1. Mở đoạn: Giới thiệu bài thơ, nỗi nhớ thương mẹ của người con trong bài thơ.
2. Thân đoạn:
* Nỗi nhớ thương mẹ của người con trong bài thơ.
- Hoàn cảnh gợi nhắc khiến người con nhớ về mẹ của mình.
- Hình ảnh người mẹ trong ký ức người con.
- Nhận xét về tình cảm của tác giả dành cho mẹ.
* Nghệ thuật:
- Nhận xét về tác dụng của thể thơ, ngôn ngữ thơ, nhịp điệu,... trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ.
3. Kết đoạn: Nêu cảm xúc, suy nghĩ về nỗi nhớ thương mẹ của người con trong bài.
1. Đoạn văn mẫu nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp số 1
Bài thơ "Gặp lá cơm nếp" của nhà thơ Thanh Thảo đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc bởi nỗi nhớ thương của người con dành cho mẹ. Hình ảnh người lính "xa nhà đã nhiều năm", trên đường hành quân vô tình gặp lá cơm nếp đã nhớ tới hương vị của bát xôi mùa gặt. Thèm bát xôi mùa gặt, người con lại nhớ về người mẹ kính yêu. Trong kí ức của con, mẹ đảm đang, tần tảo "nhặt lá về đun" để làm nên những bữa cơm. Mẹ luôn là ánh sáng soi đường, đồng hành cùng con trên bước hành trình dài phía trước. Nhớ về mẹ, người lính thổn thức trong lòng hương vị quê hương. Nhớ về mẹ, con lại tha thiết, sâu lắng trong tình yêu chia đều "mẹ già và đất nước". Mẹ cũng như cội nguồn, đất nước, dân tộc, là nơi che chở và nuôi nấng con mỗi ngày. Việc sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh thơ gần gũi, nhà thơ Thanh Thảo đã giúp chúng ta cảm nhận sâu sắc tình cảm của người lính dành cho mẹ. Và qua đó, nỗi nhớ thương của người con với mẹ càng thêm in sâu và để lại nhiều cảm xúc ấm áp trong tâm hồn bạn đọc. Từ nỗi nhớ thương người mẹ, người lính cũng bày tỏ tình cảm tha thiết với quê hương, đất nước.
2. Đoạn văn mẫu nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp số 2
Đọc bài thơ "Gặp lá cơm nếp", ta không khỏi xúc động trước nỗi nhớ thương của người lính dành cho mẹ. Nhà thơ Thanh Thảo đã hết sức khéo léo khi đặt nhân vật người con vào hoàn cảnh đặc biệt "xa nhà đã mấy năm". Trong buổi hành quân ra trận ấy, người con gặp lá cơm nếp rồi trong lòng lại thấy "thèm bát cơm mùa gặp". Nhớ về tới món ăn quen thuộc ấy, con lại bồi hồi nhớ về mẹ. Con nhớ tới đôi bàn tay đảm đang, chăm chút mỗi bữa cơm nếp hay bát xôi mùa gặt. Mẹ tần tảo nuôi con lớn lên mỗi ngày. Mẹ chăm chút cho bữa cơm gia đình ấm cúng. Hay đó còn là hình bóng mẹ cần cù, chịu thương chịu khó khi "nhặt lá về đun bếp". Mỗi giây phút nghĩ về mẹ, con lại nhớ thương "mùi vị quê hương", lại thêm "chia đều nỗi nhớ thương" giữa mẹ và đất nước. Tình yêu thương mẹ song hành với tình yêu đất nước. Mẹ là điểm tựa vững chắc để con hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ non sông đất nước. Bài thơ tuy được viết theo thể thơ năm chữ, ngôn ngữ bình dị nhưng đã khắc họa thành công tình cảm thiêng liêng của người con. Để rồi, tình cảm cùng nỗi nhớ thương với mẹ sẽ luôn sống mãi trong lòng bạn đọc.
3. Đoạn văn mẫu nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp số 3
Nhà thơ Thanh Thảo đã rất tinh tế khi khắc họa nỗi nhớ thương của người con qua bài thơ "Gặp lá cơm nếp". Hoàn cảnh của người con thật đặc biệt khi "xa nhà đã mấy năm" để lên đường, đi vào trận chiến. Trong giây phút gặp lá cơm nếp, nhìn hương khói bay ngang tầm mắt, con lại thèm bát xôi mẹ làm mùa gặt. Để rồi, tâm trí của con lại choáng ngợp hình bóng mẹ. Mẹ hiện lên với đôi bàn tay cần cù, đảm đang đã nuôi lớn con từ những bữa cơm. Theo dòng chảy nỗi nhớ mẹ, con lại dâng trào cảm xúc khi nghĩ tới "mùi vị quê hương" đã xây đắp tâm hồn con, lại thêm yêu mẹ như tình yêu với quê hương, đất nước. Tình yêu thương của con đối với mẹ cũng thiêng liêng, cao cả như tình yêu non sông Tổ quốc. Những câu thơ ngắn gọn, hình ảnh thơ giản dị đã gợi lên trong lòng người đọc bao cảm xúc lắng đọng. Nỗi nhớ thương của người con tới mẹ trong bài thơ sẽ mãi trở thành một biểu tượng đẹp về tình mẫu tử.
4. Đoạn văn mẫu nêu cảm nghĩ về tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp số 4
Tác giả Thanh Thảo với ngòi bút đầy cảm xúc đã viết nên nỗi nhớ thương sâu sắc của người con dành cho mẹ qua bài thơ "Gặp lá cơm nếp". Người con trong suốt khoảng thời gian "xa nhà đã mấy năm" vẫn luôn nhớ về bát xôi mùa gặt của mẹ. Trên đường hành quân ra trận, người con năm nào trở thành người lính dũng cảm, bắt gặp hình ảnh lá cơm nếp mà xúc động nhớ tới món ăn quen thuộc nơi quê nhà. Mỗi khi hồi tưởng lại dòng kí ức, con lại thấy bóng dáng mẹ tần tảo trong chiều "nhặt lá về đun bếp", chăm chút trong bữa cơm nếp ấm nóng. Nghĩ về mẹ, con lại nhớ thương dư vị quê hương chảy sâu trong tâm hồn, con lại thêm yêu mẹ như yêu đất nước. Tình yêu của con dành cho mẹ sẽ mãi song hành với tình yêu quê hương, đất nước. Với con, mẹ mãi là ánh sáng sưởi ấm, là dòng chảy của ấm áp yêu thương, là điểm tựa cho con trên bước đường phía trước. Bài thơ với cách gieo vần chân, kết hợp với hình ảnh thơ mộc mạc, gần gũi đã khơi dậy trong tâm hồn bạn đọc về tình cảm thiêng liêng của người con nơi xa dành cho mẹ. Và nỗi nhớ thương của con tới mẹ sẽ luôn nồng cháy như bếp lửa "thổi cơm nếp" mỗi chiều của mẹ.
Hi vọng các đoạn văn tham khảo trên đây sẽ giúp ích em trong việc soạn bài Gặp lá cơm nếp. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu lớp 7 khác để học tốt môn Ngữ văn này:
- Cảm nghĩ về mẹ
- Ghi lại cảm xúc về bài thơ Gặp lá cơm nếp
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)