Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác

Đề bài: Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác
 

I. Dàn ý Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương

1. Mở bài

Bài thơ "Viếng lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương là những vần thơ tuyệt vời như thế, tác phẩm đã nói lên tiếng lòng của tác giả cũng như bao người con miền Nam gửi đến Bác trong niềm tiếc thương và nỗi nhớ mong khôn nguôi về Người.

2. Thân bài

- Niềm xúc động khi từ miền Nam xa xôi về bên lăng Người khiến tác giả không khỏi ngậm ngùi khó tả.
- Hàng tre xanh bát ngát như dân tộc Việt Nam vậy, đó là đất nước của những con người anh dũng, bền bỉ, kiên cường.
- Bác như ánh mặt trời diệu kì, rực rỡ, sáng soi.
=> Tác giả đã thể hiện một sự trân trọng công lao to lớn của Bác, lòng biết ơn chân thành gửi đến Bác...(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương chi tiết tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác

Bác Hồ - người con của non sông đất Việt với những vẻ đpẹ được kết tinh bởi một trí tuệ sâu rộng và nhân cách lớn lao với tình thương bao la, thiết tha dành cho nhân dân, cho nhân loại. Bởi vậy mà có biết bao câu chuyện kể về Người mãi chẳng thể nào quên, bao khúc ca viết về Người đầy tự hào và kính trọng. Và có biết bao lời thơ chân thành dành tặng Bác đi vào lòng mỗi người thật nhẹ nhàng tự nhiên. Bài thơ "Viếng lăng Bác" của nhà thơ Viễn Phương là những vần thơ tuyệt vời như thế, tác phẩm đã nói lên tiếng lòng của tác giả cũng như bao người con miền Nam gửi đến Bác trong niềm tiếc thương và nỗi nhớ mong khôn nguôi về Người.

Niềm xúc động khi từ miền Nam xa xôi về bên lăng Người khiến tác giả không khỏi ngậm ngùi khó tả. Cảnh vật xung quanh lăng gợi lên nỗi niềm, sao mà gần gũi mà thiêng liêng đến vậy:

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát"

Ước nguyện gặp Bác bấy lâu "con" đã hoàn thành, giờ đây về bên Bác, có hàng tre xanh bát ngát, đung đưa gió nhẹ canh giấc ngủ cho Người. Hàng tre xanh ấy như dân tộc Việt Nam vậy, đó là đất nước của những con người anh dũng, bền bỉ, kiên cường. Dẫu đất cằn sỏi đá, tre vẫn mọc thẳng hiên ngang, như nhân dân có khó khăn, đau khổ vẫn vươn mình đứng dậy.

"Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng"

Dẫu có bão giông, có mưa nguồn gió lớn, tre vẫn kiên cường chống chọi, những hàng tre vẫn bát ngát, tươi xanh, vẫn đứng thẳng kiên trung như nhân dân đất Việt, mọi gông cùm, xâm lược không dập tắt được sức sống bền bỉ, ý chí phi thường.

Theo từng đoàn người bước vào lăng, phút giây thiêng liêng ấy khiến nỗi xúc động lại càng lớn hơn bao giờ hết. Bác như ánh mặt trời diệu kì, rực rỡ:

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."

Bác chính là nguồn sáng rạng rỡ nhất của dân tộc, soi rọi con đường đấu tranh giải phóng đất nước. Bác là ánh mặt trời mãi mãi sáng soi, vĩnh cửu và trường tồn trong trái tim mỗi người. Tác giả đã thể hiện một sự trân trọng công lao to lớn của Bác, lòng biết ơn chân thành gửi đến Người. Từng dòng người vào lăng viếng Bác kết thành tràng hoa rực rỡ và thành kính nhất dâng lên bảy mươi chín mùa xuân tươi đẹp nhất. Cuộc đời Bác là những mùa xuân rực rỡ, tràn đầy sức sống. Những bó hoa tươi thắm nhất dâng lên Người chất chứa tình cảm, lòng tôn kính, sự biết ơn sâu nặng gửi đến Bác.

" Bác nằm trong lăng giấc ngủ.
....
Mà sao nghe nhói giữa trong tim"

Giấc ngủ ngàn thu của Bác thật bình yên nhẹ nhàng, có vầng trăng dịu hiền làm người tri kỉ. Bác và trăng như hai mà một, rạng ngời, trong ngần như nhân cách cao quý của Người. Dẫu biết rằng bầu trời xanh kia vẫn còn mãi, vẫn xanh trong và bình yên cũng như Bác luôn còn mãi, giữ một vị trí quan trọng trong lòng Tổ quốc mà sao trái tim vẫn nhói đau khi phải chấp nhận sự thật rằng Bác đã mãi mãi ra đi. Niềm tiếc thương khôn nguôi, nỗi xót xa ấy trở thành niềm ước nguyện được hoá thân thành thiên nhiên gần gũi để được ở bên Bác:

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này..."

Tác giả muốn mình được làm con chim hót bên lăng, muốn mình được là đóa hoa rạng ngời tỏa ngát hương thơm, muốn được là cây tre ngày đêm canh giữ giấc ngủ cho Người. Chỉ niềm ao ước bình dị ấy thôi mà sao thân thương đến lạ, chẳng quá cao sang, cầu kỳ, chỉ cần được bên Bác là mọi điều đều hoá bình dị, gần gũi, thiết tha. Điệp ngữ "muốn làm" như nói lên nỗi khao khát mãnh liệt trào dâng trong lòng tác giả, càng khao khát lại càng chẳng muốn rời xa, chẳng muốn phải từ giã nơi này, phải xa Bác. Tiếng thơ sao mà tha thiết, chân thành đến vậy. Tình cảm nồng hậu, quá đỗi sâu đậm và sắt son.

"Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông một kiếp người"

Phải chăng trái tim Bác mênh mông đến vậy khiến cho nhà thơ không thể không viết nên những lời thơ chất chứa ý vị, trào dâng cảm xúc như vậy. Thơ Viễn Phương thật nhẹ nhàng, gần gũi, như chính con người Bác vậy. Giản dị trong lời thơ, trong hình ảnh, và giản dị cả trong chính những ước nguyện thân thương và thiêng liêng gửi đến Người.

Có biết bao bài thơ viết về Bác, bài thơ nào cũng đáng quý đáng yêu và trong vườn thơ ấy, Viễn Phương đã đóng góp nên một tác phẩm độc đáo và riêng biệt. Nếu có ai hỏi về bài thơ viết về Bác mà em thích nhất, em sẽ không ngần ngại mà cất lên từng lời thơ trong bài " Viếng lăng Bác", bởi nó đã in sâu trong tâm trí em tự bao giờ. Có lẽ, qua bao thời gian, bài thơ vẫn mãi sẽ giữ một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim người đọc.

-----------------HẾT-----------------

Cùng với bài Bình luận về bài thơ Viếng lăng Bác, để củng cố kiến thức về bài thơ Viếng lăng Bác, các em có thể tham khảo thêm: Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác, Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác, Bình giảng đoạn thơ sau ở trong bài Viếng lăng Bác: "Ngày ngày... trong tim".

Bình luận bài thơ Viếng lăng Bác giúp các em hiểu được nỗi xúc động, tình cảm kính yêu chân thành của nhà thơ Viễn Phương dành cho Bác, qua những bình luận chi tiết, các em có thể tham khảo để có thêm có sở kiến thức vững chắc cho bài phân tích bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Mời các em hãy cùng tham khảo.
Bình giảng bài thơ Viếng lăng Bác
Dàn ý suy nghĩ về bài thơ Viếng lăng Bác
Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác
Phân tích khổ 3 4 bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương ngắn gọn, hay nhất
Soạn bài Viếng lăng Bác
Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

ĐỌC NHIỀU