1. Mở bài:
- Giới thiệu vở chèo, đoạn trích.
2. Thân bài:
2.1. Chủ đề, nội dung đoạn trích:
a. Nội dung của đoạn trích:
- Sư Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa đến nhà Thị Hến vào ban đêm để tư tình với thị. Lợi dụng thói háo sắc, Thị Hến tính kế để ba tên chạm mặt, chấm dứt mọi sự quấy nhiễu.
b. Chủ đề của đoạn trích:
- Tố cáo những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội phong kiến.
2.2. Phân tích đoạn trích:
* Tình huống: Thị Hến bày mưu cho Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu một pha bẽ mặt.
* Diễn biến tình huống:
- Sư Nghêu đến nhà Thị Hến:
+ Sư Nghêu đi tới nhà Thị Hến vào ban đêm nên không nhìn thấy đường.
+ Sư Nghêu nói với Thị Hến mình đã phá giới, khuyên Thị Hến cùng mình kết duyên.
- Đề Hầu đến, Sư Nghêu trốn dưới gầm phản:
+ Sư Nghêu sợ hãi, gọi Thị Hến chỉ chỗ cho mình đi trốn.
+ Đề Hầu vào nói lời mật ngọt. Thị Hến được đà hỏi tội của Sư Nghêu với Đề Hầu.
- Một lúc sau, Huyện Trìa ở ngoài cửa gọi vào, Đề Hầu đi trốn:
+ Đề Hầu thất kinh, tìm chỗ trốn.
+ Thị Hến hỏi tội trạng của Sư Nghêu với Huyện Trìa.
- Cuối cùng cả ba chạm mặt, nhận ra bài học nhớ đời:
+ Nghe thấy Huyện Trìa phán phải, Sư Nghêu từ gầm giường bò ra.
+ Huyện Trìa, Sư Nghêu, Đề Hầu ai nấy đều xấu hổ.
* Kết cục: Thị Hến là người đắc thắng.
2.3. Đánh giá đoạn trích:
a. Đánh giá về nội dung:
- Thông qua đoạn trích, tác giả dân gian muốn:
+ Đả kích, châm biếm thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội xưa.
+ Đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ.
b. Đánh giá về nghệ thuật:
- Giọng điệu hài hước, châm biếm, mỉa mai.
- Ngôn từ giản dị, gần gũi với đời sống sinh hoạt của nhân dân.
3. Kết bài:
- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của đoạn trích.
Trong nền nghệ thuật dân gian Việt Nam, tuồng đồ là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Mặc dù ra đời đã lâu nhưng vở tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến" cho đến nay vẫn giữ được vị trí quan trọng trong lòng khán giả Việt Nam. Thuộc lớp XIX, cũng là lớp cuối cùng của tác phẩm, đoạn trích "Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến" đã phơi bày những thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội xưa.
Trích đoạn "Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến" xoay quanh việc Sư Nghêu, Đề Hầu, Huyện Trìa đến nhà Thị Hến vào ban đêm để tư tình với thị. Lợi dụng thói háo sắc, Thị Hến tính cách để ba tên chạm mặt, chấm dứt mọi sự quấy nhiễu, phiền hà.
Ngay từ ban đầu, qua lời nói của Thị Hến, ta có thể hình dung được bối cảnh câu chuyện và tình huống sắp diễn ra. Sư Nghêu là tên sãi trọc phá giới. Vì quá khó chịu, bực tức với Huyện Trìa, Sư Nghêu, Đề Hầu, Thị Hến suy nghĩ về việc chơi ba người một vố thật đau nhằm "giữ tiết hạnh một đường cho toại".
Trời đã về đêm, đường sá nhá nhem, tên Sư Nghêu vẫn lần mò đến nhà Thị Hến. Đến cửa thì gọi với vào trong "Này! Này, Thím ơi! Mỗ đã sang. Mở cửa mình vào với!". Thị Hến đon đả, mời nước tìm cách trì hoãn. Thầy Nghêu đam mê sắc dục, đi ngược lại đạo đức, phẩm hạnh của kẻ tu hành nên quyết "Kệ kinh chuông mõ trả cho cho chùa", khuyên lơn Thị Hến không nên phụ tấm lòng của hắn mà giao duyên kết đôi. Tà dâm, háo sắc là điều cấm kị đối với người tu hành. Vậy mà thầy Nghêu lại bất chấp lí lẽ, phá giới để đi theo quả phụ. Vừa mới nói dứt câu thì có tiếng Đề Hầu kêu cửa, thầy Nghêu lộ bộ mặt hèn nhát. Sợ mọi việc bị bại lộ, hắn bảo Thị Hến chỉ cho mình chỗ trốn. Thị Hến cũng chẳng ngần ngại chỉ "Dưới phản ngựa thầy mau xuống đó", rồi hứa hẹn "Người về đã, sẽ vầy hai mặt". Ngay lập tức, hắn chui xuống gầm phản.
Tên Đề Hầu vừa vào nhà, hắn liền buông lời trách móc:
"Ơn mỗ cứu cho bữa trước
Nay nường còn nhớ chưa quên?
Sao đã cùng ông Huyện kết duyên,
Mà vội phụ thầy Đề tình ngãi, (hử?)"
Đề Hầu nhắc cho Thị Hến nhớ lại việc mình đã giúp thị trong buổi xử án lần trước. Rõ là Thị Hến chưa quên ân cũ, vậy mà đã nhanh chóng kết duyên với ông Huyện, phụ lòng của thầy Đề. Thị Hến khôn khéo đáp lại, lấy cớ Huyện Trìa ra lệnh nên buộc lòng nghe theo. Tên Đề Hầu mặc dù đã có vợ nhưng vẫn trơ trẽn tán tỉnh người phụ nữ khác. Ngay cả khi người ta không ưng thuận thì cũng quyết liều "Đó không thương đây cũng quyết liều". Hắn còn không quên dặn Thị Hến phải nên giữ dạ, chung thủy một lòng. Thị Hến nhanh trí, đánh lạc hướng sự tập trung của Đề Hầu bằng cách dỗ ngọt "Ái ân việc còn thong thả,/ Rượu trà xin hãy vui chơi". Đồng thời, không quên tìm cách châm chọc tên Sư Nghêu nằm dưới phản "Tôi xin hỏi thiệt, thầy khá tỏ bày! Thầy hằng xem luật lệ xưa nay,/ Tu (mà) phá giới tội chi khinh trọng, (thưa thầy?)". Mặc dù làm người trợ giúp Huyện Trìa công việc chốn quan đường nhưng hắn lại đưa ra lời xằng bậy "Trong luật lệ rất to/ Hễ phá giới túc hành trảm quyết!". Chắc hẳn nghe tới đây, tên Sư Nghêu phải toát mồ hôi hột.
Khác hẳn với vẻ cứng rắn lúc hắn tuyên bố xử trảm người tu hành phá giới, lúc nghe tiếng Huyện Trìa ngoài cửa, hắn trở nên thất kinh "Văn ngôn sắc biến! Sắc biến!/ Thính thuyết hồn kinh! Hồn kinh!". Vì quá sợ việc xấu bị phát hiện, hắn liền chạy đi trốn.
Mang tiếng làm quan lớn nhưng tên Huyện Trìa chẳng khác Đề Hầu với Sư Nghêu là bao. Vừa vào nhà Thị Hến, hắn đã trình bày lí do bản thân tới muộn. Huyện Trìa lấy cớ việc thuế má, án từ lại cộng thêm đường sá tối tắm để lập liếm cho việc hắn bị mụ Huyện giữ ở nhà. Sau đôi lời tỏ bày, Thị Hến lại dùng cách cũ với tên Huyện Trìa. Thị ta hỏi "Rầy có chú thầy tu rất chạ/ Hay đến nhà mà ve bà góa/ Đã xuất gia phá giới làm vơ,/ Thời luật pháp xử chi cho rõ?".
Không giống với lời phán của Đề Hầu, bản án đối với kẻ tu hành phá giới qua lời nói của Huyện Trìa lại nhẹ hơn rất nhiều - đánh đòn trị tội bằng roi. Điều này khiến thầy Nghêu mừng rỡ bò ra khỏi gầm giường. Hắn trưng bộ mặt giả dối, nịnh nọt Huyện Trìa. Hắn cho rằng Huyện Trìa là cha mẹ dân đích thực còn tên Đề Hầu là kẻ dâm ô, chuyên nói lời xằng bậy. Đề Hầu nghe đến đây biết mình đã mắc mưu Thị Hến, lồm cồm bò ra ngoài nhận lỗi. Cuối cùng, cả ba chạm mặt nhau, xấu hổ bẽ bàng khi bị mụ đàn bà chơi xỏ. Huyện Trìa lúc này phân bua chẳng khác gì đứng trước chốn công đường, phán quyết ai về nhà nấy, dặn lòng từ nay về sau không "tham của lạ".
Kết cục, cả ba người Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu phải chịu thua trước trí thông minh và sự sắc sảo của Thị Hến. Có thể thấy, Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu dù giữ vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội nhưng chúng đều có chung bản chất xấu xa, háo sắc. Với các tình tiết gây cười cùng ngôn từ giản dị, gần gũi với đời sống sinh hoạt của nhân dân, tác giả dân gian đã đả kích, châm biếm thói hư tật xấu của một số hạng người trong xã hội xưa. Đồng thời, đề cao vẻ đẹp phẩm chất của người phụ nữ.
Thông qua vở tuồng "Nghêu, Sò, Ốc, Hến", ta có thêm hiểu biết về đời sống của nhân dân trong xã hội xưa. Những tiếng cười sâu cay mà đoạn trích "Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến" mang lại chắc chắn sẽ trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu đối với mỗi người dân Việt Nam.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi phân tích lớp tuồng Huyện Trìa, Đề Hầu, Sư Nghêu mắc lỡm Thị Hến, các em cần nêu ra chủ đề. Sau đó làm rõ chủ đề bằng cách phân tích tình huống, diễn biến của sự việc. Ngoài bài viết trên, các em hãy đọc thêm văn mẫu lớp 10 khác:
- Phân tích nhân vật Sư Nghêu
- Phân tích nhân vật Thị Hến