Soạn bài Gió lạnh đầu mùa
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần chuẩn bị:
a, Thông tin cơ bản:
- Tên ban đầu là Nguyễn Tường Vinh, năm 15 tuổi thì làm lại khai sinh, đổi thành Nguyễn Tường Lân.
- Sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình công chức gốc quan lại với 7 người con. Thạch Lam là người con thứ 6.
- Thuở nhỏ, ông chủ yếu sống ở quê ngoại là phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
- Là người thuộc dạng thể chất yếu, lại có thêm tuổi thơ cơ cực vì miếng cơm manh áo đã khiến Thạch Lam mắc phải căn bệnh lao phổi. Năm 1942, ông qua đời tại Hà Nội khi mới chỉ 31 tuổi.
b, Sự nghiệp văn học:
- Thạch Lam thuộc nhóm Tự Lực văn đoàn, cùng với hai người anh ruột là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long).
- Thạch Lam từng đỗ Tú tài, sau thôi học để làm báo cùng hai anh.
- Ông từng lo việc biên tập cho tuần báo "Phong hóa" và "Ngày nay", sau được giao làm chủ bút cho tờ "Ngày nay".
- Các tác phẩm của Thạch Lam thường hướng vào cuộc sống cơ cực của người dân nghèo thành thị và vẻ đẹp của cuộc sống đời thường bình dị. Ở đó, ta thấy được sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và chất trữ tình, lãng mạn.
- Một vài tác phẩm tiêu biểu: tập truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa", tập truyện ngắn "Nắng trong vườn", truyện dài "Ngày mới", tùy bút "Hà Nội băm sáu phố phường",...
- Nhà văn Nguyễn Tuân: "Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc. [...] Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học..."; "Nhiều truyện ngắn của Thạch Lam không có chuyện mà man mác như một bài thơ,... đem đến cho người đọc một cách gì nhẹ nhõm, thơm lành mát dịu".
- Nhà văn Vũ Ngọc Phan: "Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phát riêng... Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và đẹp...".
- Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam: "Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, hay ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, nhất là những người phụ nữ trong xã hội cũ, sống vất vả, thầm lặng, chịu đựng, giàu lòng hi sinh (Cô hàng xén). Có truyện miêu tả với lòng cảm thông sâu sắc một gia đình đông con, sống cơ cực trong xóm chợ (Nhà mẹ Lê). Có truyện phân tích tỉ mỉ tâm lý phức tạp của con người (Sợi tóc). "Ngày mới" đi sâu vào nội tâm của một cặp vợ chồng trí thức nghèo. Chưa có truyện nào có ý nghĩa xã hội rõ nét như các tác phẩm của các nhà văn hiện thực phê phán. "Theo giòng" là một thiên tiểu luận viết kiểu tuỳ bút, ghi lại suy nghĩ của ông về nghệ thuật tiểu thuyết, có những ý kiến hay, nhưng chưa đi sâu vào khía cạnh nào. Cuốn "Hà Nội ba sáu phố phường" có phong vị đậm đà của quê hương xứ sở, lại rất gợi cảm. Văn Thạch Lam nhẹ nhàng, giàu chất thơ, sâu sắc, thâm trầm, thường để lại một ấn tượng ngậm ngùi, thương xót".
Có một lần, em đã lén đem chiếc vòng tay của mình đi tặng bạn. Đó là một chiếc vòng bằng đá thạch anh trắng rất đẹp mà mẹ mua cho em hồi sinh nhật năm ngoái. Nhưng khi đó, Mai - người bạn thân nhất của em lại chuẩn bị theo gia đình sang định cư bên Ý. Trong buổi chia tay gấp gáp, em không có gì tặng bạn nên liền đưa luôn chiếc vòng tay cho Mai. Bạn cũng bảo với em sẽ giữ gìn món quà này thật cẩn thận. Khoảng hai hôm sau thì mẹ em biết chuyện. Lúc đó em cũng hơi sợ vì mình chưa xin phép mẹ và đó cũng là một chiếc vòng giá trị cao. Thế nhưng thay vì trách mắng, mẹ chỉ nhắc nhở em lần sau làm gì cũng nên báo trước với mẹ. Khi ấy, mẹ sẽ giúp em chuẩn bị quà riêng cho bạn. Còn những món đồ của mình thì cần phải giữ gìn cẩn thận. Đó là kỉ niệm vô cùng khó quên đối với em.
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc hiểu:
- Nhan đề: "Gió lạnh đầu mùa" - Đề cập đến mùa đông và sự lạnh giá.
- Bối cảnh: Vào một buổi sáng, khi mùa đông "đột nhiên đến, không báo trước"
- "... rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt".
- "... mọi người đã mặc áo rét cả rồi".
- "... đất khô trắng".
- "Trời không u ám, toàn một màu trắng đục".
- "Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét".
- Câu nói của người vú già: "Rét quá! Múc nước cóng cả tay".
- "... một cái áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn".
- "Duyên là đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. [...] Sơn thấy mẹ hơi rơm rớm nước mắt".
- Chiếc áo bông cũ gắn liền với kỉ niệm và sự xót xa về đứa em gái nhỏ yểu mệnh.
- Khi chuẩn bị đi chơi, Sơn đã được mẹ mặc cho chiếc áo dạ mới rất đẹp. Vậy nên tâm trạng của cậu lúc đó sẽ vui vẻ và tự hào, thêm chút háo hức khi sắp được khoe chiếc áo với mọi người.
- Lũ trẻ tỏ ra vui mừng khi thấy hai chị em Sơn vì chúng có thể chơi đùa cùng nhau. Chúng rất yêu quý chị em Sơn và ngược lại, hai chị em cũng không hề kiêu kì, khinh khỉnh mà rất thân thiện với chúng.
- Bên cạnh đó, lũ trẻ không dám vồ vập bởi chúng ý thức được sự khác biệt giữa họ. Chúng "như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy".
- Các câu đối thoại ở đây cho thấy lũ trẻ rất hồn nhiên, vô tư. Đồng thời, chúng cũng vô cùng ngưỡng mộ chị em Sơn vì có được chiếc áo bông mà "ở đây làm gì có".
- Hiên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc độc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay".
- "... mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề đi mò cua bắt ốc thì lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa".
- Hiên có hoàn cảnh vô cùng đáng thương.
- Sơn cảm thấy "ấm áp vui vui" vì biết bản thân đã làm được một việc tốt, giúp đỡ được cho người khác. Việc lan tỏa sự ấm áp, tình yêu dương đến mọi người xung quanh đã khiến Sơn vô cùng vui vẻ -> Đạo lí "thương người như thể thương thân".
- Qua lời đối thoại, có thể thấy Sinh là người hỗn xược ("hay nói hỗn với vú già"), lại còn có tính mách lẻo ("hễ mợ về nó sẽ sang mách với mợ cho cậu phải đòn").
- "Sơn lo quá, sắp ăn, bỏ đũa đứng dậy,...".
- "Sơn vội vàng ra chợ tìm cái Hiên... Đến cả nhà cũng không thấy ai... Hai chị em lo sợ, đi ra cánh đồng tìm...".
- Hai chị em trách cứ, đổ lỗi cho nhau: "Sao em lại nghĩ đem cho nó cái áo ấy, có phải bây giờ mợ mắng chết không?"; "Ai bảo chị về lấy? Nếu chị không về lấy thì em biết đâu".
- Lan đề nghị cả hai đi về thì Sơn bảo: "Nhưng mà em sợ lắm", khiến Lan phải nắm chặt tay em an ủi.
- "Hai chị em lo lắng dắt nhau lẻn về nhà".
- Vì hai chị em đã giấu mẹ mang cho Hiên chiếc áo. Mà nó lại chính là áo của bé Duyên - một thứ kỉ vật, mối dây liên kết với đứa em đã mất mà mẹ rất trân quý.
- Câu nói của mẹ Hiên thể hiện rằng bà là một người khéo léo, hiểu chuyện và đồng thời cũng rất giàu lòng tự trọng.
- Điều bất ngờ ở kết thúc truyện chính là hành động của mẹ Sơn. Bà hỏi han mẹ Hiên, cho mẹ Hiên mượn năm hào để về may áo cho con. Không chỉ vậy, bà chẳng trách cứ gì hai chị em, thậm chí còn "âu yếm ôm vào lòng".
- Mẹ Sơn là người giàu lòng yêu thương. Chính điều này đã ảnh hưởng và hình thành nên đức tính nhân ái, thương người ở hai chị em.
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
- Tóm tắt: Vào một buổi sáng, Sơn tỉnh dậy và chợt thấy mùa đông đã về. Mọi người trong nhà đều đã mặc áo bông hết. Trong cái thúng quần áo mà chị Lan bê ra có cái áo bông cánh cũ của Duyên - đứa em gái đã mất từ năm lên bốn tuổi. Sau khi được mẹ sửa soạn cho, hai chị em Sơn xúng xính ra chợ chơi. Ở đây, chúng gặp lũ trẻ nhà nghèo. Bọn trẻ xuýt xoa khen chiếc áo mới của Sơn. Tình cờ, hai chị em thấy cái Hiên đang đứng co ro vì rét nên quyết định về lấy chiếc áo bông cũ mang cho con bé. Nhưng sau khi bà vú biết việc này, hai chị em Sơn bắt đầu lo sợ sẽ bị mẹ trách mắng. Thế là cả hai cùng chạy đi tìm Hiên để đòi lại chiếc áo. Tìm mãi không thấy, Lan và Sơn đành đi về. Đến nhà, hai chị em đã thấy mẹ con Hiên ngồi đó để trả lại áo. Sau khi trò chuyện, mẹ Sơn không những không tức giận mà còn cho mẹ Hiên vay năm hào về may áo cho con. Sau khi mẹ con Hiên ra về, mẹ Sơn mới âu yếm hai chị em vào lòng.
- Nếu xét về cốt truyện, hai văn bản "Gió lạnh đầu mùa" - Thạch Lam và "Tôi đi học" - Thanh Tịnh giống nhau ở điểm:
+ Đều kể lại những sự việc, câu chuyện gần gũi, giản dị của cuộc sống đời thường.
+ Đều khắc họa được những dòng cảm xúc, thay đổi trong diễn biến tâm trạng của nhân vật.
- Những chi tiết giúp em hình dung ra bối cảnh chị em Sơn cho chiếc áo bông:
+ "... dãy nhà lá của những người nghèo khổ".
+ "Thằng Cú, thằng Xuân, con Tý, con Túc sán gần giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn".
+ "Sơn nhận thấy chúng ăn mặc không khác ngày thường, vẫn là những bộ quần áo nâu nạc đã rách vá nhiều chỗ".
+ "... môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi".
+ "Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau".
+ Hình ảnh Hiên "co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay".
- Qua những chi tiết trên, có thể thấy Thạch Lam đã thành công tái hiện sự khó khăn, nghèo nàn của những gia đình nông dân lao động nơi miền quê bấy giờ. Hình ảnh hai chị em Sơn xúng xính trong bộ đồ mới ấm áp hoàn toàn đối lập so với hoàn cảnh thiếu thốn của lũ trẻ nhà nghèo. Từ đó, càng tăng thêm sự xót xa, thương cảm trong lòng độc giả.
- Tâm trạng Sơn trước khi cho chiếc áo: "động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước vẫn chơi cùng với Hiên"; "Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua...".
- Tâm trạng Sơn sau khi cho chiếc áo: "... trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui".
- Chi tiết khiến em ấn tượng nhất chính là thái độ của Sơn khi chị Lan chạy về lấy chiếc áo. Khi ấy, Sơn "đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui". Cảm giác của Sơn lúc đó chính là biểu hiện của tình yêu thương con người. Chỉ cần giúp đỡ được người khác, những đứa trẻ ngây thơ kia đã cảm thấy vui vẻ rồi.
- Thái độ của mẹ Sơn:
+ Ôn tồn hỏi han -> Thể hiện sự điềm tĩnh, biết quan tâm người khác.
+ Cho mẹ Hiên vay năm hào về may áo cho con. Thể hiện tình thương người, sự rộng lượng và khéo léo khi không muốn để mẹ Hiên phải thấy khó xử.
- Thái độ của mẹ Hiên: Mang áo đến tận nhà để trả cho hai chị em Sơn. Thể hiện lòng tự trọng của bản thân, sự tôn trọng dành cho gia đình nhà Sơn.
- Chiếc áo bông là kỉ vật gắn liền với Duyên - đứa em gái mất khi mới chỉ bốn tuổi. Mẹ Sơn rất trân quý chiếc áo đó. Vậy nên khi hai chị em Sơn tự ý lấy nó đi cho Hiên mà không hỏi ý kiến mình, bà sẽ không hài lòng.
Em không đồng ý với ý kiến "Ý nghĩa của truyện chỉ đơn giản là việc cho chiếc áo bông cũ". Trên thực tế, truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" còn truyền tải rất nhiều thông điệp giá trị về tinh thần nhân đạo, tình yêu thương, đùm bọc và sẻ chia giữa người với người. Hành động cho đi chiếc áo bông cũ chính là cách mà hai chị em Sơn thể hiện sự cảm thông dành cho đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn hơn mình - Hiên. Đồng thời, hành động của mẹ Sơn sau đó cũng càng làm rõ hơn tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Đó chính là đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam ta suốt bao đời nay: "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân".
Truyện ngắn của Thạch Lam luôn được đánh giá là nhẹ nhàng, tinh tế và giàu chất thơ. Điều này thể hiện rất rõ qua tác phẩm "Gió lạnh đầu mùa". Ở đây, chất thơ hiện lên ngay từ câu chữ, ngôn từ giản dị, gần gũi cùng các hình ảnh giàu sức gợi. Bức tranh thiên nhiên buổi sáng đầu đông được tác giả diễn tả với hàng loạt chi tiết: "đất khô trắng", "luôn luôn cơn gió vi vu", "lá khô lạo xạo", "trời u ám",... Nhưng đặc biệt hơn cả, chất thơ còn hiện lên qua "tâm hồn trong sáng và tấm lòng thơm thảo" của con người. Đó là sự thân thiện của hai chị em Sơn, là hành động chạy về lấy chiếc áo bông cũ tặng cho bé Hiên. Những đứa trẻ tuy còn nhỏ tuổi, ngây thơ và hồn nhiên nhưng đã vô cùng hiểu chuyện, biết yêu thương, sẻ chia với người có hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ, chúng đã được rèn dũa, học hỏi đức tính đáng quý ấy từ chính mẹ mình - một người phụ nữ nhân hậu, nghĩa tình. Qua đó, ta cũng thấy rõ hơn đạo lí "Lá lành đùm lá rách", "Thương người như thể thương thân" mà tác giả muốn truyền tải.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Như vậy, qua phần chuẩn bị trên, có thể nói tâm hồn, tài năng của Thạch Lam đã được thể hiện vô cùng rõ nét qua truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa". Đồng thời, đem đến bài học ý nghĩa về tình người, lòng nhân ái trong cuộc sống. Để tham khảo thêm các văn bản tương tự, mời em ghé qua Taimienphi.vn thường xuyên hơn nhé: Soạn bài Chuỗi hạt cườm màu xám; Soạn bài Người mẹ vườn cau.