1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" và nhân vật chính Vũ Nương.
2. Thân bài:
a) Giới thiệu về nhân vật Vũ Nương:
- Là nhân vật chính của câu chuyện, tên thật là Vũ Thị Thiết.
- Là một người phụ nữ đức hạnh nhưng phải chịu số phận bi kịch.
b) Vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương:
- Người vợ thủy chung, son sắt:
+ Vì biết chồng có tính hay ghen nên nàng luôn giữ gìn khuôn phép.
+ Khi tiễn chồng ra trận, nàng không mong vinh hoa phú quý mà chỉ cần chồng bình yên trở về.
+ Trong ba năm chồng đi lính, nàng một mình chăm con, chung thủy đợi chờ.
- Vừa là người mẹ hiền, vừa là đứa con dâu hiếu thảo:
+ Hết mực chăm sóc mẹ chồng, chạy chữa thuốc thang, lễ bái thần phật. Nàng còn lo chu toàn việc ma chay tế lễ cho mẹ chồng như "đối với cha mẹ đẻ mình".
+ Một mình chăm sóc và nuôi dạy đứa con nhỏ; dùng cái bóng của mình để tạm thời thay thế hình ảnh người cha trong tâm trí của con.
- Một con người trọng danh dự, sống tình nghĩa, vị tha:
+ Hết mực thanh minh khi bị vu oan là thất tiết.
+ Chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân.
+ Khi được giải oan, nàng vẫn chọn từ biệt chồng con, trở về thủy cung để báo đáp ơn cứu mạng của Linh Phi.
c) Số phận của nhân vật Vũ Nương:
- Chung thủy, hết lòng vì gia đình nhưng lại bị chồng nghi oan là thất tiết.
- Đến khi được giải oan thì lại chẳng thể trở về dương thế nữa.
=> Tác giả giữ nguyên cái bi kịch để phản ánh thực tế, lên án xã hội nam quyền độc đoán, bất công đã đẩy người phụ nữ vào chỗ chết.
3. Kết bài:
- Khái quát lại cảm nhận về nhân vật Vũ Nương.
Vũ Nương là một trong những nhân vật tiêu biểu, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam thời trung đại. Nàng tên thật là Vũ Thị Thiết, có tiếng với tướng mạo đoan trang, "tư dung tốt đẹp". Ở nàng quy tụ vô số những đức tính đáng quý. Đầu tiên phải kể đến lòng thủy chung, son sắt với tư cách một người vợ. Ý thức được chồng mình có tính hay ghen, nàng luôn hết mực giữ gìn phẩm giá, không để xảy ra mâu thuẫn trong nhà. Khi tiễn chồng ra trận, nàng đã bày tỏ nỗi lòng mình, không cầu vinh hoa phú quý, chỉ cần chồng bình an trở về. Trong ba năm Trương Sinh đi lính, không lúc nào Vũ Nương ngưng đợi chờ, nhớ mong. Không chỉ vậy, nàng còn hết mực chăm sóc đứa con nhỏ cùng người mẹ chồng đau ốm. Vũ Nương vun vén, tần tảo gánh vác cả gia đình. Ấy vậy mà nàng phải chịu cái danh thất tiết. Bị người chồng đầu ấp tay gối vu cho tội thất tiết,Vũ Nương đã không ngừng giải thích, cố gắng minh oan cho bản thân. Thậm chí, nàng đã chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch. Đến lúc được giải oan, vì chịu ơn Linh Phi, Vũ Nương nguyện ở lại dưới thủy cung để báo đáp ân tình. Nàng sáng lên với vẻ đẹp của sự vị tha, bao dung cùng tình yêu thương lớn lao dành cho gia đình. Qua đó, Nguyễn Dữ cũng đã thể hiện sự trân trọng cũng như thương xót dành cho người phụ nữ trong xã hội nam quyền đầy bất công.
------------------------
Hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm các bài văn mẫu lớp 9 khác như: Bài văn Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích vẻ đẹp và số phận bi kịch của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương; Ý nghĩa cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương....
"Truyền kì mạn lục" là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam thời trung đại. Với thiên truyện thứ mười sáu mang tên "Chuyện người con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ đã khắc họa thành công hình ảnh của Vũ Nương. Nàng đã hiện lên cùng bao phẩm chất đáng quý. Từ đó, thể hiện thái độ hết sức trân trọng và yêu thương của tác giả dành cho những người phụ nữ trong xã hội xưa.
Vũ Nương được giới thiệu là một người phụ nữ "tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Tuy nhiên, nàng lại là "con kẻ khó". Trương Sinh - chồng nàng, xuất thân trong gia đình giàu có, nhưng lại là kẻ ít học. Có lẽ, chính sự khác biệt đó là nguồn cơn gây ra bi kịch của người phụ nữ này.
Trước tiên, Vũ Nương hiện lên là một người vợ tần tảo, thủy chung, yêu thương gia đình. Biết chồng có tính hay ghen, nàng hết mực giữ gìn khuôn phép, "không từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa". Trước khi chồng đi tòng quân, nàng rót chén rượu mà trải lòng: "chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm", chỉ mong chồng mình có thể bình yên mà trở về. Hạnh phúc mà nàng hướng đến chính là sự sum vầy, đoàn tụ của gia đình.
Tiếp đó, có thể thấy Vũ Nương là người con dâu hiếu thảo cũng như một người mẹ hết mực thương yêu con. Chồng đi lính, một mình Vũ Nương phải gánh vác tất cả việc lớn nhỏ trong nhà. Nàng hết lòng chăm sóc mẹ chồng, vừa thuốc thang, vừa cúng bái thần phật khi bà đau ốm. Điều này được thể hiện qua lời bà mẹ dành cho đứa con dâu hiếu thuận: "Sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Bên cạnh đó, Vũ Nương đã lấy cái bóng của mình để khỏa lấp chỗ trống của người cha trong lòng đứa con thơ. Nàng luôn muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho đứa con thơ. Chỉ một vài chi tiết đó thôi cũng đủ thấy được Vũ Nương là người phụ nữ đức hạnh, hiếu thuận, giàu tình yêu thương.
Ngoài ra, Vũ Nương còn là một con người trọng danh dự, sống ơn nghĩa, có trước có sau. Khi bị chồng nghi ngờ, nàng đã hết lời giải thích. Nàng đau khổ khi bao công sức mình bỏ ra để vun vén cho gia đình giờ đây phải đổ vỡ. Trương Sinh gán cho vợ cái danh thất tiết - một tội lỗi tày đình đối với người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Để chứng minh sự trong sạch, nàng không còn cách nào khác ngoài lựa chọn quyên sinh. Đây là hành động vô cùng quyết liệt, thể hiện quyết tâm lấy lại danh dự của Vũ Nương. Đến khi được giải oan, nàng cũng không lựa chọn trở về đoàn tụ bên chồng con. Nàng đã chịu ơn cứu mạng của Linh Phi, "thề sống chết không bỏ". Đó chính lối sống ơn nghĩa đáng quý mà ta thấy được ở nhân vật.
Vậy nhưng số phận của người phụ nữ đức hạnh ấy lại gặp đầy bi kịch. Chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa con nhỏ, Trương Sinh đã vô cớ nghi oan cho vợ mình. Vũ Nương bị chồng mắng nhiếc, đuổi đánh dù đã hết mực giải thích. Chính sự gia trưởng, ghen tuông vô cớ của người đàn ông đã gây nên cái chết đầy thương tâm của người phụ nữ. Ở đoạn cuối truyện, nàng được giải oan - một cái kết có hậu. Nhưng dường như kết thúc đó vẫn ẩn chứa bi kịch đau đớn: Vũ Nương không trở về đoàn tụ với chồng con mà lựa chọn ở lại dưới thủy cung. Đây chính là cách tác giả lên án xã hội phong kiến đầy rẫy bất công.
Có thể nói, Vũ Nương chính là hình mẫu tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nàng xinh đẹp, đức hạnh, hết lòng với gia đình, lại thêm sự trọng danh dự, sống thủy chung, ơn nghĩa. Qua nhân vật, tác giả đã thể hiện sự trân trọng cũng như xói thương cho những con người nhỏ bé. Đồng thời, chê trách chế độ nam quyền hà khắc, cổ hủ.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi phân tích nhân vật Vũ Nương, em nên chú ý đến các lời thoại để thấy rõ hơn vẻ đẹp của nhân vật này nhé. Điều này giúp bài văn của em đầy đủ, đạt điểm cao hơn.