Phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng

Đề bài: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong những tác phẩm truyện mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng.

Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện
 

I. Dàn ý chung:

1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về tác phẩm.
- Nêu khái quát giá trị mà tác phẩm mang lại.
2. Thân bài:
a, Xác định, phân tích chủ đề tác phẩm:
- Xác định chủ đề tác phẩm.
- Phân tích chủ đề:
+ Hoàn cảnh.
+ Nhân vật.
+ Sự kiện.
b, Đánh giá:
- Nội dung.
- Nghệ thuật.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.
- Bài học nhận thức.
 

II. Dàn ý chi tiết bài văn phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm "Buổi học cuối cùng" - An-phông-xơ Đô-đê:

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm "Buổi học cuối cùng" - An-phông-xơ Đô-đê.
- Nêu nhận xét, đánh giá khái quát về tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Xác định, phân tích chủ đề của tác phẩm:
2.1.1. Chủ đề: Tình yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ, lòng tự hào dân tộc.
2.1.2. Phân tích:
* Hoàn cảnh éo le của một quốc gia bị mất đi độc lập - Thể hiện qua hoàn cảnh xảy ra buổi học cuối cùng:
+ Sau cuộc chiến Pháp là nước thua cuộc, phải cắt vùng An-dát cho Phổ.
+ Các trường học bây giờ chỉ được phép dạy tiếng Đức.
+ Buổi học ngày hôm đó là buổi học Pháp văn cuối cùng.
* Tình yêu nước, sự tự hào về ngôn ngữ dân tộc - Thể hiện qua các nhân vật:
- Nhân vật thầy Ha-men: Đại diện cho tinh thần yêu nước mãnh liệt:
+ "... thầy đã vận y phục đẹp ngày chủ nhật..." để bày tỏ sự trân trọng với buổi học Pháp văn cuối cùng.
+ Yêu nước, yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, tâm huyết với nghề.
+ Buồn đau, tiếc nuối khi phải rời xa nơi mình đã gắn bó suốt 40 năm.
+ Bộc lộ tinh thần yêu nước mãnh liệt: Viết lên bảng dòng chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM" thật to.
- Nhân vật Phrăng: Đại diện cho những chuyển biến trong tư tưởng của con người sau khi đất nước bị chia cách:
+ Hay trốn học, bỏ học nhưng hôm nay lại chăm chú lạ thường.
+ Sự hối hận khi đã không chăm chỉ đến lớp trong quá khứ.
+ Sự thương tiếc, đồng cảm với cảm xúc của thầy Ha-men.
- Các cụ già trong làng đến ngồi cuối lớp, chăm chú nghe từng lời thầy Ha-men giảng.
2.2. Đánh giá:
- Nội dung:
+ Đây không đơn thuần là một buổi học tiếng Pháp cuối cùng mà là bài học về lòng yêu nước, tự tôn và tự hào dân tộc.
+ Đề cao ý nghĩa của tiếng mẹ đẻ: là "chìa khóa của chốn lao tù".
+ Bài học về tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục trước kẻ thù.
- Nghệ thuật:
+ Sử dụng ngôi kể thứ nhất, lấy điểm nhìn của nhân vật cậu bé Phrăng.
+ Bối cảnh và tình huống truyện độc đáo, làm buổi học trở nên ý nghĩa, có giá trị hơn.
+ Xây dựng nhân vật sinh động, chân thực.
+ Sử dụng linh hoạt, xen kẽ các yếu tố đối thoại, độc thoại.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của tác phẩm.
- Nêu cảm nghĩ của bản thân và bài học rút ra sau khi đọc xong tác phẩm.

Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện hay nhất
 

III. Bài mẫu Phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng tham khảo:

Tình yêu nước là nguồn cảm hứng lớn lao, vô tận cho sáng tác văn học. Đã có biết tuyệt phẩm được ra đời để lên án chiến tranh, bày tỏ niềm hi vọng vào một tương lai hòa bình như "Chiến tranh và hòa bình" - Lép Tônxtôi, "Sông Đông êm đềm" - Sô-lô-khốp,... Trong số đó, không thể không kể đến truyện ngắn "Buổi học cuối cùng" của nhà văn An-phông-xơ Đô-đê. Truyện đã thể hiện thành công tình yêu Tổ quốc qua việc trân trọng tiếng mẹ đẻ.

Lấy bối cảnh hậu cuộc chiến Pháp - Phổ, tác giả đã đưa đến những thông điệp vô cùng ý nghĩa, giá trị về lòng yêu nước và sự tự tôn dân tộc. Khi ấy, vùng An-dát bị cắt cho Phổ, tiếng Pháp chính thức không còn được dạy ở một số trường. Lớp của cậu bé Phrăng hôm đó có một buổi học cuối cùng. Hoàn cảnh này không chỉ giúp người đọc hình dung rõ ràng không khí trầm lắng mà còn góp phần đẩy lên cảm xúc của các nhân vật, từ đó bộc lộ tư tưởng chủ đề tác phẩm một cách chân thực nhất.

Đầu tiên, có thể thấy, nhân vật thầy Ha-men là người yêu nước, yêu tiếng mẹ đẻ sâu đậm. Với buổi học đặc biệt như vậy, thầy đã chọn cho mình "bộ y phục ngày chủ nhật" đẹp đẽ, trang trọng. Điều này thể hiện sự nghiêm túc, cẩn thận cũng như niềm trân quý mà thầy dành cho buổi dạy Pháp văn cuối cùng tại vùng đất này. Thầy không giấu nổi xúc động trong từng lời nói, hành động. Sau bốn mươi năm gắn bó, giờ đây, người thầy đáng kính ấy lại sắp phải rời đi, bỏ lại mảnh đất thương yêu đầy kỉ niệm. Có lẽ vì tiếc nuối, thầy Ha-men đã dùng hết sức lực để hoàn thành buổi dạy cho đến tận những phút cuối cùng. Bao nhiêu tâm huyết, nhiệt thành của thầy dồn hết vào trong từng lời giảng. Thầy mang đến cho các thành viên trong lớp và cả chính người đọc tình yêu, niềm tự hào về ngôn ngữ mẹ đẻ - thứ tiếng chứa đựng bao văn hóa, giá trị của dân tộc. Dòng chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM" như một lời khẳng định đến từ con người luôn đặt đất nước trong tim.

Chủ đề tác phẩm còn thể hiện rõ qua nhân vật Phrăng - điểm nhìn của câu chuyện. Cậu bé trước đây hay trốn học, đi muộn bao nhiêu thì giờ hối hận, tiếc nuối bấy nhiêu. Cậu tự trách vì đã không biết trân trọng những buổi học quý giá trong quá khứ, thành ra, giờ đây không thể đọc được con chữ mẹ đẻ trong sách. Thầy Ha-men hôm đó cũng không trách cậu. Có lẽ, thầy biết sự trừng phạt lớn nhất đối với họ chính là việc đất nước bị. Giờ đây dù tha thiết khao khát nhưng những cô cậu học trò như Phrăng sẽ không thể học tiếng Pháp thêm nữa. Chính câu nói của người thầy đã đánh thức Phrăng, khiến cậu trưởng thành hơn trong cả nhận thức và hành động. Nhìn thầy Ha-men trên bục giảng mà cậu biết cảm thấy thương, thấy tiếc.

Có thể nói, buổi học tiếng Pháp cuối cùng của người dân vùng An-dát chính là dịp mà mỗi người thể hiện tấm lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Từng lời chia sẻ của thầy Ha-men như tiếng chuông lay động tâm hồn những con người ngồi đó. Họ đang tỉnh ngộ trước cái thực tại đau đớn, phũ phàng rằng giờ đây đất nước đã bị chia cắt, rằng rất có thể mọi người sẽ không còn là công dân nước Pháp nữa. Tác phẩm đã đề cao vai trò của ngôn ngữ mẹ đẻ, coi nó như "chiếc chìa khóa" để thoát khỏi "chốn lao tù". Chỉ cần một ngày tiếng Pháp còn tồn tại trên mảnh đất này thì nơi đây mãi là lãnh thổ của người Pháp.

Bên cạnh thành công về mặt nội dung, "Buổi học cuối cùng" còn ghi dấu ấn trong lòng độc giả bởi hình thức nghệ thuật đặc sắc. Việc xây dựng tình huống truyện, cách chọn điểm nhìn của tác giả cũng rất độc đáo. Cách sử dụng ngôi kể thứ nhất với góc nhìn đến từ cậu bé Phrăng nghịch ngợm đã giúp câu chuyện trở nên đáng tin cậy hơn. Nó cũng đồng thời cho thấy những nét thay đổi trong suy nghĩ, tư tưởng của nhân vật. Từ đó, thêm thấu hiểu, đồng cảm với nỗi đau mà con người phải chịu đựng khi đất nước chia tách. Bên cạnh đó, tác giả cũng rất thành công trong việc xây dựng nhân vật một cách chân thực, gần gũi. Tác phẩm còn có sự xen kẽ khéo léo giữa đối thoại và độc thoại. Tất cả đã khiến cho thông điệp được truyền tải trọn vẹn.

Qua truyện ngắn "Buổi học cuối cùng", ta rút ra được bài học vô cùng quý báu về tình yêu và sự tự tôn, tự hào dân tộc. Hãy biết gìn giữ, trân trọng tiếng mẹ đẻ bởi nó chính là thứ vũ khí giúp chúng ta chống lại sự đồng hóa. Từ đó, thêm biết ơn các thế hệ cha ông đi trước. Họ đã phải hi sinh rất nhiều để bảo vệ và xây dựng đất nước, giữ lấy bầu trời hòa bình cho chúng ta bây giờ.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Khi phân tích một tác phẩm truyện, em hãy chú ý bám sát đặc trưng thể loại để khai thác nhiều hơn về ý nghĩa tác phẩm nhé. Taimienphi.vn còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 để em tham khảo: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về nội dung và hình thức nghệ thuật của một trong các bài thơ mà bạn đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộngViết bài văn về một sự lựa chọn có ý nghĩa đã trải qua, Bài luận giới thiệu bản thân ứng tuyển vào câu lạc bộBài văn về tình thế lựa chọn khó khăn nhưng đầy ý nghĩa....

Kết thúc bốn bài học với bốn chủ đề khác nhau, ta đã được tiếp cận với rất nhiều tác phẩm. Hãy ôn tập lại những kiến thức trọng tâm của một số văn bản qua bài Phân tích nội dung và nghệ thuật của tác phẩm truyện đã đọc theo yêu cầu đọc mở rộng, Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Phân tích, đánh giá Hương Sơn phong cảnh
Phân tích, đánh giá Thơ duyên
Giải bài tập trang 72, 73 SGK Toán 3 Tập 2, sách Chân trời sáng tạo
Link tải Sách giáo khoa lớp 10 Chân trời sáng tạo PDF
Phân tích, đánh giá một bài thơ Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo
Phân tích nhân vật Sư Nghêu

ĐỌC NHIỀU