Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa

Đề bài: Anh/chị hãy trình bày cảm nhận  về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa đã học

Mục Lục bài viết:
1. Dàn ý
2. Bài mẫu số 1
3. Bài mẫu số 2
4. Phân tích những câu Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa
5. Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân
6. Phân tích bài ca dao Thân em như tấm lụa đào, phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
7. Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân

Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa
 

I. Dàn ý Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa (Chuẩn)

1. Mở bài

- Giới thiệu về ca dao và ca dao than thân
- Nêu vấn đề nghị luận: Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.

2. Thân bài

- Thân phận nhỏ bé, hẩm hiu, nổi trôi, không biết rồi sẽ đi đâu về đâu và phụ thuộc vào người khác.
- Bi kịch tình yêu, hôn nhân...(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa
 

1. Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa, mẫu 1:

Trong xã hội phong kiến xưa, thân phận của người phụ nữ luôn là tấm gương thể hiện rõ những ngang trái, những bất công. Sống trong thiết chế hà khắc của quan niệm "trọng nam khinh nữ", họ chỉ còn biết ngậm ngùi khóc thầm và than thân trách phận thông qua những câu ca dao. Những câu ca than thân cất lên đã thể hiện rõ khát vọng tự do về tình yêu và giải phóng thân phận cùng tinh thần phản kháng chế độ phong kiến của người phụ nữ.

Thông qua những câu ca dao than thân, chúng ta có thể thấy được thế giới cảm xúc cùng sự cảm nhận mang tính khái quát về những bất hạnh của con người, đặc biệt là số phận của người phụ nữ. Sống trong chế độ xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công của chế độ nam quyền và tư tưởng "trọng nam khinh nữ", người phụ nữ bị tước đoạt đi mọi quyền lợi và không có quyền tự do định đoạt cuộc sống của mình:

"Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

Với cách diễn đạt quen thuộc thông qua mô-tip "thân em"- cách diễn đạt quen thuộc được lặp đi lặp lại nhiều lần trong ca dao, câu ca trên đã so sánh người phụ nữ với "tấm lụa đào"- hình tượng gợi lên vẻ đẹp thướt tha. Người phụ nữ đã cất lên tiếng ca ví mình với tấm lụa - tuy đẹp đẽ nhưng đến cuối cùng chỉ là một món hàng "phất phơ giữa chợ" và không có quyền định đoạt số phận của mình. Thứ đã tước đoạt đi quyền tự do của họ chính là lễ giáo phong kiến hà khắc với những quy định khắt khe, khiến thân phận của người phụ nữ trở nên lênh đênh, chìm nổi:

"Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày"

Số phận của người phụ nữ bỗng nhiên lênh đênh, chìm nổi và không thể đoán định được tương lai và hoàn toàn phụ thuộc vào sự may rủi, cũng giống như hạt mưa sa vào những địa điểm khác biệt về "đài các" và "ruộng cày". Bên cạnh việc so sánh phận mình với những sự vật tốt đẹp nhưng không được trân trọng, người phụ nữ còn ví mình với những sự vật thấp bé, nhỏ nhoi không đáng được quan tâm:

"Thân em như củ ấu gai
Ai ơi, nếm thử mà xem
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi"

Củ ấu gai với vẻ đẹp tiềm ẩn "Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen" phải cất lên tiếng lòng mời gọi "Ai ơi" để thể hiện nét đẹp của bản thân cho thấy trong xã hội phong kiến, giá trị cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ không hề được quan tâm. Câu ca cất lên với lời mời gọi thể hiện sự tự khẳng định bản thân đầy mạnh mẽ, táo bạo nhưng vẫn mang đậm dư âm của sự chua xót và cay đắng.

Bài văn Cảm nhận về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa

Trong kho tàng ca dao Việt Nam, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều câu ca thể hiện rõ thân phận của người phụ nữ trong sự đối chiếu, so sánh giữa hai đối tượng nam và nữ:

"Anh như chỉ óng thêu cờ,
Em như rau má mọc bờ giếng khơi"

Hay như:

"Anh như tán tía, lọng vàng
Em như chiếu rách nhà hàng bỏ quên"

Thông qua sự so sánh đối chiếu qua cặp lục bát và kết cấu song hành đối xứng: "Anh như" - "Em như", câu ca đã thể hiện rõ quan niệm trọng nam khinh nữ cùng sự bất công, sự khinh trọng trong lễ giáo phong kiến xưa về con người. Như vậy, thông qua những câu hát than thân, chúng ta có thể thấy rõ thân phận đầy bi kịch của người phụ nữ; đồng thời thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn, cũng như tiếng nói phản kháng của họ trước một xã hội đầy rẫy những ngang trái luôn vùi dập số phận, cuộc đời của họ.

Thế giới ca dao không chỉ tràn ngập những tiếng hát ngợi ca, yêu thương mà còn chứa đựng những tiếng khóc thầm, ngậm ngùi, than thân trách phận của những người phụ nữ. Đó cũng chính là những câu ca làm nên giá trị nhân đạo, nhân văn vô cùng cao đẹp trong nền văn học dân gian.

--------------------HẾT BÀI 1--------------------

Tìm hiểu thêm những câu ca dao than thân yêu thương tình nghĩa đặc sắc viết về đề tài người phụ nữ, bên cạnh bài Cảm nhận trên đây, các em không nên bỏ qua: Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân, Phân tích những nét tương đồng giữa những câu hát than thân và bài thơ Bánh trôi nước, Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân, Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.

 

2. Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa, mẫu 2:

Nằm trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, ca dao được ra đời trong xã hội cũ, đại diện cho đời sống tinh thần và tư tưởng cũng như tình cảm của nhân dân lao động trong các mối quan hệ. Các tác giả dân gian đã thông qua chùm “Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa” cho chúng ta cảm nhận được niềm chua xót, đắng cay, tình cảm son sắt, bền chặt của lớp người trong xã hội, đặc biệt là số phận của người phụ nữ trong chế độ phong kiến xưa cũ.

Người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay luôn được biết đến với những vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và mang trong mình những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Tuy nhiên, trong văn học nói chung và trong ca dao nói riêng, số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị coi thường, rẻ rúng, trở thành nạn nhân của tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”.

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.”

Câu ca dao cho thấy người phụ nữ hoàn toàn nhận thức được vẻ đẹp và giá trị của mình, “tấm lụa đào” tượng trưng cho tấm thân người phụ nữ với vẻ đẹp về nhan sắc. Chỉ tiếc thay, người phụ nữ tự ý thức được vẻ đẹp và giá trị bản thân nhưng xã hội lại không. Số phận người phụ nữ trở nên rẻ rúng, bị đem ra trao đổi mua bán ngoài chợ và trở thành một món hàng không hơn không kém, để cho người ta tha hồ lựa chọn, chỉ không biết liệu có gặp được người quân tử hay lại rơi vào tay kẻ tiểu nhân. Người phụ nữ trong xã hội cũ hoàn toàn không có quyền quyết định cuộc sống và số phận của mình, cũng không có khả năng phản kháng. Hôn nhân được sắp đặt và định đoạt bởi cha mẹ, cuộc đời trôi nổi bất định, hạnh phúc như một ván cờ đỏ đen, may rủi.

“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.”

Hình ảnh so sánh rất mộc mạc và gần gũi, giản dị nói về những người phụ nữ không có lợi thế về ngoại hình và nhan sắc nhưng lại có vẻ đẹp tâm hồn. Câu ca dao nhấn mạnh đến vẻ đẹp tâm hồn và phẩm chất bên trong của người phụ nữ, đó là vẻ đẹp trong sáng, hiền dịu, tấm lòng chung thủy son sắt và đức hi sinh cao cả. Trong xã hội cũ, người ta đề cao vẻ đẹp hình thức và thường đánh giá số phận người phụ nữ qua nhan sắc của họ. Một người phụ nữ có nhan sắc sẽ được coi trọng và được nhiều người để ý đến, còn nếu kém về nhan sắc sẽ chịu nhiều thiệt thòi và bị coi thường, chà đạp không thương tiếc. Tuy nhiên, vẻ đẹp tâm hồn đâu dễ để người đời có thể nhìn nhận thấy được, chỉ có thể cảm nhận bằng sự chân thành, chính vì vậy người phụ nữ phải mời mọc chỉ mong sao tìm được người có thể nhận ra vẻ đẹp tâm hồn trong con người mình.

“Ai ơi, nếm thử mà xem !
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.”

Đó là lời mời mọc đầy tha thiết và có phần táo bạo nhưng lại ẩn chứa nỗi đắng cay, tủi nhục, lời than thân trách phận đầy chua xót. Những câu ca dao than thân đã nói lên tiếng than của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến thời xưa, họ có chung một số phận phải chịu những bất công, vùi dập và bị tước đi quyền được sống, quyền được hạnh phúc. Tuy nhiên nỗi đau xót và tủi nhục của mỗi người lại mang những sắc thái riêng mà các tác giả dân gian đã rất khéo léo diễn tả các sắc thái khác nhau đó bắng những hình ảnh ẩn dụ và so sánh đặc trưng.

“Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi! Có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

Bài ca dao trên nói về tình yêu đôi lứa, đặc biệt là về tình cảm của người con gái khi yêu. Hai câu đầu cho thấy được nỗi lòng đau đớn, xót xa và nỗi buồn da diết của người con gái khi lỡ dở duyên tình. Những hình ảnh mặt trăng, mặt trời biểu tượng cho sự vĩnh cửu, tương xứng trong tình yêu, nhưng đó cũng là sự xa cách nghìn trùng. Tình duyên đã lỡ dở nhưng người con gái vẫn kiên định một lòng chờ đợi như “sao Vượt chờ trăng”, những hình ảnh đẹp cho thấy tình cảm son sắt, sâu đậm mà người con gái dành cho người mình yêu. Nỗi nhớ và sự trông ngóng trong vô vọng đã khẳng định tình yêu son sắt, chung thủy mặc cho duyên không thành. Bài ca dao trên nói về cô gái trong một tình yêu lỡ dở, còn bài ca dao “Khăn thương nhớ ai” lại diễn tả nỗi nhớ thương da diết của một cô gái đang yêu.

Bài Cảm nhận về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa hay nhất

Tác giả dân gian đã dùng hình ảnh chiếc khăn để gửi gắm tâm tư của nhân vật trữ tình. Những trạng thái vận động của chiếc khăn kia chính là tâm trạng tương tư sầu muộn, trạng thái bồn chồn, đứng ngồi không yên của người con gái khi nhớ về người yêu. “Đèn thương nhớ ai”, hình ảnh đèn lại biểu tượng cho thời gian, cho thấy sự chờ đợi triền miên theo thời gian và luôn thường trực đến khi cô gái mỏi mắt “Mắt thương nhớ ai – Mắt ngủ không yên”. Cô gái đã không còn giấu giếm tâm tư của mình nữa mà đã bộ bạch ra chân thật và tự nhiên. Đến hai câu cuối, ta đã thấu hiểu nỗi nhớ thương thấp thỏm của cô gái:

“Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…”

Đó là nỗi lo về duyên phận của cô gái trong xã hội xưa, ngoài những nhớ thương cô còn lo cho tình yêu của mình, thấp thỏm trước những biến chuyển trong xã hội và trong lòng người. Cô gái nhận thức được thân phận của mình và không khỏi lo lắng cho số phận và tình yêu của mình.

“Ước gì sông rộng một gang,
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi.”

Câu ca dao thể hiện ước muốn tha thiết và tế nhị thường tình của người con gái với chàng trai của mình. Hình ảnh chiếc “cầu dải yếm” thật độc đáo, tượng trưng cho sự gợi cảm và mềm mại trong vẻ đẹp của người con gái. Ước nguyện của cô gái thật hồn nhiên nhưng đầy ngẫu hứng, cho thấy sự thổ lộ mãnh liệt của cô gái trong tình yêu. Người phụ nữ trong tình yêu là vậy, còn trong tình nghĩa vợ chồng, dân gian đã có bài ca dao về tình nghĩa như:

“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.”

Gừng và muối là hai biểu tượng quen thuộc khi nói về tình nghĩa, đó vừa là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn gia đình lại vừa thể hiện cho những đắng cay, sóng gió trong cuộc đời. Vị mặn và vị cay của gừng trường tồn theo năm tháng và tình nghĩa của đôi ta cũng như vậy, dù đắng cay ngọt bùi vẫn luôn có nhau. Câu nói về thời gian không chỉ có tác dụng hiệp vần mà còn ý nói đến độ dài thời gian hàng trăm năm, hơn thế, tình nghĩa không chỉ tính theo năm mà còn tính theo từng ngày, chỉ khi đến chết mới cách xa tình nghĩa của đôi ta.

Như vậy, qua chùm “Ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa”, người đọc không chỉ cảm nhận được những lời than thân trách phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến mà bên cạnh đó còn được thấu hiểu biết bao tâm trạng, khát vọng cũng như tình nghĩa của người phụ nữ thời xưa. Số phận của người phụ nữ đã được phản ánh thật phong phú, sâu rộng và đa dạng trong mọi hoàn cảnh, điều đó chính nhờ sự sáng tạo tài tình của các tác giả dân gian qua hệ thống ngôn từ, hình ảnh đầy hấp dẫn và độc đáo.

---------------------HẾT----------------------

Bên cạnh những câu ca dao than thân yêu thương tình nghĩa, Ca dao hài hước cũng là nội dung quan trọng mà các em không nên bỏ qua. Các em có thể tìm hiểu thêm về đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của ca dao hài hước qua bài: Phân tích những bài Ca dao hài hước, Khái quát đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của những câu Ca dao hài hước

Bài văn mẫu Cảm nhận của em về số phận người phụ nữ qua các câu ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa sẽ cùng các em tìm hiểu và hoàn thiện bức chân dung về cuộc sống, số phận cũng như đời sống tình cảm của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân
Giới thiệu chùm ca dao than thân
Cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân
Cảm nhận về câu ca dao: "Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"
Dàn ý phát biểu cảm nghĩ về hình tượng người phụ nữ trong xã hội xưa thông qua Những câu hát than thân
Dàn ý phân tích bài ca dao: Thân em như củ ấu gai...

ĐỌC NHIỀU