Luật quốc tịch là văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực quốc tịch như quyền, nghĩa vụ của công dân, nguyên tắc quốc tịch,... So với quy định cũ thì Luật quốc tịch Việt Nam 2008 đã có nhiều thay đổi phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
* Tải luật quốc tịch mới nhất TẠI ĐÂY
- Luật quốc tịch là cách gọi ngắn gọn để chỉ Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Hiện nay, Luật quốc tịch 2008 đang có hiệu lực thi hành, một số nội dung được sửa đổi, bổ sung bởi Luật quốc tịch Việt Nam 2014. Do đó, để thuận tiện, bạn đọc cũng có thể dùng luật quốc tịch Việt Nam hợp nhất (số 05/VBHN-VPQH).
- Bố cục của Luật:
(1) Quốc tịch Việt Nam năm 2008 gồm có 6 chương với 44 điều, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009, cụ thể như sau:
+ Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 - Điều 12).
+ Chương II: Có quốc tịch Việt Nam (Điều 13 - Điều 25)
+ Chương III: Mất quốc tịch Việt Nam (Điều 26 - Điều 34)
+ Chương IV: Thay đổi quốc tịch của người chưa thành niên và của con nuôi (Điều 35 - Điều 37)
+ Chương V: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quốc tịch (Điều 38 - Điều 41)
+ Chương VI: Điều khoản thi hành (Điều 42 - Điều 44)
Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2009.
(2) Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 26/6/2014. Theo đó, sửa đổi Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và bãi bỏ khoản 3 Điều 26 luật này.
Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 nêu rằng: Nhà nước công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Quy định này tiếp tục khẳng định nguyên tắc một quốc tịch đã được ghi nhận trước đó tại Luật quốc tịch Việt Nam năm 1988 và năm 1998; cho thấy được tính xuyên suốt, đảm bảo được sự thống nhất trong quản lý về vấn đề quốc gia.
Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, quy định này đã mềm dẻo, linh hoạt hơn so với quy định cũ. Pháp luật hiện hành cho phép các trường hợp đặc biệt được quy định thì có thể có nhiều hơn 01 quốc tịch.
- Luật Quốc tịch Việt Nam quy định các điều kiện để công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam được nhập quốc tịch gồm có:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
+ Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;
+ Thời gian đã thường trú ở Việt Nam: từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
+ Có khả năng đảm bảo cuộc sống tại Việt Nam.
- Với một số đối tượng sau thì không cần đáp ứng 03 điều kiện biết tiếng Việt, thường trú và khả năng đảm bảo cuộc sống:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
+ Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
+ Có lợi cho Nhà nước.
- Một điểm đáng lưu ý ở đây là việc Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 đã tạo điều kiện tối đa cho người không quốc tịch có thể được mang quốc tịch Việt Nam, trong khi luật cũ không đề cập đến nội dung này.
Cụ thể điều kiện đối với người không quốc tịch muốn nhập quốc tịch Việt Nam: Người này không có đầy đủ các giấy tờ về nhân thân, nhưng phải đã cư trú ổn định trên lãnh thổ Việt Nam từ 20 năm trở lên tính đến ngày 1/7/2009, và tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam.
Trong các trường hợp sau, người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể trở lại quốc tịch:
- Xin hồi hương về Việt Nam;
- Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
- Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
So với luật cũ thì Luật quốc tịch năm 2008 đã bổ sung thêm trường hợp (1) thực hiện đầu tư tại VN và (2) đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người gốc Việt khi quay lại đầu tư tại VN được hưởng các ưu đãi như công dân Việt Nam. Đồng thời, giải quyết được tình trạng nhiều người không nhập được quốc tịch nước ngoài.
Điều 26 Luật quốc tịch Việt Nam ghi nhận các căn cứ mất quốc tịch Việt Nam gồm:
+ Được thôi quốc tịch Việt Nam.
+ Bị tước quốc tịch Việt Nam.
+ Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai - chưa đủ 15 tuổi mà thuộc trường hợp: Tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài; chỉ tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài.
+ Quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ thôi quốc tịch Việt Nam.
+ Theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Về cơ bản, so với luật quốc tịch năm 1998 thì nội dung này được kế thừa, không có thay đổi.
- Trước đây, tại Luật quốc tịch Việt Nam 1998 có quy định về vấn đề cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam.
- Tuy nhiên, nội dung này đã không còn được quy định trong luật quốc tịch 2008. Sở dĩ lại bãi bỏ quy định này là vì trên thực tế, nhu cầu xin giấy chứng nhận, giấy xác nhận không lớn. Công dân có thể sử dụng giấy tờ khác để chứng minh quốc tịch Việt Nam. Riêng với trường hợp mất quốc tịch thì đã có Quyết định của Chủ tịch nước.
Trên đây là một số nội dung cơ bản của luật quốc tịch. Đây chính là cơ sở pháp lý giải quyết mối quan hệ giữa cá nhân với nhà nước, quy định cụ thể các trường hợp về quốc tịch có thể xảy ra với mỗi người.
Ngoài ra, để có thêm kiến thức, hiểu biết về pháp luật, bạn đọc có thể theo dõi những nội dung của các văn bản luật khác như: Luật quốc tế, Luật dân sự, Luật hộ tịch,...