Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá

Đề bài: Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá

Mục lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá


I. Dàn ý Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

2. Thân bài:

a. Điểm giống:
- Đều là những con người lao động vô danh thầm lặng trong công cuộc xây dựng đất nước.
- Ở họ toát lên niềm vui hăng say lao động trong thời kì mới
- Là những tấm gương điển hình trong lao động.

b. Điểm khác:

* Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa:
- Công việc: công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu

- Hoàn cảnh làm việc:
+ Vô cùng khắc nghiệt, làm trên đỉnh núi Yên Sơn "cao hai nghìn sáu trăm mét
+ Thời tiết khắc nghiệt, phải dậy lúc một giờ sáng trong gió rét.
+ Sống một mình, lúc nào cũng "thèm người"

- Vẻ đẹp con người lao động của anh:
+ Luôn hoàn thành công việc, vượt lên trên hoàn cảnh vất vả, cô đơn
+ Luôn khiêm tốn với công việc của mình dù nó đã góp phần làm nên chiến công, không cho bác họa sĩ vẽ lại mình.
+ Tự tạo cho mình niềm vui ở nơi làm việc (trồng hoa, đọc sách, ...)
+ Luôn quan tâm tới người khác, chân thành và cởi mở (tặng hoa cho cô kĩ sư, tặng tam thất cho bác lái xe, ...)

- Bác hoạ sĩ và cô kĩ sư: là những con người từ Hà Nội hào hoa tới công tác tại những vùng xa xôi, không quản khó nhọc.
- Ở họ đều ánh lên vẻ đẹp con người lao động thời kì mới.

* Những người ngư dân trong Đoàn thuyền đánh cá:

- Công việc: Đánh bắt cá ngoài biển trong đêm

- Hoàn cảnh làm việc:
+ Vất vả và nguy hiểm: ra khơi khi màn đêm buông xuống

- Vẻ đẹp con người lao động:
+ Luôn hăng say với công việc của mình, chủ động sáng tạo trong việc đánh bắt cá.
+ Luôn mang trong mình tinh thần lạc quan, khí thế mạnh mẽ và ước mong đánh bắt được nhiều cá lớn, được một mẻ lưới bội thu.
+ Biết ơn biển cả, mẹ thiên nhiên đã mang lại cho con người nhiều lợi ích.
+ Với khí thế mạnh mẽ của những người con miền biển, tư thế, tầm vóc của họ sánh ngang tầm với vũ trụ.
- Ở họ là một tinh thần lạc quan, luôn hướng về tương lai trong niềm vui lao động mới được làm chủ cuộc đời.

3. Kết bài:

Rút ra kết luận chung


II. Bài văn mẫu Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá (Chuẩn)

Trong những năm tháng của thời kì đổi mới, khi mà con người đang cùng nhau gắng sức trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đã có biết bao bài văn, bài thơ ra đời nhằm cổ vũ tinh thần con người. Trong đó hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long và Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã tạo cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của con người lao động thời kì mới. Hai tác phẩm đều là những con người lao động tuy làm những công việc khác nhau nhưng đều toát lên sự hăng say, phấn khởi khi được làm chủ cuộc đời.

Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa hay những người ngư dân trong Đoàn thuyền đánh cá đều là những con người lao động thầm lặng trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. Mỗi người một công việc khác nhau, thế nhưng ở họ toát lên là niềm hăng say lao động, niềm vui phơi phới trong thời kì đổi mới, khi chính họ được góp sức xây dựng lên xã hội mới tươi đẹp. Công việc của họ là những vất vả, là những gian lao, anh thanh niên thì một mình trên đỉnh núi cao đo gió, đo mưa, những người ngư dân thì phải lăn lộn giữa biển cả mênh mông với công việc đánh bắt, thế nhưng, họ không hề mệt mỏi, không hề cảm thấy nặng nhọc. Với anh thanh niên trong Lặng lẽ Sapa, được cống hiến, được góp sức vào chiến thắng giặc Mỹ khiến anh cảm thấy "hạnh phúc". Những người ngủ dân thì luôn sống trong niềm vui phơi phới:

"Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!"

Có lẽ với họ, trên tất cả là sự hăng say lao động, hết mình cho công việc của mình dù công việc ấy có khó khăn, gian khổ biết bao.

Thêm vào đó, cả hai tác giả đều không để nhân vật của mình mang tên bởi họ là những con người lao động vô danh, những người con ưu tú của quê hương đang cống hiến hết mình cho Tổ quốc thân yêu. Họ là những tấm gương điển hình trong lao động thời kì đổi mới với lý tưởng và khát khao được đóng góp sức mình để tạo dựng Tổ quốc. Điều đó đã làm nên vẻ đẹp chung của những con người lao động trong hai tác phẩm kể trên.

Tuy vậy, hai tác phẩm được sáng tác trong hai thời gian khác nhau, tuy đều là về vẻ đẹp hăng say của con người lao động nhưng cũng có những điểm khác biệt.

Lặng lẽ Sa Pa được nhà văn Nguyễn Thành Long viết vào những năm 1970, sau một chuyến công tác ở Lào Cai. Đó là thời điểm mà miền Nam đang trong giai đoạn ác liệt nhất còn ở miền Bắc, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa đang nở rộ vô cùng. Ở Lặng lẽ Sa Pa, người ta thấy vẻ đẹp lao động hiện lên rõ ràng qua hình ảnh của anh thanh niên - người làm "công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu" ở trên "đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét". Đọc đến đây thôi người ta cũng đủ hiểu hoàn cảnh sống và làm việc của người thanh niên đó khắc nghiệt đến nhường nào! Sống một mình trên đỉnh núi cao, anh phải chống chọi với sự cô đơn, chống chọi với nỗi nhớ nhà và cả những khó khăn trong công việc. Anh tâm sự cùng bác hoạ sĩ và cô kĩ sư, có những đêm mưa rét, anh vẫn phải thực hiện công việc của mình "Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới. Cái lặng im lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc,...Xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được". Và hơn thế là nỗi cô đơn, khát khao được trò chuyện cùng con người "thèm người", và điều đó đã khiến anh liều lĩnh để một khúc gỗ giữa đường đi để chặn xe, mời mọi người lên thăm nhà anh và anh được trò chuyện với họ.

Hoàn cảnh sống khó khăn đến vậy, thế nhưng ở anh vẫn ánh lên những vẻ đẹp lao động của con người thời kì mới. Đó là vẻ đẹp về một con người vượt lên trên hoàn cảnh để luôn giữ cho mình những suy nghĩ đẹp.

Nếu đặt mình vào hoàn cảnh phải sống giữa núi rừng, trên một đỉnh núi cao hơn hai ngàn mét trong cô độc thì suy nghĩ của bạn sẽ như thế nào? Chắc hẳn sẽ cô đơn và trách cứ cuộc đời nhiều lắm! Chưa kể công việc đo khí tượng cũng vô cùng vất vả, đó là điều khiến cho ta không khỏi chán ngán. Thế nhưng người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa lại chưa từng có suy nghĩ ấy. Anh luôn cho rằng: "khi ta việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia". Một mình ở Yên Sơn nhưng anh cho rằng mình không hề cô đơn, bởi có những con người còn vất vả, cô đơn hơn mình như anh thanh niên làm khí tượng trên đỉnh Fansipan, hay "ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa". Anh luôn khiêm nhường dù rằng công việc của anh đã góp phần cho kháng chiến "nhờ cháu có góp phần phát hiện một đám mây khô mà ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng". Anh không bao giờ nghĩ rằng công việc của mình là vất vả, gian khổ, anh luôn nghĩ rằng có những con người lao động khác đẹp đẽ hơn anh, gian lao hơn anh trong công cuộc lao động này. Đó là vẻ đẹp của một người trí thức lao động luôn biết khiêm nhường trong cuộc sống, biết vượt lên hoàn cảnh mà giữ cho mình những suy nghĩ đẹp.

Không chỉ vậy, anh thanh niên còn yêu công việc vô cùng, am hiểu nó và anh hạnh phúc khi được làm công việc đó. Vẻ đẹp của con người lao động ánh ngời lên trong những dòng tâm sự của anh về công việc của mình. Anh kể: "Cháu ở đây có nhiệm vụ đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Công việc của anh góp phần vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc, có lẽ vì thế, anh yêu công việc của mình vô cùng. Mỗi lần có người lên chơi, anh đều tỉ mỉ chỉ cho họ những máy móc của anh, kể cho họ công tác của mình. Sống và làm việc tại nơi khắc nghiệt, nhưng anh chưa bao giờ từ bỏ nhiệm vụ dù đó là những khoảng thời gian hết sức khó khăn "bốn giờ, mười một giờ, bảy giờ tối, lại một giờ sáng" khi mà "gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực mình ra là ào ào xô tới" và "ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng". Nếu không yêu nghề, không hăng say với nghề thì chỉ cần nghe như thế thôi cũng đủ lý do để cho ta bỏ cái công việc nhàm chán này rồi.

Sống một mình nhưng anh luôn tự tạo cho mình niềm vui, luôn sống cởi mở và chân thành. Một mình, lại là đàn ông con trai nhưng anh có cả một vườn hoa với những "hoa dơn, hoa thược dược, vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong...". Không chỉ vậy, anh còn luôn chăm chỉ đọc sách, tự tạo cho tâm hồn mình một sự phong phú qua những cuộc đời trong trang sách. Cuộc sống của anh chỉ vỏn vẹn trong "một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách" thế nhưng tâm hồn anh, vẻ đẹp của anh lại bao trùm lấy tất thảy mọi thứ ở đây. Anh sống và làm việc bằng tất cả tâm hồn mình, luôn khiêm tốn và hết lòng vì mọi người. Khi người hoạ sĩ và cô kĩ sư lên chơi, anh đã dẫn họ thăm thú mọi chốn anh ở, kể với họ tất cả về cuộc sống của mình. Với người lái xe, anh tặng cho bác "củ tam thất mới đào" bằng tấm lòng thành chân thật. Anh đối xử với mọi người bằng sự chân tình, cởi mở, yêu thương và nghiêm túc.

Tất cả những điều đó đã làm nên vẻ đẹp của người thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa, người thanh niên yêu lao động, luôn nghiêm túc và khiêm tốn về công việc của mình. Ta còn thấy vẻ đẹp con người lao động qua hình ảnh của người nghệ sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Họ là những người con Hà Nội nhưng quyết rời xa chốn phồn hoa để đi đến những miền xa xôi của Tổ quốc để cống hiến sức lực của mình cho công cuộc đổi mới của đất nước.

Bước sang tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, người ta lại thấy một vẻ đẹp lao động khác của những người ngư dân biển. Đoàn thuyền đánh cá được Huy Cận sáng tác năm 1958, khi chúng ta vừa chiến thắng thực dân Pháp và miền Bắc vừa mới bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Bài thơ viết về những người ngư dân tại biển Hòn Gai, Quảng Ninh với niềm phấn khởi, hân hoan trên chặng đường ra khơi đánh cá. Ở họ, người ta thấy toát lên vẻ đẹp phóng khoáng của những người lao động miền biển.

Vẻ đẹp lao động đầu tiên mà ta thấy ở họ là họ là những người lao động với tâm hồn phóng khoáng, yêu lao động:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!"

Khung cảnh thiên nhiên được mở rộng với những hình ảnh hoàng hôn lộng lẫy vô cùng. Trên nền khung cảnh ấy là hình ảnh của con người hiện ra với vẻ phóng khoáng, tươi vui, với tinh thần lạc quan, yêu đời:

"Mặt trời xuống biển như hòn lửa,
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi."

Khi mặt trời bắt đầu nghỉ ngơi thì những người ngư dân mới bắt đầu công việc vất vả và nguy hiểm của mình. Từ "lại" cho thấy rằng đây là công việc mà họ làm thường xuyên, lặp lại liên tục trong thời gian dài. Họ ra khơi trong niềm hứng khởi, ra khơi trong niềm vui tràn đầy. Họ cất lên những câu hát hoà vào cùng với gió biển. Những câu hát ấy đã "thổi căng" tấm buồm của con thuyền để băng băng tiến ra khơi. Huy Cận đã cụ thể hoá niềm vui hân hoan của những người lao động khi được ra khơi đánh bắt cá, đại diện cho khí thế phơi phới của những con người trong công cuộc xây dựng đất nước mới.

Những người dân biển cất tiếng gọi cá, gợi lên hình ảnh làm việc hăng say của họ. Những mẻ cá đầy lưới là ước mơ của những người lao động với tâm hồn phóng khoáng. Họ muốn đem hết sức lực của mình để cống hiến cho Tổ quốc.

"Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng."

Biển cả mênh mông nhưng những người ngư dân ra khơi trong sự tự tin làm chủ biển cả. Họ lao động trọng sự sáng tạo, trong tinh thần chủ động. Họ tính toán, bố trí, giăng lưới như đang trong một trận đánh thực thụ. Sự lạc quan, hăng hái, nhiệt thành ấy, tất cả thể hiện trong câu hát:

"Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe.
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long."

Câu hát của những người ngư dân với bao loài cá biển quý hiếm thể hiện sự lạc quan, khí thế mạnh mẽ, khẩn trương và cả niềm mong mỏi của họ về một mẻ cá bội thu. Câu hát vang lên với sự chờ mong về một mùa sóng yên bể lặng, với những mẻ lưới "nặng tay". Qua đó, ta có thể thấy được vẻ đẹp hăng say lao động của những người ngư dân trong công cuộc xây dựng Tổ quốc.

Mỗi lần ra khơi là một lần nguy hiểm rình rập, thế nhưng, những người ngư dân ấy không hề sợ hãi, thậm chí họ còn phấn khích bởi họ tìm thấy được lý tưởng của mình trong công cuộc lao động gian khổ. Gian lao, vất vả nhưng đổi lại là những mẻ cá đầy, góp công xây dựng đất nước tươi đẹp đã khiến họ có thêm động lực hướng về một ngày mai tươi sáng:

"Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."

Lời thơ thể hiện tiếng hát khỏe khoắn của những người ngư dân. Họ "chạy đua cùng mặt trời" để mang cá về trước khi trời sáng. Điều đó đã làm gợi lên tư thế hiên ngang, sánh ngang tầm vũ trụ của những người con miền biển. Họ đi lên trong khí thế mạnh mẽ trong công cuộc lao động xây dựng đất nước sau khi giải phóng.

Cả Nguyễn Thành Long và Huy Cận đều xây dựng hết sức thành công hình ảnh những con người lao động với vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, hăng say xây dựng đất nước thời kì đổi mới. Họ là những con người đã góp công sức cùng với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến đánh bại giặc Mỹ, mang thắng lợi về cho Tổ quốc Việt Nam. Noi gương những con người đó, thế hệ chúng ta phải gắng sức học hành để phát triển đất nước Việt Nam vươn xa cùng các cường quốc trên thế giới.

----------------HẾT-----------------

Cùng viết về hình tượng người lao động nhưng mỗi tác phẩm lại mang những đặc sắc riêng của mình. Vậy nên, bên cạnh bài Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá, các em có thể tham khảo: Phân tích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa, Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, Phân tích vẻ đẹp người lao động trong bài Đoàn thuyền đánh cá  và cả bài Tóm tắt Lặng lẽ Sa Pa sẽ giúp ta làm rõ hơn ý nghĩa của từng tác phẩm.

Qua bài Phân tích Vẻ đẹp của người lao động qua hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa và Đoàn thuyền đánh cá hay dưới đây, các em dễ dàng hiểu hơn và cũng thấy được nét đẹp của người lao động thời ấy. Cùng đọc và cảm nhận để khi gặp bài văn này có thể viết bài hay, đầy đủ ý.
Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long
Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Đoạn văn phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa
Phân tích nhân vật cô kĩ sư trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, em thích nhất điều gì? Nêu ý kiến của em về điều đó
Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa

ĐỌC NHIỀU