Đề bài: Phân tích vẻ đẹp nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình
Phân tích vẻ đẹp nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình
Giới thiệu về truyện ngắn Những đứa con trong gia đình và 2 nhân vật Chiến, Việt.
* Những nét chung: Nhà văn Nguyễn Thi đã tạo nên những hình ảnh con người đậm chất Nam Bộ đặc trưng với những hình ảnh chung từ hai nhân vật Việt và Chiến:
- Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước.
- Yêu thương gia đình: Hai chị em đều rất yêu thương ba má, yêu thương chú Năm.
- Chiến và Việt là những con người gan dạ: chiến đấu lập được nhiều chiến công; "nếu giặc còn thì tao mất" (Chiến), viết giấy tình nguyện ngay cả khi không đủ tuổi (Việt).
+ Chiến: Tuy là con gái nhưng vô cùng mạnh mẽ, luôn quyết tâm một lòng chống giặc, không sợ khổ, không sợ nguy hiểm.
+ Việt: Ngay từ nhỏ đã dám xông vào đánh tên giặc giết hại cha mình. Lớn lên cùng chị Chiến bắn tàu, phá xe tăng địch. Khi đã vào bộ đội, bị bắn, bị thương nặng nhưng vẫn quyết tâm đánh giặc đến cùng.
* Những nét riêng:
- Nhân vật Chiến
+ Chiến mang vẻ đẹp của má, của người phụ nữ lao động xưa: "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dùng cả thân người to và chắc nịch"; lo toan mọi chuyện trong gia đình.
+ Chiến mạnh mẽ nhưng cũng vô cùng nữ tính: lúc nào cũng mang bên mình cây lược.
- Nhân vật Việt
+ Là người vô tư, hồn nhiên.
+ Trước ngày đi tòng quân, nếu như Chiến lo toàn, sắp xếp hết mọi chuyện trong nhà thì Việt còn mải chụp đom đóm, nghe chị hỏi chỉ cười khì khì, rồi ngủ lúc nào không hay.
+ Khi đi lính không sợ chết mà lại sợ ma cụt đầu, giấu chị như giấu của riêng; đi tòng quân lúc nào cũng mang theo cây ná thun.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật
+ Nguyễn Thi đã xây dựng thành công nhân vật Chiến và Việt với những tính cách chung, cá tính riêng phù hợp với giới tính, lứa tuổi.
+ Sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ mang đến sự độc đáo riêng cho tác phẩm.
+ Nhân vật có sự kết hợp giữa cái đời thường và cái phi thường.
Bằng những lời văn mộc mạc, đậm chất Nam Bộ; hai nhân vật Chiến và Việt hiện thân cho chính những lớp thanh niên trẻ thời kì kháng chiến cứu nước; trở thành tượng đài cho thế hệ trẻ Việt Nam trước đây cũng như ngày nay.
"Những đứa con trong gia đình"- tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thi đã thành công khắc họa những con người Nam Bộ trong cuộc chiến đấu chống quân Mỹ xâm lược. Ở đó, họ hiện lên là những con người quả cảm, cam trường, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân để mang lại hạnh phúc chung cho toàn thể dân tộc. Nổi bật nhất ở đó là hình ảnh hai chị em Việt và Chiến.
Nếu chú Năm là người hiện thân cho truyền thống gia đình, dân tộc thì Chiến và Việt là những "lớp mầm" tiếp nối truyền thống hào hùng ấy. Nguyễn Thi đã làm nổi bật lên bằng những hình ảnh, cử chỉ rất đỗi thân quen, đời thường, chân chất như chính con người Nam Bộ.
Chiến, Việt là hai chị em trong cùng gia đình có truyền thống yêu nước. Xuất phát từ chính nỗi đau thương, mất mát của gia đình, hai chị em được hun đúc lòng căm thù giặc, ý chí chiến đấu chống lại quân xâm lược. Được cầm súng đánh giặc chính là khát vọng, niềm say mê lớn nhất. "Hạnh phúc của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù".
Chiến là con gái, nhưng cũng xông pha, mạnh mẽ như đấng nam nhi. Hình ảnh của Chiến chính là hình ảnh đại diện cho người con gái thời ấy, thể hiện tiêu biểu cho khẩu hiệu "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh". Quyết tâm của Chiến còn được thể hiện qua sự khẳng định chắc nịch: "Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất". Tuổi trẻ người con gái không còn là hình ảnh quanh luỹ tre làng, thổi cơm gánh nước nữa mà là được hòa mình trong làn sóng đánh giặc, được ra trận, trở thành một người lính dưới lá cờ của Đảng.
Việt tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng đã tự mình viết giấy xin đi tòng quân. Cầm cây súng trên vai, Việt đã cùng đồng đội đi qua nhiều trận đánh máu lửa, tiêu diệt nhiều kẻ thù. Trong lúc bị thương, mê man nhưng vẫn nghe rõ tiếng súng, đâu là của địch, đâu là của ta. Vết thương đầy mình nhưng tay vẫn sẵn sàng nơi cò súng: "Tao sẽ chờ mày, trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này chỉ có mình tao. Mày có bắn thì tao cũng bắn được mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao mày chỉ là thằng chạy".
Không chỉ có lòng yêu nước, sự căm thù giặc mà hai chị em Việt và Chiến còn rất yêu thương gia đình. Hình ảnh hai chị em mang ban thờ ba má sang gửi nhà chú Năm để lại những ấn tượng sâu sắc. Là những đứa trẻ đang lớn nhưng suy nghĩ thì vô cùng thấu đáo, biết suy nghĩ cho gia đình, làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của người con. Chiến và Việt chính là những thế hệ tiếp theo, có những bước đi mạnh mẽ hơn, dài hơn, nối tiếp truyền thống của cha ông. Giống như câu nói của chú Năm: "Chuyện gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc để ghi vào đó. Trăm sông đổ về một biển, con sông của gia đình ta cũng chảy về biển mà biển thì rộng lắm".
Trong tác phẩm "Những đứa con trong gia đình"; nhà văn Nguyễn Thi không chỉ làm nổi bật lên những tính cách chung mà điều đặc biệt là hình ảnh hai chị em Việt Chiến còn được khắc họa rõ nét hơn với những tính cách riêng biệt.
Chị Chiến - hình ảnh của má, đại diện cho người phụ nữ trong gia đình. Dù lớn hơn Việt có một tuổi nhưng Chiến dường như chững chạc hơn, biết lo toan, tính toán cho gia đình. Chiến quyết định mang ban thờ ba má sang gửi nhà chú Năm; ruộng đất trao lại cho bộ đội; giường ván, nhà cửa cho các anh ở xã mượn. Hình ảnh của Chiến khiến Việt gợi nhớ về má "hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, ...thân người to và chắc nịch". Nhân vật Chiến cũng được hiện lên nhẹ nhàng, nữ tính qua chi tiết luôn mang theo mình chiếc lược nhỏ. Là con gái mạnh mẽ, xông pha nhưng vẫn biết làm đẹp, yêu bản thân dù trong hoàn cảnh nào.
Khác biệt với sự cứng cỏi, trưởng thành của chị, Việt trẻ con hơn. Có lẽ cũng là em út trong gia đình nên cũng được bao bọc, nuông chiều. Trong lúc Chiến lo toan mọi thứ trong gia đình thì Việt chỉ "cười khì khì", lúc nào cũng tranh hơn thua với chị, đêm hôm trước ngày xuất trận vẫn còn mải mê bắt đom đóm rồi say giấc lúc nào không hay. Ngày đi vào bộ đội, lúc nào cũng mang theo mình cây ná thun như thưở bé; bị giặc bắn không sợ, nằm một mình trong rừng cũng không sợ nhưng lại sợ ma cụt đầu, khóc như một đứa trẻ khi gặp lại đồng đội. Khi được hỏi về chị thì "giấu như giấu của riêng".
Hai tính cách trái ngược nhưng chung một quyết tâm, chung một chí hướng. Nguyễn Thi đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lí nhân vật, đan cài những chi tiết ngây thơ, hồn nhiên lại vừa bản lĩnh, can trường. Ông đã xây dựng nên hình ảnh của những lớp thanh niên mới, dám xông pha, đứng lên trước nỗi đau mất mát của đất nước. Ngôn ngữ cũng rất bình dị, gần gũi, đậm chất Nam Bộ.
Nhân vật Chiến và Việt chính là hình ảnh đại diện cho những thanh niên miền Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gan trường. Họ sẵn sàng cho đi tuổi thanh xuân đẹp nhất để mang lại hoà bình cho đất nước. Không chỉ có ý nghĩa cổ vũ lòng yêu nước trong giai đoạn ấy mà với nhiều thế hệ tiếp theo, hình ảnh của Chiến, của Việt thông qua tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" vẫn còn mãi vẹn nguyên giá trị.
--------------------------HẾT---------------------------
Việt và Chiến là thế hệ tương lai, những đứa con anh hùng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Hai chị em đều là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của thế hệ trẻ miền Nam giai đoạn kháng chiến chống Mĩ, tuy nhiên bên cạnh những nét tương đồng, hai chị em đều mang những vẻ đẹp riêng biệt. Cùng khám phá không khí của cuộc kháng chiến chống Mĩ đồng thời thấy được tình yêu nước, tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ với vận mệnh đất nước, bên cạnh bài Phân tích vẻ đẹp nhân vật Việt và Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình, các em có thể tìm hiểu thêm: Phân tích nhân vật Chiến trong truyện Những đứa con trong gia đình, Màu sắc Nam Bộ trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, Cảm nhận về tác phẩm Những đứa con trong gia đình, Phân tích nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.