Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín, Hàn Mặc Tử, Ngữ văn 10 KNTT

Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín

Phân tích và đánh giá bác phẩm Mùa xuân chín

Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín nằm trong chủ đề Bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học mà bạn yêu thích trong chương trình Ngữ văn 10. 


I. Dàn ý phân tích, đánh giá Mùa xuân chín

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu vấn đề chính sẽ được tập trung phân tích trong bài viết.
2. Thân bài:
a. Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình
- Nhan đề bài thơ: gợi ra sự căng tràn, tròn đầy của mùa xuân.
- Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.
b. Phân tích, đánh giá sự phát triển của hình tượng chính và tính độc đáo của những phương tiện ngôn ngữ đã được sử dụng
* Khung cảnh mùa xuân:
- Thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy nhựa sống:
+ Hình ảnh thơ gợi hình gợi cảm: "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang", "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời".
+ Biện pháp tu từ: Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "bóng xuân sang". Đảo ngữ "Sột soạt gió trêu tà áo biếc" với từ láy "sột soạt" để miêu tả âm thanh của gió thổi tình tứ, trêu đùa tà áo biếc.
+ Nhịp thơ: có sự thay đổi linh hoạt. => Gợi mở không gian.
+ Gieo vần: "vàng" - "sang", "trời" - "chơi" => Không gian rộng lớn.
=> Ngôn từ của bài thơ gợi lên khung cảnh của một mùa xuân đang vào giai đoạn đẹp nhất, rực rỡ và căng tràn sức sống.
- Con người đang độ tuổi xuân rực rỡ:
+ Hình ảnh thơ giàu sức gợi: "đám xuân xanh", "tiếng ca vắt vẻo", "khách xa", "chị ấy".
+ Biện pháp tu từ:
Nhân hóa "tiếng ca" - "vắt vẻo", "hổn hển"
So sánh "tiếng ca" - "lời của nước mây"
+ Nhịp thơ cũng có sự thay đổi để phù hợp với tâm trạng nuối tiếc của nhân vật trữ tình.
=> Trong khung cảnh mùa xuân, con người hiện lên với tiếng ca trong trẻo, ngây thơ.
* Tâm trạng của nhân vật trữ tình:
- Câu hỏi tu từ: "- Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?"
- Gieo vần "làng" - "chang chang" bày tỏ sự vang vọng trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình.
- Hệ thống từ láy: "Hổn hển", "thầm thĩ", "chang chang", "bâng khuâng".
=> Thể hiện nỗi nhớ quê, khát khao giao cảm với người, với đời.
c. Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác cùng đề tài, chủ đề, thể loại
- So sánh với bài thơ "Mùa xuân xanh" của Nguyễn Bính để thấy được nét độc đáo, hấp dẫn .
3. Kết bài
- Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ.

Văn mẫu Phân tích bài thơ Mùa xuân chín

📌 Một số bài viết hay về bài thơ Mùa xuân chín
📝Phân tích bài thơ Mùa xuân chín - Ngữ Văn 10 - KNTT
📝Phân tích đánh giá Mùa xuân chín - Ngữ Văn 10 - KNTT
📝Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật Mùa xuân chín - Ngữ Văn 10 - KNTT
✍️Viết đoạn văn cảm nhận về một câu thơ hoặc một hình ảnh trong bài thơ Mùa xuân chín - Ngữ Văn 10 - KNTT
✍️Dàn ý phân tích Mùa xuân chín - Ngữ Văn 10 - KNTT
✍️Soạn bài Mùa xuân chín - Ngữ Văn 10 - KNTT

II. Bài văn mẫu tham khảo phân tích, đánh giá Mùa xuân chín -mẫu số 1: 

Khi nhắc đến Hàn Mặc Tử, nhà thơ Chế Lan Viên từng nói rằng: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa, rực rỡ của mình". Ông đã để lại cho thơ ca Việt Nam rất nhiều bài thơ hay và ý nghĩa. Hồn thơ Hàn Mặc Tử được coi là hồn thơ "điên" cất lên từ số phận bất hạnh với những ám ảnh về "trăng" và "máu". Nhưng trong tác phẩm "Mùa xuân chín", thi nhân đã đem đến cho người đọc những cảm nhận về bức tranh thiên nhiên mùa xuân căng tràn sức sống. Từ đó, thể hiện tình yêu thiên nhiên, khát khao giao cảm với đời, với người mãnh liệt của ông.

Ngay từ nhan đề bài thơ đã gợi ra vẻ đẹp mùa xuân rực rỡ, tròn đầy. Động từ trạng thái "chín" kết hợp với danh từ "mùa xuân" gợi cho ta liên tưởng về một mùa xuân đang vào giai đoạn đẹp nhất, căng tràn sức sống nhất. Đồng thời, bộc lộ sự tiếc nuối của thi nhân trước cái đẹp không thể níu giữ, kéo dài vĩnh viễn. Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình đi từ ngoại cảnh đến tâm cảnh.

Mạch thơ được triển khai thông qua hệ thống hình ảnh, các biện pháp tu từ, sự phối hợp nhịp và vần trong toàn bộ bài thơ. Có thể thấy, nhân vật trữ tình vừa hòa mình với thiên nhiên, trân trọng, nâng niu những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, vừa có những phút giây thoát li khỏi thực tại để trắc ẩn, ưu tư. Vì thế, giọng điệu bài thơ cũng được biến chuyển liên tục để phù hợp với tâm trạng của nhân vật trữ tình. Khi thì tha thiết, say sưa khi thì bị ngưng lại, tạo sự lắng đọng trong cảm xúc.

Khung cảnh mùa xuân được nhà thơ miêu tả thông qua hai hình tượng chính là hình tượng thiên nhiên và hình tượng con người trong mùa xuân. Vẻ đẹp thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy nhựa sống được khắc họa thông qua một loạt các hình ảnh thơ gợi hình, gợi cảm: "làn nắng ửng", "khói mơ tan", "bóng xuân sang", "sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời". Hình ảnh "làn nắng ửng" cho ta hình dung về màu vàng nhạt của nắng. Đó là màu của nắng sớm mới lên đầy trong trẻo chứ không phải cái nắng gay gắt chói chang của ngày hè hay cái nắng vàng hanh của mùa đông. Trong khi đó "khói mơ tan" lại đem đến hai cách hiểu: khói phát ra từ những căn bếp trong buổi sáng sớm hoặc cũng có thể là làn sương khói tinh mơ. "Làn nắng ửng" kết hợp với "khói mơ tan" tạo cảm giác sương khói đang dần tan biến để nhường chỗ cho nắng mới lên. Đôi mái nhà tranh được nắng ửng nhuộm vàng để lại ấn tượng về một vùng quê thanh vắng, yên bình trong buổi sớm ban mai. Câu thơ "sột soạt gió trêu tà áo biếc" với biện pháp đảo ngữ và từ láy "sột soạt" vừa diễn tả được âm thanh vừa nhấn mạnh được sự trêu đùa, tình tứ của gió khiến tà áo biếc nhẹ bay. Mùa xuân của tự nhiên đã được hữu hình hóa thông qua biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác trong câu thơ "Trên giàn thiên lí bóng xuân sang". Tác giả đã ngăn cách câu thơ bằng dấu chấm nhằm tạo nhịp điệu thơ cũng như nhấn mạnh vào dấu ấn của mùa xuân. Sự thay đổi nhịp thơ từ 2/2/3 sang 4/3 một cách linh hoạt và cách gieo vần "vàng" - "sang", "trời" - "chơi" đã mở ra không gian mùa xuân bao la rộng lớn. Trong không gian ấy còn xuất hiện hình ảnh "Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời". Câu thơ không chỉ miêu tả được sắc xanh, mật độ của cỏ mà còn gợi ra được chuyển động của cỏ theo làn gió khiến mùa xuân ngập tràn khắp không gian. Ngôn từ của bài thơ đã gợi lên khung cảnh mùa xuân đang vào giai đoạn rực rỡ và tràn đầy sức sống nhất.

Trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy, nổi bật hình ảnh con người đang độ tuổi xuân. Hình ảnh thơ giàu sức gợi: "bao cô thôn nữ", "đám xuân xanh", "tiếng ca vắt vẻo", "ai ngồi dưới trúc", "khách xa", "chị ấy" khiến chúng ta hình dung về sự xuất hiện của con người. Hình ảnh "bao cô thôn nữ hát trên đồi" vừa diễn tả được đối tượng vừa miêu tả được hành động và nơi chốn cụ thể. Câu thơ "- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi" bỗng chốc trở thành lời nói trực tiếp thông qua dấu gạch ngang, kết hợp với sự thay đổi trong cách ngắt nhịp từ 2/2/3 sang 4/3, ý thơ bộc lộ sự tiếc nuối tuổi xuân của người con gái ngay khi đang ở trong mùa xuân. "Tiếng ca" được nhân hóa thông qua từ láy "vắt vẻo", "hổn hển", "thầm thĩ" tạo ra sự trầm bổng khác nhau, lúc thì nhỏ nhẹ, tha thiết, khi thì dồn dập, gấp gáp. Trong khung cảnh mùa xuân, con người hiện lên với tiếng hát trong trẻo.

Trái ngược với sự tươi vui, rộn rã của bức tranh thiên nhiên mùa xuân, khổ thơ cuối đã có sự chùng xuống về mặt cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình được khắc họa thông qua hình ảnh "khách xa". "Khách xa" ở đây có thể hiểu là khách từ phương xa đến làng hoặc cũng có thể là nhà thơ ẩn mình dưới vai trò của một vị khách để diễn tả hoàn cảnh của bản thân. Người khách gặp đúng lúc mùa xuân chín mà lòng, trí nhớ về quê hương. Từ láy "bâng khuâng" gợi ra cảm giác buồn man mác, lửng lơ, vô định kết hợp với từ "sực" càng cho ta cảm giác về sự bất chợt, ngay tức khắc. Tại chính thời điểm đó, nỗi nhớ làng quê ngập tràn, dâng trào trong tâm tưởng của thi nhân. Tương tự câu trên, câu thơ " - Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?" với sự thay đổi trong cách ngắt nhịp từ 2/2/3 sang 4/3 và dấu gạch ngang đầu câu khiến câu thơ trở thành lời nói bộc lộ trực tiếp cảm xúc. Đây là câu hỏi của "khách xa" hay của chính tác giả đang tự hỏi chính mình "liệu năm nay chị ấy có còn gánh thóc dọc bờ sông hay không?". Câu thơ vừa diễn tả được hoạt động "gánh thóc" của đối tượng vừa miêu tả được không gian mùa hè với cái "nắng chang chang". Cách gieo vần "làng" - "chang chang" đã gợi ra sự vang vọng trong cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật trữ tình. Khổ thơ đã thể hiện nỗi nhớ quê, khát khao giao cảm với đời, với người mãnh liệt của nhà thơ Hàn Mặc Tử.

Cùng viết về đề tài mùa xuân, Nguyễn Bính thể hiện bức tranh tươi tắn, hồn hậu "chân quê để bày tỏ tình cảm với người con gái thì "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử lại diễn tả một mùa xuân tươi tắn, tràn đầy nhằm bộc lộ tiếc nuối và mặc cảm thân phận trước cuộc sống. Cả Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử đều sử dụng hình ảnh thơ gắn liền với các hình ảnh vùng quê. Nhưng điều làm nên dấu ấn của "Mùa xuân chín" chính là cách sử dụng ngôn từ giàu sức gợi, khắc họa nên mùa xuân ở trạng thái tròn đầy nhất.

Hàn Mặc Tử đã vẽ nên bức tranh sống động với đầy đủ màu sắc, đường nét, âm thanh của thiên nhiên, con người trong mùa xuân thông qua biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, hệ thống từ láy giàu sức gợi hình, gợi cảm cùng cách ngắt nhịp, gieo vần phá cách. "Mùa xuân chín" bộc lộ khát khao giao cảm với đời, với người của một hồn thơ "điên" đang mang trọng bệnh nhưng vẫn luôn hướng về cuộc sống.

 

III. Bài văn mẫu tham khảo phân tích, đánh giá Mùa xuân chín - mẫu số 2: 

Mùa xuân là mùa của sự sống, cũng là đề tài được khai thác rất nhiều trong thi ca. Ta biết đến “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, “Vội vàng” của Xuân Diệu hay “Hồn xuân” của Huy Cận. Và đặc biệt, không thể bỏ qua “Mùa xuân chín” sáng tác bởi thi sĩ Hàn Mặc Tử - một trong những cái tên nổi bật của làng thơ Việt Nam. 

Ngay từ nhan đề “Mùa xuân chín”, độc giả đã cảm nhận được sự căng tràn, tròn đầy của giai đoạn đẹp nhất năm. Động từ “chín” lại đi chung với hình tượng “mùa xuân”, tạo nên một khung cảnh đầy sức sống. Dường như, đây chính là giai đoạn nở rộ nhất, đẹp đẽ nhất. Thế nhưng bài thơ lại được sáng tác khi nhà thơ mới bắt đầu đổ bệnh. Sự đối lập này đã gợi ra cái tiếc nuối, nỗi buồn thương, xót xa mà thi nhân dành cho chính bản thân mình. 

Với khổ thơ đầu tiên, Hàn Mặc Tử đã gợi ra khung cảnh mùa xuân đầy mộng mơ: 

“Trong làn nắng ửng khói mơ tan

  Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

  Sột soạt gió trêu tà áo biếc

  Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”

Một loạt các hình ảnh thiên nhiên đã được miêu tả, liệt kê: nắng, khói, mái nhà tranh, gió, giàn thiên lí. Hình ảnh thơ đầy gợi cảm đã tái hiện lại bức tranh mùa xuân căng tràn nhựa sống. Cái nắng xuân dịu nhẹ, ấm áp tràn xuống không gian, xua tan màn sương lạnh lẽo của mùa đông. Nắng hắt lên những mái nhà tranh, vẽ nên bức họa về chốn thôn quê thanh bình, yên ả. Từng làn gió mát lành hiu hiu thổi, “trêu” những tà áo một cách hết sức tình tứ. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, tác giả đã sử dụng nào là biện pháp đảo ngữ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, kết hợp cùng nhịp thơ linh hoạt. Từ đó, gợi mở một không gian xuân rực rỡ và căng tràn sức sống. 

Đến hai khổ thơ tiếp theo, độc giả được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con người: 

“Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

  Bao cô thôn nữ hát trên đồi

  - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

  Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi

 

  Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

  Hổn hển như lời của nước mây

  Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

  Nghe ra ý vị và thơ ngây”

Lại là một loạt những hình ảnh thơ giàu sức gợi. Con người hiện lên trong giai đoạn xuân sang cũng như được tiếp thêm sức sống. Những “cô thôn nữ” trẻ trung, xinh đẹp sánh đôi với “sóng cỏ xanh tươi” tạo nên không gian đầy thi vị. Họ ca hát với nhau, tô điểm cho bức tranh xuân thêm sống động. Đặc biệt, dấu gạch ngang đầu dòng dường như đã biến câu thơ thành một lời thoại trực tiếp. Từ đó thể hiện tâm trạng con người. Đang giữa tuổi xuân phơi phới, “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Sự tiếc nuối hiển hiện rất rõ trong từng nhịp thơ. Tiếng ca của bao cô gái cũng vì vậy mà trầm bổng, “vắt vẻo” qua những dãy núi, ngọn đồi. Bức tranh xuân giờ đây không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn bằng cả thính giác. Đồng thời, cũng nhuốm thêm màu tâm trạng. 

Trái ngược với vẻ đẹp tràn đầy sức sống của thiên nhiên, cảm xúc của nhân vật trữ tình lại chùng xuống trong đoạn thơ cuối: 

“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín

  Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng

  - Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

  Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Hình tượng “khách” đã không quá xa lạ trong thơ Hàn Mặc Tử. Ông coi mình như một người đứng ngoài để quan sát cuộc sống. Người khách ấy bắt gặp khung cảnh mùa xuân rực rỡ và vui tươi kia, lại chạnh lòng nhớ về quê hương. Và giống với khổ hai, dấu gạch đầu dòng lại xuất hiện như một lời thăm hỏi. Cách ngắt nhịp trong câu cũng đột ngột thay đổi từ 2/2/3 sang 4/3. Câu hỏi ấy liệu là của nhân vật khách hay chính là tự tác giả đang vấn bản thân mình. Dòng thơ cuối với số lượng thanh trắc như kéo dài âm hưởng, gợi sự miên man trong dòng suy nghĩ. 

Với việc đưa vào hàng loạt những hình ảnh thơ giàu sức gợi, áp dụng đa dạng các biện pháp tu từ cùng lối diễn đạt mới mẻ, độc đáo, Hàn Mặc Tử đã thành công biến “Mùa xuân chín” thành một hiện tượng trong làng thơ Việt Nam. Tác phẩm tuy không viết về chủ đề gì quá mới mẻ nhưng lại đặc biệt ở cách nhà thơ sử dụng ngôn từ, ngắt nhịp. Từ đó, bộc lộ tình cảm yêu thương, nhớ mong với quê nhà cũng như tâm trạng bâng khuâng, trĩu nặng khi nghĩ về chốn xưa. 

Tựu chung lại, có thể khẳng định Hàn Mặc Tử vô cùng xứng đáng là một trong những người tiên phong của phong trào Thơ mới. Các tác phẩm của ông tuy không nhiều nhưng vô cùng thống nhất, tạo nên cái “chất” riêng mà chỉ Hàn Mặc Tử mới có được. Qua đó, góp phần làm đa dạng hơn cho màu sắc văn học nước nhà. 

 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Bài Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín chi tiết đã cung cấp cho các em dàn ý chi tiết và các kĩ năng cần thiết khi phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học. Qua bài thơ, các em có thể thấy được bức tranh thiên nhiên giàu sức sống và nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả Hàn Mặc Tử. Em có thể tham khảo thêm Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày cảm nhận về một câu thơ hoặc một hình ảnh trong bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử đã gợi cho bạn nhiều ấn tượng và cảm xúcQua tác phẩm được giới thiệu trong bài Vẻ đẹp của thơ ca, hãy viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) chia sẻ về điều làm bạn thấy thú vị, hấp dẫn khi đọc thơ để hiểu hơn về các bài thơ nổi bật trong chương trình văn lớp 10 nhé. 

Bài thơ Mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử trong Ngữ văn 10 Kết nối tri thức, học kì I đã phác họa bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn đầy sức sống và rực rỡ. Để hiểu rõ hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, các em có thể tham khảo bài Phân tích, đánh giá Mùa xuân chín hay nhất dưới đây.
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU