Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu

Đề bài: Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu

Mục lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Bài mẫu số 3

Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu


I. Dàn ý Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và khổ cuối bài thơ Sang thu.

2. Thân đoạn:

- Những chuyển biến của tạo vật khi từ hạ sang thu:
+ Nắng: nắng cuối hạ vẫn còn nhưng đã vơi bớt đi sự oi ả, gay gắt của mùa hà.
+ Mưa: Những cơn mưa giao mùa đã bớt đi sự xối xả của ngày hè.
+ Tiếng sấm: cũng không còn vang lên bất chợt nữa.
+ Vạn vật đã dịu đi, "mềm" đi, so với những ngày hè

- Những suy tư, chiêm nghiệm của nhà thơ:
+ Thể hiện qua hình ảnh ẩn dụ ở hai câu thơ cuối:

→ Người trưởng thành sẽ bản lĩnh, vững vàng hơn trước những biến cố bất ngờ của cuộc đời.

3. Kết đoạn:

- Khẳng định giá trị của khổ thơ, bài thơ.


II. Những Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu hay nhất


1. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu, mẫu 1 (Chuẩn)

Sang thu là tác phẩm rất hay của nhà thơ Hữu Thỉnh về những chuyển biến của đất trời từ cuối hạ sang thu. Khổ cuối của bài thơ đã cho chúng ta thấy được những biến chuyển rõ ràng của thiên nhiên cùng những suy tư, chiêm nghiệm của chính tác giả về cuộc đời. Mùa thu đã dần sang với những dấu hiệu thật rõ ràng. Nắng hạ vẫn còn đó nhưng đã dần nhạt màu đi "Vẫn còn bao nhiêu nắng". Những cơn mưa rào cũng dần vơi bớt đi "Đã vơi dần cơn mưa". Vẫn là nắng, là mưa, thế nhưng tất cả đã dần chậm lại, nhạt dần và vơi đi so với những ngày hạ nồng nàn. Không chỉ thế, tiếng sấm bất ngờ, biểu hiện cho mùa hạ cũng đã "bớt bất ngờ" hơn. Vạn vật đã bắt đầu chuyển mình sang thu. Hai câu thơ cuối của khổ thơ có nhịp thơ chậm rãi, trầm hẳn đi so với hai câu thơ đầu để thể hiện những suy tư của chính nhà thơ Hữu Thỉnh "Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi". Hình ảnh của tiếng "sấm" phải chăng chính là ẩn dụ cho những giông bão, những thăng trầm trong cuộc đời mỗi con người. Còn cụm từ "hàng cây đứng tuổi" phải chăng là sự ẩn dụ thể hiện cho một con người khi đã về già, qua cái tuổi bồng bột, non nớt của tuổi trẻ? Hình ảnh này vừa mang nghĩa thực lại vừa mang ý biểu tượng. Hàng cây già, "đứng tuổi" đã trầm tĩnh hơn, thản nhiên hơn trước những giông bão, sấm sét của thiên nhiên, cũng như con người, trải qua bao nhiêu vất vả, bồng bột của tuổi trẻ, giờ đây, bước vào tuổi "đứng tuổi", con người cũng chín chắn hơn, vững vàng hơn, sẵn sàng đón nhận những thách thức của cuộc đời. Qua khổ thơ cuối của Sang thu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho ta thấy được những chuyển biến tinh tế của thiên nhiên, đất trời khi chuyển từ hạ sang thu cùng với đó là những chiêm nghiệm rất chân thực của chính tác giả trong cuộc đời của mình. Sang thu đã vẽ nên một mùa thu Việt Nam rất đẹp, rất gần gũi với người dân trên đất nước ta.


2. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu, mẫu 2 (Chuẩn)

Với những cảm nhận tinh tế của mình, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vẽ lên một bức tranh giao mùa từ hạ sang thu với những chuyển biến của đất trời rất đặc sắc thông qua thi phẩm Sang thu. Khổ cuối của bài thơ không chỉ cho ta thấy được những biến đổi quen thuộc mà gần gũi của thiên nhiên mà còn cho ta thấy những chiêm nghiệm của chính nhà thơ trong cuộc đời của mình:

"Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi"

Mùa hạ đã dần qua đi, cái nắng oi ả của trưa hè cũng đã dịu lại. Những cơn mưa với những tiếng sấm ì ầm cũng vậy, cũng bớt dần, "vơi dần" đi trong không gian. Vẫn là cơn nắng đó, cơn mưa đó nhưng tất cả đã "vơi" đi, dịu dàng và trong trẻo hơn. Tiếng sấm ngày nào còn vang vọng bất chợt giữa cơn mưa rào thì nay cũng đã dần "bớt bất ngờ" hơn trên những hàng cây cao. Hai câu thơ cuối của bài thơ gợi cho ta nhiều những sự suy tư, suy nghĩ rất thú vị "Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi". Hai câu cuối với giọng thơ trầm như đang bộc bạch những suy ngẫm trong tâm hồn của tác giả. Hình ảnh của tiếng "sấm" có lẽ là hình ảnh ẩn dụ cho những thăng trầm của cuộc đời còn "hàng cây đứng tuổi" lại là ẩn dụ cho những con người đã bước sang tuổi trung niên. Mỗi con người như quá trình sinh trưởng của một cái cây, đều trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nếu như mùa xuân là nơi khởi nguồn thì mùa hạ lại là những bồng bột, những cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Bước sang mùa thu, cái cây đã bước tới tuổi trưởng thành, qua đi những non tơ của tuổi trẻ. Hình ảnh của hàng cây chín chắn, điềm tĩnh trước những giông bão, sấm sét của thiên nhiên cũng là hình ảnh của con người khi bước sang tuổi trung niên, già dặn, vững vàng hơn trước những biến đổi của cuộc đời. Đó là những chiêm nghiệm rất hay và chân thực của chính nhà thơ Hữu Thỉnh. Khổ cuối của bài thơ Sang thu đã cho ta thấy những chuyển biến của tạo vật khi từ cuối hạ sang thu cùng những suy tư, suy ngẫm của nhà thơ. Sang thu của Hữu Thỉnh sẽ mãi là một trong những tác phẩm thơ hay nhất trong nền thơ ca nước ta.


3. Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu, mẫu 3 (Chuẩn)

Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh là một tác phẩm hay về mùa thu. Khổ cuối của bài thơ đã cho ta thấy được những biến chuyển của thiên nhiên thông qua cảm nhận tinh tế của nhà thơ cùng chiêm nghiệm về cuộc đời của chính tác giả. Vẫn là hình ảnh của nắng, của mưa mùa hạ nhưng mức độ đã giảm dần, nhạt dần đi. Hai cụm từ "vơi dần", "vẫn còn" đã cho ta thấy điều đó. Nắng cuối hạ giờ đây không còn oi ả, mang hơi nóng gay gắt và những cơn mưa rào cũng đã bớt đi sự xối xả của mình. Ngay cả những tiếng sấm trên hàng cây cao cũng đã "bớt bất ngờ" hơn. Tất cả những điều đó là để đón chờ mùa thu sang. Hình ảnh tiếng sấm trên hàng cây ở hai câu thơ cuối là một hình ảnh ẩn dụ hết sức ý nghĩa, thú vị, mang đậm những suy tư về cuộc đời của nhà thơ Hữu Thỉnh"Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi". Hình ảnh tiếng "sấm" trong bài thơ Sang thu là ẩn dụ cho những thăng trầm, thử thách trong cuộc đời mỗi con người. Và hình ảnh "hàng cây đứng tuổi" là ẩn dụ cho những con người từng trải, đã đi qua bao nhiêu là thử thách, gian nan của cuộc đời. Thông qua hai câu thơ, nhà thơ muốn gửi gắm đến người đọc chiêm nghiệm của mình rằng: con người khi đã từng trải, đã bước sang tuổi xế chiều sẽ dày dặn hơn, chín chắn hơn trong suy nghĩ, và vững vàng trước mọi gian lao, thử thách trong cuộc đời của mình. Thông qua khổ cuối của bài thơ Sang thu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã cho chúng ta thấy được những biến chuyển của đất trời, tạo vật khi giao mùa từ hạ sang thu. Bài thơ Sang thu của ông sẽ mãi là một trong những bài thơ với bức tranh thu đẹp đẽ nhất, gần gũi nhất với con người đất nước Việt Nam ta.

----------------HẾT----------------

Để tìm hiểu về tác phẩm Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh, mời các bạn cùng đón đọc các bài viết khác như: Phân tích hai khổ đầu bài thơ Sang thu, Cảm nghĩ của em về 2 câu thơ cuối bài Sang thu, Cảm nhận bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa trong bài Sang Thu, Cảm nhận của em về bài thơ Sang Thu.

Những mẫu Đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận được những chuyển biến của thiên nhiên đất trời khi từ cuối hạ sang thu. Đồng thời nó còn cho ta thấy rõ những chiêm nghiệm rất riêng về cuộc đời mà nhà thơ Hữu Thỉnh muốn gửi gắm.
Đoạn văn nêu suy nghĩ và cảm xúc sau khi đọc hai khổ thơ đầu bài thơ Sang thu
Đoạn văn cảm nhận khổ thơ đầu bài thơ Sang thu
Cảm nhận khổ thơ cuối bài Sang thu
Viết đoạn văn để làm rõ nhận định về hai câu thơ cuối trong bài thơ Sang thu
Phân tích khổ 2 bài thơ Sang thu
Cảm nhận về khổ thơ đầu bài Sang Thu

ĐỌC NHIỀU