Đề bài: Phân tích truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
Phân tích truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng
1. Mở bài
- Giới thiệu chung về truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng.
2. Thân bài
- Cốt truyện khá đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc:
+ Truyện kể về một chú ếch huênh hoang, kiêu ngạo sống trong một cái giếng nhỏ.
+ Ngày ngày, chú sống với những loài vật nhỏ bé như cua, óc, nhái. Mỗi khi cất tiếng kêu, các con vật xung quanh đều hoảng sợ.
+ Ếch luôn thấy mình oai vệ và tỏ ra trịch thượng, không xem ai ra gì, ếch nghĩ rằng mình là vị chúa tể của muôn loài.
+ Một hôm, khi trời mưa tầm tã, nước dâng lên, đưa ếch ta ra ngoài, đi đâu cũng cất tiếng kêu ồm ộp. Kết quả là bị một con trâu giẫm bẹp.
- Nhân vật chú ếch :
+ Cái chết của chú ếch kia thật đáng thương nhưng cũng vô cùng đáng trách.
+ Nếu chú ếch kia biết tìm hiểu mọi thứ xung quanh, mở rộng tầm hiểu biết của mình thì đã không ra nông nỗi đó.
+ Tầm hiểu biết hạn hẹp khi sống trong một môi trường nhỏ, lại không chịu mở mang, học hỏi, lâu dần khiến ếch chỉ nghĩ mình là nhất, cái nhìn đầy phiến diện ấy thật đáng trách.
- Bài học rút ra:
+ Phê phán những người ít hiểu biết nhưng huênh hoang, tự đắc.
+ Khuyên nhủ mỗi chúng ta về sự cố gắng, phải biết học hỏi để mở mang sự hiểu biết.
+ Khi nhìn nhận một vấn đề, phải biết đặt nó vào nhiều khía cạnh, nhiều mặt để có thể đánh giá được một cách toàn diện.
+ Sống phải tự tin nhưng không được kiêu ngạo, chủ quan.
+ Khi bước ra một môi trường mới, chúng ta phải biết loại bỏ những suy nghĩ lạc hậu, tiếp thu những cái hay, cái tốt để thích nghi với hoàn cảnh.
- Nghệ thuật:
+ Tình huống truyện vô cùng đặc biệt.
+ Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, cách kể chuyện rõ ràng, rành mạch cũng ý nghĩa sâu sắc đã góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của truyện ngắn
Văn học dân gian luôn giữ một vị trí đặc biệt trong dòng văn học Việt Nam. Mỗi tác phẩm dân gian không chỉ mang đến cho người đọc những câu chuyện thú vị, hấp dẫn mà còn để lại nhiều bài học có giá trị trong cuộc sống. Ếch ngồi đáy giếng là một truyện ngụ ngôn nổi tiếng và rất được yêu thích, được lưu truyền cho đến tận bây giờ.
Câu chuyện được các tác giả dân gian kể theo trình tự thời gian với cốt truyện khá đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Truyện kể về một chú ếch, ếch ta quen sống trong một cái giếng nhỏ. Ngày ngày, chú sống với những loài vật nhỏ bé như cua, ốc, nhái. Mỗi khi cất tiếng kêu, các con vật xung quanh đều hoảng sợ. Chính vì vậy mà ếch luôn thấy mình oai vệ và tỏ ra trịch thượng, không xem ai ra gì, ếch nghĩ rằng mình là vị chúa tể của muôn loài. Hàng ngày, qua miệng giếng, ếch chỉ thấy một vùng trời bé con, trong mắt chú ếch kia, bầu trời có lớn đến mấy thì cũng chỉ bằng một chiếc vung mà thôi. Thế giới ngoài kia cũng nhỏ bé như vậy, nên chú ta cứ sống trong sự kiêu hãnh của chính mình và tự cho mình là kẻ mạnh nhất. Một hôm, khi trời mưa tầm tã, nước dâng lên, đưa ếch ta ra ngoài. Bước ra một thế giới mới, ếch vẫn giữ suy nghĩ cũ của mình, chú cứ nghênh ngang, ra vẻ khắp nơi, chẳng thèm để ý đến xung quanh, đi đâu cũng cất tiếng kêu ồm ộp. Kết quả là bị một con trâu giẫm bẹp.
Cái chết của chú ếch kia thật đáng thương nhưng cũng vô cùng đáng trách. Chú đã phải trả giá rất đắt về sự thiếu hiểu biết của mình. Nếu chú ếch kia biết tìm hiểu mọi thứ xung quanh, mở rộng tầm hiểu biết của mình thì đã không ra nông nỗi đó. Tầm hiểu biết hạn hẹp khi sống trong một môi trường nhỏ, lại không chịu mở mang, học hỏi, lâu dần khiến ếch chỉ nghĩ mình là nhất, cái nhìn đầy phiến diện ấy thật đáng trách. Ta còn thấy được ở chú ếch một sự tự tin đến mức đầy kiêu ngạo, thay vì che chở, bảo vệ những loài vật nhỏ bé thì ếch kia lại ra vẻ ta đây hơn người, khiến các loài vật sợ hãi. Điều đó cũng thật đáng phê phán.
Qua nhân vật chú ếch trong câu chuyện, tác giả đã ngụ ý phê phán những người ít hiểu biết nhưng huênh hoang, tự đắc. Đồng thời, là lời khuyên nhủ mỗi chúng ta về sự cố gắng, phải biết học hỏi để mở mang tầm mắt bởi kiến thức là bao la vô tận, hiểu biết của con người chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mà thôi. Đồng thời, khi nhìn nhận một vấn đề, phải biết đặt nó vào nhiều khía cạnh, nhiều mặt để có thể đánh giá được một cách toàn diện. Sống phải tự tin nhưng không được kiêu ngạo, chủ quan. Hình ảnh chú ếch khi ra khỏi miệng giếng, bước ra thế giới mới lại bị chú trâu giẫm chết là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về lối sống sai lầm, không chịu thích ứng với hoàn cảnh. Khi bước ra một môi trường mới, chúng ta phải biết loại bỏ những suy nghĩ lạc hậu, tiếp thu những cái hay, cái tốt để thích nghi với hoàn cảnh, nếu cứ khư khư giữ một thói quen cũ, nếp sống cũ thì rất khó để tồn tại.
Cốt truyện tuy ngắn nhưng với tình huống truyện vô cùng đặc biệt, truyện giúp chúng ta thấy được mối quan hệ giữa tính cách và số phận của nhân vật- chú ếch. Ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, cách kể chuyện rõ ràng, rành mạch cũng ý nghĩa sâu sắc đã góp phần tạo nên thành công cho câu chuyện.
-----------------HẾT------------------
Các em vừa tham khảo bài phân tích truyện Ếch ngồi đáy giếng, hy vọng bài viết trên sẽ mang lại cho em những kiến thức hữu ích về tác phẩm. Ngoài ra, các em cùng xem thêm Bài học rút ra từ truyện Ếch ngồi đáy giếng, Sơ đồ tư duy Ếch ngồi đáy giếng, Tóm tắt Ếch ngồi đáy giếng, Nêu suy nghĩ của em vể chú ếch trong truyện ngụ ngôn Ếch ngồi đáy giếng.