Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh

Đề bài: Trình bày Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh

Bài mẫu Cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh

Bài làm

Truyện cổ tích này rất phổ biến ở nước ta, đã được đặt thành thơ. Có một truyện Nôm khuyết danh cũng có tên là truyện Thạch Sanh. Thạch Sanh là một dũng sĩ, có nhiều đức tính tốt và có hành động anh hùng. Rất nhiều sự việc đã diễn ra trong cuộc đời chàng.

Trước hết, Thạch Sanh bị Lý Thông lừa, thay hắn nộp mạng cho Xà Tinh. Chàng đã giết được Xà Tinh, chặt được đầu nó nhưng lại bị Lý Thông lừa xuống hang sâu. Xuống hang, chàng đánh nhau với Đại bàng, một con chim dữ đã thành tinh. Cuối cùng chàng giết được Đại bàng, cứu được công chúa.

Lập công nhưng chàng phải ở lại dưới hang vì Lý Thông đã lấp cửa hang không cho chàng lên. Chàng lùng sục chỗ ở của Đại bàng và cứu được thái tử con vua Thuỷ tề. Ở đây, Thạch Sanh lại bắt được con cáo đã thành tinh. Chàng được vua Thuỷ tế đưa về cõi trần, lại được tặng một chiếc đàn làm kỉ niệm. Mặc dù suốt thời gian nghèo khổ, thiếu thốn, Thạch Sanh vẫn là một người tốt, diệt được rắn độc, trừ được chim dữ, khuất phục được cáo ngạo ngược, giải thoát cho hai người - một công chúa, một thái tử - nhưng chàng không nhận sự đền ơn, không lấy vàng bạc, không ham chức tước. Vẫn là một con người bình thường, chuyên làm việc nghĩa, dù đạt nhiều thành tích huy hoàng, chàng vẫn bình dị, trong sáng.

Lý Thông là một con người gian ác. Hắn lừa Thạch Sanh nộp mang thay hắn. Thạch Sanh giết được yêu quái. Hắn tìm cách đánh lừa, nhờ chàng đi cứu công chúa. Hắn lại táng tận lương tâm, định chôn sống chàng và đưa công chúa về để lên ngôi phò mã. Ít người tàn ác đến như thế. Nhưng khi tội ác của hắn đã rõ, Thạch Sanh vẫn rộng lòng tha thứ cho hắn. Có điều người tha nhưng trời không tha. Sét đã đánh chết hắn, còn bắt hắn hoá thành bọ hung, suốt đời rúc trong đống phân.

Công chúa Quỳnh Nga cũng là một nhân vật đẹp. Nàng bị Đại bàng bắt giữ, rồi được Thạnh Sanh cứu. Nàng hẹn kết duyên với Thạch Sanh, nhưng đã bị Lý Thông lừa gạt. Không thể nói ra được câu chuyện với ai, vì nếu nói cũng chẳng ai tin. Lý Thông có bao nhiêu thế lực, bao nhiêu kẻ hầu người hạ, chỉ sẽ nói tốt cho Lý Thông. Nhà vua chỉ có thấy Lý Thông đưa được con mình về chứ có thấy Thạch Sanh đâu. Sự đau đớn và bất bình của công chúa đã khiến cho nàng thành con người câm. Nàng từ chối không chịu theo Lý Thông, cũng là để giữ mối tình cảm của mình trong im lặng. Câm, thực ra là sự chung thuỷ không diễn đạt được bằng lời. Nàng chỉ nói khi nghe tiếng đàn Thạch Sanh. Truyện dân gian đã có cách thể hiện tình duyên thật kì diệu. Tiếng đàn là bằng chứng của hai tấm lòng cảm thông. Tiếng đàn khơi gợi tình yêu chân thành say đắm. Tiếng đàn làm cho người câm biết nói. Tiếng đàn làm rõ được trắng đen. Tiếng đàn là tiếng tơ lòng mà cũng là tiếng nói của chân lí. Tiếng đàn lại có một sức mạnh thần kì hơn nữa. Khi quân ngoại xâm kéo đến, Thạch Sanh đã dạo đàn lên. Tiếng đàn làm cho giặc khủng khiếp, thấy được gây sự đánh nhau là vô ích. Chúng xin đầu hàng. Tiếng đàn hoá thành một lợi khí dẹp mọi nguy nan. Đó là tiếng đàn địch vận. Thạch Sanh biết dùng âm nhạc để chinh phục lòng người. Anh còn có một phép lạ: chỉ nấu một niêu cơm mà bọn giặc đông hàng vạn người, ăn mãi không hết.

Niêu cơm Thạch Sanh tượng trưng cho của cải vô tận của nước nhà. Tiếng đàn Thạch Sanh và niêu cơm Thạch Sanh là hai vật quý có ý nghĩa tiêu biểu cho tinh thần hoà bình, cho khả năng vô tận của con người và đất nước Việt Nam. Thạch Sanh là một chàng dũng sĩ tiêu biểu cho dân tộc ta. Người Việt Nam yêu mến Thạch Sanh vì chàng hào hiệp cứu khốn phò nguy. Gặp chuyện bất bình, thay bọn người lay bọn quỷ làm hại đồng bào là Thạch Sanh xông vào tiêu diệt, không tính toán và không ham của cải, không cầu danh lợi, làm ơn không cần báo đáp và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ xấu, dù bọn xấu ấy chỉ một mực làm hại mình. Chàng còn tiêu biểu cho nguyện vọng yêu hòa bình, yêu tự do của dân tộc, và còn chứng minh cho sự bền bỉ, cho sự thịnh cường của đất nước. Hình ảnh Thạch Sanh với chúng ta luôn luôn hấp dẫn.

GS. Vũ Ngọc Khánh (Bình giảng Thơ ca - Truyện cổ dân gian)

--------------HẾT---------------

Trong chương trình học Ngữ Văn lớp 6 phần bài Thạch Sanh là một nội dung quan trọng các em cần chú ý Soạn bài Thạch Sanh đầy đủ.

Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Soạn bài Sọ Dừa nhằm chuẩn bị trước nội dung bài Sọ Dừa SGK Ngữ Văn lớp 6.

Qua việc tham khảo bài cảm nhận về truyện cổ tích Thạch Sanh các em sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về nội dung, ý nghĩa câu chuyện đồng thời có thêm những gợi ý hay về hướng khai thác, cảm thụ một tác phẩm.
Phát biểu cảm nghĩ về truyện Thạch Sanh
Kể lại truyện cổ tích Thạch Sanh bằng lời văn của em
Kể lại truyện Thạch Sanh bằng lời kể của Lý Thông
Sơ đồ tư duy truyện Thạch Sanh
Đóng vai Thạch Sanh kể lại câu chuyện Thạch Sanh
Cảm nhận về nhân vật Lý Thông trong truyện Thạch Sanh

ĐỌC NHIỀU