I. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN
1. Để có thể tóm tắt được nội dung của văn bản, khi đọc em cần chú ý đến tâm trạng của người mẹ trong cái đêm trước ngày khai trường của con. Vì sao người mẹ lại không ngủ được mặc dầu mọi việc đã chuẩn bị rất chu đáo? Mẹ đã nghĩ những gì trong cái đêm đặc biệt ấy? Có thể thấy những ý lớn của bài như sau:
- Nhìn con ngủ ngoan, mẹ nghĩ đến đứa con đã lớn, ngày mai vào lớp Một.
- Mẹ nghĩ đến ngày khai trường đầu tiên của mẹ năm xưa (nhớ lại).
- Mẹ nghĩ đến ngày khai trường ở nước bạn Nhật Bản.
- Mẹ nghĩ đến ngày mai đưa con đến trường để con bước vào một thế giới kì diệu.
Có thể tóm tắt nội dung của văn bản như sau:
Vào cái đêm trước ngày khai trường của con, người mẹ không ngủ được, nghĩ đến cái giây phút cổng trường mở ra để đón con vào một thế giới kì diệu. Tình yêu con sâu nặng của người mẹ gắn liền với niềm tin. vào vai trò to lớn của nhà trường và niềm hi vọng toàn xã hội sẽ quan tâm đến việc giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai của đất nước. .
2. Đêm trước ngày khai giảng, tâm trạng của người mẹ và đưa con có gì khác nhau? Gợi ý:
- Đứa con vô tư thanh thản, giấc ngủ đến dễ dàng
- Người mẹ bồn chồn, trằn trọc, không ngủ được.
Các em tìm nguyên nhân để giải thích sự khác nhau đó và lấy những chi tiết trong bài để chứng minh.
3. Người mẹ không ngủ được vì nhiều lí do. Trong văn bản có câu: "Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được". Vì sao không lo, mà vẫn không ngủ được? Cái gì đã khiến người mẹ trằn trọc, bồn chồn? Người mẹ đã nhớ lại và suy nghĩ những gì? Em hãy tìm cái chi tiết sâu đậm nhất trong buổi khai trường đầu tiên của mẹ? Vì sao chi tiết ấy lại hiện ra trong cái đêm trước ngày khai trường của con? Phân tích ý nghĩa của chi tiết này (liên hệ với hình ảnh cuối cùng của văn bản).
4*. Có phải người mẹ đang trực tiếp nới với con không? Theo em, người mẹ đang tâm sự với ai? Cách viết này có tác dụng gì?
- Gợi ý:
+ Người mẹ nói chuyện gián tiếp với đứa con (lúc ấy đứa con đã ngủ rồi) đồng thời tâm sự với chính mình (nhớ lại kỉ niệm ngày khai trường năm xưa, nhớ lại những thông tin về ngày khai trường ở Nhật Bản, nghĩ đến cái giây phút ngày mai sẽ đưa con vào cái thế giới kì diệu...).
+ Cách viết như vậy khiến cho nội tâm nhân vật được bộc lộ sâu sắc, tình yêu thương con càng thêm sâu nặng, chất trữ tình biểu cảm của văn bản thêm thấm thía và có tác dụng truyền cảm đến người đọc.
(Dựa vào gợi ý trên, các em trao đổi với nhau để trả lời câu hỏi này).
5. Câu văn nào nói lên tầm quan trọng của nhà trường đối với thế hệ trẻ?
Đó là câu văn trong đoạn người mẹ nhớ lại ngày khai trường ở Nhật Bản: "Bằng hành động đó, họ muốn cam kết rằng, không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai". Có thể dẫn thêm câu cuối đoạn ("Ai cũng... sau này")..
6. Thế giới kì diệu khi bước qua cánh cổng trường là thế giới gì?
Các em có thể tự trả lời theo suy nghĩ và những cảm nhận thực của mình qua 6 lần khai giảng các năm học. Gợi ý: Nhà trường đã mang lại cho bản thân em những gì về hiểu biết, kiến thức, tư tưởng, tình cảm, đạo lí làm người, về tình thầy trò, tình bạn, vv...
7. Ghi nhớ:
Đọc kĩ và học thuộc điều ghi nhớ trong SGK.
II. LUYỆN TẬP
1. Nêu ý kiến của mình: tán thành hay không tán thành? Giải thích lí do.
2. Viết đoạn văn về kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường đầu tiên của mình. Cố gắng nhớ lại và chọn một kỉ niệm đáng nhớ nhất để viết thành đoạn văn.
--------------------------HẾT-------------------------
Để học tốt Ngữ Văn 7 các em sẽ được hướng dẫn soạn và trả lời câu hỏi trong SGK bao gồm Soạn bài Mẹ tôi và phần Soạn bài Từ ghép để các em nắm vững kiến thức Ngữ Văn lớp 7 hơn