1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật Mên.
2. Thân bài:
* Chỉ ra đặc điểm của nhân vật Mên:
- Mên là cậu bé có tấm lòng nhân ái và tình yêu thương với động vật, biết trân trọng sự sống, được thể hiện qua:
+ Lời nói: nói chuyện với Mon vì lo lắng đàn chim chìa vôi bị nước cuốn đi.
+ Hành động: trong đêm tối, quyết định chèo đò để có thể cứu giúp đàn chim.
+ Cảm xúc: vui mừng, hạnh phúc và rơi nước mắt vì chứng kiến cảnh tượng đàn chim non thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trong đời.
* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Khắc họa nhân vật thông qua lời nói và hành động cụ thể.
- Ngôn từ giản dị, trong sáng, gần gũi với trẻ thơ.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Nhà văn bày tỏ thái độ nâng niu, ca ngợi tình yêu thiên nhiên, biết trân trọng sự sống của trẻ thơ.
- Gửi gắm bài học về việc sống giao hòa với thiên nhiên.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
"Bầy chim chìa vôi" là một tác phẩm nổi bật trong vô vàn sáng tác của nhà văn Nguyễn Quang Thiều. Truyện đã khắc họa thành công nhân vật Mên với tấm lòng nhân ái, tâm hồn trong sáng, hồn nhiên.
Hai giờ sáng là khoảng thời gian tất cả mọi người đã yên giấc ngủ thì Mên vẫn còn trằn trọc, thao thức. Khi thấy em trai quay qua hỏi chuyện nước sông lên, bên ngoài Mên tỏ ra cáu gắt nhưng tận sâu trong lòng, cậu lại lo lắng hơn bao giờ hết. Cậu lo đàn chim non ở giữa bãi cát sẽ bị cuốn trôi mất. Cuối cùng, trong thời tiết mưa gió và đêm tối, cậu quyết định cùng em lấy đò để đi ra đoạn sông. Có thể nói, những hành động và lời nói của Mên đã cho thấy cậu có tình yêu dành cho những sinh linh bé nhỏ.
Chứng kiến khoảnh khắc bầy chim chìa vôi bứt mình ra khỏi dòng nước chảy xiết, Mên đã đứng lặng người mà chẳng thể thốt lên lời nào. Giây phút đàn chim non thực hiện thành công chuyến bay trong đời, cậu hạnh phúc đến nỗi bật khóc. Cậu vui sướng đến mức chẳng nhận ra bản thân đã rơi nước mắt từ lúc nào. Từ đây, ta càng thêm yêu quý tấm lòng nhân ái, biết trân trọng sự sống ở Mên. Cậu cảm nhận mọi thứ xung quanh đời sống bằng tâm hồn nhạy cảm, trái tim đong đầy yêu thương.
Bằng việc sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, gần gũi với trẻ em, nhà văn đã khắc họa chân thực tấm lòng, vẻ đẹp trong trẻo của trẻ thơ. Bên cạnh đó, việc miêu tả nhân vật thông qua lời nói và hành động cụ thể cũng góp phần xây dựng thành công tính cách, tâm trạng nhân vật Mên.
Qua truyện "Bầy chim chìa vôi", ta càng thêm yêu mến tâm hồn trong trẻo, tấm lòng nhân hậu ở những đứa trẻ như Mên. Từ đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ thái độ nâng niu, ca ngợi tình yêu thiên nhiên, biết trân trọng sự sống của trẻ thơ. Đồng thời, gửi gắm bài học về việc sống giao hòa với thiên nhiên.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.
2. Thân bài:
* Nêu đặc điểm của nhân vật Mon:
- Lời nói và hành động của Mon cho thấy tình yêu động vật cùng tấm lòng trân trọng sự sống:
+ Lời nói: Mon liên tục đặt ra những câu hỏi cho Mên với mong muốn biết được tình hình bên ngoài và sự an toàn của bầy chim chìa vôi.
+ Hành động: Mon mặc kệ đêm khuya, mưa lớn, quyết định ra bờ sông cùng anh để cứu bầy chim.
* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Lời nói và hành động góp phần khắc họa nhân vật một cách chân thực, sống động.
- Hình ảnh gần gũi, thân quen.
- Ngôn từ giàu sức gợi.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Qua nhân vật Mon, tác giả bày tỏ thái độ ngợi ca tình yêu thiên nhiên và trân trọng sự sống đầy vô tư, hồn nhiên của trẻ thơ.
3. Kết bài:
- Khái quát và đánh giá về nhân vật.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã ghi dấu trong lòng độc giả nhỏ tuổi bằng tác phẩm "Bầy chim chìa vôi". Chắc hẳn, bất cứ ai khi lật giở từng trang sách của ông đều không thể quên được nhân vật cậu bé Mon. Mon hiện lên với vẻ đẹp của tình yêu thương động vật và tấm lòng trân trọng sự sống.
Để làm nổi bật sự nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn của Mon, tác giả mở đầu câu chuyện bằng đoạn hội thoại giữa Mon và Mên lúc 2 giờ sáng. Bất chợt Mon thức giấc, trở mình gọi anh "Anh Mên ơi, anh Mên!". Ngay sau đó, cậu liên tục hỏi Mên về tình hình bên ngoài với hàng loạt câu nghi vấn: "Anh bảo mưa có to không?", "Nhưng anh bảo nước sông lên có to không?", "Thế bãi cát giữa sông đã ngập chưa?", "Thế anh bảo chúng nó có bơi được không?". Mon lo sợ nước sông lên cao sẽ nhấn chìm và làm chết bầy chim chìa vôi non ở dải cát "Em sợ những con chim chìa vôi non bị chết đuối mất". Chốc chốc, Mon lại thì thào hỏi anh "Anh đã nhìn thấy chim chìa vôi nó bay từ bãi cát vào bờ bao giờ chưa?", "Thế làm thế nào bây giờ?". Dường như trong tâm trí, Mon dành hết mối bận tâm của mình cho an nguy của bầy chim. Thậm chí, cậu không hề để ý thời tiết ngoài kia, thương xót bầy chim tới nỗi rủ Mên cứu chúng vào bờ. Ta có thể thấy ở Mon chứa đựng tình yêu thương động vật sâu sắc.
Không dừng lại ở đó, Mon quyết định cùng anh lấy đò chèo ra bờ sông. Chi tiết ấy càng làm nổi bật tấm lòng trân trọng sự sống của Mon. Cậu không ngần ngại "lội bì bõm đẩy". Trời nhá nhem tối, hai anh em vẫn "căng mắt nhìn ra giữa dòng sông". Trong lúc ấy, Mon hạnh phúc kêu lên "Anh ơi, kia kìa, bãi cát.". Câu nói ấy diễn tả được trạng thái vui mừng khi biết được bầy chim vẫn an toàn trên dải cát. Chứng kiến "cảnh tượng như huyền thoại hiện ra. Từ mặt nước sông, những cánh chim bé bỏng và ướt át đột ngột bứt khỏi dòng nước khổng lồ bay lên", cậu choáng ngợp đến mức "không kêu lên được một tiếng nào. Người chúng như đang ngùn ngụt tỏa hơi nóng.". Mon vô cùng xúc động xen lẫn hạnh phúc vì "cuối cùng bầy chim non đã thực hiện xong chuyến bay quan trọng, đầu tiên và kì vĩ nhất trong đời chúng". Cậu đã khóc lúc nào không hay. Những giọt nước mắt ấy được bật ra từ một tâm hồn trong trẻo, vô tư và tràn đầy niềm yêu thương.
Bằng ngôn từ trong sáng, hình ảnh gần gũi, thân quen, nhà văn đã khắc họa thành công nhân vật Mon với những phẩm chất tốt đẹp. Mỗi lời nói, hành động của Mon đều cho thấy tình cảm yêu mến với động vật và tấm lòng trân trọng sự sống. Qua đó, tác giả bày tỏ cái nhìn trìu mến với trẻ thơ cũng như thể hiện tình yêu thiên nhiên sâu sắc.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật An.
2. Thân bài:
* Chỉ ra đặc điểm của nhân vật An:
- Là người tinh tế, yêu thiên nhiên, cuộc sống.
- Là người ham học, say mê tìm hiểu, khám phá mọi thứ xung quanh.
* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Khắc họa nhân vật thông qua lời nói, hành động.
- Sử dụng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Tác giả bày tỏ tình yêu với con người, cuộc sống và thiên nhiên vùng đất Nam Bộ.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
"Đi lấy mật" được trích từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" - một sáng tác tiêu biểu của nhà văn Đoàn Giỏi viết về con người, cuộc sống Nam Bộ. Đoạn trích không chỉ tái hiện sinh động câu chuyện vào rừng lấy mật mà còn khắc họa chân thực hình tượng nhân vật An với tâm hồn trẻ thơ trong trẻo.
Trước hết, An là một người tinh tế, nhạy cảm, yêu thiên nhiên và cuộc sống da diết. Cậu cảm nhận sự sống nơi đất rừng bằng tất cả các giác quan. Trong giây phút nghỉ ngơi bên tía nuôi và Cò, cậu đã có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh rừng tràm chìm trong nắng mai. Cậu luôn chú tâm lắng nghe âm thanh của thiên nhiên "Tiếng kêu thật nhỏ, không chú ý theo dõi thì không thể nào nghe được". Không chỉ vậy, An còn bắt được mùi hương hoa tràm thơm quyện vào gió và lan tỏa khắp nơi. Có thể nói, bức tranh thiên nhiên rừng U Minh hiện lên thật sinh động, chân thực qua cái nhìn tinh tế của An.
An còn là cậu bé ham học hỏi, say mê tìm hiểu và khám phá mọi thứ trong cuộc sống. Trên quãng đường theo chân tía nuôi vào rừng lấy mật, An vẫn ghi nhớ lời kể của má nuôi về việc người dân gác kèo nuôi ong. Cậu rất lấy làm tò mò, không "hình dung được "ăn ong" ra sao. Hay mỗi lần nghe má kể, cậu luôn đặt ra vô vàn câu hỏi như "Kèo là gì, hở má?", "Coi bộ cũng không khó lắm hở má?", "Ủa! Tại sao vậy má?". Điều này đã cho thấy khát khao học hỏi, tìm tòi sâu rộng gốc rễ vấn đề. Khi được Cò chỉ cho kèo ong gác trên cây tràm, An tiếp tục nghĩ về chuyện má kể. Bởi vậy, cậu đã so sánh việc học từ thực tiễn với trong sách vở. Cuối cùng, An nhận thấy rằng "Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả".
Bằng ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ cùng việc xây dựng nhân vật thông qua lời nói, hành động, nhà văn Đoàn Giỏi đã phác họa thành công nhân vật An với phẩm chất tốt đẹp, đáng quý. Bên cạnh đó, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất xưng "tôi" cũng góp phần bộc lộ tâm tư, suy nghĩ của nhân vật.
Qua đoạn trích "Đi lấy mật", ta càng thêm yêu mến vùng đất Nam Bộ tươi đẹp cùng những con người hiền lành, dễ mến. Nhân vật cậu bé An sẽ mãi để lại rung cảm sâu sắc cho bạn đọc. Từ đây, nhà văn Đoàn Giỏi muốn bày tỏ tình yêu với thiên nhiên đất trời và con người nơi đây.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm, đoạn trích và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.
2. Thân bài:
* Nêu đặc điểm của nhân vật Cò:
- Là một cậu bé khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
- Có tài quan sát tỉ mỉ, gắn bó sâu sắc với thiên nhiên.
* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Nhân vật được xây dựng thông qua lời nói và hành động cụ thể.
- Ngôi kể thứ nhất góp phần khắc họa nhân vật một cách chân thực, sinh động.
- Ngôn từ trong sáng, hình ảnh gần gũi, quen thuộc với cuộc sống người dân miền Tây Nam Bộ.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Tác giả muốn bày tỏ tình yêu thiên nhiên và những hiểu biết của bản thân về con người và cuộc sống vùng Nam Bộ thông qua nhân vật Cò.
3. Kết bài:
- Khái quát và đánh giá về nhân vật.
Nhắc đến nhà văn Đoàn Giỏi, ta không thể không nghĩ tới cuốn tiểu thuyết nổi tiếng "Đất rừng phương Nam". Đây là tác phẩm tiêu biểu đưa tên tuổi của ông đến gần hơn với bạn đọc. Bên cạnh nhân vật trung tâm là cậu bé An, tác giả cũng dành nhiều tình cảm cho nhân vật Cò. Trong đoạn trích "Đi lấy mật", cậu hiện lên với vẻ xốc vác của một người chuyên đi rừng và tràn ngập tình yêu thiên nhiên.
Dưới con mắt của An, Cò là một cậu bé khỏe mạnh, có thể "đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra buộc lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.". Trái ngược với An, Cò được sinh ra và lớn lên ở vùng rừng núi U Minh. Chính vì vậy, cậu đã quen với việc đi rừng. Cho nên, không việc gì có thể làm khó được cậu ta. Trong khi An thấm mệt sau quãng đường dài đi "ăn ong", Cò lại "coi bộ chưa thấm tháp gì". Dáng vẻ khỏe khoắn của Cò hiện ra với hình ảnh "cặp chân của nó như bộ giò nai, lội suốt ngày trong từng còn chả mùi gì nữa là!". Không những thế, Cò rất giàu năng lượng, đi không biết mệt là gì.
Cò cũng là cậu bé thông minh, lém lỉnh và có tài quan sát tỉ mỉ. Biết An lúng túng trước câu hỏi của mình, cậu "vênh mặt lên cười" rồi tận tình giảng giải cho An "Bây giờ mày cứ nhìn kĩ vào khoảng cách giữa hai nhánh tràm cao kia! Ờ! Đúng rồi. Nhìn một chỗ trống ấy thôi nhá. Nó tới liền bây giờ.". Cò còn có khả năng phân biệt các loài chim, loài ong trong rừng. Cậu bình thản khi thấy An khen những chú chim bay qua. Cuối cùng, dưới sự chỉ bảo của Cò, An đã tìm được kèo ong gác trên cây. Tất cả những điều đó cho thấy sự gắn bó với tự nhiên ở An nói riêng, người dân nơi đây nói chung.
Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" cùng ngôn ngữ trong sáng, hình ảnh gần gũi, bình dị, tác giả đã miêu tả thành công nhân vật Cò. Thông qua hình tượng nhân vật, nhà văn thể hiện tình yêu của mình đối với vùng đất, con người phương Nam.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật "tôi".
2. Thân bài:
* Chỉ ra đặc điểm của nhân vật "tôi":
- Là người chịu khó, say mê học hỏi:
+ Được bố dạy cách nhận biết các loài hoa qua việc chạm và ngửi, dù đoán sai nhưng luôn kiên trì rèn luyện.
- Là người có tài năng đoán trúng các sự vật khi nhắm mắt:
+ Tìm ra đồ vật mà bố hay giấu.
+ Đoán khoảng cách thông qua việc nghe tiếng bước chân.
+ Nhắm mắt, ngửi mùi hương và đoán tên các loài hoa.
- Là người con luôn yêu thương, quý mến bố và trân trọng tình cảm gia đình:
+ Luôn lắng nghe, tiếp thu sâu sắc những lời dạy, chỉ bảo của bố.
+ Chạm vào người bố và nói bố là món quà "bự" của mình.
- Là người tinh tế, biết trân trọng mọi thứ xung quanh:
+ Yêu thích tên của bạn và thường gọi tên bạn để lắng nghe âm thanh ấy.
+ Yêu thiên nhiên sâu sắc: coi hoa là món quà nhỏ, vườn hoa là món quà lớn.
* Nhận xét, đánh giá về nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Khắc họa nhân vật thông qua lời nói, hành động, suy nghĩ.
- Sử dụng các hình ảnh gần gũi, quen thuộc.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Gửi gắm tình yêu gia đình, cuộc sống.
- Nhắn nhủ ý nghĩa của việc sống giao hòa với thiên nhiên.
- Thể hiện tình cảm yêu mến, nâng niu những tâm hồn trẻ thơ của tác giả.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Nguyễn Ngọc Thuần là cây bút quen thuộc với rất nhiều bạn đọc thiếu nhi. Các tác phẩm của ông luôn dạt dào cảm xúc, đầy ắp tình yêu thương con người, cuộc sống. Trong số đó, chúng ta không thể nào bỏ qua "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ". Truyện đã khắc họa nhân vật "tôi" một cách tinh tế với vẻ đẹp tâm hồn trong sáng.
Được sống trong tình yêu cùng lời chỉ bảo của bố, "tôi" luôn chịu khó, say mê học hỏi. Khi bố dạy cách nhận biết các loài hoa từ việc nhắm mắt và chạm, "tôi" vẫn còn bỡ ngỡ, gặp khó khăn và hay nói sai. Nhưng nhờ sự động viên ở bố cùng ý chí quyết tâm của bản thân, cậu đã đoán được tên hai loại hoa là mồng gà, hướng dương. Cuối cùng, "tôi" có thể nói đúng tên tất cả các loài hoa trong vườn mỗi khi nhắm mắt và đưa tay ra chạm. Có thể thấy, "tôi" là một cậu bé kiên trì, nhẫn nại, thấy khó khăn nhưng không nản chí, buông bỏ.
Bởi vậy, "tôi" còn là người có tài đoán trúng các sự vật dù nhắm mắt. Mỗi lần bố giấu đồ, cậu đều có thể tìm ra vị trí chính xác. Hay chỉ cần lắng nghe tiếng bước chân, cậu cũng đoán được khoảng cách của đối phương. Chú Hùng từng nghĩ "tôi" ăn gian trong trò chơi này nhưng cuối cùng, chú phải công nhận "cháu có con mắt thần". Đặc biệt, tài năng ấy còn giúp thằng Tí thoát chết khi "tôi" nhanh chóng chỉ được phương hướng xuất hiện tiếng hét lúc nó bị đuối nước. Bên cạnh đó, "tôi" rèn luyện cho bản thân cái tài đoán tên hoa từ việc nhắm mắt rồi ngửi mùi hương.
"Tôi" thật may mắn và hạnh phúc khi có người bố giàu tình yêu thương. Mỗi lần bố đố là một lần chỉ bảo cho cậu. "Tôi" luôn lắng nghe, tiếp thu sâu sắc lời dạy dỗ, nhắc nhở từ bố. Nhờ có bố, cậu biết yêu thiên nhiên và trân trọng vẻ đẹp cuộc sống xung quanh nhiều hơn. Lúc nhắm mắt, vươn tay ra chạm và đọc tên từng món quà, cậu đã chạm phải người bố. Cậu vui vẻ nói rằng "A! Món quà của tui đây rồi. Ôi cái món quà này bự quá!". Như vậy, tình cảm gia đình thắm thiết đã góp phần bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ trong sáng, đẹp đẽ ở "tôi".
Qua tác phẩm, "tôi" còn hiện lên là một người tinh tế, biết trân trọng mọi thứ xung quanh. Cậu yêu thích cái tên của bạn mình - thằng Tí. Mỗi khi có cơ hội, "tôi" thường gọi tên bạn nhiều lần để lắng nghe sự diệu kì từ âm thanh ấy. Không chỉ vậy, "tôi" còn yêu thiên nhiên sâu sắc. Cậu coi hoa là "món quà nhỏ", khu vườn trồng đầy hoa là "món quà lớn". Cậu cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống, tự nhiên bằng cả trái tim nồng nhiệt, chân thành.
Thông qua việc khắc họa nhân vật từ lời nói, hành động, suy nghĩ, tác giả đã để "tôi" tự bộc lộ tình cảm của bản thân một cách chân thực. Ngoài ra, các hình ảnh gần gũi, thân quen cũng góp phần gợi tả cuộc sống hòa hợp giữa con người và tự nhiên. Từ đây, nhà văn muốn nhắc nhở mỗi người hãy biết sống yêu thương, giao hòa với thiên nhiên nhiều hơn.
Đoạn trích "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" sẽ mãi để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc về nhân vật "tôi" ham học hỏi, giàu tình cảm. Qua đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần bày tỏ tình cảm yêu mến, nâng niu và trân trọng những tâm hồn trẻ thơ.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật người bố.
2. Thân bài:
* Chỉ ra đặc điểm của nhân vật người bố:
- Bố là người yêu thiên nhiên: thích trồng và chăm sóc hoa.
- Bố luôn quan tâm, chăm sóc và chỉ bảo người con:
+ Lời nói: "Đố con hoa gì?", "Bố thấy con hé mắt!", "Thật không?".
+ Cử chỉ, hành động: làm một bình tưới hoa bằng thùng đựng sơn cho con, dẫn con đi chạm từng bông hoa, bố cười khà khà khen con có sự tiến bộ.
- Bố luôn quan tâm tới những người xung quanh: cứu thằng Tí bị đuối nước dưới sông.
- Bố là người sống tình cảm, luôn quý trọng những "món quà" quanh mình.
* Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Sử dụng ngôi kể thứ nhất "tôi" -> khắc họa rõ nét hình ảnh người bố từ điểm nhìn của người con.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Người bố là người có thế giới tâm hồn phong phú, luôn thương yêu con cái và có trái tim nhân hậu.
- Giúp chúng ta thêm trân trọng và nâng niu tình cảm gia đình quý giá.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thuần là cây bút xuất sắc chuyên sáng tác cho trẻ em. Tác phẩm của ông mang đến một thế giới hồn nhiên, vui tươi và tràn ngập cảm xúc. Văn bản "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" đã để lại cho người đọc những ấn tượng khó phai về hình ảnh người bố ấm áp, giàu tình yêu thương.
Xuyên suốt câu chuyện, người bố hiện lên với vẻ đẹp của một người cha luôn quan tâm, chăm sóc và dạy dỗ con. Tâm hồn con được tưới tắm, trưởng thành qua những lời nói ân cần của bố "Đố con hoa gì?", "Bố thấy con hé mắt!", "Thật không?". Mỗi lời chỉ bảo nhẹ nhàng, tinh tế đã khơi dậy trong nhân vật "tôi" lòng tự hào, biết ơn. Bố luôn bên cạnh, đồng hành "tôi" trên mọi hành trình của cuộc sống. Bố không buông lời chê bai mà sẵn sàng an ủi, khích lệ "Nhưng bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng". Bố còn khéo léo đến độ làm hẳn cho "tôi" "một bình tưới bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay". Nhân vật "tôi" lớn lên trong tình yêu thương của bố, khả năng nhắm mắt đoán vật được rèn luyện thông qua những lần bố dạy. Có thể nói, bố trở thành người thầy tận tụy, giáo dục "tôi" mọi điều tươi đẹp trong cuộc sống. Tình yêu thương to lớn của bố đã giúp "tôi" học hỏi được nhiều thứ xung quanh.
Không những vậy, bố còn đặc biệt để ý, giúp đỡ mọi người. Khi "tôi" xác định chính xác tiếng hét ở đâu, bố vội vàng "quăng chén cơm rồi băng vườn chạy ra" để cứu người. Trong giây phút hiểm nguy, bố không ngần ngại nhảy xuống dòng nước, kịp thời cứu thằng Tí khỏi "lưỡi hái tử thần": "Bố tôi ẵm nó về nhà. Bụng nó đầy nước, bố phải nắm ngược hai chân dốc xuống như làm xiếc". Từng cử chỉ, hành động như tô đậm tấm lòng nhân hậu, thương người của bố.
Ngoài ra, bố còn là người yêu thiên nhiên sâu sắc. Bố trồng rất nhiều hoa trong vườn. Sau những buổi "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", bố thường dẫn "tôi" ra vườn chăm chút các loài hoa. Tình yêu của bố đã truyền năng lượng tích cực cho người con.
Qua góc nhìn của nhân vật "tôi", bố sống tình cảm, chan chứa yêu thương. Bố luôn khuyên con trân quý mọi món quà dù lớn hay nhỏ "Bố không cưỡng lại được trước món quà. Một món quà bao giờ cũng đẹp. Khi ta nhận hay cho một món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó.". Chỉ khi ta hiểu được tấm lòng của người tặng, ta mới thấy món quà giá trị biết bao.
Rõ ràng, việc lựa chọn ngôi kể thứ nhất xưng "tôi" đã đem đến những tác dụng to lớn trong việc khắc họa những tính cách, phẩm chất tốt đẹp của người bố. Qua lời kể của người con, người bố hiện lên với tấm lòng vì con, luôn quan tâm đến mọi người và sống chan hòa với thiên nhiên.
Có thể nói, qua nhân vật người bố, tác giả muốn nhắn nhủ chúng ta bài học về giá trị của gia đình và lối sống hòa hợp với môi trường tự nhiên. Chắc chắn, ngay cả khi trang sách đã khép lại thì vẻ đẹp của người bố vẫn sống mãi trong lòng độc giả.
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật người thầy.
2. Thân bài:
* Chỉ ra đặc điểm của nhân vật người thầy:
- Đuy-sen là một người có tấm lòng rộng lượng và trái tim nhân hậu.
+ Lời nói: quan tâm với các em, mong các em được đến trường.
+ Hành động: bế các em qua suối, lấy đá xếp qua dòng nước.
+ Suy nghĩ: luôn nghĩ về tương lai của An-tư-nai và các em học sinh.
* Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Ngôi kể thứ nhất "tôi" góp phần thể hiện một cách sâu sắc những suy nghĩ, tình cảm của nhân vật An-tư-nai về thầy Đuy-sen.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Tác giả bày tỏ sự ngợi ca, trân trọng những người thầy kính mến.
3. Kết bài:
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã ghi dấu trong lòng bạn đọc trên khắp thế giới bởi những sáng tác giàu chất thơ. Trong đó, tác phẩm "Người thầy đầu tiên" với hình ảnh người thầy Đuy-sen mang trong mình trái tim ấm nồng, nhân hậu khiến độc giả không khỏi kính trọng, yêu mến.
Qua lời kể chân thực, thầy Đuy-sen hiện lên mang nét đẹp của một người thầy hết lòng vì học sinh. Thấy lũ trẻ vác những bao ki-giắc nặng nhọc, thầy đã kịp thời an ủi động viên bằng cái nháy mắt đầy hóm hỉnh và lời nói dịu dàng: "Những cái bao kia to hơn cả người các em đấy. Các em ghé vào đây xem là hay lắm, các em chả sẽ học tập ở đây là gì? Còn trường của các em thì có thể nói là đã xong đến nơi rồi.". Câu nói ấy như xua tan biết bao mệt nhọc của lũ trẻ trong trời đông lạnh giá. Mặc kệ tiết trời rét buốt, thầy vẫn miệt mài bế các em qua suối, "Lưng thì cõng, tay thì bế và cứ như thế thầy lần lượt đưa hết các em sang.". Đứng trước lời giễu cợt của đám nhà giàu trên núi, thầy "dường như không để ý đến những lời lăng mạ đó, coi như không nghe thấy gì hết" rồi "nghĩ ra một câu chuyện vui nào đó khiến lũ chúng tôi phá lên cười, quên mất mọi sự". Chứng kiến các em nhỏ lội suối lạnh cóng đôi chân, thầy thương xót và "cố gắng kiếm đủ gỗ để bắc một chiếc cầu nhỏ qua suối". Trong quá trình đắp ụ đất đá, không may An-tư-nai ngã xuống nước, thầy Đuy-sen bỏ dở công việc đang làm, nhảy ngay đến chỗ cô học trò nhỏ, bế em chạy lên bờ và ủ ấm đôi tay lạnh cóng của em. Thầy làm mọi việc với mong muốn lũ trẻ được an toàn trên đường đến trường. Mọi lời nói, hành động của thầy đều cho thấy trái tim nhân hậu, giàu lòng yêu thương.
Bên cạnh đó, thầy Đuy-sen còn hiện lên với những suy nghĩ sâu sắc và nỗi lo cho tương lai của học sinh "Ôi, ước gì thầy được gửi em ra thành phố lớn. Em còn sẽ khá hơn biết chừng nào.", "Chắc chắn tất cả đám học sinh chúng tôi đứa nào cũng yêu mến thầy vì tấm lòng nhân từ, vì những ý nghĩ tốt lành.". Thầy luôn hi vọng các cô cậu học trò được vươn xa, mở mang thêm nhiều kho báu kiến thức của nhân loại.
Với việc sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng "tôi", tác giả đã thể hiện một cách chân thực những suy tư, tình cảm và cảm xúc của nhân vật An-tư-nai về người thầy Đuy-sen. Thầy Đuy-sen hiện lên thật sống động qua lời kể đầy kính trọng, yêu mến. Qua đây, ta cũng thấy được thái độ ngợi ca, trân trọng mà Ai-tơ-ma-tốp gửi tới những người thầy kính yêu.
Đoạn trích "Người thầy đầu tiên" đã khắc họa thành công hình ảnh người thầy Đuy-sen nhân hậu. Văn bản gửi gắm cho chúng ta bài học về sự biết ơn, ghi nhớ công lao của thầy cô.
1. Mở bài
- Giới thiệu tác phẩm và nhân vật.
- Nêu khái quát ấn tượng về nhân vật An-tư-nai.
2. Thân bài
* Phân tích đặc điểm nhân vật An-tư-nai:
- Là cô bé có tâm hồn nhân hậu, tấm lòng cao cả, lương thiện:
+ Trút lại ki-giắc ở trường học.
+ Bất bình trước những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm thầy Đuy-sen của bọn nhà giàu.
+ Cùng thầy xếp đá ở giữa dòng suối để các em nhỏ thuận lợi đến trường.
- Là cô học trò trọng tình nghĩa:
+ Ngưỡng mộ, yêu quý thầy Đuy-sen.
+ Luôn biết ơn, kính trọng thầy: nhờ người họa sĩ tìm cách lan tỏa câu chuyện về thầy.
- An-tư-nai là cô bé nghị lực, kiên cường vượt lên số phận: trở thành một viện sĩ.
* Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Sử dụng ngôi kể thứ nhất là An-tư-nai -> thể hiện một cách sâu sắc những suy nghĩ, tình cảm của nhân vật.
* Nêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật:
- Tấm lòng thương yêu, trân trọng tới những số phận bất hạnh, biết vươn lên trong cuộc sống.
3. Kết bài
- Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Bằng lối viết lôi cuốn cùng tấm lòng tràn đầy yêu thương, nhà văn Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã đem đến cho người đọc những suy tư sâu sắc về tình cảm thầy trò đẹp đẽ, thiêng liêng trong văn bản "Người thầy đầu tiên". Bên cạnh nhân vật Đuy-sen, An-tư-nai được tác giả khắc họa và xây dựng với sự kiên cường cùng tấm lòng nhân hậu.
Hoàn cảnh của cô bé An-tư-nai vô cùng đặc biệt. Em không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải ở cùng với chú thím. Tuy nhiên, An-tư-nai rất nghị lực và cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Khi được thầy Đuy-sen hỏi "Thế em con ai?", An-tư-nai lặng thinh, có chút tự ái vì không muốn ai thương hại mình. Nhờ tình yêu thương và sự giúp đỡ của thầy Đuy-sen, An-tư-nai không ngừng cố gắng học tập và trở thành một viện sĩ.
Mặc dù thiếu vắng tình cảm từ cha mẹ nhưng An-tư-nai vẫn luôn nuôi dưỡng cho mình tâm hồn trong sáng cùng bản tính tốt bụng, lương thiện. Biết thầy vất vả trữ sẵn củi để sưởi ấm cho lớp học, An-tư-nai sẵn sàng trút lại ki-giắc. Khi thấy lũ nhà giàu ở trên núi đi qua "quất cho ngựa chạy làm nước và bùn bắn tóe lên chúng tôi, cười phá lên rồi đi khuất", em vô cùng bất bình "Sao lúc đó tôi muốn đuổi theo những con người ngu xuẩn ấy thế, muốn nắm lấy cương ngựa và quát thẳng vào những bộ mặt láo xược của họ: "Các người không được nói thầy giáo của chúng tôi như thế! Các người ngu lắm, các người tồi lắm!". An-tư-nai cũng luôn quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Em không ngần ngại cùng thầy xếp đá qua dòng nước cho các bạn đi lại an toàn, thuận tiện. Có thể thấy, An-tư-nai sáng ngời một vẻ đẹp thuần khiết, tươi mát như "dòng suối trong trẻo".
Không những thế, An-tư-nai còn là một cô học trò trọng nghĩa tình. Em luôn mong ước thầy Đuy-sen là anh ruột của mình, "yêu mến thầy vì tấm lòng nhân từ". Sau này, khi trở thành một viện sĩ, An-tư-nai muốn lan tỏa câu chuyện về thầy Đuy-sen với mọi người. Cô đã nhờ người họa sĩ kể lại những kỉ niệm tươi đẹp từng trải qua khi có sự quan tâm của người thầy đáng mến.
Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, người kể chuyện là An-tư-nai, tác giả đã làm nổi bật tính cách, tâm trạng của cô bé. An-tư-nai chính là tấm gương sáng về sự hiếu học và tâm hồn cao đẹp. Đoạn trích "Người thầy đầu tiên" sẽ mãi khắc ghi trong lòng độc giả khắp thế giới về hình ảnh một cô học trò trong sáng, giàu tình cảm. Hi vọng những giá trị nhân văn, tốt đẹp của tác phẩm luôn sống mãi với thời gian.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Muốn Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật, em cần đọc kĩ các chi tiết liên quan đến nhân vật đó như: lời nói, hành động, tính cách, ngoại hình,... Em có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu lớp 7 khác trên Taimienphi.vn như:
- Soạn bài Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong một tác phẩm văn học
- Bài thơ Quê hương: thể loại, tóm tắt, bố cục, nội dung, nghệ thuật
- Phân tích đặc điểm nhân vật Mên trong Bầy chim chìa vôi
- Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật