Không gian mạng là môi trường mà con người có thể thực hiện các hành vi mà không bị giới hạn về thời gian, không gian. Nhiều cá nhân lợi dụng điều này để gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá nhân, tổ chức khác. Đây cũng là một trong các lý do để dẫn đến việc Luật an ninh mạng 2018 được xây dựng và ban hành.
- Luật An ninh mạng là văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành để điều chỉnh về các hành vi của cá nhân phát sinh trong không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng.
* Tải trọn bộ Luật an ninh mạng mới nhất TẠI ĐÂY
- Luật An ninh mạng 2018 số 24/2018/QH14 được thông qua ngày 12/6/2018, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV với 87% đại biểu tán thành.
- Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Thực tế, ngoài Luật an ninh mạng, các doanh nghiệp hoạt động trong Viễn thông, Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông,..., cũng cần tuân thủ các quy định về luật an toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13. Bạn đọc cần tham khảo để nắm được phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nguyên tắc và các hành vi bị nghiêm cấm trong bộ luật này.
- Luật An ninh mạng được tổ chức thành 07 chương với 43 Điều, cụ thể:
+ Chương I: Những quy định chung.
+ Chương II: Bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
+ Chương III: Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.
+ Chương IV: Hoạt động bảo vệ an ninh mạng.
+ Chương V: Bảo đảm hoạt động bảo vệ an ninh mạng.
+ Chương VI: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
+ Chương VII: Điều khoản thi hành.
Nội dung về Luật An ninh mạng có rất nhiều các vấn đề cần lưu ý, tuy nhiên, trước thực trạng sử dụng các nền tảng mạng xã hội, có một số thông tin cần biết như sau:
- Hiện nay, việc sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo là quyền của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự. Công dân có quyền truy cập, sử dụng, tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm, khởi nghiệp; triển khai ý tưởng sáng tạo trên các nền tảng này nhưng không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm sau:
+ Sử dụng không gian mạng để tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước.
+ Sử dụng không gian mạng để xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt giới, chủng tộc.
+ Sử dụng không gian mạng để đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho cho các hoạt động khác.
+ Sử dụng không gian mạng để hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên theo quy định tại Luật An ninh mạng có thể bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể chịu trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại. Việc áp dụng trách nhiệm pháp lý nào phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các văn bản khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Luật tố tụng dân sự, ...