Đề bài: Thuyết minh về cây bưởi
Thuyết minh về cây bưởi
1. Mở bài
Giới thiệu về đối tượng thuyết minh: Cây bưởi
2. Thân bài
* Nguồn gốc:
- Bưởi có tên khoa học là Citrus grandis Osbeck, là một loại cây thuộc chi Cam chanh
- Được trồng nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ
* Đặc điểm của cây bưởi:
- Bưởi là thực vật thân gỗ, sống lâu năm, trung bình một cây bưởi có thể sống 20-30 năm
- Cây bưởi trưởng thành cao từ 3- 4 mét
- Lá to bằng nửa bàn tay người trưởng thành, màu xanh sẫm
- Hoa bưởi nhỏ, màu trắng tinh khiết và thường mọc thành chùm 6-10 bông
- Quả bưởi có hình tròn, khi còn non có màu xanh, khi chín ngả sang màu vàng.
* Phân loại:
Ở Việt Nam có nhiều giống bưởi ngon, trong đó có nhiều loại nổi tiếng như:
+ Bưởi năm roi
+ Bưởi da xanh
+ Bưởi Diễn
+ Bưởi Đoan Hùng
* Công dụng của cây bưởi:
- Quả bưởi là loại hoa quả thơm ngon, giàu dinh dưỡng.
- Hoa bưởi dùng để trang trí, pha trà
- Cùi bưởi dùng để nấu chè
- Vỏ bưởi phơi khô dùng để gội đầu, dưỡng tóc
- Lá bưởi kết hợp với một số dược liệu khác có thể trị cảm cúm.
- Thân bưởi có thể dùng để làm than củi.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của cây bưởi
Dạo bước trên con đường Nguyễn Chánh, hương thơm vấn vương, dịu nhẹ của hoa bưởi níu chân người qua đường. Mở ra trước mắt tôi là sắc trắng tinh khôi của những bông hoa bưởi e ấp trong gánh hàng rong của những người tiểu thương. Trong dòng người hối hả, vội vã giờ tan tầm, tôi chợt nhận ra mùa hoa bưởi đã về. Bưởi là loại cây quen thuộc mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu trên mỗi vùng quê Việt Nam, đó là thức quà ngọt lành của tự nhiên ban tặng cho con người.
Bưởi có tên khoa học là Citrus grandis Osbeck, đây là một loại cây thuộc chi Cam chanh. Bưởi có nguồn gốc ở Châu Á, bưởi ưa khí hậu nóng ẩm nên được trồng nhiều ở các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Việt Nam, bưởi là cây trồng quen thuộc ở hầu hết các vùng quê, trong đó có một số giống bưởi ngon nổi tiếng như: bưởi da xanh Bến Tre, Bình Phước, bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn,...Bưởi không chỉ mang đến một thức quả ngon giàu dinh dưỡng mà còn có giá trị kinh tế cao.
Bưởi là thực vật thân gỗ, sống lâu năm, trung bình một cây bưởi có thể sống 20-30 năm tùy điều kiện đất đai và sự chăm sóc của con người. Cây bưởi trưởng thành cao từ 3- 4 mét, khi cây còn non thân và lá thường có màu xanh sẫm, khi cây trưởng thành, thân cây to, tán rộng, thân cây chuyển sang màu xám đậm.
Từ thân chính mọc ra rất nhiều nhánh, cành bưởi với tán lá xum xuê, xanh tốt, bởi vậy mà bưởi cũng có thể cho bóng mát, có thể che mưa, che nắng. Lá bưởi to bằng nửa bàn tay người lớn, mặt trước xanh sẫm, nhẵn bóng, mặt sau có những đường gân nổi lên rõ nét. Một đặc điểm khác chỉ có ở cây bưởi và họ hàng nhà bưởi, đó là những chiếc gai nhọn mọc trên cành và các nhánh của cây bưởi. Những chiếc gai nhọn, cứng có màu xanh đậm giống màu của những chiếc lá.
Hoa bưởi nhỏ, màu trắng tinh khiết và thường mọc thành chùm 6-10 bông. Hoa bưởi khi nở rộ cũng khi to bằng ngón tay người lớn, những cánh trắng nở bung khoe ra phần nhụy màu vàng cam rực rỡ bên trong. Những nụ bưởi chưa nở thì e ấm chụm lại đầy duyên dáng. Hoa bưởi không quá rực rỡ, hương thơm không quá ngào ngạt mà thoang thoảng vô cùng dễ chịu. Hoa bưởi cũng được coi là loài hoa của làng quê, đồng nội, vào tháng 3,4 hàng năm, trên những đường phố nhỏ lại xuất hiện rất nhiều những gánh hàng rong với những chùm hoa thanh khiết. Người ta thường mua hoa bưởi để trang trí và tạo hương thơm thanh mát cho ngôi nhà của mình. Hương thơm nhẹ nhàng, vấn vương của hoa bưởi vì thế cũng đi vào thơ ca bằng vẻ đẹp tự nhiên, bình dị ấy:
"Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cành hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương"
Hay:
"Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu".
Hoa bưởi rụng đi để lại những trái bưởi non có màu xanh, hình tròn với lớp da nhẵn nhụi. Quả bưởi khi chín phần vỏ sẽ ngả sang màu vàng vô cùng bắt mắt. Tùy từng giống bưởi mà kích thước quả bưởi khi trưởng thành cũng không giống nhau, bưởi Diễn thường có hình tròn, khi chín có màu vàng tươi, kích thước bằng một chiếc bát tô nhỏ. Giống bưởi da xanh khi chín lớp vỏ vẫn giữ nguyên màu xanh sẫm, lớp vỏ sần sùi và kích thước thường lớn hơn so với giống bưởi diễn.
Bưởi là một loại quả giàu giá trị dinh dưỡng, bên trong lớp vỏ bưởi là phần cùi trắng, mềm, khi ăn có vị hơi hăng và đắng. Phần cùi này thường được dùng để làm món chè bưởi hoặc được dùng để phơi khô cùng với vỏ bưởi để gội đầu, dưỡng tóc. Phần ruột của bưởi là những múi bưởi xếp san sát với nhau thành hình cầu. Mỗi múi lại có rất nhiều tép nhỏ, mọng nước và có vị chua thanh.
Ở Việt Nam có rất nhiều những loại bưởi khác nhau, trong đó có nhiều loại bưởi nổi tiếng có giá trị kinh tế cao như: Bưởi năm roi, bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng. Hiện nay, bưởi không chỉ được trồng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đã bắt đầu xuất khẩu sang nước ngoài, mang đến nguồn thu đáng kể cho người nông dân.
Là loại cây dân dã, quen thuộc nhưng bưởi lại mang đến giá trị vô cùng cao, hầu hết các bộ phận của cây bưởi đều có thể sử dụng. Bưởi là loại cây ăn quả giàu hàm lượng vitamin, bưởi cũng là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày tết, thân cây bưởi có thể sử dụng làm than, củi, lá bưởi khi kết hợp với một số loại thảo dược khác có thể trị cảm cúm. Hoa bưởi dùng để trang trí, ướp trà giúp tinh thần con người trở nên thanh tỉnh.
Bưởi là loại cây tương đối dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu của nhiều vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi trồng cần chú ý chọn loại đất phù hợp, có khả năng thoát nước tốt, đất có dinh dưỡng để cho cây phát triển. Cây bưởi không cần tưới nước thường xuyên, bên cạnh đó người trồng cũng cần thường xuyên tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh để cây sinh trưởng tốt.
Cây bưởi dễ trồng lại mang đến giá trị kinh tế cao. Hơn hết, với bất kì người dân Việt Nam nào cây bưởi cũng là loài cây gắn liền với kí ức tuổi thơ, là loài cây gợi nhớ về quê hương, xứ sở. Hiện nay, dù có rất nhiều loại cây ăn quả mới nuôi trồng, chăm sóc ở Việt Nam thì cây bưởi vẫn giữ nguyên vị trí và vai trò của nó trong đời sống sinh hoạt và tinh thần của con người.
---------------------HẾT--------------------
Để rèn luyện kĩ năng thuyết minh về một loài cây, bên cạnh bài văn mẫu Thuyết minh về cay bưởi trên đây, các em có thể tự luyện tập với những đề bài khác như: Thuyết minh về cây cà phê ở Tây Nguyên, Thuyết minh về cây vải ở quê em, Thuyết minh về cây chuối, Thuyết minh về cây chè.