A. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Các thao tác lập luận cơ bản
- Phân tích: là chia nhỏ vấn đề ra để xem xét, trình bày nội dung và cách thức thể hiện nội dung đó để thuyết phục người đọc.
- Giải thích: là để người ta hiểu từng vấn đề đưa ra bằng lập luận lí lẽ lôgic.
- Chứng minh: là để thuyết phục người đọc người nghe bằng lí lẽ và dẫn chứng xác thực.
- So sánh: là làm rõ đối tượng đang xem xét trong tương quan với một đối tượng khác.
- Bác bỏ: là dùng lí lẽ và chứng cứ để gạt bỏ những quan điểm, những ý kiến sai lệch.
- Bình luận: là đề xuất và thuyết phục người đọc, người nghe tán đồng với những đánh giá, bàn luận của mình về vấn đề được đưa ra.
2. Nguồn gốc và bản chất của các thao tác lập luận
– Tất cả các thao tác đều có nguồn gốc từ các hoạt động nghị luận.
– Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, mỗi thao tác đều là sự phản ánh và phát triển nâng cao so với một hoạt động nghị luận tương ứng của nó trong đời sống hằng ngày, nhằm làm cho việc nghị luận đạt chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn.
- Tuỳ theo yêu cầu của đề bài mà người nghị luận chọn lựa thao tác lập luận phù hợp.
- Nắm vững bản chất của thao tác chính và sau đó vận dụng kết hợp các thao tác khác để bài nghị luận được sâu sắc hơn.
3. Các bước viết bài văn nghị luận
Có thể tiến hành như sau:
- Bước thứ nhất:
+ Xác định chủ đề mà bạn định viết.
+ Xác định các ý kiến mà bạn sẽ đưa ra và sắp xếp chúng lại thành một hệ thống.
- Bước thứ hai: cách trình bày về một luận điểm mà mình đưa ra trong phần thân bài:
+ Chọn luận điểm để trình bày.
+ Cần vận dụng các thao tác nào, chọn thao tác chính đề nghị luận.
+ Cần kết hợp các thao tác trên theo một trật tự như thế nào.
- Bước thứ ba:
+ Viết câu văn, đoạn văn và hoàn thành bài văn.
+ Kiểm tra ngữ pháp, lập luận, hành văn trong văn nghị luận.
+ Đọc văn bản đã thực hiện để thầy cô và các bạn đóng góp ý kiến.
+ Sửa chữa và hoàn thiện bài viết.
B. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI, BÀI TẬP
1. Bài 2, SGK Ngữ văn 12, tập 1, trang 174 (cho biết tác giả đã sử dụng những thao tác lập luận nào?)
– Phân tích: “Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết...
- Chứng minh:, “Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học... Chúng ràng buộc dư luận”.
- Bác bỏ: “Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp...”
– Bình luận: “Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
2. Bài 1, SGK Ngữ văn 12, tập 1, trang 176 (Phần luyện tập ở nhà)
Có thể sưu tầm các đoạn sau:
Đoạn 1: Pôn Ê-luy-a (1895–1952) là một sứ giả thi ca đúng nghĩa của nước Pháp, là nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp thi ca mãi mãi gắn bó và hợp nhất thành một huyền thoại không ngừng tỏa sáng dù ông đã từ giã chúng ta non nửa thế kỷ.
Một hợp tuyển thơ tình Pôn Ê-luy-a có lẽ bao giờ cũng là một sự lựa chọn độc đoán và gần như bất khả, không chỉ vì người ta không thể tính xuể những bài thơ tình trong sự nghiệp thi ca của ông mà còn vì tình yêu hầu như hiện diện đều khắp trong thơ ông, và vì thơ tình của ông không đơn phương và chân phương là thơ tình theo nghĩa thông thường. Thơ Ê-luy-a trước tiên và sau cùng vẫn là thơ tình..
Tình yêu là hơi thở xuyên suốt trong thơ ông, cho dù đó là những bài thơ thời thế, chiến tranh hay chính trị. Tình yêu là hình cũng là nền của thơ ông. “Tôi thắp lên ngọn lửa, màu trời xanh đã bỏ rơi tôi / một ngọn lửa để được làm bạn với nó”. Dường như ngọn lửa đó vẫn cháy mãi trong thơ ông. Ngọn lửa đốt cháy cô đơn, cái lạnh, sự khốn cùng, bóng tối, cái chết.
Ngọn lửa bất diệt bởi nó được nuôi dưỡng bằng tình yêu, “em đã tới ngọn lửa đã bùng lên”, nó chính là tình yêu sẽ “tái tạo con người”, sẽ tái tạo tất cả. Vâng, đơn giản đó là tình yêu, không như một ý niệm mơ hồ mà là máu thịt của khoảnh khắc bây giờ và ở đây, đang thở, đang đập, đang vỗ cánh, đang gọi anh, đang gọi em, đang nói bằng ngôn ngữ ấm áp của lứa đôi, và không ngừng tái sinh như chim phượng hoàng từ điêu tàn đổ nát. Tình yêu thi ca, tình yêu chính là yếu tính định mệnh của chính thơ.
Trong quyển sách cuối đời, Đường và đường mòn thi ca, được xem 1 là bản chúc thư thi ca của ông, Ê-luy-a một lần nữa khẳng định tình yêu là nơi chốn đích thực của thi ca và kinh nghiệm yêu đương luôn kết hợp gắn bó với kinh nghiệm thi ca. “Mọi lời tỏ tình đều bao hàm một vinh quang nào đó. Nó kéo theo sự kính trọng. Mọi cơn vuốt ve, dù của thân xác hay của ngôn từ đều thiêng liêng... Khoảng rộng của khát vọng bao trùm mọi không gian. Không có tình yêu hạnh phúc hay khốn khổ, không có tình yêu kiểu Pla-tông, lẫn tình yêu thỏa mãn, lẫn tình yêu vô ích, lẫn tình yêu bắt buộc. Chỉ có tình yêu, sứ giả của cái chết và sứ giả của đời sống, nhân tố tiến hóa. Và bộ mặt trái đất không ngừng thay đổi với nó. Tình yêu hiện hữu, không bền vững và bền vững. Mọi con người đều phải yêu. Tính tất yếu tuyệt đối đó buộc chúng ta phải ngưỡng vọng mọi hình dạng của tình yêu. Nó là sự ngây ngất độc nhất, sống được”.
Nếu tình yêu là cách sống, chiếm hữu, lĩnh hội tức khắc cuộc đời này trong sự toàn vẹn của nó, người đàn bà là hiện thân của ý hướng, khát vọng sống của nhà thơ, mang đến cho nhà thơ cả một thế giới mà nàng là sự khởi mở, nàng trở thành khả hữu của thi ca, nguồn cảm hứng của thi ca. Tôi không cô độc, tên gọi một bài thơ cũng là khẩu hiệu thơ Ê-luy-a, nhà thơ của sự hỗ tương, của sự bùng nổ ý thức trong các mối tương quan chằng chịt của con người, với thế gian, mà tình yêu là khởi điểm, suối nguồn, nền tảng và cứu cánh của mọi mối tương quan.
Có thể nói thơ Ê-luy-a là triết học về tình yêu bắt đầu từ mối tương quan anh / em của đôi lứa, không phải thông qua ý niệm và huyền thoại mà qua hiện thực của cái nhìn, sự vén mở, những vận động của trái tim cùng sự giao ngộ của những ý nghĩa thuộc con người. Con người trước tiên là đôi mắt, cái nhìn, kể cả đôi mắt đang nhắm, đang dội lại cái nhìn vào ký ức của chúng. “Người ta chỉ thấy điều mình muốn thấy với đôi mắt nhắm khi tất cả con người trọn vẹn đang biến thành cái nhìn. Kỳ điệu thay, đôi mắt màu mỡ, chúng là dòng sông, là ánh sáng, là giường nằm, là đường đi”:
Chúng hứa hẹn một trường thị giác phong phú như đất màu mỡ hứa hẹn một mùa hoa trái xinh tươi, bởi đó là nơi chốn của mọi ý hướng, mọi chân trời, cũng là nơi chốn người ta tự nguyện giam mình, nó là tấm gương phản chiếu một cái nhìn khác, một tấm gương khác, như bàn tay đưa ra cho một bàn tay cũng phản chiếu trong bàn tay đó: “Giữa những con mắt đang nhìn nhau, ánh sáng tràn bờ (Huỳnh Phan Anh).
Đoạn 2: (Về bài thơ Ông đồ)
1. Trước khi đọc một bài thơ, người ta nhìn thấy hình thù của nó trên trang giấy. Với hai mươi câu thơ năm âm tiết. Ông đồ để lại nhiều khoảng giấy trắng hơn cả một số bài cùng dáng dấp ngũ ngôn – ví như bài Tay ngà và Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Nhất là bài sau dài hơn bài thơ của Vũ Đình Liên nhiều, lại không chia thành khổ. Sự kiềm chế, đọng lại của lời thơ Ông đồ phải chăng xuất phát từ chỗ nói không chỉ giới hạn ở một chủ đề chung với thơ Nguyễn Nhược Pháp – nỗi niềm hoài cổ – mà còn hướng tới triết lí, gợi lên những chuyện dâu bể, thăng trầm trong nhịp độ của thời gian? Nó gắn với tiếng thu của Lưu Trọng Lư, theo hướng nén lại tình cảm. Còn ở hai bài thơ Nguyễn Nhược Pháp, là một trạng thái hồn nhiên hơn, tràn trề cảm xúc trong khi hoài niệm về “Ngày xưa”. Tất nhiên, nói đến độ nén của tình cảm mà tìm biểu hiện ở kích thước, số lượng câu chữ – đó chỉ là ấn tượng ban đầu, khi mới nhìn. Còn sau đó, phải đọc.
2. Một số nhà phê bình đã đọc hai khổ thơ đầu trong mối liên hệ đối lập với ba khổ thơ sau. “Hai đoạn đầu tươi vui, nhảy nhót, với cái nền văn hoa đào nở của ngày tết, của màu xuân, với giấy đỏ, mực tàu đen, với người qua lại tấp nập, với những lời bình luận ca ngợi nét chữ đẹp của ông đồ. Ba đoạn thơ cuối miêu tả những biến động của thời gian (...). Ngôn từ thoạt đầu đầy âm thanh ồn ào, màu sắc tươi, dần dần xa vắng, mênh mông”.
Riêng tôi, tôi thấy bài thơ buồn ngay từ hai câu đầu và đoạn sau chỉ là sự phát triển, lộ rõ cái tứ thơ đã phảng phất ở đoạn trên mà thôi:
Thời gian khiến thiên nhiên có dịp để tái sinh, xuân hoá, trong khi nó chỉ khẳng định thêm (lại thấy...) sự già nua của ông đồ. Thêm nữa, nét đối lập đã hàm ẩn ngay giữa những hình ảnh “tươi vui” ban đầu:
Sức sống của hoa là tự tại. Còn “Mực tàu giấy đỏ”, màu sắc mãnh liệt đấy, “bày ra đó, nhưng ở bên ngoài. Ở đây, cái hiện đại chỉ xuất hiện qua hai hình ảnh “phố” và “người thuê” nhưng lại đầy sức mạnh bởi “phố đông” và “bao nhiêu người”. Số lượng cũng là một sức mạnh. Còn gì mỏng manh hơn giấy bút? Và ngay cả tài năng của ông đồ nữa, nó chỉ hiển hiện trên câu thơ bằng những từ ngữ, lối nói cổ xưa (Hoa tay, thảo, phượng múa rồng bay), cũ kĩ ngay cả trong nhịp điệu của hình ảnh ví von do đối ngẫu (phượng múa, rồng bay).
Bởi lẽ ngay từ đầu bài thơ, sự xuất hiện của ông đó đã gắn với một thời điểm: thời điểm ông đi viết thuê. Những nét “phượng múa rồng bay” kia là để bày bán trên hè phố.
3. Do đó, ba khổ thơ sau không hẳn chỉ là sự đối lập mà là sự trùng điệp của một số hình ảnh đã xuất hiện – thật đúng với tính chất của thơ. Thật ra đây không chỉ có sự điệp lại, mà là những biến thái và chuyển hoá của các hình ảnh ấy.
Trong khổ thứ ba và thứ tư, những hình ảnh biểu hiện thời gian ở khổ thơ đầu vẫn trở lại nhưng không chỉ đơn giản gợi lên tính chất tuần hoàn, chu kì. “Mỗi năm hoa đào nở” đã chuyển thành:
Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Ở câu sau, từ mỗi được lặp lại như gõ nhịp cho bước đi của thời gian. Thêm nữa, bước đi của nó lại được gợi lên, trong một không gian đặc biệt: sự vắng lặng. Bởi thế, lắng nghe, ta thấy nhịp độ thời gian trở thành nhịp độ suy thoái (... mỗi vắng). Cảm nhận ấy còn được tô đậm thêm bởi hai hình ảnh chưa xuất hiện ở đoạn đầu bài thơ. Nếu ở đoạn trên, thời gian còn thấp thoáng sau gương mặt biểu tượng cho mùa xuân (hoa đào nở) thì ở đây đã có sự chuyển hoá sang những hình ảnh ngược lại - và vẫn có ý nghĩa biểu tượng: “lá vàng” và “mưa bụi” điệp lại những nét mỏng manh đã xuất hiện từ khổ thơ đầu.
Cộng hưởng với hệ thống hình ảnh ấy, trong hai khổ thơ này, xuất hiện những từ không xác định (nay đâu, ai hay...). “Người thuê viết” trở lại trong câu hỏi vô định (“Người thuê viết nay đâu?”) và trong một câu phủ định: “Qua đường không ai hay”.
Nếu hình ảnh cuộc đời-gắn với nó là thời gian, thiên nhiên, ở những khổ thơ này có gì khác so với hai khổ thơ đầu, đó chính là sự di động , nó được thể hiện rõ nét:
Năm tháng điểm nhịp bước, người thuê viết” thành kẻ “qua đường” và ngay cả “lá vàng rơi”, “mưa bụi bay”, tất cả đều ở trạng thái động. Trong khi đó, mọi hình ảnh về ông đồ đều gắn với sự ngưng đọng “giấy đỏ buồn”, “mực đọng”... “Ông đồ vẫn ngồi đấy”....
4. Ở khổ cuối cùng, nhà thơ đọng lại một thời điểm:
Đó là hiện tại, tất nhiên chỉ là một hiện tại giả thiết cho nhà thơ (và bạn đọc). Sự xác định này giống như một cánh cửa khép lại đối với họ mà thôi. Còn với cuộc đời, guồng quay của nó bất tận (đào lại nở). Ý niệm về sự tuần hoàn của nó vẫn được gợi lên qua hình ảnh của những bông hoa, biểu tượng cho sự tái sinh vĩnh viễn. Ngoài ra, ý niệm ấy còn được biểu hiện qua việc gần như lặp lại toàn bộ câu đầu bài thơ, với một vài biến thái nhỏ (mỗi năm hoa đào nở... Năm nay đào lại nở...).
Nghệ thuật trùng điệp – ở một bài thơ hay, không bao giờ hoàn toàn là sự lặp lại. Khổ thơ cuối cùng vẫn đặt song song hai hình ảnh từng được chú ý rọi sáng từ đầu bài: “hoa đào” bên cạnh “ông đồ”. Tuy nhiên, ở đây, chỉ có sự chuyển hoá của một hình ảnh ngày càng mở rộng, mơ hồ, khó nắm bắt:
Tới đây ta đã thấy được trong hai hình ảnh ấy (hoa đào và ông đồ) đâu là điểm hội tụ ánh sáng của bài thơ. Hoa đào vẫn vậy. Nhưng hình ảnh mà nhà thơ dõi theo, đó chính là con người được vẽ lên trong sự chuyển hóa Ông đồ già – ông đồ xưa – những người muôn năm cũ – Hồn.
Chỉ qua sự tiến triển, biến thái của một hình ảnh (ông đô), ta có thấy gợi lên âm hưởng khái quát của khổ thơ cuối cùng: đầu chỉ là 50 phận của ông đồ già! (Đặng Anh Đào).
3. Bài 2, SGK Ngữ văn 12, tập 1, trang 176 (viết một đoạn văn nghị luận (trong đó vận dụng ít nhất 3 thao tác nghị luận) để bày tỏ ý kiến của mình về nét đặc sắc trong một bài thơ).
Gợi ý: Một nền tảng tri thức rộng cũng là nhân tố quyết định đến sự hành công của tác phẩm nghị luận. Bôn ba khắp bốn bể chân trời, Hồ Chí Minh đã tích luỹ được kho kiến thức vô cùng phong phú. Việc trích dẫn hai bản truyện ngôn của Pháp - kẻ từng nhân danh “bảo hộ” thực chất là xâm lược, đặt ách đô hộ trên đất nước ta - và Mĩ - nước đang có vai trò quan trọng trong lực lượng đồng minh chống phát xít, Hồ Chí Mình không chỉ dùng gậy ông đập lưng ông mà còn nâng tầm cách mạng giải phóng dân tộc ta lên ngang tầm những cuộc cách mạng được xem là tiêu biểu cho mọi thời; nâng tầm vóc hành động của dân tộc ta lên tầm vóc của những sự thay đổi tích cực của nhân loại trên bước đường phát triển.
Nhưng Hồ Chí Minh không chỉ viện dẫn từ sách vở, Người còn đưa ra rất nhiều bằng chứng xác thực lấy từ chính cuộc sống cơ hàn nhưng vô cùng bất khuất của dân tộc ta.
Nhân danh “bảo hộ” nhưng thực chất thực dân Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật.
Nhân danh “khai hoá” nhưng thực chất Pháp làm thui chột cả trí lực lẫn sức lực của nhân dân ta để dễ bề cai trị.
Nhân danh Đồng minh nhưng thực chất Pháp đã phản bội lại Đồng minh vì đã đầu hàng phát xít Nhật.
Nhân danh quyền con người nhưng Pháp lại đi giết tù chính trị của ta ở Yên Bái và Cao Bằng trước khi tháo chạy trước phát xít Nhật.
Trên đây là những lập luận thuận chiều với nhiều chứng cớ không thể nào chối cãi. Chưa đủ, Hồ Chí Minh còn sử dụng lối lập luận ngược chiều để vạch mặt sự nham hiểm, độc ác không thể nào dung thứ đối với thực dân Pháp.
Ấy là, mặc dù thực dân Pháp đối xử với chúng ta tàn bạo, vô nhân đạo đến mức dã man, nhưng trái tim người Việt Nam luôn nhân hậu, sẵn sàng mở lượng hiệu sinh cứu giúp người Pháp khi bị phát xít Nhật truy giết. Đưa ra bằng chứng này không chỉ nhằm để khẳng định người Việt Nam có truyền thống nhân đạo, mà còn cốt để xâu chuỗi mạch lập luận rằng một dân tộc chịu nhiều đau thương, một dân tộc ngoan cường, một dân tộc yêu chuộng tự do và giàu lòng nhân ái thì tất yếu phải được sống cuộc sống tự chủ, độc lập như bao dân tộc khác.
Lập luận của Tuyên ngôn Độc lập vô cùng độc đáo ở chỗ một mũi tên bắn trúng hai đích, nên ẩn ý của từ ngữ vô cùng sâu rộng. Điều đó chứng tỏ sức mạnh ngôn từ của dân tộc, tài năng của người cầm bút.
---------------------HẾT-----------------------
Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Soạn bài Thực hành một số biện pháp tu từ cú pháp để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 12 của mình.
Trên đây là phần Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận bài tiếp theo, các em chuẩn bị trả lời câu hỏi SGK, Soạn bài Quá trình văn học và phong cách văn học và cùng với phần Soạn bài Tự do (P.Ê-Luy-A) để học tốt môn Ngữ Văn lớp 12 hơn