1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận: sự đồng cảm, chia sẻ.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Đồng cảm: Có cùng cảm xúc, cảm nhận và thấu hiểu người khác.
- Chia sẻ: Hành động nhường nhịn, san sẻ về vật chất hay sự lắng nghe, thấu hiểu và ủng hộ về tinh thần giữa người với người.
=> Đồng cảm và chia sẻ biểu hiện cho tình người ấm áp trong xã hội.
b, Biểu hiện:
- Biểu hiện thông qua suy nghĩ, biểu cảm, hành động, cử chỉ,...
- Hiểu và thông cảm với hoàn cảnh khó khăn của người khác.
- Giúp đỡ mọi người mà không toan tính thiệt hơn.
c, Ý nghĩa:
- Giúp bản thân mỗi người cảm thấy hạnh phúc, dần hoàn thiện chính mình.
- Tiếp thêm động lực, niềm tin cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
- Kéo gần mối quan hệ giữa người với người.
- Mang tình yêu thương đến với cộng đồng.
d, Phản đề:
- Một số trường hợp sống vô cảm, ích kỉ, thờ ơ với cộng đồng.
- Một số trường hợp trao đi tình yêu thương, sự đồng cảm sai cách.
- Có trường hợp lợi dụng lòng đồng cảm của người khác để làm lợi cho bản thân.
e, Bài học nhận thức và hành động:
- Mỗi người cần rèn luyện tốt bản thân về phẩm chất đạo đức.
- Học cách cho đi tình yêu thương một cách đúng đắn, phù hợp.
- Lên án những hành vi sai lệch, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề nghị luận.
Câu nói "Nơi lạnh lẽo nhất không phải Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương" đã cho ta thấy sức mạnh của tình yêu thương. Tình yêu thương trong thực tế được biểu hiện bằng sự đồng cảm, sẻ chia sẽ giúp cuộc đời của con người ấm áp và bớt bão giông hơn. Đồng cảm và chia sẻ là việc thấu hiểu được cảm xúc, tình trạng của đối phương, từ đó dẫn đến hành động ủng hộ về vật chất hay động viên về tinh thần. Sự đồng cảm và chia sẻ chính là một đại diện cho tình người, sự ấm áp trong xã hội. Nó được thể hiện bằng rất nhiều hình thức khác nhau, có thể là cái ôm ấm áp khi cô đơn hoặc lời động viên, an ủi. Dễ nhận thấy nhất là những lần quyên góp, ủng hộ tiền bạc, vật chất cho đồng bào vùng khó khăn. Tuy chỉ là một vài hành động nhỏ nhưng sự đồng cảm, sẻ chia lại mang đến những ý nghĩa lớn lao. Điều này đã trở thành chỗ dựa, là động lực cho con người vượt qua thử thách của cuộc sống. Đồng thời, kéo gần mối quan hệ giữa người với người. Khi giúp đỡ ai đó, ta cũng nhận được niềm vui vì đã làm được việc tốt, mang tình yêu thương của mình lan tỏa đến cộng đồng. Trái ngược với sự đồng cảm, sẻ chia là những người sống thờ ơ, ích kỉ. Họ không biết trao đi tình yêu thương, không cảm thấy buồn hay xúc động trước hoàn cảnh khó khăn, không giúp đỡ người khác. Những người như thế quá vô cảm, khó hòa đồng vào tập thể và thường phải sống cô đơn một mình. Chia sẻ và đồng cảm là hành động tốt cần được lan tỏa. Mỗi người hãy rèn luyện bản thân mình về cả phẩm chất đạo đức lẫn cảm xúc để có khả năng thấu cảm, giúp đỡ mọi người để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
----------------------------
Ngoài xem bài văn mẫu Nghị luận về sự sẻ chia, đồng cảm, các em hãy xem các bài văn mẫu lớp 9 nghị luận khác như: Nghị luận về giá trị của bản thân, Nghị luận về lắng nghe và thấu hiểu, Nghị luận về tinh thần lạc quan, Nghị luận về ý nghĩa của niềm hi vọng trong cuộc sống... để có thể nâng cao được kỹ năng làm bài nhé.
"Lá lành đùm lá rách" là câu tục ngữ nổi tiếng của nhân dân ta, nó thể hiện tấm lòng đồng cảm, chia sẻ giữa người với người trong hoàn cảnh hiểm nguy, khốn khó. Đồng cảm là có chung một cảm xúc giống nhau, là thấu hiểu được niềm vui, nỗi buồn mà đối phương đang có. Chia sẻ là hành động san sẻ về vật chất hay sự lắng nghe, thấu hiểu và ủng hộ về tinh thần giữa người với người. Sự đồng cảm và sẻ chia sẽ giúp con người kiên cường bước qua khó khăn, thử thách. Đợt dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ, đất nước chúng ta đã rất may mắn khi có sự đồng cảm, sẻ chia của toàn dân tộc. Đó là tinh thần tự nguyện tiến vào tâm dịch của các y bác sĩ, sự quyên góp của cả nước tới Mặt trận Tổ quốc, tấm lòng của các tình nguyện viên trong đại dịch. Ai ai cũng muốn góp phần phần công sức của mình để cùng giúp cho đất nước mau chóng thoát khỏi "cơn bão lớn". Qua đó, ta thấy được đồng cảm và chia sẻ có ý nghĩa rất to lớn, nó giúp cho con người vượt qua khó khăn thử thách. Mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người, giúp cho cả cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, có một vài người đã lợi dụng sự đồng cảm, chia sẻ để trục lợi cá nhân. Đơn cử là vấn đề "ăn chặn tiền từ thiện" rất nổi cộm sau đại dịch. Nó làm con người mất đi niềm tin vào những hành động tốt đẹp, khiến mọi người trở nên e dè khi làm việc thiện. Qua đó, ta rút ra bài học rằng cần phải có sự sáng suốt khi trao đi bất cứ điều gì, tránh làm tổn hại đến bản thân mà lại tốn công vô ích. Những hành vi lợi dụng tình cảm của con người chỉ là số ít, đồng cảm và sẻ chia vẫn hành động tốt đẹp trong cuộc sống, đáng được lan tỏa và nhân rộng hơn.
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nhận định: "Ta sống bằng thứ ta thu được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi". Chính sự đồng cảm, sẻ chia là yếu tố quan trọng để cuộc sống con người phát triển.
Trước hết, có thể nói đồng cảm, chia sẻ chính là những hành động thể hiện rất rõ sự gắn bó trong mối quan hệ giữa người với người. Cả hai quan niệm này đều vô cùng quen thuộc, gần gũi. Đồng cảm là có cùng cảm xúc, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu cảm, hiểu được tâm suy nghĩ của họ. Sẻ chia là hành động giúp đỡ bằng vật chất hoặc tinh thần, đỡ đần họ vượt qua khó khăn. Đồng cảm và chia sẻ chính là hình thức thể hiện tình yêu thương, tấm lòng nhân ái của con người dành cho nhau.
Đồng cảm và sẻ chia được biểu hiện bằng nhiều cách khác nhau như lời nói an ủi, động viên, khích lệ. Cũng có thể là hành động đẹp thể hiện tinh thần "Lá lành đùm lá rách" đầy tính nhân văn. Những lần giúp đỡ người xa lạ mà không tính toán thiệt hơn. Đôi khi, nó chỉ đơn giản là sự lắng nghe những khó khăn của người khác và sau đó dành cho họ cái ôm ấm áp,... Dù thể hiện bằng hình thức nào thì nó đều bộc lộ tình cảm quan tâm, lo lắng, yêu thương giữa con người với nhau, đó chính là đặc trưng của đồng cảm và chia sẻ.
Khi biết đồng cảm và chia sẻ, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn rất nhiều. Những người gặp khó khăn sẽ được giúp đỡ về tinh thần hoặc vật chất, giúp họ có thêm sức mạnh và niềm tin bước tiếp trên con đường của mình. Sự nhân ái được lan tỏa sẽ khiến cho cả người cho đi lẫn người nhận lại đều cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy bản thân cũng phải thay đổi, hoàn thiện mình theo hướng tích cực hơn. Dần dần, chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội đầy thân tình, ấm áp thông qua việc đồng cảm và sẻ chia.
Tuy nhiên, còn tồn tại một số trường hợp thể hiện lòng đồng cảm sai cách. Họ ban tặng tình yêu thương nhưng lại ép buộc người nhận phải đáp trả. Hoặc có người cho đi quá nhiều mà không có sự kiểm soát, khiến người nhận cảm thấy áp lực. Cũng có người lợi dụng tình thương của người khác để trục lợi cá nhân, giả nghèo khó để được quyên góp, "không làm mà vẫn có ăn". Đây đều là những hành động xấu, làm mất đi tính cao cả của việc đồng cảm và sẻ chia, khiến con người dần khép mình, không dám cho đi và cũng không dám nhận về. Nỗi niềm muốn được đồng cảm, sẻ chia với người khác phải xuất phát từ trái tim và tấm lòng nhân ái mới là tấm lòng trong sáng tốt đẹp thật sự. Chúng ta cần học cách cho đi đúng cách, sáng suốt, lên án những hành vi sai lệch làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
Đồng cảm và chia sẻ là một món quà mà con người trao tặng nhau trong cuộc sống bộn bề khó khăn, chúng ta cần trân trọng những gì mình được nhận và học cách trao đi yêu thương, lan tỏa tình yêu đến cộng đồng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Đồng cảm và sẻ chia là đức tính đẹp, cao cả của con người. Nó cần được lan tỏa và nhân rộng hơn nữa trong cuộc sống này. Hi vọng qua bài nghị luận này, em đã có những kiến thức về đồng cảm và sẻ chia.