Phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê trong Gặp Ka-ríp và Xi-la

Phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê trong Gặp Ka-ríp và Xi-la

Dàn ý và bài văn mẫu phân tích nhân vật Ô-đi-xê


I. Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê

a. Mở bài: Giới thiệu đoạn trích và nhân vật Ô-đi-xê.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh, sự kiện mà Ô-đi-xê phải đối mặt: Sau khi nghe lời tiên đoán của Xi-ếc-xê, Ô-đi-xê và các thuyền viên của mình tiếp tục cuộc hành trình trên biển. Chàng cùng đồng đội đi qua đảo của các nàng Xi-ren có giọng hát mê hoặc và vùng biển nơi hai con quái vật Ka-ríp, Xi-la sinh sống.

- Vẻ đẹp phẩm chất của Ô-đi-xê:

+ Ô-đi-xê nổi bật với vai trò là một người lãnh đạo (cách chàng gọi các thuyền viên, an ủi, động viên các bạn của mình khi đối mặt với thử thách).

+ Sự thông minh, dũng cảm, quyết đoán của chàng (qua các chi tiết Ô-đi-xê nhét sáp vào tai các bạn đồng hành, chàng yêu cầu các thuyền viên trói chặt bản thân trên cột buồm khi đi qua đảo của các nàng Xi-ren).

+ Ô-đi-xê là hiện thân của một vị anh hùng (qua chi tiết chàng mặc áo giáp, cầm trong tay hai ngọn lao khi chuẩn bị đối mặt với Ka-ríp và Xi-la).

- Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo.

+ Ngôi kể thứ nhất giúp câu chuyện trở nên chân thực.

- Đánh giá nhân vật: Qua nhân vật, tác giả muốn gửi gắm ước mơ và khao khát khám phá, chinh phục thế giới của người Hy Lạp cổ đại. Hai con quái vật Ka-ríp và Xi-la tượng trưng cho những hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt mà con người phải vượt qua.

c. Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp nhân vật, nêu cảm nghĩ về nhân vật.

Bài văn mẫu 10: Phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê trong Gặp Ka-ríp và Xi-la


II. Bài văn mẫu phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê - mẫu số 1: 

Hô-me-rơ là nhà thơ mù, ông sinh ra và lớn lên tại một gia đình nghèo bên kia sông Mê-lét, tuy khiếm khuyết về cơ thể nhưng ông không lùi bước mà đã có những đóng góp to lớn cho nền văn học với hai bộ sử thi đồ sộ "Ô-đi-xê" và "I-li-át". Đặc biệt, sử thi "Ô-đi-xê" kể về hành trình trở về quê hương của Ô-đi-xê sau chiến thắng thành Tơ-roa; tác phẩm ngợi ca trí tuệ, lòng dũng cảm, nghị lực của con người với khát vọng chinh phục thế giới và ước mơ về một cuộc sống hòa bình. Đoạn trích "Gặp Ka-ríp và Xi-la" thuộc khúc ca XII của sử thi "Ô-đi-xê" nói về những thử thách đối với Ô-đi-xê và các bạn đồng hành khi gặp các quái vật biển.

Thuyền của Ô-đi-xê tiếp tục hành trình trên biển sau khi nhận được lời tiên đoán của Xi-ếc-xê. Khi con thuyền đi qua hòn đảo của các nàng Xi-ren có giọng hát mê hoặc tâm trí, chàng đã yêu cầu những thủy thủ nhét sáp ong vào tai và trói chàng vào cột buồm. Sau khi thoát khỏi tiếng hát ma mị của các nàng Xi-ren, Ô-đi-xê và các thuyền viên lại gặp phải tai họa khi đi qua vùng biển có hai con quái vật Ka-ríp và Xi-la. Vì mải chú ý tới Ka-ríp mà không để ý tới con quái vật biển còn lại nên Ô-đi xê đã chứng kiến cảnh sáu tay chèo khỏe nhất bị Xi-la bắt mất. Điều đó khiến chàng thương tâm vô cùng.

Hình tượng Ô-đi-xê được xây dựng nổi bật với vai trò một người lãnh đạo. Trước hết, ta nhận thấy điều đó qua cách chàng gọi những thủy thủ của mình là "các bạn ơi". Cách gọi này thể hiện sự gần gũi, bộc lộ sự tôn trọng của thuyền trưởng đối với các thuyền viên của mình. Ô-đi-xê luôn biết cách hướng dẫn mọi người. Sự quyết đoán, dũng cảm của chàng được thể hiện qua chi tiết: Nhét sáp vào tai các thuyền viên "Tôi lần lượt nút chặt tai cho các bạn đồng hành". Ô-đi-xê đã dặn các bạn đồng hành trói bản thân chặt hơn nữa nếu chàng bị mê hoặc bởi tiếng hát các nàng Xi-ren "Nhưng các bạn phải lấy dây trói chặt ta vào cột buồm, để buộc ta phải đứng yên một nơi. Nếu ta van xin hoặc ra lệnh cho các bạn cởi trói cho ta, thì các bạn cứ việc trói chặt thêm nữa vào". Có thể thấy, Ô-đi-xê là hiện thân của một người lãnh đạo có khả năng giải quyết mọi vấn đề, biết quan tâm và bảo vệ những người bạn của mình trước nguy hiểm. Chàng luôn mang trong mình sự nhiệt huyết và chân thành của người đứng đầu tập thể.

Thứ hai, khi các thuyền viên bị hoảng sợ, chàng đã an ủi, động viên, vực dậy tinh thần của mọi người bằng cách nhắc lại những thử thách, khó khăn họ đã vượt qua như: trốn khỏi tên khổng lồ Xi-clốp "Chúng ta chẳng phải là những người chưa từng qua thử thách. Tai họa đang chờ chúng ta chưa hẳn ghê gớm hơn hồi tên Xi-clốp đem cả sức mạnh hung tàn của hắn, nhốt chúng ta vào trong hang. Nhưng nhờ có lòng dũng cảm, với lời khuyên và mưu trí của ta, nên chúng ta đã thoát nạn, chắc các bạn vẫn còn nhớ rõ". Sau khi an ủi, chàng giao nhiệm vụ rõ ràng cho từng người: những người ngồi bên cọc chèo cần "đập sâu mái chèo xuống nước", các bạn hoa tiêu "bạn phải tránh những màn sương và những ngọn sóng kia, cẩn thận cho thuyền ven theo dãy đá ngầm nọ, kẻo nó đi chệch hướng trong lúc bạn sợ tâm không biết, rồi trôi ào tới đằng kia mà đẩy chúng ta vào chỗ chết đó". Trước những khó khăn, thử thách, Ô-đi-xê luôn giữ sự bình tĩnh, tự tin và là điểm tựa tinh thần cho mọi người.

Ô-đi-xê là hiện thân của một vị anh hùng dũng cảm khi dám đối đầu với khó khăn "tôi đã mặc bộ áo giáp quang vinh của tôi và nắm trong tay hai ngọn lao dài, ra đứng ở mũi thuyền". Thông qua nhân vật Ô-đi-xê, người Hy Lạp xưa thể hiện khát khao về một người anh hùng có sức vóc, trí tuệ, dũng cảm. Nhân vật Ô-đi-xê là kết tinh những mong muốn, ước mơ của người Hy Lạp trong quá trình chinh phục tự nhiên. Những thử thách được đưa ra càng nổi bật lên những vẻ đẹp của người anh hùng. Hai con quái vật Ka-ríp và Xi-la tượng trưng cho những hiện tượng tự nhiên bí ẩn, nguy hiểm của đại dương như: xoáy nước, sóng ngầm,... mà con người phải đối mặt.

Qua đoạn trích "Gặp Ka-ríp và Xi-la", người Hy Lạp cổ đại muốn ca ngợi trí tuệ và bản lĩnh của Ô-đi-xê trong vai trò là một người lãnh đạo. Bằng cách xây dựng nhân vật tinh tế và việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, tác giả đã thành công kể lại hành trình vượt biển trở về quê hương của Ô-đi-xê một cách chân thực. Qua đó, người đọc cũng có thể nhận thấy rõ những suy nghĩ, tâm trạng của người anh hùng. Với trí tưởng tượng phóng khoáng, tác giả đã đưa người đọc vào một thế giới đầy hấp dẫn.

Nhân vật Ô-đi xê được khắc họa với nhiều phẩm chất đáng quý. Những phẩm chất đó tượng trưng cho ước mơ cao đẹp của người Hy Lạp cổ đại trong quá trình khám phá thế giới. Hình tượng Ô-đi-xê được khắc họa nổi bật với hành động, cung bậc cảm xúc tự nhiên. Đoạn trích cũng cho ta thấy tài năng nghệ thuật của Hô-me-rơ.

 

III. Bài văn mẫu phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê - mẫu số 2: 

Hơ-me-ơ là một người hát rong, một nhà thơ mù sống vào khoảng thế kỉ 9 TCN. Sinh thời, ông đã cho ra đời hai bộ sử thi là “Ô-đi-xê” và “I-li-át”. Đến tận bây giờ, thế giới vẫn công nhận đây là hai tác phẩm kinh điển vượt thời gian, có sức ảnh hưởng lớn đến giá trị văn hóa khu vực Địa Trung Hải nói riêng và thế giới nói chung. Trong sử thi về Ô-đi-xê có đoạn trích “Gặp Ka-ríp và Xi-la” thuộc khúc ca XII, nói về những thử thách trên biển mà nhân vật chính phải vượt qua. Từ đó, người đọc đã thấy hình tượng người anh hùng tài trí, dũng cảm, người lãnh đạo tài ba được hiện lên ở Ô-đi-xê. 

Sau cuộc chiến thành Tơ-roa, Ô-đi-xê cùng đồng đội mình trở về quê hương men theo đường biển. Sau rất nhiều cuộc kì ngộ, chàng được Xi-ếc-xê báo trước cho việc sẽ gặp Xi-ren, Ka-ríp và Xi-la cùng cách vượt qua những cửa ải đó. Tuy đã biết trước quãng đường sắp tới có muôn trùng khó khăn, chàng vẫn can đảm đi tiếp. Khi sắp phải đối mặt với con quái vật Ka-ríp, có sáu cái tay và ba hàng răng sắc nhọn đầy đáng sợ, Ô-đi-xê đã “mặc bộ áo giáp quang vinh”, “nắm trong tay ngọn lao dài, ra đứng ở mũi thuyền”. Trong cuộc chiến, chàng đã “dùng một cây gậy sắt nóng đâm vào mắt của Ka-ríp, khiến nó đau đớn và mù loà”. Thế nhưng, để đối mặt với hiểm nguy, chỉ có lòng dũng cảm thôi là chưa đủ. Ô-đi xê còn là một người thông minh, quyết đoán. Biết trước sự mê hoặc trong tiếng hát của Xi-ren, chàng đã dặn dò các bạn phải trói mình vào cột buồm và “nút chặt tai cho các bạn”. Nhờ vào hành động đó, đoàn thuyền đã dễ dàng đi khỏi các nàng Xi-ren. Chính sự dũng cảm, thông minh và khôn ngoan của Ô-đi-xê đã giúp chàng và đồng đội vượt qua những hiểm nguy và thử thách trên biển. 

Không những vậy, Ô-đi-xê còn là người lãnh đạo tài ba, biết quan tâm, yêu thương đồng đội. Những lời mà chàng nói với các bạn thuyền của mình thể hiện rất rõ điều này. Chàng dùng từ “các bạn ơi” thật thân mật, gần gũi. Tuy là người đứng đầu, chỉ huy lãnh đạo cả đoàn, đứng trước các mối nguy nan nhưng Ô-đi-xê luôn dùng lời nói nhẹ nhàng để thông báo, dặn dò các bạn mình. “Các bạn ơi! Xi-ếc-xê lừng danh đã tiên đoán cho ta một điều, và điều này không nên chỉ để cho một người biết. Vậy ta xin nói lại với các bạn, để chúng ta đều rõ điều gì có thể dẫn chúng ta đến một nạn diệt vong, điều gì có thể khiến ta thoát được các yêu nữ hung ác”. Chàng bình tĩnh, phân công công việc cho mọi người vượt qua dòng nước hiểm: “Các bạn ngồi bên cọc chèo, hãy đập sâu mái chèo xuống nước”, còn hoa tiêu thì “phải lái tránh màn sương và những ngọn sóng kia, cẩn thận cho thuyền ven theo dãy đá ngầm nọ, kẻo nó đi chệch hướng trong lúc bạn sơ tâm không biết, rồi trôi ào tới đằng kia mà đẩy chúng ta vào chỗ chết”. Với vai trò là một người đứng đầu, khi phải đối mặt với hiểm nguy, Ô-đi-xê luôn giữ sự bình tĩnh, tự tin, là điểm tựa tinh thần cho những người đồng hành của mình. 

Sử thi “Ô-đi-xê” đã ra đời từ hàng ngàn năm trước và trở nên cực kì nổi tiếng. Hình tượng người anh hùng vượt qua muôn vàn khó khăn để trở về quê hương cũng chính là mong ước được chính phục, khám phá thế giới, mong ước đoàn tụ, hạnh phúc của nhân dân Hy Lạp cổ đại. Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật đầy độc đáo, Hơ-me-ơ đã tạo ra một Ô-đi-xê hội tụ mọi tinh hoa của con người đương thời: khỏe mạnh, dũng cảm, trí tuệ, đầy tình yêu thương. 

 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Bài viết của các em cần tập trung làm nổi bật vẻ đẹp phẩm chất của nhân vật Ô-đi-xê. Hi vọng, bài tham khảo trên đây sẽ giúp các em có thêm những kĩ năng khi viết bài văn phân tích hình tượng nhân vật trong tác phẩm văn học. Mời các em tham khảo thêm nội dung văn mẫu lớp 10 khác như Phân tích Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời để ôn tập, củng cố kiến thức.

Phân tích hình tượng nhân vật Ô-đi-xê trong Gặp Ka-ríp và Xi-la - Ngữ văn 10, Chân trời sáng tạo, học kì I sẽ giúp các em khám phá được vẻ đẹp độc đáo của nhân vật này. Qua đó, các em có thể thấy được ước mơ, khát vọng của người Hy Lạp trong quá trình chinh phục tự nhiên.
Giải bài tập trang 72, 73 SGK Toán 3 Tập 2, sách Chân trời sáng tạo
Giải bài tập trang 74 SGK Toán 3 Tập 2, sách Chân trời sáng tạo
Phân tích Thị Mầu lên chùa
Giải bài tập trang 44 SGK Toán 3 Tập 1, sách Chân trời sáng tạo
Phân tích nhân vật Mẹ Đốp trong Xã trưởng - Mẹ Đốp
Phân tích nhân vật Thị Mầu trong Thị Mầu lên chùa

ĐỌC NHIỀU