- Quê gốc ở Quảng Nam, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
- Ông viết văn, làm báo và là một trong những cây bút chủ chốt của "Tự lực văn đoàn".
- Một số tác phẩm tiêu biểu: "Gió lạnh đầu mùa" (tập truyện ngắn, 1937), "Nắng trong vườn" (tập truyện ngắn, 1938), "Ngày mới" (truyện dài, 1939),...
- Truyện của Thạch Lam thường có cốt truyện đơn giản, ngôn từ mộc mạc, lời văn nhẹ nhàng, sâu lắng và giàu chất thơ.
1. Thể loại Dưới bóng hoàng lan
- Truyện ngắn.
2. Phương thức biểu đạt Dưới bóng hoàng lan
- Tự sự, biểu cảm.
3. Bố cục Dưới bóng hoàng lan
- Văn bản được chia làm 3 phần:
+ Phần 1: từ đầu đến "chính là em gái ruột của mình": Thanh trở về nhà, gặp lại bà và Nga - cô bé hàng xóm.
+ Phần 2: tiếp theo đến "chàng đến trường kỉ ngồi ở bên đèn": Biểu hiện tình cảm Thanh và Nga.
+ Phần 3: còn lại: Thanh tạm biệt mọi người để lên tỉnh làm việc.
4. Ý nghĩa nhan đề Dưới bóng hoàng lan
Có thể nói, nhà văn Thạch Lam thật khéo léo khi đặt tên tác phẩm của mình là "Dưới bóng hoàng lan". Cây hoàng lan chính là hình ảnh tượng trưng cho không gian quê nhà bình yên, thân thuộc. Tại nơi này, các nhân vật đã thể hiện những tâm tư, tình cảm đời thường hết sức cao đẹp như tình bà cháu, tình yêu lứa đôi. Không chỉ vậy, bóng hoàng lan còn là hình ảnh gợi nhắc đến không gian tĩnh lặng, tươi mát, đối lập với cái ồn ào, tấp nập ngoài kia. Cuối cùng, dưới cây hoàng lan, mối tình trong trẻo giữa Thanh và Nga đã ươm mầm, nảy nở. Như vậy, nhan đề "Dưới bóng hoàng lan" thực sự chứa đựng ý nghĩa sâu sắc.
5. Tóm tắt văn bản Dưới bóng hoàng lan
Sau hai năm đi làm trên tỉnh, Thanh cuối cùng cũng được trở về thăm nhà. Bước qua ngưỡng cửa, anh cảm thấy như bao ồn ào ngoài kia đều dừng lại. Trong khu vườn xanh mát, anh gặp lại người bà đáng kính. Dẫu đã trở thành chàng thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, đối lập với sự gầy, còng của bà nhưng Thanh vẫn cảm thấy mình được chở che, yêu thương như ngày thơ bé. Nghe lời bà đi nghỉ ngơi, nằm trên giường, Thanh nghe thấy âm thanh quen thuộc dưới nhà ngang. Tại đây, anh gặp lại Nga - cô bé hàng xóm năm xưa. Hai người cùng nhau đi dạo và tâm sự dưới bóng hoàng lan. Lúc tiễn Nga ra cổng vào buổi đêm, Thanh đã cầm tay người thiếu nữ, đặt vào tay mình. Do chỉ nghỉ một ngày nên sáng hôm sau, Thanh lại phải lên đường đi tỉnh. Anh bước đi trong tâm trạng nửa vui nửa buồn. Sau cùng, anh tin tưởng rằng gia đình, căn nhà và người thương luôn đợi mình trở về.
6. Giá trị nội dung Dưới bóng hoàng lan
- Truyện ngắn ca ngợi tình cảm dung dị của con người: tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa. Từ đó, gửi gắm thông điệp mỗi người hãy sống chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của những điều bình dị quanh mình.
7. Giá trị nghệ thuật Dưới bóng hoàng lan
- Ngôn từ mộc mạc, giản dị; hình ảnh thân thuộc.
- Lời kể nhẹ nhàng, trong sáng và giàu chất trữ tình.
- Sử dụng thành công ngôi kể thứ ba, có sự dịch chuyển nhiều điểm nhìn.
Các em cùng xem thêm một số bài văn mẫu hay về tác phẩm Dưới bóng hoàng lan như Phân tích nhân vật Thanh trong Dưới bóng hoàng lan hay nhất, Tóm tắt tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, Ý nghĩa nhan đề Dưới bóng hoàng lan... để có thêm nhiều tài liệu tham khảo, học văn tốt hơn.
1. Thanh trở về nhà và gặp lại bà, Nga - cô bé hàng xóm
* Tâm trạng của Thanh khi vừa trở về:
- Vẻ đẹp trong trẻo, tươi mát của khu vườn cùng sự bình yên của ngôi nhà khiến Thanh:
+ Dịu mát cả người.
+ Cảm thấy mọi ồn ào, tấp nập đều dừng lại sau ngưỡng cửa.
+ Nghẹn ngào, xúc động, mãi mới cất được tiếng gọi "Bà ơi".
=> Tâm trạng của Thanh là tâm trạng thường thấy ở những người con xa quê lâu năm, nay mới có dịp trở về.
* Tâm trạng của Thanh khi ở bên người bà kính yêu:
- Nhìn thấy bà từ ngoài vườn đi vào, Thanh mừng rỡ chạy đến gần.
- Luôn cảm thấy bản thân còn nhỏ bé, còn được bà yêu chiều:
+ Đứng bên người bà có chiếc lưng gầy, còng, Thanh vẫn nhận được sự che chở của bà như hồi tấm bé, dù giờ đây anh trở thành chàng thanh niên khỏe mạnh, cao thẳng.
+ Nghe theo lời bà dặn: đi rửa mặt và nghỉ ngơi.
+ Ngắm nhìn khung cảnh ngôi nhà, thấy mọi thứ nguyên vẹn như xưa cũ, lòng Thanh có chút gì đó bình yên và thong thả.
+ Ngửi mùi hương hoàng lan và nhớ về những kỉ niệm xa xôi thời ấu thơ.
+ Lo bà phiền lòng nên khi vừa nghe tiếng bà đi vào, anh đã nằm yên giả vờ ngủ cho tới lúc bà đi ra.
=> Tình yêu thương, sự quan tâm săn sóc của bà khiến Thanh xúc động gần ứa nước mắt. Với chàng thanh niên trẻ tuổi, bà là người thân duy nhất và cũng là người quan trọng nhất trong cuộc đời. Theo thời gian, tình cảm bà cháu gắn bó, cao đẹp đã khắc sâu trong trái tim Thanh.
* Tâm trạng của Thanh khi gặp lại Nga - cô bé hàng xóm:
- Vui vẻ chạy xuống nhà bếp và hồ hởi gọi tên cô thiếu nữ: "Cô Nga".
- Mải mê, chăm chú quan sát dáng vẻ xinh xắn của Nga.
- Cùng ngồi xuống và trò chuyện vui vẻ với Nga.
2. Biểu hiện tình cảm giữa Thanh và Nga
a. Cảm xúc của Thanh đối với Nga:
- Nhìn ngắm gạch mát phủ rêu, anh bỗng nhớ tới bàn chân nhỏ lấm tấm cát của Nga rồi đột nhiên nở nụ cười -> sự ngại ngùng, e dè ở Thanh.
- Dắt người thiếu nữ đi thăm vườn, cảm nhận được mùi hoa trên mái tóc cô gái.
- Chẳng biết đáp lại lời Nga như thế nào nên Thanh đã dùng hành động để trả lời: vít một cành lan xuống giữ ở trong tay cho Nga tìm hoa.
- Buổi đêm, lúc tiễn Nga ra về, Thanh đã không chút chần chừ, lưỡng lự mà cầm lấy tay Nga và để yên trong tay mình -> cảm xúc yêu thương dâng trào trong Thanh.
=> Thanh cảm thấy có cái gì đó dịu ngọt -> tâm trạng, cảm xúc dễ thấy ở những người đang chìm đắm trong vị ngọt tình yêu
b. Cảm xúc của Nga đối với Thanh:
- Mỉm cười thẹn thùng khi đáp lại câu hỏi của Thanh: "Cô Nga có còn hay đi nhặt hoàng lan rơi nữa không?".
- Ngắm nhìn những bông hoa lan chưa rụng, Nga đã bày tỏ nỗi niềm tận sâu bên trong mình "Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá".
- Đứng lặng yên một lúc lâu bên cạnh Thanh, để chàng trai cầm tay mình.
=> Cũng giống như Thanh, ở Nga có sự ngại ngùng, e thẹn khi yêu.
3. Thanh tạm biệt mọi người để lên tỉnh làm việc
- Thanh chăm chú đứng nghe lời dặn dò ân cần của bà.
- Lúc tới cổng, anh đứng lại và nhìn cây hoàng lan cùng khu vườn xanh tươi.
- Thanh bước ra đi với tâm trạng nửa buồn nửa vui. Song, anh vẫn tin rằng mọi người sẽ chờ đợi và nhớ mong mình như ngày trước.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Có thể thấy, Dưới bóng hoàng lan là một truyện ngắn có lời văn hết sức nhẹ nhàng, sâu lắng. Những câu văn ấy đã thực sự chạm tới trái tim bạn đọc, khiến họ cảm thấy như mình đang yêu và đang được người khác yêu thương. Mời em tham khảo thêm một số nội dung văn mẫu lớp 10 cùng chủ đề trên trang Taimienphi.vn.