Soạn bài Một thời đại trong thi ca, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Soạn bài Một thời đại trong thi ca



I. Chuẩn bị - Soạn bài Một thời đại trong thi ca

* Gợi ý trả lời câu hỏi phần chuẩn bị:


1. Có bao giờ bạn băn khoăn khi phải phân biệt cái mới với cái cũ? Hãy chia sẻ trải nghiệm của mình

Em rất thích giày. Một năm em thường mua đến 5-6 đôi giày mới. Có nhiều đôi em mới chỉ đi một vài lần. Hôm đó em thấy một mẫu giày em đã có ra phiên bản giới hạn với màu độc, lạ rất đẹp. Em cực kì muốn mua nhưng bạn em đã ngăn em lại. Bạn nói em có quá nhiều giày rồi không nên mua nữa. Tuy cái mới rất đẹp nhưng cái cũ vẫn còn dùng tốt, thậm chí vẫn còn mới nguyên. Sau lần đó, em đã suy nghĩ và thay đổi thói quen mua giày của mình.


2. Bạn hãy lựa chọn và so sánh một bài thơ thuộc phong trào Thơ mới với một bài thơ thuộc thời kì trung đại để tìm ra điểm khác biệt

* So sánh hai bài thơ: "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu và "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến:

- "Đây mùa thu tới":

+ Viết bằng chữ quốc ngữ.

+ Xuyên suốt trong bài thơ là nỗi buồn, tâm trạng đau thương không hề che giấu. Con người chán chường, khung cảnh có phần lạnh lẽo, vắng vẻ. Cả bài thơ đều mang màu sắc bi thương.

- "Thu điếu":

+ Viết bằng chữ Nôm.

+ Xuyên suốt bài thơ là khung cảnh làng quê thanh tĩnh, vắng vẻ, người thi sĩ đang nhàn nhã câu cá. Tâm trạng của tác giả tưởng chừng như được giấu kín, chỉ bộc lộ sự lơ đễnh ở hai câu cuối cùng.

- Nỗi buồn trong Thơ mới được thể hiện rõ ràng, trực tiếp. Còn trong thơ trung đại, nỗi buồn thường mơ hồ, không rõ ràng, phải nhìn thật kĩ vào lời thơ và mạch cảm xúc của bài thì mới cảm nhận được.


II. Đọc hiểu - Soạn bài Một thời đại trong thi ca

* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc hiểu:


1. Chú ý vấn đề được nêu để bàn luận.

- Vấn đề được nêu ra để bàn luận: Tinh thần thơ mới.


2. Cái khó khi phân biệt rạch ròi thơ mới - thơ cũ là gì?

- Cả thơ mới và thơ cũ đều có những bài chung chủ đề, nói về những cái lố lăng, tầm thường ở đời, hoặc những bài thơ kiệt tác.


3. Tiêu chí nào được nêu để phân biệt thơ mới - thơ cũ?

Tiêu chí để phân biệt thơ mới - thơ cũ là hai chữ: "tôi" và "ta". Thơ cũ là "ta", thơ mới là "tôi".


4. Chú ý cách lập luận của tác giả.

- Tác giả lập luận rõ ràng, ngắn gọn. Đưa ra hai cái niệm "tôi" và "ta" để phân tích và nhìn nhận sự khác nhau giữa hai thời kì thơ - Mạch lạc, logic, dễ theo dõi.


5. Tình trạng cái "tôi" khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam.

- Cái "tôi" khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam: Mang quan niệm cá nhân đầy mới lạ, bỡ ngỡ, lạc loài khiến nhiều người khó chịu.


6. Những biểu hiện khác nhau của cái "tôi" trong Thơ mới.

- Những biểu hiện khác nhau của cái "tôi" trong Thơ mới:

+ "thoát lên tiên"

+ "phiêu lưu trong trường tình"

+ "điên cuồng"

+ "đắm say"

+ "ngơ ngẩn buồn"


7. Chú ý cách sử dụng các biện pháp tu từ trong lời văn nghị luận.

- Biện pháp điệp ngữ: "Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy..."

- Tác dụng: Nhấn mạnh khát vọng, niềm tin yêu của tác giả đối với các nhà thơ mới.


III. Sau khi đọc - Soạn bài Một thời đại trong thi ca

* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:


Câu hỏi 1 trang 89 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Để làm sáng tỏ luận đề "tinh thần Thơ mới", Hoài Thanh đã nêu lên những luận điểm sau:

+ Thực trạng khó phân biệt rạch ròi giữa thơ cũ - thơ mới.

+ Tiêu chí phân biệt: "Bài hay sánh với bài hay" và "nhìn vào đại thể".

+ Nhận diện sự khác biệt "Ngày trước là thời chữ "ta", bây giờ là thời chữ "tôi"".

+ Tình trạng "cái tôi" (ý thức cá nhân) khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam.

+ Những biểu hiện khác nhau của "cái tôi" trong phong trào Thơ mới.

+ Ý nghĩa của "cái tôi" trong Thơ mới đối với thơ ca và xã hội đương thời.

- Các luận điểm này được liên kết chặt chẽ với nhau, trình bày theo tuần tự theo mạch suy luận: Bắt đầu thực trạng - Đưa ra các tiêu chí phân biệt - Nhận diện điểm khác biệt - Phân tích tình trạng "cái tôi" trước khi Thơ mới xuất hiện - Làm rõ những biểu hiện của "cái tôi" trong Thơ mới - Chỉ ra ý nghĩa của "cái tôi" trong Thơ mới.


Câu hỏi 2 trang 89 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Mục đích tác giả đưa ra các tiêu chí so sánh thơ mới - thơ cũ là nhằm "hiểu tinh thần thơ cho đúng đắn". Bởi vì thơ cũ không hoàn toàn là dở và thơ mới không phải toàn những bài kiệt tác. Đây cũng là điểm tựa để tác giả thuyết phục người đọc đồng thuận với những luận giải về "tinh thần Thơ mới" về một thời đại mới trong thơ ca Việt Nam.


Câu hỏi 3 trang 89 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

Trong đoạn trích này, Hoài Thanh đã diễn giải về "cái tôi" một cách tinh tế và độc đáo bằng sử dụng những biện pháp tu từ giàu tính biểu cảm như:

- Dùng chữ "tôi" để diễn đạt khái niệm ý thức cá nhân, đối sánh với từ "ta" thể hiện ý thức cộng đồng của các nhà thơ cũ.

- Dùng biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ: "nó thực bỡ ngỡ", "nó như lạc loài", "bao nhiêu con mắt nhìn nó khó chịu", "nó đến một mình", "nó được vô số người quen",... để diễn tả tình trạng của ý thức cá nhân khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam.

- Sử dụng hàng loạt từ ngữ thể hiện cảm xúc để biểu đạt về những hướng tìm tòi và những biểu hiện khác nhau của ý thức cá nhân trong Thơ mới: "Đời chúng ta đã nằm trong chữ tôi....Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận". Từ đó, người đọc có cái nhìn chung về "cái tôi" của những nhà Thơ mới tiêu biểu.


Câu hỏi 4 trang 89 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Trong văn bản, tác giả đã dùng bằng chứng trích dẫn từ các tác giả nổi tiếng trong thơ trung đại và Xuân Diệu - nhà thơ được coi là "mới nhất trong các nhà Thơ mới":

+ Trích dẫn thơ Xuân Diệu và các nhà thơ ở thế kỉ trước (Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương) để so sánh, minh họa cho tình trạng khó rạch ròi giữa thơ mới với thơ cũ.

+ Dùng chú thích để đưa dẫn chứng minh họa cho tình trạng thiếu vắng "cái tôi" trong thơ cũ (Đoạn nói về Cao Bá Nhạ), từ đó làm rõ sự khác biệt cảm xúc giữa thơ mới và thơ cũ (Đoạn về Nguyễn Công Trứ).

- Những dẫn chứng được chọn lọc và trình bày hợp lí đã góp phần tăng thêm sức thuyết phục của các lập luận diễn giải trong bài.


Câu hỏi 5 trang 89 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Ở đoạn cuối văn bản, tác giả sử dụng các biện pháp tu từ điệp ngữ, lặp cấu trúc cú pháp "Chưa bao giờ như bây giờ" để nhấn mạnh trạng thái đặc biệt trong cảm xúc, tâm thế, khát vọng của các nhà thơ mới, những người đã làm nên "một thời đại trong thi ca". Tác giả đã bày tỏ sự tin tưởng, khích lệ các nhà thơ trong phong trào Thơ mới.


Câu hỏi 6 trang 89 Sgk Ngữ văn 11 Kết nối tri thức - tập 1:

- Hiểu biết của em về phong trào Thơ mới qua bài văn:

+ Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã thể hiện "cái tôi" rất phong phú, đa dạng.

+ "Cái tôi" Thơ mới thường buồn, mang nhiều sự trăn trở.

- Hiểu biết của em về lối văn phê bình của Hoài Thanh qua văn bản:

+ Hệ thống ý rành mạch, logic cho thấy tư duy khoa học và hiện đại.

+ Dẫn chứng hợp lí, giàu sức thuyết phục.

+ Lời văn có tính biểu đạt cao, không hề khô khan mà giàu hình ảnh, nhịp điệu.


* Kết nối đọc - viết: Hoài Thanh cho rằng: Các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã "dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt". Viết đoạn văn (khoảng 150) trình bày suy nghĩ của bạn về ý kiến này.

Từ câu nói của ông chủ báo Nam Phong: "Truyện Kiều" còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn", nhà phê bình Hoài Thanh đã khái quát thành ý kiến: các nhà thơ của phong trào Thơ mới đã "dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt". Đây là ý kiến rất chính xác của ông. Độc giả có thể dễ dàng nhận thấy rằng, tuy có rất nhiều nhà Thơ mới từng được tiếp xúc với cả Nho học và Tây học nhưng tất cả họ đều dùng tiếng Việt - chữ quốc ngữ để thể hiện tâm tình mình qua những bài thơ. Ảnh hưởng của hai nền văn minh kia chỉ thể hiện ở trong cấu trúc, nghệ thuật của bài thơ chứ không thể tác động tới ngôn ngữ mà thi sĩ sử dụng. Từ đó, ta thấy được những tác giả Thơ mới đều là người yêu tiếng Việt. Trước Cách mạng, họ dùng tiếng Việt để bày tỏ nỗi buồn thầm kín về cảnh đất nước. Sau Cách mạng, họ hăng hái dùng tiếng Việt để cổ vũ nhân dân, để chiến đấu, giữ gìn đất nước.


- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

"Một thời đại trong thi ca" là trích đoạn được đánh giá là có nhiều nhận định hay và chính xác về phong trào Thơ mới. Em hãy học kĩ văn bản này để lấy nó làm tri thức nền sử dụng khi phân tích các tác phẩm Thơ mới nhé. Mời em tham khảo thêm những bài mẫu khác do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn như: Soạn bài Tôi có một ước mơ, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức; Soạn bài Cầu hiền chiếu, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức.

{C}

"Tràng giang" là một tác phẩm thuộc phong trào Thơ mới. Vậy Thơ mới là gì? Em hãy tìm hiểu điều đó thông qua Soạn bài Một thời đại trong thi ca, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé.
Soạn bài Một thời đại trong thi ca (Hoài Thanh), soạn văn lớp 11
Soạn bài Con đường mùa đông, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Soạn bài Thời gian, Ngữ văn 11 Kết nối tri thức
Soạn bài Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm thơ, Ngữ văn lớp 10, Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài Héc-to từ biệt Ăng-đrô-mác ngắn nhất (Trích I-li-át, Hô-me-rơ, Hómèros), Ngữ văn lớp 10, Kết nối tri thức với cuộc sống
Soạn bài Nhớ đồng, Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức

ĐỌC NHIỀU