Một số cách kết bài bài thơ Đồng chí của Chính Hữu
Kết bài bài thơ Đồng chí
Qua bài thơ Đồng chí, tác giả Chính Hữu đã dựng lên bức tượng đài giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng, đẹp đẽ về hình tượng người lính nông dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những người lính có xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, non sông họ đã cùng nhau kề vai chiến đấu, sẵn sàng dâng hiến toàn bộ tuổi xuân, coi cái chết nhẹ tựa hồng mao, tất cả vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Điều làm nên sức mạnh, sự quyết tâm, tinh thần quyết thắng của những người lính không chỉ bởi lí tưởng cứu nước, vì tình yêu dành cho gia đình, quê hương mà còn bởi tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, những người lính đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn của cuộc sống sinh hoạt, hỗ trợ, sát cánh cùng nhau chiến đấu, bởi vậy mà những khó khăn của cuộc sống, cái dữ dội của cuộc chiến không thể làm nhụt chí, lung lay quyết tâm chiến đấu của họ.
“Đồng chí” của Chính Hữu là bài thơ cảm động về tình đồng đội, đồng chí trong chiến tranh, đó là thứ tình cảm gắn kết thiêng liêng giữa những người lính vốn xa lạ, chẳng hề quen biết. Tình đồng chí giúp những người lính mạnh mẽ vượt qua mọi gian khó, khắc nghiệt của cuộc sống sinh hoạt và chiến đấu, qua bài thơ này tác giả Chính Hữu không chỉ khéo léo xây dựng bức chân dung đẹp đẽ, chân thực về tình đồng chí mà còn góp phần lí giải về sức mạnh của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến xưa. Tình yêu thương, tinh thần đoàn kết chính là cội nguồn sức mạnh để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù, hướng đến ánh sáng của độc lập, tự do.
Đã có rất nhiều bài thơ hay viết về hình tượng người lính, đó là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, là Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, là Tây Tiến của Quang Dũng, những bài thơ đi cùng năm tháng ấy đã xây dựng thành công hình tượng người lính ở khía cạnh anh hùng, tinh thần quả cảm. Cũng viết về chủ đề người lính, chiến tranh quen thuộc ấy nhưng điều mà Chính Hữu gây ấn tượng đặc biệt nhất đối với tôi trong bài thơ “Đồng chí” là tình đồng đội, đồng chí giản dị, đời thường mà thiêng liêng, xúc động. Những người lính trong thơ Chính Hữu vẫn sáng ngời với lí tưởng đấu tranh, quyết tâm chiến thắng kẻ thù vì sự nghiệp giải phóng chung, nhưng qua những hành động sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau của những người lính chúng ta còn thấy được đời sống tình cảm đẹp đẽ, thấy được cội nguồn sức mạnh của những người lính trong chiến tranh. Đây chính là nét mới mẻ trong khám phá về hình tượng người lính của Chính Hữu.
Bằng ngôn ngữ thơ giản dị, mộc mạc cùng lời thơ chân thành, tha thiết, nhà thơ Chính Hữu qua bài thơ “Đồng chí” đã tái hiện đầy xúc động tình cảm đồng đội, đồng chí trong chiến tranh. Không chỉ làm nổi bật lên vẻ đẹp về lí tưởng, sức mạnh, quyết tâm của những người lính nông dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà nhà thơ còn khắc họa được những nét đẹp vô cùng tinh tế trong đời sống tình cảm của những người lính ấy: luôn quan tâm , sẻ chia trong cuộc sống đời thường, hỗ trợ, kề vai sát cánh khi làm nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ tổ quốc.
--------------------HẾT----------------------
Ngoài Kết bài bài thơ Đồng chí, các bạn cũng có thể tham khảo thêm một số cách kết bài của các bài văn hay lớp 9 như: Kết bài bài thơ Ánh trăng; Kết bài Đoàn thuyền đánh cá; Kết bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Kết bài truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa; Kết bài bài thơ Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga; Kết bài truyện ngắn Chiếc lược ngà;...