I. Dàn ý:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Nêu cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả.
- Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả có trong bài thơ:
+ Yếu tố tự sự: Em bé kể lại câu chuyện tưởng tượng về cuộc hội thoại giữa mình với mây và sóng.
+ Yếu tố miêu tả: từ ngữ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật: "bình minh vàng", "vầng trăng bạc", "bầu trời xanh thẳm".
- Chỉ ra tác dụng của yếu tố tự sự và miêu tả:
+ Mô tả một cách sinh động, gần gũi những sự vật, hiện tượng, gợi cho người đọc những liên tưởng độc đáo.
+ Mở ra thế giới của trẻ thơ với sự thơ ngây, đáng yêu.
+ Em bé trong bài thơ mượn câu chuyện tưởng tượng về cuộc trò chuyện giữa mây và sóng để thể hiện tình yêu thương dành cho mẹ của mình.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo:
Đọc bài thơ "Mây và sóng" của Ta-go, em không khỏi ấn tượng với tình yêu hồn nhiên của trẻ thơ. Hình tượng trung tâm là nhân vật em bé đã kể lại câu chuyện tưởng tượng của mình qua cuộc hội thoại với mây và sóng. Đứng trước lời mời hấp dẫn của mây và sóng về những trò vui, em vô cùng băn khoăn, ngẫm nghĩ. Đến cuối cùng, em đều từ chối và nói rằng mình cần quay trở về với mẹ. Để mở ra thế giới của trẻ thơ, bên cạnh việc xây dựng một câu chuyện hấp dẫn, ông còn sử dụng rất nhiều những từ ngữ miêu tả: "bình minh vàng", "vầng trăng bạc", "bầu trời xanh thẳm",... Những từ ngữ này không chỉ thể hiện sinh động hiện tượng tự nhiên mà còn làm nổi bật tình cảm em bé dành cho mẹ. Có thể thấy, Ta-go là một nhà thơ của trẻ nhỏ và dùng ngôn ngữ mộc mạc để bộc lộ, bày tỏ những tình cảm chân thành, thuần khiết đến người mẹ kính yêu.
I. Dàn ý:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Nêu cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả.
- Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả có trong bài thơ:
+ Yếu tố tự sự: Tác giả đã kể lại câu chuyện về sự hình thành và phát triển của con người theo dòng thời gian (từ lúc trẻ em được sinh ra chưa có cành cây ngọn cỏ cho đến khi đạt đến sự tiến bộ, văn minh với sự xuất hiện của bàn ghế, trường lớp,...).
+ Yếu tố miêu tả: từ ngữ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật, hiện tượng: "trái đất trụi trần", "không dáng cây ngọn cỏ", "chỉ toàn là bóng đêm", "không khí chỉ màu đen", "Mắt trẻ con sáng lắm",...
- Chỉ ra tác dụng của yếu tố tự sự và miêu tả:
+ Mô tả một cách sinh động, gần gũi những sự vật, hiện tượng.
+ Gợi cho người đọc những liên tưởng độc đáo về sự sinh sôi, nảy nở để phục vụ cho sự phát triển của trẻ em.
+ Thông qua câu chuyện cổ tích về loài người, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện thái độ thương yêu đối với trẻ em.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo:
Trong bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người", nhà thơ Xuân Quỳnh đã cho em cảm nhận về một thế giới vô cùng mộng mơ, gần gũi. Tác giả kể lại câu chuyện về sự hình thành và phát triển của trẻ em theo dòng thời gian: từ lúc trái đất trần trụi, chưa có cây cỏ, đến sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật rồi cuối cùng là cuộc sống văn minh, tiến bộ với sự xuất hiện của bàn ghế, trường lớp. Ban đầu, các sự vật như: mặt trời, chim, sông và biển đã thúc đẩy khả năng cảm nhận về thế giới của trẻ. Tiếp đó, sự xuất hiện của các thành viên là mẹ, bà, bố góp phần nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều tập trung cho hành trình khôn lớn của trẻ em. Để gợi cho người đọc những liên tưởng độc đáo và mô tả một cách sinh động thế giới tự nhiên, con người, nhà thơ đã sử dụng rất nhiều từ ngữ giàu sức gợi: "trụi trần", "bóng đêm", "màu đen", "sáng", "nhô cao", "màu xanh", "cao",... Thông qua "Chuyện cổ tích về loài người", em cảm nhận được sự trân trọng, thương yêu của nhà thơ Xuân Quỳnh đối với trẻ em.
I. Dàn ý:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Nêu cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả.
- Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả có trong bài thơ:
+ Yếu tố tự sự: Em bé kể lại câu chuyện tưởng tượng về một ngôi trường trong lòng đất của các loài hoa.
+ Yếu tố miêu tả: từ ngữ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật: mây dông, mưa hè, hoa, dải đất, lớp học...
- Chỉ ra tác dụng của yếu tố tự sự và miêu tả:
+ Mô tả một cách sinh động, gần gũi những sự vật, hiện tượng gợi cho người đọc những liên tưởng độc đáo.
+ Em bé trong bài thơ mượn câu chuyện của hoa để bày tỏ tình yêu của mình đối với mẹ từ đó thể hiện tình mẫu tử gắn kết, thiêng liêng.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo:
Nhà thơ Ta-go là nhà thơ của tình yêu thương muôn loài. Em vô cùng ấn tượng với bài thơ "Trường hoa" của ông. Ta-go đã sáng tạo hình tượng em bé và mượn câu chuyện của hoa để bày tỏ tình yêu của mình đối với mẹ. Đó là tình mẫu tử sâu nặng, gắn kết và vô cùng thiêng liêng. Để làm nổi bật chủ đề, nhà thơ Ta-go sử dụng biện pháp nhân hóa: "Dải đất hoang thổi kèn trong rặng tre", từng bầy hoa đến nhảy múa say vui trên thảm cỏ, "hoa đi học trong lòng đất",... cùng các từ ngữ miêu tả đặc điểm của sự vật như "mây dông ù ù", "mưa hè rào rào đổ xuống", "gió đông thổi tới lững thững",... Từ đó, tác giả muốn miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên đầy sinh động và khắc họa sự đáng yêu, hồn nhiên của cả hoa và các em bé. Ngôn ngữ thơ tinh tế cùng câu chuyện hấp dẫn mà Ta-go dày công xây dựng đã khơi gợi trong em những liên tưởng sống động về thế giới trẻ thơ. Qua cái nhìn thân thương của tác giả, trẻ em hiện lên với sự dễ thương, trong sáng như những thiên sứ đem tình yêu lan tỏa đến mọi người.
I. Dàn ý
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
- Nêu cảm xúc về bài thơ có yếu tố tự sự và miêu tả.
- Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả có trong bài thơ:
+ Yếu tố tự sự: Bạn nhỏ kể cho mẹ về những chiếc cầu được gợi lên từ bức ảnh cây cầu mới hoàn thiện của người cha.
+ Yếu tố miêu tả: từ ngữ miêu tả đặc điểm, tính chất của sự vật: "câu tơ nhỏ", "cầu ngọn gió", "trời cao", "vệt xanh vệt đỏ", "trời sắp mưa khói trắng hơn mây",...
- Chỉ ra tác dụng của yếu tố tự sự và miêu tả:
+ Mô tả một cách sinh động, gần gũi những sự vật, hiện tượng.
+ Thông qua bức ảnh cây cầu của người cha gửi cho con, tác giả muốn bày tỏ tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình từ đó đặt trong mối quan hệ với tình yêu quê hương, đất nước.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo
Nhà thơ Phạm Tiến Duật đã đem lại cho em những cảm nhận vô cùng sâu sắc qua tác phẩm "Cái cầu". Bài thơ như một câu chuyện kể về việc bạn nhỏ chia sẻ cho mẹ những chiếc cầu được gợi lên từ bức ảnh cây cầu của người cha. Tấm hình đã khơi gợi những liên tưởng vô cùng phong phú như "nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ", "con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió", "con kiến qua ngòi bắc cầu lá tre", "yêu cái cầu vồng khi trời nổi gió, "cái cầu tre bắc qua sông máng", "cái cầu treo lối sang bà ngoại", "cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ". Đây đều là những hình ảnh giản dị, thân thuộc, gần gũi với đời sống thường ngày của nhân vật trữ tình. Những từ ngữ gợi hình gợi cảm: "nhỏ", "cao", "vệt xanh vệt đỏ, "trắng hơn mây", "nặng","vàng",... góp phần mô tả một cách sinh động sự vật, hiện tượng. Thông qua bức ảnh cây cầu của người cha gửi cho con, tác giả muốn bày tỏ tình cảm gắn kết giữa các thành viên trong gia đình từ đó đặt chúng trong mối quan hệ với tình yêu quê hương, đất nước.
.....................................................Hết...................................................
Cả bốn bài thơ "Chuyện cổ tích về loài người" của Xuân Quỳnh, "Mây và sóng", "Trường hoa" của Ta-go và "Cái cầu" của Phạm Tiến Duật đã gửi gắm những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình và tình yêu quê hương, đất nước. Ngoài đoạn văn mẫu trên, các em có thể tiến hành phân tích văn bản để thấy được vẻ đẹp của bài thơ và có thêm kĩ năng viết bài.
Các bài văn mẫu lớp 6 khác:
- À ơi tay mẹ: Tác giả, thể loại, bố cục, nội dung, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ
- Soạn bài À ơi tay mẹ, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6 - Cánh Diều