Đề bài: Em hãy Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, trích Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Phân tích nét đặc sắc nghệ thuật trong 8 câu thơ cuối đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao
- Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích cần phân tích đặc sắc nghệ thuật.
- Nghệ thuật điệp từ ở tất cả những câu lục "buồn trông...":
+ Sự lặp lại đến 4 lần của cụm từ này đã mang đến cho động giả những hình dung chung về tâm trạng của nàng Thúy Kiều buồn tủi, bế tắc và cô độc vô cùng, bộc lộ cảm xúc đau đớn, bất lực.
+ Sự lặp lại liên hoàn, chậm rãi của điệp từ này còn tựa như những đợt sóng sầu não trong lòng người thiếu nữ liên tục dập dềnh, trùng điệp và kéo dài mênh mông, vô tận khiến người ta khó nhìn thấu được sự dài rộng và điểm tận cùng của nó.
- Nét đặc sắc thứ hai nằm ở sự sắp xếp tầm nhìn của Thúy Kiều:
+ Nàng có cái nhìn đầu tiên thật xa xăm bắt đầu từ cửa bể, ngóng những cánh buồm "xa xa", thấp thoáng mờ mịt, sau đó dần dà thu hẹp khoảng cách không gian Kiều đã nhìn trực tiếp vào hoàn cảnh của mình ấy là sự cảm nhận tiếng sóng ầm ầm, vây quanh ghế ngồi. => Sự nhận thức chậm rãi của Thúy Kiều về nỗi đau thân phận cũng như những dự cảm của nàng về tương lai đầy chông gai phía trước của mình.
- Nguyễn Du cũng còn tinh tế sắp xếp các chi tiết khác như màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn tiến triển từ man mác, nhẹ nhàng đến lo âu, kinh sợ.
+ Khiến cho độc giả hiểu rõ và thấm thía hơn tâm trạng, những chuyển biến tinh tế trong tâm hồn non trẻ của người con gái.
+ Việc xây dựng một nhân vật có sự nhận thức từ từ và chậm rãi như vậy rất thích hợp với tính cách và sự thông minh của Thúy Kiều.
=> Cách viết này khiến cho thơ của Nguyễn Du hay và nhân vật trở nên hàm súc, gần gũi hơn hẳn.
- Sử dụng nhiều từ láy toàn bộ hoặc láy âm, vần trong đoạn thơ "xa xa", "xanh xanh", "rầu rầu", "thấp thoáng", "man mác":
+ Mang đến một cảm nhận chung ấy là nỗi buồn rất mờ mịt, xa xăm, lan tràn và trầm lắng đang tỏa ra trong từ tâm hồn của nhân vật trữ tình rồi phủ những cảnh vật chung quanh.
+ Tất cả đều mang một sắc thái tủi hổ, chán chường, nhàn nhạt, thiếu đi cái sức sống sinh động.
- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc trưng cho ngòi bút Nguyễn Du:
+ "Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa": Nỗi nhớ da diết với quê hương, gia đình và cả tình yêu chết yểu của Thúy Kiều, nàng có khao khát tha thiết được thoát khỏi nơi này, nhưng không thể rời khỏi. Thế nên buộc lòng Kiều phải gửi những ước mơ những nỗi niềm ấy và cánh buồm nhờ sự truân chuyển của nó mang về với những người mà nàng hằng tâm niệm.
+ "Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu": Ngụ ý về thân phận bèo nước của Thúy Kiều, trở thành bông hoa nhẹ bẫng, trôi dạt giữa dòng đời, sống cuộc đời tủi hổ bấp bênh chưa biết sẽ dạt về phương nào => Ý thức của Kiều về thân phận đớn đau của mình, một kiếp hồng nhan bạc mệnh đầy xót xa.
+ "Buồn trông nội cỏ rầu rầu/Chân mây mặt đất một màu xanh xanh": Không gian buồn tẻ, chán ngắt, dẫu rằng rộng lớn đấy nhưng lại đơn sắc, dẫn đến cảm giác ngột ngạt, tù túng cho nhân vật trữ tình, từ đó mang đến sự cô đơn, lẻ loi, trơ trọi của người thiếu nữ.
+ "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi", đi sâu hẳn vào nội cảm của nàng Thúy, "gió cuốn", "tiếng sóng", tất cả đều biểu trưng cho những sóng gió cuộc đời mà nàng đã chịu và sắp phải gánh chịu trong tương lai.
=> Sự hoảng hốt, sợ hãi của Thúy Kiều trước những biến động của thiên nhiên, ý thức ngày một rõ ràng hơn không chỉ là nỗi đau thân phận mà còn là cả những biến cố, những đau đớn khó mà tưởng tượng được sẽ xảy ra trong tương lai của mình.
Nêu cảm nhận chung.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm văn chương đắt giá của thời đại, được xem là kinh điển trong văn học Việt Nam. Vẻ đẹp của nó không chỉ nằm ở giá trị nội dung sâu sắc, bao gồm hai nhánh lớn là giá trị nhân đạo: ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, tấm lòng thương cảm, cảm thông sâu sắc cho số phận của họ dưới sự chèn ép bất công; và giá trị hiện thực khi phơi bày những sự thối nát, giả dối, lạc hậu của một chế độ phong kiến hà khắc khiến những con người nhỏ bé, không có tiếng nói phải chịu nhiều bất hạnh, đớn đau. Mà bên cạnh đó Truyện Kiều có giá trị và được yêu thích cho đến tận ngày hôm nay còn bởi những giá trị nghệ thuật độc đáo dựa trên ngòi bút tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du. Cứ mỗi một trích đoạn người ta lại nhìn ra nét đặc sắc nghệ thuật đáng lưu ý, khiến cho cuộc đời Thúy Kiều, nỗi đau của nàng càng trở nên thấm thía, dễ đồng cảm. Tiêu biểu trong 8 câu thơ cuối của đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, ta cũng thấy cả một hệ thống nghệ thuật đáng lưu tâm và tìm hiểu.
"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa rơi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Trước hết dễ nhận nhất khi đọc cả tám câu thơ chính là sự xuất hiện của nghệ thuật điệp từ, điệp cấu trúc ở tất cả những câu lục "buồn trông...", sự lặp lại đến 4 lần của cụm từ này đã mang đến cho độc giả những hình dung chung về tâm trạng của nàng Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích ấy là một tâm trạng buồn tủi, bế tắc và cô độc vô cùng. Tất cả những gì nàng có thể làm ấy là hướng ánh mắt sầu thảm của mình vào cảnh vật chung quanh để bộc lộ cảm xúc đau đớn, bất lực. Đặc biệt sự lặp lại liên hoàn, chậm rãi của điệp từ này còn tựa như những đợt sóng sầu não trong lòng người thiếu nữ liên tục dập dềnh, trùng điệp và kéo dài mênh mông, vô tận khiến người ta khó nhìn thấu được sự dài rộng và điểm tận cùng của nó. Đó là một sự bất định đầy tội nghiệp và đớn đau của cô gái mười mấy tuổi xuân.
Nét đặc sắc thứ hai nằm ở sự sắp xếp tầm nhìn của Thúy Kiều, nếu đọc và cảm nhận thật kỹ càng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, bản thân nàng có cái nhìn đầu tiên thật xa xăm bắt đầu từ cửa bể, ngóng những cánh buồm "xa xa", thấp thoáng mờ mịt, sau đó dần dà thu hẹp khoảng cách không gian Kiều đã nhìn trực tiếp vào hoàn cảnh của mình ấy là sự cảm nhận tiếng sóng ầm ầm, vây quanh ghế ngồi. Ta có thể xem đó là sự nhận thức chậm rãi của Thúy Kiều về nỗi đau thân phận cũng như những dự cảm của nàng về tương lai đầy chông gai phía trước của mình. Trong khi đó "cánh buồm xa xa" là một tương lai mịt mờ, còn "tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi" lại là những bất hạnh, khổ sở bản thân nàng đang phải gánh chịu, Nguyễn Du đã để Thúy Kiều cảm nhận rất rõ số phận khốn đốn của mình. Từ đó làm tăng giá trị biểu cảm, làm cho nhân vật Thúy Kiều có sức hút hơn bao giờ hết. Bên cạnh tầm nhìn, thì Nguyễn Du cũng còn tinh tế sắp xếp các chi tiết khác như màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn tiến triển từ man mác, nhẹ nhàng đến lo âu, kinh sợ. Tất cả những điều ấy đều chỉ nằm ở một mục đích chung nhất chính là khiến cho độc giả hiểu rõ và thấm thía hơn tâm trạng của Thúy Kiều, những chuyển biến tinh tế trong tâm hồn non trẻ của người con gái, cũng như những suy tư, ý thức của nàng trước cuộc đời, số phận nhiều trái ngang của mình. Việc xây dựng một nhân vật có sự nhận thức từ từ và chậm rãi như vậy rất thích hợp với tính cách và sự thông minh của Thúy Kiều, người ta sẽ cảm nhận rõ hơn được những vẻ đẹp trong tâm hồn nàng, dĩ nhiên nàng sẽ không tự nhiên mà sợ hãi, hoảng hốt, mà nó phải qua một quá trình tự ý thức hợp lý. Cách viết này khiến cho thơ của Nguyễn Du hay và nhân vật trở nên hàm súc, gần gũi hơn hẳn.
Một đặc sắc nghệ thuật nữa không thể không kể đến đó chính là cách Nguyễn Du sử dụng nhiều từ láy toàn bộ hoặc láy âm, vần trong đoạn thơ. Các từ "xa xa", "xanh xanh", "rầu rầu", "thấp thoáng", "man mác", đều mang đến một cảm nhận chung ấy là nỗi buồn rất mờ mịt, xa xăm, lan tràn và trầm lắng đang tỏa ra trong từ tâm hồn của nhân vật trữ tình rồi phủ những cảnh vật chung quanh như một thứ rượu nhẹ, phải từ từ mới thấy mà thấm. Tất cả đều mang một sắc thái tủi hổ, chán chường, nhàn nhạt, thiếu đi cái sức sống sinh động, thay vào đó người ta chỉ thấy một cảm xúc khó tả khiến người ta khó mà vui vẻ, gượng dậy, một sự sự tàn phai, héo úa chậm rãi. Tâm trạng của Thúy Kiều lúc đó chính là vậy, nỗi buồn của nàng không phải kiểu gay gắt, mạnh mẽ mà nó rất thấm thía, nhẹ nhàng, man mác, một nỗi buồn liễu yếu đào tơ đến tội nghiệp.
Cuối cùng, trọng tâm tâm nhất chính là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc trưng cho ngòi bút Nguyễn Du. Với hai câu thơ "Buồn trông cửa bể chiều hôm/Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa", tại sao Thúy Kiều lại có cái nhìn xa xăm thế, tại sao Kiều không nhìn thấy một cảnh vật khác như núi non, hoàng hôn mà lại thấy thuyền. Có thể trả lời rằng bản thân nàng đang có một nỗi nhớ da diết với quê hương, gia đình và cả tình yêu chết yểu của mình, nàng có khao khát tha thiết được thoát khỏi nơi này, nhưng không thể rời khỏi. Thế nên buộc lòng Kiều phải gửi những ước mơ những nỗi niềm ấy và cánh buồm đang thấp thoáng, nhờ sự truân chuyển của nó mang về với những người mà nàng hằng tâm niệm, cũng như mang theo một nửa hồn nàng. Với cặp câu tiếp "Buồn trông ngọn nước mới sa/Hoa trôi man mác biết là về đâu", câu này lại càng lộ rõ cái ý tứ của Nguyễn Du, Thúy Kiều rõ ràng là một bông hoa tuyệt sắc, nhưng tiếc rằng nàng thiếu đi cái phúc phần được sống bình yên mà lại phải trở thành bông hoa nhẹ bẫng, trôi dạt giữa dòng đời, sống cuộc đời tủi hổm bấp bênh chưa biết sẽ dạt về phương nao. Đó chính là ý thức của Kiều về thân phận đớn đau của mình, một kiếp hồng nhan bạc mệnh đầy xót xo, trách gì nước chảy, hoa trôi. Trong hai câu "Buồn trông nội cỏ rầu rầu/Chân mây mặt đất một màu xanh xanh" người ta dễ dàng đoán định ra một không gian buồn tẻ, chán ngắt, dẫu rằng rộng lớn đấy nhưng lại đơn sắc, dẫn đến cảm giác ngột ngạt, tù túng cho nhân vật trữ tình, từ đó mang đến sự cô đơn, lẻ loi, trơ trọi của người thiếu nữ trước cái sự lạnh lùng của sắc xanh cây cỏ, sắc xanh trời đất, không một thức gì thân thuộc ấm áp. Trong hai câu thơ cuối cùng "Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi", tức là đã đi sâu hẳn vào nội cảm của nàng Thúy, chính bản thân nàng cảm nhận được "gió cuốn", "tiếng sóng", tất cả đều biểu trưng cho những sóng gió cuộc đời mà nàng đã chịu và sắp phải gánh chịu trong tương lai. Từ đó người ta nhận ra được sự hoảng hốt, sợ hãi của Thúy Kiều trước những biến động của thiên nhiên, nàng trở nên ý thức ngày một rõ ràng hơn không chỉ là nỗi đau thân phận mà còn là cả những biến cố, những đau đớn khó mà tưởng tượng được sẽ xảy ra trong tương lai của mình. Từ đó nỗi buồn, tủi nhục của nàng lại càng thêm sâu sắc thấm thía, hình ảnh Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích đầy khốn khổ, bế tắc, cô đơn lại càng ấn tượng trong lòng độc giả, dễ khiến người ta thương cảm và cảm thông vô cùng.
Như vậy chỉ trong 8 câu thơ ngắn ngủi mà mà chúng ta đã có thể nhận ra được nhiều những bút pháp nghệ thuật đặc sắc được vận dụng xen kẽ, dày đặc và hợp lỹ bên cạnh thể thơ lục bát truyền thống. Khiến cho tổng thể bài thơ trở nên mềm mại, uyển chuyển, hợp lý, tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong cảnh bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích được khai thác rất tinh tế, khéo léo, khiến độc giả dễ dàng tiếp nhận và đồng cảm sâu sắc với nỗi buồn tủi, nỗi đớn đau cho một kiếp người bạc mệnh mang tiếng hồng nhan thuở xưa.
------------------HẾT-------------------
Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích xuất sắc thể hiện tâm trạng đau khổ, xót xa khôn nguôi của nàng Kiều. Một trong những yếu tố làm nên thành công của đoạn trích là nghệ thuật xây dựng xuất sắc được "nhào nặn" bởi bàn tay tài hoa của đại thi hào Nguyễn Du. Tìm hiểu về những cái hay, nét đặc sắc của đoạn trích, các em không nên bỏ qua: Cảm nhận về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích nghệ thuật miêu tả tâm trạng Thuý Kiều trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy rằng: Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tâm tình đầy xúc động.