Hoàng Cầm, nhà thơ của miền quê Kinh Bắc. Ông sinh năm 1922. Ông nói về quê Mẹ đất Cha:
Dòng sông "nước trắng" ấy chính là dòng sông Đuống yêu thương. Hoàng Cầm là một trong những thi sĩ đương đại cực kì tài hoa. Tâm hồn ông đã chơi vơi với những mối tình thơ mộng như đi tìm "lá diêu bông" một chiều thu tím nào. Cuộc đời ông đã từng nếm nhiều nỗi đau. Ông khóc mình… rồi khóc con gái "mệnh yểu":
Nếu tính từ năm 1937 khi viết "Hận Nam Quan" đến năm 1995, tập thơ "Men Đá Vàng" xuất bản, Hoàng Cầm đã có ngót 60 năm làm thơ. "Bên kia sông Đuống", "Lá diêu bông", "Mưa Thuận Thành", kịch thơ "Trương Chi",… là những tiếng thơ, tiếng hát để thương, để nhớ cho đời.
Hoàng Cầm viết bài thơ "Bên kia sông Đuống" vào một đêm tháng 4 năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc. Xúc động trào dâng sau khi được nghe những tin tức quê nhà bị giặc chiếm đóng, tàn phá, dưới ngọn đèn dầu sử, trong tiếng vọng của tiếng súng, ông viết thâu canh, cho đến lúc gà gáy sáng thì hoàn thành bài thơ. "Bên kia sông Đuống" là một trong những bài thơ hay nhất viết về đề tài quê hương của thơ ca kháng chiến chống Pháp; thi phẩm này đã làm vẻ vang cho nhà thơ Hoàng Cầm. Tràn ngập bài thơ là cái tình quê, hồn quê dạt dào. Nỗi nhớ thương, tự hào quê Mẹ đất Cha, nỗi xót xa, căm giận, nuối tiếc… quê hương đang bị quân thù giày xéo, là cảm xúc chủ đạo của áng thơ này. Với 134 dòng thơ sâu lắng, thiết tha, bồn chồn… hòa quyện vào nhau, bài thơ cứ ngân nga rung động hoài trong tâm trí người đọc. Hoàng Cầm đã có lần tâm sự về "Bên kia sông Đuống": "Hương vị dân tộc, chất tình tứ, hư ảo của những câu ca Quan họ đã thấm đẫm trong hồn tôi từ những ngày nhỏ dại". Chính hương vị ấy, chất tình tứ, hư ảo ấy đã diệt nên sắc điệu trữ tình của bài ca quê hương này.
Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi mơ hồ, xa xăm vọng lên từ tâm tưởng, trong hoài niệm, nhiều bồi hồi, xao xuyến. Như an ủi, như vỗ về, như thương nhớ, tủi sầu:
Con sông tuổi thơ "cát trắng phẳng lì" là cội nguồn của nỗi buồn, nỗi nhớ của anh và em, của ngày xưa, của năm tháng. Em là sự phân thân của nhà thơ, hay "người tình chung" từng "để thương, để nhớ để sầu cho ai…". Em đến để tâm tình, để thổ lộ… và hẹ em trong "ngày hội non sông": "Em mặc yếm thắm – Em thắt lụa hồng – Em đi trẩy hội non sông – Cười mêm ánh sáng muôn lòng xuân xanh". "Em" đến đúng lúc để "anh" giãi bày, để khơi gợi nguồn thơ. Đó là chất tình tứ hư ảo trong thơ Hoàng Cầm mà ta cảm nhận được.
Cùng với em là hình ảnh con sông Đuống thương yêu xuất hiện. Dòng sông thơ ấu từ hoài niệm "Ngày xưa cát trắng phẳng lì" trôi theo dòng lịch sử, theo thời gian và lòng người mà hiện về trong thương nhớ, với màu sắc, với dáng hình thân thuộc:
Hai tiếng "trôi đi…" gợi lên cái êm đềm, cái man mác "nước chảy lơ thơ…". "Một dòng sông lấp lánh" vì cát trắng, vì gương sông chở ánh hồng bình minh, chở trăng sao những đêm thu đẹp. Đó là dòng sông thơ mộng. Dáng sông Đuống trong hiện tại chẳng uốn lượn như hình con long của sông "làng ta" (Ca dao) mà lại "Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì". Một câu thơ hay để ta cảm xúc, đọc lên nhận vào hồn mình với báo nhiêu nhã thú, thi vị. Tưởng như tác giả viết bằng bút pháp siêu thực? Tưởng như câu thơ được cấu tạo nên bằng kĩ thuật điện ảnh tân kì? Đó là một sáng tạo thi ca độc đáo của thi sĩ tài hoa Hoàng Cầm.
Sông Đuống là sông của tuổi thơ, sông của hoài niệm. Màu "xanh xanh" của bãi mía bờ dâu, màu "biêng biếc" của ngô khoai là màu xanh của miền thơ ấu, là hình bóng quê hương. Bức tranh quê tươi tắn, đầy sức sống… Nhớ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đứa con li hương "đứng bên này sông" nhìn về "bên kia sông Đuống", từ vùng tự do tả ngạn nhìn về hữu ngạn, nơi "tâm hồn ta thấm đất", nỗi nhớ, nỗi đâu không thể nào kể xiết:
"Sao nhớ tiếc… sao xót xa…" vì quê hương đang chìm trong máu lửa. Nỗi nhớ, nỗi đâu đến cực độ, làm tê tái cả hồn người, làm "chết đi " từng phần cơ thể. Câu thơ "Sao xót xa như rụng bàn tay" đã cụ thể hóa nỗi đau đớn xót xa cả về thể xác lẫn tinh thần. Đầu thế kỉ XX, Nguyễn Khuyến đau đớn khi "chợt nghe" tin bạn chí thân qua đời: "Làm sao bác vội về ngay – Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời". Một đằng khóc bạn, một đằng khóc quê. Hai nhà thơ đều mượn cách nói dân gian để diễn tả một tâm trạng, một nỗi lòng tan nát. Có yêu quê hương tha thiết, gắn bó thủy chung với quê Mẹ đất Cha thì Hoàng Cầm mới có nỗi đâu "nhớ tiếc" và "xót xa như rụng bàn tay" ấy.
Có thể nói, mười dòng thơ trong phần tiền tấu của khúc ca quê hương "Bên kia sông Đuống" là một cái nhìn đăm đắm "nhớ tiếc", là nỗi đau tê tái "xót xa", là nỗi nhớ thương khôn nguôi.. của đứa con li hương. Vần thơ như những tiếng khóc thầm, rồi bật lên như một tiếng nghẹn nấc: "biêng biếc… nhớ tiếc … như rụng bàn tay".
Phần thứ hai gồm có 118 dòng thơ, chia làm hai đoạn. Đoạn thứ nhất dài 69 dòng thơ nói lên nỗi đau, nỗi nhớ tiếc xót xa về quê hương tươi đẹp, yên vui trong thanh bình… bỗng bị quân thù kéo tới chiếm đóng, tàn phá. Đoạn thứ hai là 49 dòng nói về quê hương chiến đấu, xóm thôn vùng lên khi bộ đội "bên sông trở về".
Đoạn thứ nhất cấu trúc tương phản giữa xa xưa thanh bình với hiện tại tang tóc, điêu tàn. Các câu thơ "Bên kia sông Đuống" và "Ai về bên kia sông Đuống" nối tiếp nhau xuất hiện, diễn tả hình bóng quê hương hiện lên như những đợt sóng vỗ vào lòng đứa con xa quê bao nỗi nhớ thương và căm giận. Một tình quê vơi đầy trong nỗi nhớ:
"Bên kia sông Đuống" là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, một miền quê trù phú và có nền văn hóa, văn hiến ngàn năm thuộc vùng Kinh Bắc. Chỉ bằng hai nét vẽ mà nhà thơ đã gợi lên hương sắc quê nhà. Ba tiếng "quê hương ta" vang lên tự hào, lay động tha thiết. Hương lúa nếp thơm nồng của cốm mới, của cánh đồng màu xanh lúa trỗ, hương xôi, hương bánh… trên mâm cỗ tết, trong ngày giỗ trên bàn thờ gia tiên. Hương lúa nếp thơm nồng đã quyện lấy tâm hồn "anh" và "em" tự thuở nào. Nhớ "quê hương ta" là nhớ mùi "thơm nồng" của lúa nếp, là nhớ tranh làng Hồ, tranh gà lợn, nhớ nét vẽ tài hoa xinh đẹp "nét tươi trong", nhớ "màu dân tộc", nhớ sắc màu rực rỡ, tươi đẹp "sáng bừng trên giấy điệp" óng ánh, mượt mà. Tình yêu quê được gửi gắm, được thể hiện qua các thanh âm (nồng, trong, bừng, điệp…), qua các tính từ phẩm chất đã làm dậy sắc hương của lúa nếp, của tranh gà lợn: thơm nồng, tươi trong, sáng bừng, điệp. Đặc biệt hai chữ "sáng bừng" đã thể hiện cái hồn quê nồng nàn say đắm, đã làm sáng lên cả vần thơ và hoài niệm, đã thổi vào bức tranh quê cả sức sống và tình yêu mặn nồng. Cũng như dân ca Quan họ, mảng tranh dân gian Đông Hồ được tác giả nói đến với bao yêu mến, tự hào, từ đề tài đến chất liệu, từ tư tưởng đến phong cách nghệ thuật đều mang vẻ đẹp bình dị, dân dã, mến yêu "sáng bừng" màu sắc dân tộc.
Nhưng giờ đây còn đâu nữa? – "Quê hương ta từ ngày khủng khiếp – Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn". "Ngày khủng khiếp" kể từ 19 – 12 – 1946, ngày toàn quốc kháng chiến, những miền quê rộng lớn bình yên đã bị giặc Pháp biến thành đống tro tàn. "Những cánh đồng quê chảy máu", những đường làng "xương máu tơi bời", … cả một không gian bao la chìm trong máu lửa, chết chóc. Quân cướp nước kéo tới quê hương ta là: "Chó ngộ một đàn – Lưỡi dài lê sắc máu". Chúng điên cuồng đốt phá, bắn giết: ruộng khô, nhà cháy, ngõ thẳm bờ hoang kiệt cùng. Sự sống bị tiêu diệt, cả một miền quê tan tác, đau thương:
Ước mơ ấm no, yên vui, hạnh phúc của "quê hương ta" bao đời nay bị quân xâm lược làm cho tan nát chia lìa. Từ nỗi đau vật chất đến nỗi đau tinh thần là vô cùng ghê sợ! Lấy hình ảnh trong hai bức tranh làng Hồ, bức tranh lợn và bức tranh đám cưới chuột để cực tả cảnh đau thương chia lìa, tan tác trên quê hương. Nhà thơ đã lay động hồn quê, tình quê ứa máu, thấm lệ trong lòng người bấy nay. Vẻ đẹp văn hóa trong lòng người, trong nếp sống, trong cảnh vật đã bị "ngọn lửa hung tàn" hủy diệt! Những câu thơ ngắn đan xen với những câu thơ dài đã góp phần tô đậm nỗi căm uất, nghẹn ngào chứa chất trong lòng người đang bùng lên dữ dội.
Nhớ da diết bồi hồi quê hương, Hoàng Cầm lại tha thiết nhắn gọi: "Ai về bên kia sông Đuống – Cho ta gửi tấm the đen… - Gửi về may áo cho ai…" – Vẫn chỉ là phiếm chỉ "Ai về…" "cho ai…", gợi lên một nỗi nhớ bồi hồi, mênh mông. Tình quê trong hoài niệm là "thấp thoáng mộng bình yên", là nỗi nhớ chùa xưa tháp cũ, nhớ hội hè, nhớ núi Thiên Thai, nhớ chùa Bút Tháp, nhớ huyện Lang Tài, nhớ tiếng chuông chùa sớm sớm chiều chiều ngân buông. Nhớ cuộc sống yên vui thanh bình, nhớ những địa danh, những thắng cảnh… đã in dấu đậm đà, đã gắn bó với tân hồn đứa con li hương:
Tiếng chuông chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Bách Môn… chỉ còn "văng vẳng" từ "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên" vọng về trong hồn người đã làm cho nỗi nhớ, nỗi đau thêm nhức nhối, gợi lên sự hoang vắng, điêu tàn của quê hương, nói lên mơ ước ngàn đời được sống ấm no, yên vui trong thanh bình.
Nhớ cảnh rồi nhớ người. Nỗi nhớ tràn ngập, nhớ từng dáng hình, nhớ từng nét mặt nhớ làn môi, nhớ mái tóc, nhớ quần nâu, nhớ cụ thể, nhớ nhiều… Chữ "những" điệp lại nhiều lần diễn tả nỗi nhớ mênh mang, xao xuyến, bồi hồi:
"Ai về… có nhớ" – về bên kia sông Đuống, quê hương ta, của anh và của em. Ai có nhớ, riêng ta nhớ lắm. Nhớ "từng khuôn mặt búp sen", nhớ nụ cười ấm áp, tươi vui, rạng rỡ của những cô gái xinh đẹp, tình tứ, dịu dàng. Nhớ người dăng tơ, nhớ nàng dệt sợi, nhớ người thợ nhuộm, … những con người cần mẫn, siêng năng, khéo tay hay làm, rất đáng yêu, đáng tự hào. Cuộc sống và con người quê hương hiện hình qua nỗi nhớ lần lượt nối tiếp xuất hiện trong kí ức đầy ám ảnh, khôn khuây:
Nỗi nhớ ấy vừa thực, vừa mộng ảo, gắn bó nhịp sống đời thường nhộn nhịp với cái vẻ tình tứ đáng yêu gợi ra trong lòng chúng ta một trời bâng khuâng thương nhớ: "Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu – Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm – Nào ai đi chợ Thanh Lâm – Mua anh một áo vải thâm hạt dền". Qua đó, ta cảm nhận hương vị dân tộc, chất tình tứ, hư ảo đã làm nên vẻ đẹp trữ tình trong thơ Hoàng Cầm.
Sau hình ảnh những cô gái xinh đẹp, tình tứ… Hoàng Cầm nói về bà mẹ và đàn con thơ với nhiều thương nhớ, đau xót. "Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong" xuất hiện giữa phiên chợ nghèo, khi "lũ quỷ mắt xanh" kéo đến cướp bóc: "Lá đa lác đác trước lều – Vài ba vết máu loang chiều mùa đông". Bờ tre thì "hun hút", trời thì "mưa lạnh" con đường thì "trơn",… cả một không gian tăm tối, lạnh lẽo, hãi hùng… Trên trời, cánh cò xao xác "bay vùn vụt", … "về đâu…". Trên đường trơn, mẹ già mái tóc bạc phơ lầm lũi "bước cao thấp" với bao nỗi kinh hoàng. Hình tượng thơ đầy ám ảnh, nhức nhối đau thương:
Đàn con thơ đang sống trong cảnh đói rét sợ hãi. Chỉ có bát cháo ngô cầm hơi, chỉ biết "chui gầm giường tránh đạn", đêm đêm sống trong nỗi kinh hoàng giữa tiếng súng giặc: "Ú ớ cơn mê – Thon thót giật mình"… Hình ảnh bà mẹ và em thơ trong đoạn thơ này tiêu biểu cho nỗi đau thương của những bà mẹ, những em bé, những nạn nhân trong chiến tranh. Câu thơ khép lại phần hai là tiếng thét căm hờn. Hoàng Cầm diễn tả lòng căm thù giặc bằng một cách nói độc đáo, mạnh mẽ:
Ngoài biện pháp tương phản đối lập giữa "mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên" với "Quê hương ta từ ngày khủng khiếp", Hoàng Cầm lặp đi lặp lại các câu thơ: "Bây giờ tan tác về đâu… Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu… Bây giờ đi đâu về đâu…" – điệp cú, điệp khúc ấy không chỉ gợi tả âm điệu xót xa và bao nỗi ngơ ngác, kinh hoàng về đau thương, tang tóc trong lửa đạn quân thù, mà còn tạo ra ám ảnh khôn nguôi về sự tiếc nuối những năm tháng thanh bình êm đẹp và thơ mộng của quê hương.
Giọng thơ thay đổi ở đoạn hai 49 câu tiếp theo. Có niềm vui gặp gỡ thắm tình quân dân khi "bộ đội bên sông đã trở về". Hình ảnh bà mẹ quê hương tượng trưng cho niềm vui hồi sinh "bừng lên" sau lũy tre điêu tàn một thời "khủng khiếp":
Có biến động "Trại giặc bắt đầu run trong sương". Cả một vùng quê bao la vùng lên đánh giặc, đem lại màu xanh cho ruộng đồng :
Có niềm vui "mở hội… " và niềm vui chiến thắng. Câu thơ ngắn, nhịp thơ hối hả, rộng ràng. Sông Đuống hiện ra giữa một rạng đông tuyệt đẹp :
Đoạn hai tuy có một số câu thơ cảm động, một số hình ảnh gợi cảm, nhưng ngôn ngữ thơ dàn trải, yếu tố "kể" lấn át yếu tố trữ tình. Bài thơ được tác giả viết vào mùa xuân 1948, phải sáu năm sau (1954), trải qua những chặng đường gian khổ, hi sinh vô cùng to lớn, mới có cảnh tượng "bao nhiêu đồn giặc tơi bời", và mới có "chim múa hoa cười" trong lòng đứa con xa quê thời khói lửa. Do đó, cảm hứng lãng mạn khi nói về quê hương chiến đấu và chiến thắng ín nhiều dễ dãi, sơ lược.
Phần thứ ba với sáu dòng thơ nói lên niềm mơ ước "bao giờ về bên kia sông Đuống" trong ngày hội non sông, trong niềm vui tái hợp. Một lần nữa, hình ảnh cô gái Kinh Bắc hiện lên trong vẻ đẹp kì diệu và tình tứ :
Sau một chuỗi câu thơ ngắn bốn tiếng, bài thơ khép lại bằng hai câu thơ lục bát có giá trị gợi tả niềm vui ngân nga mãi trong lòng người.
"Quê hương nghĩa nặng tình sâu… ", có ai đã nói như vậy ? Tình yêu quê hương là một trong những tình cảm sâu sắc nhất, mãnh liệt nhất của con người Việt Nam chúng ta. Tình quê hương với Hoàng Cầm là nỗi nhớ và niềm tự hào ; nhớ cảnh vật, nhớ con người, nhớ dòng sông Đuống "Trôi đi một dòng lấp lánh", nhớ núi Thiên Thai, nhớ chùa Bút Tháp, nhớ khuôn mặt búp sen thiếu nữ, nhớ mùa xuân tưng bừng lễ hội, nhớ mẹ, nhớ đàn con thơ… Nhớ và tự hào về một miền quê giàu đẹp, có màu xanh lúa ngô khoai, nương dâu bãi mía, có tranh Đông Hồ "Gà lợn nét tươi trong – Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp". Tự hào về quê hương bất khuất hiên ngang. Tin tưởng về ngày hội non sông, và ngày vui tái hợp. Bài thơ còn chất chứa bao nỗi căm hờn đối với quân xâm lược.
Thơ của Hoàng Cầm giàu nhạc điệu và âm điệu lôi cuốn. Có vang vọng của ca dao, dân ca. Bài thơ thấm một tình yêu và hồn quê lai láng. Con sông Đuống, cô gái "cười như mùa thu tỏa nắng"… là của riêng Hoàng Cầm.
Nhưng lạ thay, kì diệu thay, người đọc gần xa trong hơn nửa thế kỉ nay đã tìm thấy một phần bóng hình quê hương mình và nỗi lòng, tình thương, nỗi nhớ của mình trong bài thơ tuyệt tác "Bên kia sông Đuống". Thơ hay mới cho ta "Sự đồng cảm nhiệm màu" ấy.
- Soạn bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, lớp 12
- Soạn bài Việt Bắc
Việt Bắc là bài học nổi bật trong Tuần 8 của chương trình học theo SGK Ngữ Văn 12, học sinh cần Soạn bài Việt Bắc, đọc trước nội dung, trả lời câu hỏi trong SGK.