1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề nghị luận: lòng đố kị.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Đố kị là sự hơn thua, ghen ghét.
- Đố kị là có những thái độ, suy nghĩ, hành động chê bai, hạ thấp người khác.
b. Biểu hiện của lòng đố kị:
- Luôn ghen ghét, hơn thua với người khác.
- Khó chịu khi thấy người khác thành công hơn mình.
- Có suy nghĩ, thái độ và những hành động nhằm hạ thấp người khác, nâng bản thân mình lên.
c, Nguyên nhân dẫn đến lòng đố kị:
- Sự tham lam, sân si, không muốn người khác hơn mình.
- Sự tự ti trong chính bản thân con người.
d, Tác hại của lòng đố kỵ:
- Dẫn đến sự xa cách của các mối quan hệ trong xã hội.
- Ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của bản thân trong mắt người khác.
- Tạo nên những sự méo mó, lệch lạc về tâm lí, suy nghĩ của cá nhân.
- Kéo lùi sự phát triển của cộng đồng.
e, Bài học nhận thức và hành động:
- Trau dồi tri thức để nâng cao giá trị, tầm nhận thức của bản thân.
- Rèn luyện đạo đức, tránh thói tham - sân - si.
- Biết hài lòng với cuộc sống của bản thân.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại quan điểm của bản thân về vấn đề đã nêu.
1. Viết đoạn văn 200 chữ về lòng đố kỵ - mẫu số 1:
Lòng đố kị là một tính xấu, ngày ngày kìm hãm sự phát triển của con người. Có thể hiểu đó như sự ghen ghét, hơn thua. Thay vì mừng cho thành công của người khác, con người lại có suy nghĩ, hành động bài trừ, hạ thấp, thậm chí là khó chịu ra mặt. Bởi vậy nên người có lòng đố kị rất dễ đặt điều nói xấu hay bôi nhọ danh dự người khác. Điều này xảy ra bởi họ mặc cảm với bản thân, bất mãn với cuộc sống hiện tại. Có lẽ vì thế họ mới khó chịu khi mọi người xung quanh vui vẻ. Đây cũng là biểu hiện của lòng ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho mình. Điều này khiến cho các mối quan hệ bị hủy hoại, dẫn đến sự tiêu cực cho cộng đồng. Chính bản thân người có tính đố kị cũng sẽ mang tinh thần uể oải, thiếu thoải mái, luôn bức bối không yên. Để loại bỏ tính xấu ấy, mỗi người cần tập cho mình sự khoan dung, lòng yêu thương cũng như biết hài lòng với những điều mình có. Hãy góp phần giúp xã hội chúng ta đang sống trở nên lành mạnh, văn minh và tiến bộ hơn.
-------------------------------------
Để có thể nâng cao được kỹ năng làm bài văn Nghị luận xã hội, các em có thể xem thêm các bài văn mẫu: Suy nghĩ về ý thức chấp hành luật giao thông của người Việt hiện nay, Nghị luận về sự tự tin, Nghị luận về lối sống giản dị, Nghị luận về lòng yêu thương con người trong xã hội... và luyện viết theo nhé.
Một trong những thứ kìm hãm sự phát triển của văn minh nhân loại chính là lòng đố kị. Đó là sự hơn thua, bài trừ, hạ thấp thành tựu của người khác. Khi thấy người xung quanh thành công hơn, hạnh phúc hơn mình, người có tính đố kị sẽ có cảm giác tức tối, ganh ghét, không hài lòng. Thậm chí, họ còn có thể đặt điều nói xấu, bôi nhọ thanh danh, làm ra những hành động hãm hại người kia. Sự tiêu cực này bắt nguồn từ việc con người mặc cảm, tự ti về chính mình. Họ có thể gặp rất nhiều bất mãn trong cuộc sống, dần trở nên tiêu cực, nhìn ai hay cái gì cũng thấy không vừa mắt. Điều này rất dễ dẫn đến sự đổ vỡ của các mối quan hệ xung quanh, gây nên "tâm bệnh" khó chữa lành cũng như làm mất đi thiện cảm của người khác. Việc hại người cũng chính là hại mình, khiến cách nhìn về cuộc sống của bản thân không còn vui vẻ, thoải mái như trước nữa. Vậy nên, để loại bỏ trạng thái tiêu cực ấy, trả lại sự bình yên, văn minh cho cộng đồng, mỗi người cần tích cực rèn luyện không ngừng. Hãy không ngừng trau dồi bản thân để tự mình đạt được thành tựu riêng. Hãy bồi dưỡng về cả tâm hồn, đạo đức, học cách hài lòng với cuộc sống, giữ thái độ cầu tiến, hòa nhã với mọi người. Chỉ có vậy, ta mới có thể hoàn thiện, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Bản thân mỗi người ai cũng có phần tốt và xấu. Một trong số những tính xấu cần phải loại bỏ chính là lòng đố kị. Nó có sức bao trùm vô cùng mạnh mẽ, gây nên nhiều mặt trái cho cộng đồng.
Đố kị là một loại cảm xúc tiêu cực của con người. Hiện trạng này xuất hiện, nảy sinh khi con người ta so sánh và thấy bản thân mình không bằng với người khác. Đó có thể là sự chênh lệch về gia cảnh, tài chính, học tập, công việc,... hay bất cứ điều gì khác.
Có rất nhiều cách để lòng đố kị hiện hữu trong cuộc sống. Đó có thể chỉ là những suy nghĩ tiêu cực, không bằng lòng khi thấy người khác thành công hơn mình. Người có tính đố kị thậm chí còn có hành động bài trừ, khó chịu, phá hoại thành công của người khác.
Nguyên do của điều này bắt nguồn từ chính bản thân những người đó. Họ có thể mặc cảm, tự ti về năng lực của bản thân nhưng lại chưa tìm được cách nào để giải quyết. Hay họ đang bất mãn, bực bội, khó chịu, không hài lòng với chính cuộc sống của mình hiện tại. Nhưng thay vì xem xét và trau dồi thêm bản thân, họ lại chọn các hạ thấp người khác xuống.
Lòng đố kị là nguyên nhân dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực, bất cập trong xã hội. Điều này trước tiên sẽ khiến con người bị lòng đố kị "nuốt chửng", dần chìm trong vòng xoáy của tự ti, tham lam. Tiếp đó, mang đến cái nhìn không mấy thiện cảm từ những người xung quanh. Khi bị lòng đố kị che mờ mắt, con người thậm chí còn làm ra hành động tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội.
Chính vì vậy, để bản thân tránh xa khỏi lòng đố kị, mỗi người cần phải rèn luyện rất nhiều. Đầu tiên chính là về tri thức. Chỉ khi bản thân có hiểu biết, có kiến thức, kinh nghiệm, con người mới có thể có cái nhìn rõ nét hơn về năng lực, khả năng của mình, từ đó cố gắng sửa đổi và phát huy. Tiếp theo chính là đạo đức. Hãy bỏ qua thói sân si, ghen tị, biết lấy những tấm gương kia làm động lực để phát triển thay vì hạ thấp người khác. Việc cạnh tranh công bằng, lành mạnh sẽ giúp bản thân ngày một tiến bộ và hoàn thiện hơn.
Tóm lại, lòng đố kị là một điều tiêu cực mà con người cần phải loại trừ ngay từ sớm. Hãy tích cực rèn luyện bản thân, đóng góp công sức để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ hơn từng ngày.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi làm bài văn nghị luận về một hiện tượng xã hội, em đừng quên khai thác, phân tích nguồn gốc của vấn đề, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp nhé.