Bày tỏ quan điểm về ý kiến: Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý...

Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra".

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

Bày tỏ quan điểm về ý kiến: Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý...

 

I. Dàn ý Trình bày quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e

1. Mở bài

- Giới thiệu câu nói của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e.

2. Thân bài

a. Giải thích câu nói:

- Một tác phẩm hay là một tác phẩm nghệ thuật phải vì con người, phải bước ra từ cuộc sống của con người, người nghệ sĩ phải biết thông cảm, thấu hiểu muôn mặt của cuộc sống để cho ra những tác phẩm có tác dụng thay đổi, nâng đỡ tâm hồn còn người, làm cho xã hội ngày càng phát triển.
- Nêu dẫn về quan điểm "nghệ thuật vị nhân sinh" của một số nhà văn.
- "không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa" không phải là không có nguyên tắc để đánh giá văn chương mà thực tế nó chỉ cần một nguyên tắc duy nhất là tác phẩm phải hướng đến con người giáo dục, nâng cao tư tưởng tình cảm, củng cố đạo đức, xây dựng nhân cách, làm tâm hồn con người trở nên trong sạch, đẹp đẽ,...

b. Bàn luận

* "tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên":
- Là một tác phẩm mở mang tầm nhận thức của con người, nó có ý nghĩa tích cực, khuyến khích động viên con người, khiến con người ta thấy cuộc sống tràn đầy tươi đẹp, nó kéo con người ta từ chỗ tối tăm tuyệt vọng ra chỗ ánh sáng ngập tràn hy vọng.
- Dẫn con người đến với sự nhận thức rõ ràng về đời sống vật chất và tinh thần, giúp con người ngày càng thêm thấu hiểu giá trị của cuộc sống, nắm bắt được quy luật của tọa hóa từ đó trở nên mạnh mẽ biết nắm bắt cơ hội, biết tự chủ động nắm giữ cuộc đời, thực hiện ước mơ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn.

* Văn chương "gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm":
- Mỗi tác phẩm văn chương đều là kết tinh của một tâm hồn riêng biệt, cách nhìn nhận thế giới và cuộc sống của các nghệ sĩ là khác biệt nhau, ở mỗi một lĩnh vực các tác phẩm văn học đều mang đến cho độc giả những kiến thức, những tình cảm mới mẻ, làm phong phú tinh thần và nhận thức của con người.
- Đọc và học văn cũng ít nhiều làm thay đổi khí chất và phong thái hành xử, con người dần trở nên tinh tế hơn, hoàn thiện hơn cả về nhân cách lẫn tri thức, cùng với các quan điểm thẩm mỹ, thế giới nội tâm, tình cảm.
- Lấy dẫn chứng về việc văn chương "nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm" thông qua các tác phẩm văn học Việt Nam (Văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại).

3. Kết bài

- Nêu cảm nghĩ cá nhân.

 

II. Bài văn mẫu Trình bày quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e

Văn chương là một sản phẩm tinh thần tinh tế chứa đựng tài hoa và trí lực của người làm ra nó, vì thế nên người ta thường đánh giá và nhận định văn chương bằng nhiều tiêu chí, nhiều nguyên tắc phức tạp để phân loại hay dở, đáng thờ hay không đáng thờ, nên trân trọng hay rẻ rúng, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh,... Chín người mười ý, đều khó có thể vẹn toàn, việc sáng tạo ra một tác phẩm được lòng đa số các độc giả đón nhận và đánh giá cao, hay việc tác giả được thừa nhận là một nghệ sĩ trong giới văn chương chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bởi có người dẫu có viết cả hàng tá tác phẩm, những vẫn mãi nhìn cái danh xưng nghệ sĩ bằng đôi mắt buồn rầu, xa tầm tay với, bởi nó vốn dĩ phụ thuộc vào năng lực của người viết. Bàn về vấn đề đánh giá giá trị của tác phẩm và khái niệm về người nghệ sĩ, nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e đã có một nhận định rất mới mẻ: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: Đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra".

Xét từ quan điểm của La Bơ-ruy-e thế nào là một cuốn sách hay và thế nào là một người nghệ sĩ? Đó đều là những khái niệm mà chúng ta phải làm sáng rõ, bởi ở mỗi một giai đoạn khác nhau thì con người ta lại có những nhận định riêng biệt về giá trị của những tác phẩm, mỗi một cá nhân lại có những tư tưởng và cách cảm nhận khác nhau, thế nên bàn về việc hay dở của tác phẩm luôn là điều gây nhiều tranh cãi. Bởi có người cho rằng sách hay thì văn chương phải mạch lạc, câu cú xuôi chèo mát mái, nội dung phải ca ngợi những thứ hoàn mỹ, tuyệt diệu, thanh cao tránh đi những thứ tầm thường, giả dối. Lại cũng có người đơn thuần cho rằng tác phẩm hay thì phải mới lạ, lấy cái sự sáng tạo làm đầu, phải tạo ra được sự đột phá khác biệt, hoặc cũng có người lại thấy rằng văn chương càng bình dị, gần gũi thân thuộc với cuộc sống con người thì càng hay, càng dễ tiếp cận,... Nhưng nổi bật nhất về việc phân định giá trị của các tác phẩm văn học phải kể đến cuộc bút chiến gay gắt giữa hai trường phái "nghệ thuật vị nhân sinh" do Hải Triều đứng đầu và "nghệ thuật vị nghệ thuật" do Hoài Thanh làm bút tướng, sau cùng thứ văn học lấy con người làm trung tâm đã chiến thắng một cách vang dội, và trở thành tiêu chí chung nhất để đánh giá về các tác phẩm văn học. Mà nếu diễn dịch ra thì dùng câu nói của Nguyễn Văn Siêu có lẽ đã đủ rõ ràng: "Văn chương...có loại đáng thờ, có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Một số các nhà văn sau này cũng có những nhận định tương tự về các tác phẩm văn chương thật sự có giá trị, ví như Nguyễn Huy Tưởng viết: "Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì đó nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi", rồi Nam Cao cũng viết: "Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than và nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời", hay những lời tâm đắc của nhà văn Thạch Lam: "Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên ; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Chung quy lại rằng nghệ thuật phải vì con người, phải bước ra từ cuộc sống của con người, người nghệ sĩ phải biết thông cảm, thấu hiểu muôn mặt của cuộc sống để cho ra những tác phẩm có tác dụng thay đổi, nâng đỡ tâm hồn còn người, làm cho xã hội ngày càng phát triển. Quan điểm ấy của giới văn nghệ sĩ Việt Nam không hẹn mà cùng gặp những nét tương đồng trong ý kiến của La Bơ-ruy-e về giá trị của các tác phẩm. Ý "không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa" của La Bơ-ruy-e không phải là không có nguyên tắc để đánh giá văn chương mà thực tế nó chỉ cần một nguyên tắc duy nhất, tác phẩm ấy đã hướng đến con người hay chưa, đã mang lại gì cho cuộc sống của con người, bao gồm việc giáo dục, nâng cao tư tưởng tình cảm, củng cố đạo đức, xây dựng nhân cách, làm tâm hồn con người trở nên trong sạch, đẹp đẽ,... hay chưa mà thôi.

Còn thế nào là một người nghệ sĩ, theo tôi chỉ đơn giản là họ làm ra được một tác phẩm hay đúng nghĩa như trên thì học chính là nghệ sĩ rồi, bởi có tài năng, có sự khéo léo, tâm huyết và tỉ mẩn trong sáng tác, người ta mới có thể thấu hiểu về cuộc sống con người, rồi làm ra những tác phẩm có giá trị nhân văn sâu sắc để thay đổi tam quan của độc giả theo chiều hướng tích cực. "tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên" tức là một tác phẩm mở mang tầm nhận thức của con người, nó có ý nghĩa tích cực, khuyến khích động viên con người, khiến con người ta thấy cuộc sống tràn đầy tươi đẹp, nó kéo con người ta từ chỗ tối tăm tuyệt vọng ra chỗ ánh sáng ngập tràn hy vọng. Có thể nói văn học chính là lối dẫn con người đến với sự nhận thức rõ ràng về đời sống vật chất và tinh thần, giúp con người ngày càng thêm thấu hiểu giá trị của cuộc sống, nắm bắt được quy luật của tọa hóa từ đó trở nên mạnh mẽ biết nắm bắt cơ hội, biết tự chủ động nắm giữ cuộc đời, thực hiện ước mơ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn. Không chỉ gói gọn trong việc nâng cao tinh thần mà văn học chân chính còn có vai trò "gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm", ý này của La Bơ-ruy-e cũng chính là ý tứ trong câu nói nổi tiếng của nhà phê bình văn học Hoài Thanh: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có luyện những tình cảm ta sẵn có". Bởi mỗi tác phẩm văn chương đều là kết tinh của một tâm hồn riêng biệt, cách nhìn nhận thế giới và cuộc sống của các nghệ sĩ là khác biệt nhau, có người đứng giữa tầng lớp nông dân, trí thức, tiểu tư sản bần cùng, nghèo khổ để viết như Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Công Hoan, nhưng cũng có người tìm về thế giới thượng lưu hào nhoáng xa hoa như Vũ Trọng Phụng, có người chuyên trách với đề tài kháng chiến cách mạng và đất nước như Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi,... Có thể nói, ở mỗi một lĩnh vực các tác phẩm văn học đều mang đến cho độc giả những kiến thức, những tình cảm mới mẻ, làm phong phú tinh thần và nhận thức của con người. Đọc và học văn cũng ít nhiều làm thay đổi khí chất và phong thái hành xử, con người dần trở nên tinh tế hơn, hoàn thiện hơn cả về nhân cách lẫn tri thức, cùng với các quan điểm thẩm mỹ, thế giới nội tâm, tình cảm. Người nóng nảy, bộp chộp quay về bình tâm, trầm lắng, người vụng về, hậu đậu cũng dần ý thức để trở nên tinh tế khéo léo hơn, không chỉ thế văn chương còn ngấm ngầm giáo dục cho con người ta cái tính cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử trước sau. Chung quy lại vẫn quay về với một câu nói thật hay của nhà văn hiện thực Nam Cao "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình...Nó làm cho người gần người hơn", văn học chỉ cần đạt được nhiêu đấy thôi thì cũng đã đủ là một tuyệt phẩm và người sáng tác ra nó ắt hẳn phải là một nghệ sĩ tài ba.

Tính đúng đắn trong quan điểm của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e, có thể dùng cả chặng đường văn học của nhân dân ta để chứng minh. Trước hết là nói về nền văn học dân gian, đậm chất truyền thống của dân tộc Việt Nam phổ biến nhất là ca dao, tục ngữ, những câu hát than thân ông cha ta dùng để làm tư liệu truyền miệng giáo dục cho con cháu. Chất liệu văn hóa dân gian đã lưu truyền từ suốt mấy ngàn năm nay đã giúp giáo dục và nâng cao tinh thần của con người, rèn luyện cho nhân dân ta những tình cảm đáng quý trong gia đình, trong cộng đồng, tình yêu quê hương đất nước,... Ví như nó nhắc nhở con người về lòng biết ơn "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", ca ngợi tình cảm vợ chồng sắt son mặn nồng với "gừng cay muối mặn", nhắc nhở con cái lòng hiếu nghĩa với cha mẹ trong "công cha như núi thái sơn/nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra",... Không chỉ có ca dao tục ngữ, mà truyện cổ tích hay truyền thuyết cũng mang nhiều ý nghĩa giáo dục lớn ví như truyền thuyết Lạc Long Quân - u Cơ nhằm ca ngợi nguồn gốc dân tộc, những câu chuyện như Tấm Cám, Sọ Dừa giáo dục con người chân lý ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, Sơn Tinh Thủy Tinh ca ngợi tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của nhân dân ta trong quá trình chế ngự sức mạnh của thiên nhiên, hoặc Thánh Gióng là ca ngợi vẻ đẹp của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm,... Tất cả đều có một ý nghĩa giáo dục và khích lệ tinh thần độc giả nhất định, thế nên chúng xứng đáng được xem là những tác phẩm hay có giá trị đến muôn đời sau.

Bước vào nền văn học trung đại, văn chương đã trở nên có lề lối, khuôn mẫu và chuẩn mực thế nhưng nó vẫn không thoát khỏi cái thước đo giá trị dựa vào việc nó có hướng đến con người, có mang tính giáo dục, tính nhân văn sâu sắc hay không. Xét thấy thời này nổi tiếng nhất phải kể đến Truyện Kiều đại kiệt tác của nền văn học Việt Nam, với đầy đủ những giá trị nổi bật, từ việc tố cáo chế độ phong kiến nhiều bất công, thương cảm cho thân phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh, đến việc ca ngợi, trân trọng những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tất cả đều đánh động đến tâm can người đọc, mở ra trong tâm hồn mỗi con người một nhận thức mới về thời đại cũ, khiến con người ta biết đồng cảm biết thương xót cho số phận của những con người bất hạnh hơn. Ngoài Truyện Kiều thì một loạt các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu cũng mang những giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc hướng con người đến cái thiện bài trừ cái ác, thúc đẩy con người sống chính trực, thẳng thắn, đề cao con người tài hoa, dũng cảm.

Đó là văn học trung đại, khi bước sang nền văn học hiện đại các tác phẩm văn chương lại càng có thêm nhiều không gian để phát triển, bởi nó đã buông bỏ cái xiềng xích cổ hủ của nề nếp phong kiến cũ để tự do sáng tạo. Người ta thấy một Xuân Diệu với triết lý nhân sinh sâu sắc, ý thức về sự chảy trôi của thời gian rõ rệt, thúc đẩy tinh thần ham sống, sự nhiệt huyết, quý trọng thanh xuân của nhiều người trẻ, thấy một Xuân Quỳnh với những nhận thức về tình yêu lứa đôi dịu dàng và chân thực, mở mang tâm hồn của con người trong khía cạnh tình cảm trai gái. Nhưng có lẽ nổi bật nhất để chứng minh cho câu nói của La Bơ-ruy-e, phải kể đến cách nhà văn hiện thực trước cách mạng, những tác phẩm lần lượt ra đời như Chị Dậu, Chí Phèo, Lão Hạc, Đời Thừa, Sống mòn, Vợ nhặt, Số đỏ, Vợ chồng A Phủ,... đều có một vai trò chung mà theo như cách nói của Thạch Lam ấy là nó "tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Đó là nền văn học hiện thực, chuyển sang nền văn học mang khuynh hướng trữ tình chính trị hoặc khuynh hướng sử thi nó lại cũng mang những giá trị riêng biệt hướng đến con người, ấy là củng cố tình yêu quê hương đất nước, khích lệ tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc giành lại độc lập cho dân tộc. Kế đến là những tác phẩm vào giai đoạn sau khi đất nước hoàn toàn độc lập, ví dụ như Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu lại cho người ta thấy một khía cạnh khác của cuộc sống rằng chính nghĩa không phải lúc nào cũng giải quyết được tất cả mọi việc, người đàn bà làng chài chấp nhận chịu bị bạo hành, chứ không chịu ly hôn là vì cuộc sống của gần mười đứa con nhỏ, nó cũng giáo dục cho mỗi chúng ta một chân lý ấy là chẳng có cái vẻ đẹp nào là hoàn mỹ, toàn bích cả, nghệ thuật thực sự phải bước ra từ chính cuộc sống của con người. Hay đến Hai đứa trẻ của Thạch Lam kể về cuộc sống nghèo nàn nơi phố huyện, cùng với chuyến tàu đêm đã gợi ra cho độc giả những suy nghĩ về niềm tin, niềm hy vọng thay đổi cuộc đời của những con người như chị em Liên, ca ngợi sức sống tiềm tàng và vẻ đẹp tiềm tàng trong tâm hồn của những con người bình thường giống như nhân vật chính. Và khi đọc những tác phẩm trên, chúng ta cũng dần biết đồng cảm, thấu hiểu cuộc sống của những nhân vật trong tác phẩm, rồi thông qua những thông điệp ý nghĩa mà tác phẩm truyền tải để làm mới, củng cố và xây dựng tâm hồn mình.

Cuối cùng tôi muốn trích một câu nói của Thạch Lam rằng: "Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng,thương yêu hơn", người nghệ sĩ không cần phải là người thợ khéo tay, ưng làm ra những tác phẩm chuộng hình thức mà quan trọng cái mà họ sáng tác ra phải đem đến cho cuộc đời, cho xã hội những giá trị có tính giáo dục, có tính thẩm mỹ làm thay đổi, cải tạo và nâng đỡ tâm hồn của con người. Chỉ có như vậy thì tác phẩm ấy mới thực sự là một cuốn sách hay và tác giả là một nghệ sĩ đáng quý trọng muôn đời.

-----------------HẾT-------------------

Sau khi tìm hiểu xong bài Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: "Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên ...các em học sinh có thể tham khảo bài văn mẫu cho một số đề bài khác thuộc phạm vi bài tập làm văn số 5, Ngữ văn lớp 12 như: Trong một bức thư bàn luận về văn chương, Nguyễn văn Siêu có viết: "Văn chương (...) có loại đáng thờ, có loại ko đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người". Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên, Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: "Phong cách chính là người." Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?, Nền văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945 là "Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn". Anh (Chị) hãy trình bày ý kiến của mình về nhận định trên, Vì sao có thể nói văn học chân chính có khả năng nhân đạo hóa con người? Liên hệ thực tế văn học.

Nếu các em vẫn chưa biết bày tỏ quan điểm về ý kiến: Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý... như thế nào cho hay, đúng trình tự của một bài văn nghị luận và thuyết phục người đọc, vậy em có thể tham khảo một số cách viết dưới đây của chúng tôi.

ĐỌC NHIỀU