Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp, ngắn gọn, cực hay

Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Gặp lá cơm nếp


I. Dàn ý phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến khái quát về văn bản.

2. Thân bài:

* Phân tích về nội dung:

- Nhan đề "Gặp lá cơm nếp": chính là hoàn cảnh để người con bộc lộ tình cảm với mẹ: trên đường hành quân người lính bắt gặp lá cơm nếp.

- Bài thơ là nỗi nhớ của người lính dành cho mẹ già trong khoảnh khắc bắt gặp lá cơm nếp, từ đó thể hiện tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng.

+ Hình ảnh của người mẹ hiện lên trong tâm trí của người con.

+ Tâm tư, tình cảm của người con đối với mẹ già và đất nước.

* Phân tích về nghệ thuật:

- Thể thơ năm chữ ngắn gọn.

- Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị.

- Ngôn từ tinh tế.

3. Kết bài:

- Khái quát và khẳng định giá trị của tác phẩm.

Phân tích Gặp lá cơm nếp ngắn nhất

 


📌 Một số bài viết hay về bài thơ Gặp lá cơm nếp
📝Cảm xúc của em về bài thơ Gặp lá cơm nếp - Ngữ Văn lớp 7 - KNTT
📝Phân tích Gặp lá cơm nếp - Ngữ Văn lớp 7 - KNTT


II. Bài văn mẫu phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp:

1. Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp - mẫu số 1: 

Đóng góp vào kho tàng văn học chiến tranh, nhà thơ Thanh Thảo đã sáng tác bài thơ "Gặp lá cơm nếp" để ghi lại nỗi nhớ thương của người con đối với mẹ khi bắt gặp lá cơm nếp trên đường hành quân. Từ đó, nhà thơ cũng khẳng định sự bền chặt giữa tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước.

Chắc hẳn chúng ta không khỏi ấn tượng trước nhan đề "Gặp lá cơm nếp". Chỉ với bốn chữ ngắn gọn, tác giả đã nêu ra được hoàn cảnh để người con bộc lộ tình cảm nhớ thương đối với mẹ.

Ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh của người mẹ hiện lên trong tâm trí của con. Ngay từ dòng thơ thứ nhất, người con trực tiếp bày tỏ nỗi nhớ của mình "Xa nhà đã mấy năm/ Thèm bát xôi mùa gặt". Người lính ra chiến trận đã lâu chưa về nhưng vị của bát xôi mùa gặt vẫn in dấu trong lòng không phai. Hương thơm của lá cơm nếp trong khoảnh khắc đã làm sống lại cả một vùng kí ức tươi đẹp, gợi cho con nhớ làn "Khói bay ngang tầm mắt/ Mùi xôi sao lạ lùng." Hai chữ "lạ lùng" cho thấy cảm giác khó hiểu, thậm chí có phần ngạc nhiên về mùi xôi khi bắt gặp lá cơm nếp. Câu hỏi "Mẹ ở đâu, chiều nay" khiến ta vô cùng xúc động trước tình cảm chân thành của người con dành cho mẹ. Con thấu hiểu nỗi nhọc nhằn, vất vả nhưng lại không thể đỡ đần, phụ giúp. Bóng dáng người mẹ tảo tần "Nhặt lá về đun bếp" khiến con nhớ mãi không thôi. Người con tự hỏi chính mình "Phải mẹ thổi cơm nếp/ Mà thơm suốt đường con". Suốt chặng đường hành quân, con chưa bao giờ quên được mùi cơm nếp do chính tay mẹ nấu.

Hai khổ thơ cuối có cách ngắt nhịp 3/2 nhằm nhấn mạnh tâm tư, tình cảm của người con dành cho mẹ và đất nước. Mùi vị của bát xôi mùa gặt gắn liền với người mẹ thân yêu, với xóm làng thân thuộc. Chính vì thế, "Con quên làm sao được", từ "được" như lời khẳng định chắc nịch về tình cảm chân thành con dành cho mẹ. Tình yêu thương của mẹ trở thành động lực thôi thúc con chiến đấu. Đồng thời, nuôi dưỡng, soi sáng tâm hồn con. Trong câu "Mẹ già và đất nước", từ "và" đứng giữa "mẹ", "đất nước" cho thấy sự đồng đẳng, ngang bằng. Đối với con, mẹ và đất nước đều là những mảnh ghép không thể thiếu trong trái tim mình và được chia đều như nhau. Tấm lòng hiếu thảo với mẹ và tình yêu đất nước đậm sâu như bao trùm khắp không gian và len lỏi qua từng hàng cây kẽ lá nên "Cây nhỏ rừng Trường Sơn/ Hiểu lòng nên thơm mãi..."

Bài thơ được gieo vần chân "bếp" - "nếp", nhịp thơ linh hoạt khi thì miên man trong dòng chảy kí ức lúc lại dạt dào thiết tha. Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị cũng ngôn từ tinh tế đã góp phần thể hiện cảm xúc của nhân vật trữ tình lúc nhìn thấy lá cơm nếp trên đường hành quân. Tình yêu gia đình và tình yêu đất nước luôn thường trực trong trái tim con, là điểm tựa cho con chiến đấu, để mỗi khi gặp chất xúc tác đều bùng lên ngọn lửa thiêng liêng, bất diệt.

Bài thơ là những cảm xúc chân thành, lắng đọng của người con dành cho mẹ và đất nước. Tác phẩm đã cho thấy sự giao hòa giữa tình yêu gia đình, tình yêu đất nước và trở thành một điểm nhấn, một dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

2. Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp - mẫu số 2: 

Tình cảm gia đình luôn là “mảnh đất màu mỡ” để người nghệ sĩ khai thác, đem tới nhiều tác phẩm giàu ý nghĩa cho bao thế hệ. Viết về chủ đề này, đã có không ít câu chuyện, bài thơ nổi bật, trong đó phải kể đến “Gặp lá cơm nếp” của Thanh Thảo - một áng thi ca ca ngợi sự gắn bó khăng khít giữa tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước. 

Thanh Thảo, tên thật là Hồ Thành Công, được biết đến nhiều với những tập thơ và trường ca viết về chiến tranh và cuộc sống con người thời hậu chiến. Các tác phẩm của ông luôn có diện mạo độc đáo, khác biệt, vừa mang nét gai góc, vừa ẩn chứa nhiều giá trị sống, khơi gợi những rung cảm trong lòng độc giả. Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” trích từ tập “Dấu chân qua cỏ” cũng là một minh chứng cho hồn thơ đầy tài năng ấy. 

Ngay từ nhan đề tác phẩm, ta đã thấy được sự độc đáo, khác biệt. Động từ “gặp” đi với hình ảnh “lá cơm nếp” gợi lên cảm giác gần gũi, thân thuộc. Cây cơm nếp là một loài cây vô cùng quen thuộc với con người, đặc biệt ở vùng nông thôn. Đây được coi như loại dược liệu có mùi thơm đặc trưng, sử dụng để trị bệnh hay đơn giản hơn là dùng trong nấu nướng. Theo mạch cảm xúc của tác phẩm, độc giả hiểu được hoàn cảnh của người con: 

“Xa nhà đã mấy năm

  Thèm bát xôi mùa gặt

  Khói bay ngang tầm mắt

  Mùi xôi sao lạ lùng”

Người con trong tác phẩm là một người lính, phải rời xa quê hương, xa mẹ già để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mỗi lần đi là tận “mấy năm”. Vậy nên không khó để độc giả hiểu và đồng cảm cho nỗi nhớ mà nhân vật dành cho “bát xôi mùa gặt, hay cũng chính là cho người mẹ tần tảo. Trên đường hành quân, người con thấy được làn khói tỏa ra từ những ngôi nhà, thấy được mùi xôi nếp thơm “lạ lùng” và từ đó, nhớ về mẹ. Từng hình ảnh thơ thân thuộc gợi lại bao mảnh kí ức thuở xa xưa, khiến người con không khỏi bùi ngùi, xúc động. Như vậy, với nhan đề “Gặp lá cơm nếp” cùng bốn câu thơ đầu tiên, tác giả đã nói lên hoàn cảnh thực tại, giúp người con bộc lộ nỗi nhớ, tình yêu thương dành cho mẹ, rộng hơn là tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước. 

Trên nền nỗi nhớ ấy, hình ảnh người mẹ đã hiện lên đầy cảm động: 

“Mẹ ở đâu, chiều nay

  Nhặt lá về đun bếp

  Phải mẹ thổi cơm nếp

  Mà thơm suốt đường con”

Câu hỏi “Mẹ ở đâu, chiều nay” khiến người đọc không khỏi rưng rưng xúc động vì nỗi nhớ mong mà người con dành cho mẹ. Người mẹ trong bài thơ hiện lên với hai hành động “Nhặt lá về đun bếp” và “thổi cơm nếp”. Từ đó, ta thấy được mẹ là một người chịu thương, chịu khó, biết chăm lo cho cuộc sống của gia đình và rất yêu thương con. “thơm suốt đường con” không phải là mùi của cơm nếp mà chính là mùi của giọt mồ hôi tảo tần, của tình yêu thương mà mẹ dành cho con, cũng là nỗi nhớ, tình yêu mà tác giả dành cho món ăn dân dã và mẹ. Thông qua khổ thơ này, chân dung người lính cũng hiện lên rất rõ ràng. Anh là một người rất yêu thương mẹ, thấu hiểu nỗi vất vả và tình mẫu tử thiêng liêng mà mẹ dành cho mình. Trên hết, anh còn mang cả nỗi xót xa vì phải đi hành quân xa, không thể đỡ đần, chia sẻ nỗi vất vả, nhọc nhằn cùng mẹ. 

Nồi nếp thơm của mẹ đã theo con trong suốt những năm tháng tuổi thơ, giờ lại theo con trên chặng đường hành quân. Vậy nên nó đã trở thành một thứ mùi hương quen thuộc, mang nặng tình mẹ và bóng hình quê hương. Dù có đi đến chân trời góc bể, người con cũng không bao giờ quên được mùi vị thân thuộc đó. Tác giả đã giãi bày “Ôi mùi vị quê hương/ Con quên làm sao được”. Từ đó, người con khẳng định “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương”. Tình cảm thiêng liêng, dạt dào dành cho mẹ và đất nước chính là nguồn động lực lớn lao để con chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đọc đến đây, ta bỗng nhớ đến những câu thơ có nội dung tương tự trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh:

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Tình yêu đất nước và tình yêu thương những con người trong gia đình bé nhỏ vừa hòa lẫn vào nhau, lại vừa tách biệt. Nó giúp cho những người chiến sĩ có thêm sức mạnh, niềm tin để bảo vệ gia đình, quê hương, đất nước. 

Hai câu thơ cuối bài “Cây nhỏ rừng Trường Sơn/ Hiểu lòng nên thơm mãi” đã khẳng định lại tấm lòng hiếu thảo và yêu thương mà người lính dành cho mẹ cũng như đất nước. “Gặp lá cơm nếp” là bài thơ năm chữ khá ngắn nhưng có ngôn ngữ và hình ảnh thơ trong sáng, gần gũi, bình dị. Nhịp thơ linh hoạt khiến cho dòng hồi tưởng và cảm xúc của nhân vật được hòa quyện vào nhau, giúp bộc lộ nội dung tác phẩm.

Thông qua hình ảnh lá cơm nếp, bài thơ đã thể hiện tình cảm mà nhân vật trữ tình dành cho quê hương và người mẹ kính yêu. Đây tuy không phải là một chủ đề mới trong thơ ca cách mạng nhưng “Gặp lá cơm nếp” đã chạm vào trái tim bạn đọc nhờ sự nhẹ nhàng, gần gũi, trong sáng trong ngôn từ và cảm xúc. 

 

.....................................................HẾT.................................................

Để phân tích một tác phẩm thơ, các em cần đọc hiểu văn bản, sau đó tiến hành lập dàn ý chi tiết. Trên đây là bài văn mẫu mà Taimienphi.vn đã cung cấp cho các em! Mời em tham khảo thêm các bài khác như Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ bốn hoặc năm chữ, ngắn gọn, Ngữ văn 7 KNTTNói và nghe: Trình bày suy nghĩ về một vấn đề đời sống được gợi ra từ tác phẩm văn học đã đọc, Ngữ văn 7 KNTT;...Đây đều là những bài văn mẫu lớp 7 hay và chất lượng nhất do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn và gửi đến em. 

 

Các em cùng đến với bài Phân tích bài thơ Gặp lá cơm nếp Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống, học kì I do Taimienphi.vn cung cấp dưới đây để có thêm cho mình những gợi ý khi viết bài nhé! Chúc các em có những trải nghiệm tuyệt vời trên trang!
Link tải Sách giáo khoa lớp 4 Kết nối tri thức PDF
Giải bài tập trang 65 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải Toán lớp 7 sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống

ĐỌC NHIỀU