1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề nghị luận: lòng trung thành.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Trung thành là đức tính tốt đẹp và cần thiết đối với con người.
- Trung thành là "một lòng một dạ", tận tâm, hết lòng giữ trọn niềm tin và tình cảm gắn bó với một người hoặc một điều cụ thể.
b, Biểu hiện của lòng trung thành:
- Thẳng thắn, thật thà, không gian dối, phản bội.
- Không suy diễn hay làm những điều trái với lương tâm, đạo đức.
- Sẵn sàng nhận lỗi, chịu trách nhiệm cho việc mình làm.
- Sống biết trước sau.
c, Ý nghĩa của lòng trung thành:
- Được mọi người yêu quý, tin tưởng, ủng hộ và tôn trọng.
- Tạo được giá trị riêng cho bản thân, có chính kiến riêng cho mình.
- Giúp các mối quan hệ trở nên gắn kết, bền vững hơn.
d, Liên hệ thực tế:
- Vẫn còn tồn tại sự phản bội trong cuộc sống.
- Có người trung thành một cách mù quáng.
e, Bài học nhận thức và hành động:
- Không ngừng rèn luyện bản thân.
- Nhận thức rõ tốt - xấu để đặt lòng trung thành đúng chỗ, phù hợp.
- Lên án những hành vi phản bội, bất nghĩa.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của lòng trung thành trong cuộc sống.
Trung thành luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp giữ cho xã hội bình yên, ổn định. Đó là sự tận tâm, hết lòng, đặt niềm tin vào Tổ quốc, chính quyền, các cấp lãnh đạo hay một lí tưởng cụ thể. Người có lòng trung thành luôn thẳng thắn, thật thà. Họ bài trừ, lên án sự phản bội, không làm những điều trái đạo đức. Cách sống của những người ấy cũng rất đẹp, ơn nghĩa, trước sau như một. Chính bởi đức tính đáng quý đó, họ đã nhận được sự tôn trọng, yêu quý, tin tưởng của cộng đồng. Không chỉ tạo ra giá trị riêng cho bản thân, lòng trung thành còn góp phần giúp con người làm nên vô số thành tựu đáng kể. Quan niệm của người xưa đề cao lòng "trung" bởi nhân dân, quan thần có "trung" với vua thì xã hội mới bình ổn. Đến các cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính sự trung thành và niềm tin với cách mạng, với đường lối của Đảng đã đem tới cho người Việt những chiến thắng huy hoàng, vang danh năm châu. Tuy vậy, có một thực tế đáng buồn là sự phản bội vẫn đang tồn tại trong cuộc sống. Hay có kẻ trung thành một cách mù quáng, không phân biệt được phải - trái, đúng - sai, làm ra nhiều hành động gây tổn hại đến an sinh xã hội. Đó đều là những trường hợp đáng lên án, cần nhanh chóng được khắc phục. Vậy nên mỗi người cần tự giác rèn luyện bản thân thật tốt, giữ lòng trung thành một cách phù hợp, tránh tin tưởng mù quáng. Hãy cố gắng không ngừng để góp phần xây dựng nước nhà thật vững mạnh, phát triển.
-----------------------------------
Hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều chủ đề khác như: Nghị luận về ý nghĩa của niềm hi vọng trong cuộc sống, Nghị luận về sự đồng cảm chia sẻ, Nghị luận về giá trị của bản thân và vô số bài văn mẫu lớp 9 khác để có thể nâng cao được kỹ năng làm bài, triển khai ý, viết bài logic hơn.
Lòng trung thành được coi như phạm trù đạo đức đáng gìn giữ của con người. Đó là sự tận tâm, hết lòng và tin tưởng dành cho một người hay một lí tưởng cụ thể. Có thể kể đến tấm lòng trung nghĩa với vua chúa của các quan thần thời xưa. Rõ nét hơn chính là sự trung thành tuyệt đối của các cán bộ, chiến sĩ đối với Tổ quốc, với Đảng và lí tưởng cộng sản. Một vài tấm gương tiêu biểu phải kể đến như đồng chí Trần Phú, Lê Đức Thọ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh,... Họ đều là những cá nhân ngay thẳng, thật thà, luôn sẵn sàng cống hiến cho tập thể. Nhờ có lòng trung thành, con người đã gây dựng được rất nhiều thành công, thắng lợi trong mọi lĩnh vực. Điều này còn giúp cho các mối quan hệ trở nên gắn bó, thân thiết hơn, từ đó loại bỏ sự phản bội hay những yếu tố tiêu cực, hỗn loạn. Không chỉ vậy, lòng trung thành còn đem đến cho con người sự tin tưởng, vững vàng khi đưa ra quyết định. Nhờ vậy mà mỗi cá nhân tự tạo nên được những giá trị tốt đẹp riêng, nhận được sự tin yêu của cộng đồng. Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn xuất hiện trường hợp phản bội, sống bất nghĩa, hai mặt. Những kẻ như vậy thường ích kỉ, chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân mà không từ thủ đoạn, làm ra những việc trái với đạo đức. Để loại bỏ những tiêu cực ấy, con người cần không ngừng rèn luyện chính mình. Hãy giữ cho bản thân tỉnh táo, sáng suốt, đặt niềm tin và lòng trung thành đúng nơi, phù hợp. Có như vậy, cộng đồng mới có thể phát triển ngày một vững mạnh, tốt đẹp hơn.
Người xưa quan niệm lòng trung thành là một trong những yếu tố quan trọng làm nên người quân tử. Cho đến nay, điều này vẫn giữ nguyên được giá trị vốn có, trở thành thước đo để đánh giá phẩm chất đạo đức con người.
Lòng trung thành có thể được định nghĩa như sự tận tâm, "một lòng một dạ" tin tưởng, gắn bó với một người hoặc một điều gì đó cụ thể.
Một người có lòng trung thành luôn sống ơn nghĩa, biết trước sau. Quan niệm "trung" đã có từ rất lâu. Khi xưa, đó là sự trung thành trong mối quan hệ quân - thần, vua - tôi. Trong hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, điều này lại chuyển thành "một lòng một dạ" với lí tưởng cao cả của Đảng và Nhà nước. Có những người chiến sĩ dù bị tra tấn, hành hạ dã man, vẫn nhất quyết giữ nguyên lòng trung với cách mạng. Đó là những đồng chí như Phan Đăng Lưu, Võ Chí Công, Trần Đăng Ninh,... Cho đến nay, lòng trung thành với Tổ quốc vẫn giữ được trọn vẹn giá trị vốn có.
Sự trung thành mang ý nghĩa rất lớn với cuộc sống của mỗi người cũng như cả cộng đồng. Điều này không chỉ giúp loại bỏ sự phản bội mà còn giúp làm nên nhiều điều lớn lao. Đó là chiến thắng lẫy lừng, vang danh sử sách của cách mạng Việt Nam những năm chống Pháp, chống Mỹ; là sự thành công trong công cuộc tái tạo và xây dựng đất nước sau chiến tranh; là sự tiến bộ, phát triển không ngừng của xã hội hiện nay. Tất cả những điều đó có được là nhờ sự đồng lòng của cả dân tộc.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn tồn tại những kẻ phản bội, bất nghĩa. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân, chà đạp lên lợi ích của tập thể, sẵn sàng "lừa thầy phản bạn". Hoặc cũng có trường hợp trung thành một cách mù quáng, không phân biệt rõ phải - trái, từ đó dẫn đến những hành vi sai lệch, đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức của xã hội.
Để loại bỏ được những tiêu cực kể trên, mỗi người cần cố gắng rèn luyện bản thân. Chỉ khi nâng cao nhận thức của chính mình, con người mới có được cái nhìn bao quát, toàn diện nhất về những vấn đề xảy ra xung quanh. Từ đó, ta sẽ có cơ sở để suy xét tính đúng - sai, quyết định nên đặt lòng trung thành của mình ở đó hay không. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng cần lên án những trường hợp bất nghĩa, sống vô ơn, phản bội. Tất cả đều sẽ góp phần giúp cộng đồng phát triển ngày một tốt đẹp, văn minh hơn.
Lòng trung thành đã, đang và sẽ luôn là một trong những đức tính quan trọng mà mỗi người cần có. Hãy gìn giữ và phát huy phẩm chất đáng quý ấy, cùng chung tay duy trì sự phát triển bền vững của nước nhà.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi viết bài nghị luận về lòng trung thành, em đừng quên đưa thêm ví dụ cụ thể để minh chứng cho những lập luận của bản thân nhé.