Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Đề bài: Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn


I. Dàn ý Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn


1. Mở bài:

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nội dung cần phân tích.


2. Thân bài:

a. Tư tưởng yêu nước thể hiện trong mục đích của việc dời đô:
- "chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi".
→ Đặt nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước trong tương lai, hướng tới việc quy tụ tinh hoa của đất nước về chốn thích hợp, xây dựng một đất nước ngày càng phát triển, để cho con cháu mai sau được hưởng thái bình, thịnh trị.
- Việc dời đô không phải là ý muốn của riêng cá nhân Lý Thái Tổ, mà đó là một quyết định tuân theo tư tưởng "mệnh trời", dưới lại thuận theo ý kiến của dân, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.
- Để củng cố và bổ sung cho mục đích và ý nghĩa chính đáng của việc dời đô về Đại La:
+ Tác giả đã chỉ ra trong quá khứ, nhà Thương đã có đến 5 lần dời đô, nhà Chu cũng có đến 3 lần => Vận nước đều đi lên, phong tục được phồn thịnh.
+ Chê trách hai nhà Đinh, Lê khi "theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời", không chịu thay đổi, khiến cho "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn".
=> Chứng minh được rằng việc dời đô là hoàn toàn hợp lý, cần thiết nhất trong giai đoạn này.

b. Tư tưởng yêu nước thể hiện ở việc Lý Công Uẩn đưa ra những lợi thế của thành Đại La so với kinh đô Hoa Lư cũ:
- Bộc lộ tâm huyết, tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một lòng muốn cải thiện vận mệnh đất nước và dân tộc.
- Vị trí địa lý "thuộc vào nơi trung tâm trời đất", "địa thế rộng mà bằng, đất đai cao lại thoáng" có thể giúp nhân dân an cư lạc nghiệp tránh khỏi những nạn thiên tai lũ lụt.
- Lịch sử "vốn là kinh đô cũ của Cao Vương".
- Phong thủy: thế đất tuyệt đẹp "rồng cuộn hổ ngồi", "đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi", mà với quan niệm của người xưa thì với thế đất ấy Đại La thật xứng đáng là nơi ở của bậc vương giả, là "kinh đô của đế vương muôn đời".
- Lý Thái Tổ cũng bộc lộ sự anh minh, sáng suốt và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc khi đặt ra một câu hỏi mang tính chất tham khảo, hỏi ý thần dân rằng "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?".
=> Sự kết hợp chặt chẽ giữa lí và tình làm cho bản chiếu dễ đi vào lòng người, đem đến hiệu quả thuyết phục mạnh mẽ và sự đồng thuận của dân chúng.


3. Kết bài:

Nêu cảm nhận.


II. Bài văn mẫu Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Lý Công Uẩn (974-1028), là một vị vua anh minh, lỗi lạc có nhiều công lao trong việc xây dựng một Đại Việt hùng mạnh, độc lập tự cường, với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, đặc biệt là tầm nhìn xa trông rộng của một đấng minh quân trong việc ra các quyết định quan trọng quyết định vận mệnh dân tộc, đất nước. Một trong số những dấu ấn lớn nhất trong suốt những năm tháng trị vì của Lý Thái Tổ ấy là sự kiện dời đô từ Hoa Lư về Đại La năm 1010, khẳng định ý chí và sức mạnh tự cường của dân tộc sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Sự kiện này được ghi lại trong một tác phẩm rất nổi tiếng ấy là Thiên đô chiếu (Chiếu dời đô), không chỉ đơn thuần là sự ban hành mệnh lệnh từ một vị vua mà còn đan xen những yếu tố tâm tình , vừa là đơn thoại cũng lại là đối thoại, trao đổi. Bên cạnh nội dung ban bố một mệnh lệnh quan trọng thì những lập luận, dẫn chứng thuyết phục và sắc bén trong bản chiếu này cũng thể hiện một tư tưởng rất rõ ràng ấy chính là tinh thần yêu nước sâu sắc.

Trước hết tư tưởng yêu nước được thể hiện trong cách mà tác giả đưa ra lý do phải dời đô từ Hoa Lư về Đại La ấy là "chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm, mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi". Như vậy mục đích chính của việc dời đô chính là để đặt nền tảng cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước trong tương lai, hướng tới việc quy tụ tinh hoa của đất nước về chốn thích hợp, xây dựng một đất nước ngày càng phát triển, để cho con cháu mai sau được hưởng thái bình, thịnh trị. Thêm vào đó việc dời đô không phải là ý muốn của riêng cá nhân Lý Thái Tổ, mà đó là một quyết định tuân theo tư tưởng "mệnh trời", dưới lại thuận theo ý kiến của dân, dân chúng có đồng lòng thì mới thực hiện, tức là vẫn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Có thể nói rằng tư tưởng yêu nước, thương dân đã thể hiện một cách rõ ràng trong phần mục đích của việc dời đô. Bên cạnh đó, để củng cố và bổ sung cho mục đích và ý nghĩa chính đáng của việc dời đô về Đại La, Lý Thái Tổ đã tinh tế dẫn ra những bằng chứng xác thực từ trong lịch sự của Trung Hoa - quốc gia có ảnh hưởng nhiều đến Đại Việt và cả những dẫn chứng từ trên chính lịch sử nước nhà. Tác giả đã chỉ ra trong quá khứ, nhà Thương đã có đến 5 lần dời đô, nhà Chu cũng có đến 3 lần, mà sau những lần dời dời đô ấy vận nước đều đi lên, phong tục được phồn thịnh. Trái lại Lý Thái Tổ cũng có ý chê trách hai nhà Đinh, Lê khi "theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời", không chịu thay đổi, khiến cho "triều đại không được lâu bền, số vận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tốn". Có bài học trước mắt từ các triều đại cũ, khiến Lý Công Uẩn nhanh chóng nhận thức được cần thiết của việc dời đô, để tránh xảy ra những cớ sự đau xót, khi triều đại kém phát triển, liên tục gặp phải tai ương, nhân dân khốn đốn. Nhìn nhận từ việc Lý Công Uẩn dẫn chứng từ những triều đại của Trung Hoa, cùng với lịch sử hai triều đại Đinh, Lê kết hợp với tư tưởng mệnh trời, đã chứng minh được rằng việc dời đô là hoàn toàn hợp lý, cần thiết nhất trong giai đoạn này, khi đất nước đã ổn định, không còn thù trong giặc ngoài, thì việc kiến thiết xây dựng đất nước cần có một kinh đô trung tâm, hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Tư tưởng yêu nước không chỉ được thể hiện ở mục đích chính đáng của việc dời đô về Đại La, mà còn thể hiện ở việc Lý Công Uẩn đưa ra những lợi thế của thành Đại La so với kinh đô Hoa Lư cũ. Điều đó bộc lộ tâm huyết, tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, một lòng muốn cải thiện vận mệnh đất nước và dân tộc, mong cho nhân dân có được cuộc sống sung túc, phồn thịnh. Ông đã nghiên cứu và tìm hiểu rất kỹ về kinh đô mới, khi lần lượt đưa ra các lợi thế nổi bật của thành Đại La về nhiều phương diện. Về vị trí địa lý "thuộc vào nơi trung tâm trời đất" chỗ tập trung nhân mạch giao thương buôn bán, thuận lợi cho việc di chuyển, thêm vào đó "địa thế rộng mà bằng, đất đai cao lại thoáng" có thể giúp nhân dân an cư lạc nghiệp tránh khỏi những nạn thiên tai lũ lụt. Về mặt lịch sử "vốn là kinh đô cũ của Cao Vương", Cao Vương xưa vốn là một viên quan của Trung Quốc nhận mệnh sang nước ta cai trị vùng đất Giao Chỉ đã chọn Đại La làm chỗ đặt cơ sở cai trị, chứng tỏ một điều rằng Đại La là một vùng đất có nhiều thuận lợi. Xét về phương diện phong thủy thì nơi đây lại có được cái thế đất tuyệt đẹp "rồng cuộn hổ ngồi", "đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi", mà với quan niệm của người xưa thì với thế đất ấy Đại La thật xứng đáng là nơi ở của bậc vương giả, là "kinh đô của đế vương muôn đời". Đặc biệt sau khi đưa ra những lý lẽ khẳng định sự phù hợp của Đại La với vai trò là một kinh đô mới, Lý Thái Tổ cũng bộc lộ sự anh minh, sáng suốt và tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc khi đặt ra một câu hỏi mang tính chất tham khảo, hỏi ý thần dân rằng "Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi ấy để định chỗ ở. Các khanh nghĩ thế nào?". Có thể thấy rằng, dù bản chiếu là để ban hành một mệnh lệnh có tính chất bắt buộc, quyết định là lời nói của đế vương, thế nhưng trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, tác giả còn đan xen thêm cả những câu văn bộc lộ cảm xúc, lời tâm tình rất đỗi chân thành, dễ đi vào lòng người, đem đến hiệu quả thuyết phục mạnh mẽ và sự đồng thuận của dân chúng.

Tổng kết lại, tưởng yêu nước trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn bao gồm mấy phương diện chính sau đây: Thứ nhất là ý chí khát vọng mạnh mẽ của dân tộc Đại Việt trong việc xây dựng một đất nước hùng cường, độc lập tự do, thể hiện rất rõ trong quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Thứ hai là tư tưởng vì nhân dân, lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở chính để thay đổi và ra những quyết định trọng yếu. Và cuối cùng là tấm lòng tâm huyết, chân thành, tầm nhìn xa trông rộng, luôn cố gắng thay đổi vận mệnh dân tộc của Lý Thái Tổ cũng là một biểu hiện rất rõ nét của tư tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc.

-----------------HẾT---------------------

Bài viết là những phân tích cơ bản về tư tưởng yêu nước xuyên suốt trong tác phẩm Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo các bài viết sau Phân tích Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Bình luận về câu nói của Lí Công Uẩn trong Chiếu dời đô: Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa..., Giá trị nhân văn trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Suy nghĩ về tình cảm yêu nước thương dân được thể hiện trong Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ.

Yêu nước là nguồn cảm hứng lớn trong nền văn học Việt Nam. Chiếu dời đô không chỉ là bài chiếu có ý nghĩa chính trị quan trọng: thông báo về quyết định chuyển đô mà còn là tác phẩm có tư tưởng yêu nước nổi bật trong nền văn học Trung đại Việt Nam. Khi Phân tích Chiếu dời đô, các em không nên bỏ qua bài Phân tích tư tưởng yêu nước trong bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn để thấy hết được giá trị của tác phẩm.
Sơ đồ tư duy Chiếu dời đô
Phân tích Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn
Soạn bài Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), Ngữ văn lớp 8
Phân tích và nêu cảm nghĩ của em về bài "Chiếu dời đô" của Lý Thái Tổ
Dàn ý bình luận về câu nói của Lí Công Uẩn trong Chiếu dời đô: Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa...
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) nêu lên ý nghĩa, tác dụng của việc dời đô của Lý Công Uẩn, Ngữ văn 8 Cánh diều

ĐỌC NHIỀU