấy cùng với hồng lại càng hòa hợp, tốt đối, biểu trưng cho sự gắn bó, hài hòa trong tình duyên đôi lứa. Tác giả đã phân tích sự hòa hợp ấy trên hai phương diện: màu sắc (màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già) và hương vị (một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền). Đoạn văn gây ấn tượng sâu đậm trong người đọc.
4. Câu văn này được xem như là câu văn chủ chốt của bài, được Thạch Lam viết rất cô đúc, sâu sắc, bao quát đầy đủ các giá trị của thức quà riêng biệt của đất nước. Các em đọc kĩ câu văn, chia thành từng ý nhỏ để tìm hiểu, cảm nhận:
- Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước;
- Thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh;
- Mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam.
5. Sự tinh tế và thái độ trân trọng của tác giả đối với việc thưởng thức cốm.
Vốn là một thứ quà bình dị, chẳng có gì là cầu kỳ, tưởng như không cần phải bàn về việc ăn cốm. Ấy thế nhưng tác giả đã có một cách nhìn thấu đáo và một thái độ văn hóa khi nói về sự thưởng thức một món ăn bình dị như cốm. Các em có thể tìm dẫn chứng trong đoạn cuối để chứng minh hai điều: sự tinh tế trong việc thưởng thức cốm và thái độ trân trọng đối với một món quà của dân tộc.
Như vậy, với Thạch Lam, ăn cốm là sự thưởng thức nhiều giá trị được kết tình ở đó, đây cũng chính là cái nhìn văn hóa với việc ẩm thực mang bản sắc dân tộc đậm đà. Và nhà văn đã góp phần tôn vinh địa vị của món quà dân dã này trong đời sống cũng như trong tâm thức nhân dân ta.
6. Câu này các em nên trao đổi với nhau để tìm ra và phân tích một số dẫn chứng cụ thể trong bài văn (thực ra, những dẫn chứng đó cũng đã được nhắc đến trong khi trả lời 5 câu hỏi trên dây).
II. LUYỆN TẬP
1. Chọn học thuộc một đoạn văn trong bài (có thể chọn đoạn mở đầu hoặc đoạn 2 từ "Cốm là thức quà riêng biệt" đến "hạnh phúc được lâu bền").
2. Sưu tầm ca dao và thơ có nói đến cốm. Các em tự sưu tầm (có thể hỏi người lớn).
3. Tìm đọc thêm bài Cốm của Nguyễn Tuân trong văn miêu tả và kể chuyện, Nxb Giáo dục, 1998, tr. 68 - 70. Thử so sánh phương thức biểu cảm của hai nhà văn trong hai tác phẩm cùng một đề tài.
--------------------HẾT-------------------
Bên cạnh Soạn bài Một thứ quà của lúa non: Cốm các em cần tìm hiểu thêm những bài soạn khác trong Ngữ Văn lớp 7 như Soạn bài Chơi chữ hay phần Soạn bài Chuẩn mực sử dụng từ nhằm củng cố kiến thức Ngữ Văn lớp 7 của mình