Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan.

Dàn ý và bài văn mẫu Nêu tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về Dưới bóng hoàng lan trong đoạn trích siêu hay
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.


I. Dàn ý Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

1. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan" của tác giả Thạch Lam.
- Giới thiệu về chủ đề và nhân vật chính Thanh.
2. Thân bài
a) Khái quát văn bản
- Tóm tắt lại nội dung chính của truyện: Thanh - nhân vật chính của câu chuyện là một người thanh niên đi làm tỉnh xa. Trong lần về thăm nhà này, anh có rất nhiều những suy nghĩ, cảm xúc yêu thương dành cho bà và cô hàng xóm tên Nga. Khi quay lại tỉnh, anh nghĩ mình sẽ về nhà thường xuyên.
- Chủ đề của tác phẩm: tình cảm gia đình cùng với tình yêu quê hương sâu sắc, gắn bó. Dù đi đâu thì nhà vẫn là nơi yên bình nhất.
- Hoàn cảnh của nhân vật Thanh: Mất cha mẹ từ sớm, ở với bà từ nhỏ, được bà nuôi nấng chăm sóc. Khi trưởng thành phải đi làm ở tỉnh xa, thi thoảng mới có dịp về thăm bà.
b) Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.
* Tâm Trạng của Thanh khi vừa về nhà: nghẹn ngào, xúc động:
- Bước vào khu vườn thấy "mát hẳn cả người".
- Bên ngoài ồn ào, nắng gắt trái ngược với sự yên tĩnh mát mẻ trong vườn.
- Nghẹn họng mãi mới cất lên được tiếng gọi khẽ: "Bà ơi"
=> "Tựa như bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia đều ngừng lại trên bực cửa". Không gian trong vườn như tưới mát tâm hồn Thanh sau những xô bồ, mệt mỏi của phố thị.
* Tâm trạng bình yên, thư thái khi được về nhà:
- Xa nhà đã lâu nhưng có cảm giác như vẫn ở nhà, mọi thứ vẫn còn y nguyên (gian nhà, phong cảnh và người bà) không có gì thay đổi.
- Cảm thấy bình yên và thong thả, nhà là nơi mát mẻ và hiền lành.
- Hương thơm của cây hoàng lan khiến Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối.
* Nỗi vui mừng, cảm động khi được ở bên bà:
- Thấy bà, Thanh cảm động mừng rõ, chạy lại gần.
- Bà cụ mái tóc bạc phơ, chống gậy trúc, miệng nhai trầu, đôi mắt hiền từ, làn tóc trắng.
- Hai bà cháu đi bên nhau, Thanh có dáng người thẳng, mạnh với bà cụ gầy còng nhưng Thanh cảm thấy chính bà đang che chở cho cháu.
- Thấy mình vẫn bé quá khi ở cạnh bà.
- Bà nhẹ nhàng giục cháu rửa mặt nghỉ ngơi.
- Thanh ngủ, bà lại săn sóc, Thanh cảm động gần ứa nước mắt.
* Tâm trạng của Thanh khi ở cùng Nga:
- Thanh dành sự chú ý đặc biệt cho người hàng xóm:
+ Quan sát Nga chăm chú trong bữa cơm.
+ Hoài niệm về tuổi thơ tươi đẹp cùng với Nga.
- Sự tinh tế, dịu dàng của Thanh dành cho Nga:
+ Dắt Nga đi thăm vườn.
+ "vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa".
+ Nhẹ nhàng cầm tay Nga để yên trong tay mình.
=> Tình cảm e ấp, ngọt ngào xen lẫn cùng kỷ niệm thời thơ ấu đã khiến cho Thanh cảm thấy ngọt ngào, mong nhớ.
* Tâm trạng của Thanh khi phải quay lại tỉnh:
- Cảm thấy "nửa buồn nửa vui".
- Nghĩ về căn nhà và Nga.
=> Sự yên bình thấm đẫm tình yêu thương của bà, của cây hoàng lan, của quê nhà đã giúp cho Thanh nghĩ rằng "mình sẽ về nhà thường xuyên". Đó chính là biểu hiện của tình yêu quê hương.
=> Con người có đi xa, có hiểu biết về mọi việc xung quanh mới cảm nhận được nơi bình yên chính là nhà - nơi gần gũi, yêu thương, gắn kết giữa các thành viên. Sau những bộn bề, loan toan, vất vả ngược xuôi trong cuộc sống, nhà chính là nơi thân thương nhất, bình dị nhất, an yên nhất.​
c) Nghệ thuật
- Truyện nhẹ nhàng, sâu lắng, giọng văn bình dị nhưng lại có sức lay động lòng người.
- Nghệ thuật kể chuyện.
3. Kết bài
- Khái quát lại chủ đề của tác phẩm.

Top bài văn mẫu Phân tích nhân vật Thanh trong Dưới bóng hoàng lan hay nhất
 

II. Bài văn mẫu Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan

Trước năm 1945, văn học lãng mạn trong nước khá phát triển, nổi bật là nhóm "Tự lực văn đoàn". Thạch Lam cũng là nhà văn chủ chốt của "Tự lực văn đoàn". Ông thường chọn những cảm xúc nhẹ nhàng, sâu lắng, kín đáo ở con người để làm đề tài sáng tác. Những tác phẩm của ông thường là "truyện không có cốt truyện" nhưng cảm xúc ở trong đó lại thấm sâu vào lòng người đọc, tạo ra dư âm khó phai. Nổi bật trong các sáng tác ấy là truyện ngắn "Dưới bóng hoàng lan". Qua việc kể chuyện từ điểm nhìn nhân vật chính - Thanh, tác giả đã thành công làm nổi bật chủ đề tác phẩm.

"Dưới bóng hoàng lan" là câu chuyện kể về Thanh - người thanh niên đi làm tỉnh xa. Trong lần về thăm nhà này, anh có rất nhiều những suy nghĩ, cảm xúc yêu thương dành cho bà và cô hàng xóm tên Nga. Khi quay lại tỉnh, anh nghĩ mình sẽ về nhà thường xuyên. Truyện cho ta thấy được tình cảm gia đình gắn bó thân thiết và tình yêu quê hương luôn thường trực trong mỗi con người. Chủ đề đó được thể hiện qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh trong thời gian về thăm nhà.

Thanh mất cha mẹ từ khi còn nhỏ, anh ở với bà. Chính bà là người chăm sóc, che chở cho Thanh từ khi là một cậu bé đến khi trưởng thành. Bà đã dành hết tình yêu của mình cho anh. Vậy nên, Thanh cũng rất yêu quý người bà của mình. Dù đã khôn lớn và đi làm ở tỉnh xa nhưng khi được nghỉ, anh vẫn dành thời gian về thăm nhà. Lần này cũng vậy, khi vừa bước vào khu vườn, anh "thấy mát hẳn cả người". Bên ngoài nắng gắt và ồn ào nhưng sao trong vườn lại mát và yên tĩnh thế. Đó chính là vì Thanh đã trở về nhà, về với nơi thân thuộc thuở bé, nơi mà "bao nhiêu sự ồn ào ngoài kia ngừng lại trên bực cửa". Không gian trong vườn như tưới mát tâm hồn Thanh sau những xô bồ, mệt mỏi của phố thị.

Tuy xa nhà đã hai năm nhưng Thanh cảm giác như mình vẫn đang ở nhà, mọi thứ vẫn y nguyên, không có gì thay đổi. Bình yên, nhàn nhã, thong thả là những điều anh cảm nhận được khi ở đây. "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Chúng ta chẳng bao giờ để ý đến gian nhà hay phong cảnh quê hương nơi mình sinh sống, nhưng khi đi đâu đó ít lâu rồi quay lại, ngắm nhìn khung cảnh thân thuộc, ta mới thấy nơi đó chứa đựng cả tâm hồn và tuổi thơ. Có lẽ Thanh cũng như vậy, đi xa rồi quay về khiến cho anh nhận ra dư vị quê nhà chính là thứ bản thân đang tìm kiếm, hương thơm của cây hoàng lan khiến "Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối".

Vào đến nhà, anh lại bị sự yên tĩnh của căn nhà làm nghẹn họng. Mãi sau, anh mới cất được tiếng gọi "bà ơi!". Trong khoảnh khắc gặp lại bà, Thanh như cậu bé tìm lại được điều quý giá mà bản thân đã đánh mất, thấy bóng dáng bà, anh cảm động mừng rỡ, chạy lại gần. Người bà hiền từ với mái tóc bạc phơ vẫn ân cần với anh như ngày nào. Thanh và bà bước đi bên nhau, tuy anh đã trở thành một thanh niên cao lớn đứng với bà gầy còng nhưng hình như chính bà mới là người đang che chở cho Thanh. Bà nhắc nhở cháu mình đi rửa mặt nghỉ ngơi, dọn giường cho cháu ngủ, buông màn, quạt mát và đuổi muỗi. Trước tình yêu vô bờ bến của bà, Thanh "cảm động gần ứa nước mắt". Ở cạnh bà, Thanh bỗng hóa thành đứa trẻ, anh thấy mình vẫn còn "bé quá", vẫn thèm muốn những yêu thương từ người bà hiền từ, kính yêu.

Ngoài bà, Thanh còn gặp lại được cô Nga hàng xóm, người bạn thuở nhỏ mà anh vẫn thường chơi chung. Nga bây giờ đã thành cô thiếu nữ khiến Thanh xao xuyến. Anh giữ cô ở lại ăn cơm chung, để ý từng cử chỉ và hành động và còn mời cô ra thăm vườn. Dưới bóng hoàng lan, Thanh nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu với Nga, anh nhẹ nhàng "vít một cành lan xuống giữ trong tay để Nga tìm hoa", hai người đã trở nên thân mật hơn. Tình yêu mới chớm nở giữa đôi trẻ thật e ấp, ý nhị nhưng cũng đầy ngọt ngào xen lẫn nhớ mong.

Hôm sau, khi trở lên tỉnh, lòng Thanh ngổn ngang "nửa buồn nửa vui", anh nghĩ đến "căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng", thấy luyến tiếc vì chỉ được ở đây có một ngày ngắn ngủi; anh cũng nghĩ đến Nga, cô gái mà anh chắc chắn rằng "sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước". Có lẽ Thanh đã mang những niềm mong nhớ ấy theo cùng lên tỉnh với mình, để dấu ấn của quê hương luôn đồng hành trong mỗi chặng đường sau này.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, bình dị nhưng sâu lắng, Thạch Lam đã cho chúng ta khám phá thế giới nội tâm của nhân vật Thanh - người thanh niên đi làm xa ở tỉnh có một ngày phép về quê. Qua đó, ta thấy được tình yêu quê hương thầm kín, tràn trề, chứa đầy trong mỗi câu văn. Nghệ thuật kể chuyện tài tình "truyện không có cốt truyện" kết hợp với ngôi kể thứ 3 càng làm rõ thêm được tình cảm của Thanh dành cho gia đình, quê nhà.

Sau những vất vả ngược xuôi trong cuộc sống, nhà là nơi thân thương, an yên nhất mà chúng ta cần quay trở về để tưới mát cho tâm hồn mình. Với triết lí sâu sắc này, nhà văn Thạch Lam đã viết nên tác phẩm "Dưới bóng hoàng lan" thấm đẫm tình cảm yêu thương của bà dành cho cháu, tình yêu đầu đời trong sáng, ngại ngùng và tình yêu quê hương thầm kín mà sâu sắc.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Hi vọng qua bài Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, em sẽ hiểu rõ hơn về chủ đề và nội dung truyện ngắn này. Em có thể xem thêm các bài văn mẫu lớp 10 khác trên trang Taimienphi.vn như: Quan niệm sống được Nguyễn Trãi gửi gắm qua bài Ngôn chí, bài 3; Ý nghĩa nhan đề Bảo kính cảnh giới; Đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan; Tóm tắt tác phẩm Con khướu sổ lồng.

Dưới bóng hoàng lan là một tác phẩm nhẹ nhàng, sâu lắng và cực kì nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam viết về chủ đề tình cảm gia đình. Em hãy cùng Taimienphi Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thanh để làm nổi bật chủ đề của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, Ngữ văn 10, học kì II qua những gợi ý dưới đây.
Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt
Phân tích tâm trạng nhân vật Thanh ở đoạn văn cuối phần kết truyện
Phân tích những hình ảnh so sánh trong truyện ngắn Tôi đi học
Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm cởi trói cho A Phủ
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao
Phân tích nhân vật Thuý Kiều để làm nổi bật giá trị nhân đạo của Truyện Kiều

ĐỌC NHIỀU