Đề bài: Đoạn văn cảm nhận những suy ngẫm của người cháu về bà và bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa
Đoạn văn cảm nhận những suy ngẫm của người cháu về bà và bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề - những suy ngẫm của người cháu về bà và bếp lửa
2. Thân đoạn
* Suy ngẫm về cuộc đời tần tảo, vất vả của bà:
- Bà nhọc nhằn , vất vả sớm hôm thay các con chăm sóc đứa cháu nhỏ.
- Bà miệt mài nhen nhóm bếp lửa, lo cho cháu cái ăn, cái mặc.
- Một đời bà vất vả, cần mẫn bên khói bếp, bảo ban cháu học hành: "Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen"/"Bà dạy cháu làm, bà cháu cháu học",...
* Suy ngẫm về bếp lửa mà bà nhen nhóm:
- Bếp lửa gắn với những khó khăn, nhọc nhằn của bà, gắn với miền kí ức tươi đẹp của cháu cùng bà.
- Bà nhóm bếp mỗi ngày cũng là nhen nhóm những yêu thương, những niềm vui ân cần.
3. Kết đoạn
Khẳng định lại vấn đề
Bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt lấy hình ảnh người bà và bếp lửa làm trung tâm để bộc tình yêu thương, sự biết ơn của người cháu với người bà của mình. Qua nỗi nhớ của người cháu, hình ảnh bà hiện lên cùng những kí ức đẹp bên bếp lửa sớm hôm. Trong kí ức tuổi thơ của cháu là những lận đận, nhọc nhằn của bà khi phải tần tảo sớm hôm, bà thay các con chăm sóc, dạy dỗ cháu nên người. Ngày ngày, bà vẫn sớm hôm miệt mài nhen nhóm bếp lửa lo cho cháu cái ăn, cái mặc. Bếp lửa ấy còn nhen nhóm, thắp lên ngọn lửa yêu thương, nồng đượm của bà. Trong tác phẩm, mỗi lần cháu nhớ về bà là hình ảnh bếp lửa lại hiện lên, bếp lửa "nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi", "nhóm nồi xôi gạo mới thổi chung vui", "nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ",... Tất cả đã gợi lên những tình cảm thương yêu mà bà dành cho cháu. Hình ảnh bếp lửa lúc này không còn là một vật vô tri, vô giác nữa là nó mà một hình ảnh biểu tượng cho sự sẻ chia, vỗ về yêu thương của bà. Trong dòng suy ngẫm của Bằng Việt, hình ảnh bà luôn thường trực, nỗi nhớ bà khôn nguôi, dạt dào đến vô bờ vô bến. Qua hai hình ảnh thơ đẹp đẽ cùng lối biểu cảm chân thành, kết hợp kể, tả, tác giả đã đưa chúng ta về với những thân thuộc của cội nguồn, của bà, của mẹ.
"Bếp lửa" của Bằng Việt là tác phẩm hay viết về tình cảm gia đình. Trong bài thơ, hình ảnh người bà và bếp lửa luôn song hành cùng nhau. Bà là một người tần tảo, giàu đức hi sinh, lo lắng cho con cháu, bà chăm sóc, dạy dỗ đứa cháu nhỏ yêu thương khi các con công tác xa nhà. Một đời bà vất vả, cần mẫn nhen nhóm ngọn lửa, đói rét vẫn can trường, một mình vẫn tần tảo, bảo ban cháu: "Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen"/"Bà dạy cháu làm, bà cháu cháu học",...Trong kí ức cháu, bà hiện lên thật đẹp, thật thân thuộc và tha thiết yêu thương. Bên cạnh đó, hình ảnh bếp lửa trong bài thơ cũng là một hình ảnh đẹp và giàu tính biểu tượng. Có khi hình ảnh bà và bếp lửa như hoà vào làm một, nhắc đến bà là nhớ đến bếp lửa, nhớ đến bếp lửa là hình ảnh bà lại hiện lên. Bếp lửa gắn với những khó khăn, nhọc nhằn của bà, gắn với miền kí ức tươi đẹp của cháu cùng bà. Bà nhóm bếp mỗi ngày cũng là nhen nhóm những yêu thương, những niềm vui ân cần, nhờ đó mà cháu lớn lên, trưởng thành hơn mỗi ngày. Có thể nói, qua dòng suy ngẫm của người cháu, hình ảnh bà và bếp lửa bà nhen hiện lên đầy sống động, chân thực, khơi gợi trong lòng mỗi chúng ta về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước, chung thủy và trân trọng với quá khứ
Bài thơ Bếp lửa được sáng tác vào năm 1963, là tác phẩm cảm động viết về tình bà cháu. Thông qua hình ảnh bếp lửa, những kí ức đẹp đẽ của người cháu với bà được tái hiện vô cùng cụ thể và sinh động. Đó là những năm tháng tuổi thơ cháu được cùng bà nhóm lửa, cùng bà thức dậy sớm hôm. Trong miền kí ức tươi đẹp ấy là những ngày thiếu thốn nhưng được bà chở che, đôi tay nồng đượm ấp iu của bà đã nuôi nấng cháu lớn lên từng ngày. Bà đã yêu thương, cưu mang , che chở và dạy dỗ cháu, bà lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ, chỉ cháu làm những điều nhỏ nhặt, ân cần bảo ban cháu học hành. Xa ba mẹ, bà là điểm tựa tinh thần vững chắc cho người cháu. Tình cảm bà ấm áp như hơi ấm nồng đượm của ngọn lửa của quê khiến cháu mỗi lần nhớ về bà là hình ảnh bếp lửa lại hiện lên trong tâm trí. Cả cuộc đời bà gắn với bếp lửa yêu thương, người gìn giữ, nhen nhóm để ngọn lửa luôn ấm nóng "suốt mấy chục năm đến tận bây giờ. Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm". Bếp lửa cùng bà là bếp lửa của những yêu thương, của miền kí ức tuổi thơ tươi đẹp. Bởi thế mà trong tâm khảm của cháu, bếp lửa thiêng liêng vô ngần. Qua lời Bằng Việt, bếp lửa không còn là một sự vật vô tri vô giác nữa mà nó trở thành một hình ảnh giàu tính biểu tượng. Qua đó, bày tỏ lòng biết ơn thành kính, nỗi nhớ thương bà da diết của tác giả dành cho người bà yêu quý- một người bà tần tảo, rất mực yêu thương và hết lòng vì cháu. Bà chính là đại diện tiêu biểu cho những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
--------------HẾT---------------
Các em vừa tham khảo Đoạn văn cảm nhận những suy ngẫm của người cháu về bà và bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa. Để mở rộng thêm vốn kiến thức của bản thân, mời các em tham khảo thêm: Đoạn văn cảm nhận khổ cuối bài Bếp lửa, Đoạn văn cảm nhận về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa, Đoạn văn phân tích khổ 1 bài thơ Bếp lửa, Đoạn văn phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài Bếp lửa.