Đề bài: Thúy Kiều, con người của hiện thực khổ đau, con người của vận mệnh bi kịch
Bài làm:
Bài mẫu số 1:
"Người sao hiểu hết đủ đường
Kiếp sao rặt những đoạn đường thế thôi ?"
(Truyện Kiều)
Hai câu thơ trên là những lời thương xót của sư bà Giác Duyên và tiếng nói đồng cảm từ trong tâm của đại thi hào Nguyễn về cuộc sống biến động dữ dội, thăng trầm, vinh nhục của Thuý Kiều. Câu chuyện cuộc đời trầm luân của nàng Kiều được Nguyễn Du miêu tả đã đi qua hàng mấy thế kỉ, nhưng vẫn gây thổn thức trong tim người đọc. Đó là câu chuyện về con người của hiện thực khổ đau, con người của vận mệnh bi kịch.
Thuý Kiều không chỉ hiện thân cho đỉnh cao của nhan sắc, tài hoa và phẩm hạnh, mà còn là hiện thân cho kiếp hồng nhan đa đoan, cuộc đời thay đổi liên tục ở nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đang là một tiểu thư đài các sống trong cảnh "Êm đềm trướng rủ màn che", vậy mà qua một phen "gió cuốn mặt duyền" đã làm cho cuộc đời nàng trải qua bao nỗi truân chuyên, tủi phận. Những biến cố xảy ra liên tục trong cuộc đời của nàng thể hiện sự thăng trầm ở đời. Ví như, trong tiết thanh minh, khi ra về sau lễ hội "đạp thanh, tảo mộ" nàng gặp mộ Đạm Tiên, tưởng như là một điềm không may, nhưng rồi lại gặp được chàng Kim Trọng với "Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa", nghĩ nàng đã có được mối lương duyên tốt. Sau đó, tình cảm ngày thêm mặn nồng, thắm thiết, hai người đã kết lời thề ước trăm năm, ngỡ rằng với vẻ đẹp "tài sắc vẹn toàn", nàng sẽ có một cuộc sống như trong mơ nhưng rồi biến cố gia đình xảy ra Thuý Kiều buộc phải bán mình chuộc cha và em thoát khỏi vòng lao lí. Lại tưởng rằng, nàng được gả bán cho một Mã Giám Sinh có học thức - sinh viên trường Quốc Tử Giám - để đổi lấy sự bình yên cho gia đình, nào ngờ, nàng đã rơi vào cái bẫy của một con buôn, kiếm tiền trên thể xác của người phụ nữ. Hắn đã bán nàng vào lầu xanh làm nghề kĩ nữ. Ở lầu xanh, Thuý Kiều được Sở Khanh cứu thoát tưởng rằng đã thoát khỏi "vũng bùn lầy nhơ bẩn" nhưng không, hoá ra đó lại là một âm mưu nham hiểm ép nàng phải tiếp khách của Tú Bà dựng ra. Thân cô thế cô ở chốn lầu xanh, nàng buộc phải nuốt nước mắt vào trong và chấp nhận tiếp khách làng chơi. Ở đây, nàng gặp được Thúc Sinh và được chàng lấy về làm vợ lẽ, được sống một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy, bù đắp cho những đau đớn đã trải qua. Ngờ đâu, nàng lại gặp phải Hoạn Thư, máu ghen đã có tiếng mà quỷ kế, cay nghiệt thì có thừa. Nàng lại sống trong cảnh "Bắt khoan bắt nhặt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay" đành hát, hầu rượu cho vợ chồng Thúc Sinh. Sau đó, bọn "buôn phấn bán hương" Bạc Bà, Bạc Hạnh lại đẩy nàng vào chốn lầu xanh lần thứ hai, nhân phẩm của nàng lại bị dày vò, vấy bẩn lần nữa khiến cho nàng cũng phải cất tiếng đay nghiến trước thực trạng phũ phàng, cuộc sống bị cầm tù trong một vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát :
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
Rồi nàng lại gặp được chàng Từ Hải, một trang anh hùng hảo hán, trượng nghĩa, tưởng là vinh hiển đã đến rồi nhưng thực chất ẩm ngầm bên trong đó là một tai hoạ chết người chờ đón. Nàng nghe theo lời Hồ Tôn Hiến, tưởng được rạng ngời mặt mày, tự hào mẹ cha nhưng kết quả là chồng nàng là "tướng chết giữa trận", bản thân nàng bị cưỡng ép, phải gieo thân xuống giữa sông Tiền Đường. Rồi nàng lại được cứu, tưởng được đoàn viên hạnh phúc, kết lại duyên xưa với chàng Kim nhưng rồi hạnh phúc đành phải để dang dở...
Qua những diễn biến đó, cho thấy cuộc đời của Thuý Kiều mang một hiện thực khổ đau đầy xót xa, ai oán, số phận bi kịch đã vận vào người ngay từ bản đàn nàng đã từng sáng tác "Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân". Những nỗi đoạn trường cứ bám lấy cuộc đời Thuý Kiều như một định mệnh, không cho nàng được sống thanh thản, an yên, dù là một khắc ngắn ngủi. Nàng cứ thoát ra được chốn tăm tối được chút thì ngay sau đó lại bị vùi sâu hơn xuống bùn lầy nhơ nhuốc. Mỗi lần vinh hoa ghé đến, chìa tay ra cho nàng níu giữ nhưng ẩn sâu trong đó lại chứa đựng những mầm hoạ, đeo bám dai dẳng. Trong xã hội "vàng thau lẫn lỗn", giá trị của đồng tiền được coi là thước đo của đạo đức, Thuý Kiều đã trở thành một miếng mồi ngon bị lừa lọc, vùi dập thê thảm, sống một kiếp đoạn trường đầy cay đắng với chuỗi bi kịch của một số phận "Chữ tài đi với chữ tai một vần".
Bi kịch lớn nhất của cuộc đời Kiều là bi kịch về tình yêu và bi kịch về nhân phẩm. Mối tình giữa nàng và Kim Trọng được coi là mối tình xứng đôi vừa lứa "Người quốc sắc kẻ thiên tài". Tình cảm dành cho nhau là một sự trân trọng, yêu kính, thắm thiết, nồng nàn. Đó là hiện thân của một mối tình lí tưởng, tự do đầy hạnh phúc phá bỏ rào cản của một hệ tư tưởng Nho giáo với quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Thế nhưng, "giữa đường đứt gánh tương tư, trâm gãy bình tan, nước chảy hoa trôi lỡ làng", nàng phải "trao duyên" lại cho Thuý Vân gánh vác trách nhiệm của người chị cả trong gia đình. Bổn phận của người làm con là sao cho chữ hiếu phải tròn, nàng đành phụ tấm chân tình của chàng Kim. Lúc lưu lạc ở phương trời xa xôi, nàng lại luôn nhớ về hình bóng của người cũ:
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Hay bàng hoàng, chơi vơi, hụt hẫng khi gọi tên chàng Kim với những lời than đầy thương xót:
Ôi Kim Lang ! Hỡi Kim Lang !
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lạnh ngắt, đôi tay giá đồng.
Tình yêu trân quý ấy đã tan vỡ chẳng thể nào hàn gắn lại được. Sau này, khi được đoàn viên về với gia đình, hai người gặp lại nhau nhưng không thể đến được với nhau. Đó là bi kịch của một tình yêu không thể chạm bước tới lễ đường thành hôn, phận vợ chồng không dành cho cả hai.
Bi kịch về nhân phẩm của nàng có lẽ là sự lên án đanh thép nhất cái xã hội đầy hỗn loạn và biến động, tố cáo tội ác của những kẻ từ quan thượng thư triều đình đến phường con buôn gian xảo, quỷ quyệt. Tất cả cũng chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng bức tử phẩm hạnh của một người con gái phận "liễu yếu đào tơ". Những câu thơ đau đớn nhất cho bi kịch này của nàng là :
"Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa"
Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau khi con người trọng danh dự, luôn có ý thức về nhân phẩm mà cuối cùng phải nói những lời từ chối tiết hạnh. Đó là bi kịch của bi kịch, mất danh dự là mất hết.
Có thể nói, đến thời đại của Nguyễn Du, ông là nhà thơ, nhà văn, nhà nhân đạo đã đề cập đến vấn đề của con người một cách trực diện, cấp bách và thống thiết như vậy trong Truyện Kiều. Số phận của con người hiện thực khổ đau, con người của vận mệnh bi kịch đã được Nguyễn Du khắc hoạ rất đời, rất thực thể hiện sự hiểu biết và thông cảm sâu sắc của ông đối với con người trong đời sống. Thông qua hình tượng nhân vật Thuý Kiều nhà thơ đã ẩn dụ nói về, viết về tất cả những thân phận của hàng vạn, hàng nghìn nàng Thuý Kiều trong cuộc sống ngày nay. Đó là những con người đại diện cho cái đẹp, chân, thiện, mĩ nhưng lại chịu thân phận hẩm hiu, bất công. Dư âm của những con người như Thuý Kiều vẫn còn vang vọng đến tận ngày nay :
"Đã cho lấy chữ hồng nhan
Làm cho cho hại cho tàn cho cân
Đã đày vào kiếp phong trần
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi"
Bài mẫu số 2:
Truyện Kiều có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất trên thi đàn Việt Nam từ trước tới nay. Tác phẩm ấy là những vần thơ kể xuyên suốt về cuộc đời của một cô gái bất hạnh, từ khi còn được sinh trưởng trong gia đình tới khi phải bước ra ngoài rơi vào con đường đầy truân chuyên rồi đến khi được trở lại đoàn tụ cùng gia đình. Mỗi câu thơ trong truyện Kiều đều được Nguyễn Du trau chuốt để viết lên một thiên chuyện bằng thơ đầy đau xót của một Thúy Kiều tài hoa mà bạc mệnh. Nàng là hiện thân của một con người vừa có hiện thực, thực tại đau khổ, vừa có một vận mệnh bi kịch, đau đớn.
Mỗi nhân vật trong thiên “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đều được dựng lên vô cùng sống động qua những vần thơ đầy tâm huyết. Chúng ta thấy được một Kim Trọng “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”, một Thúy Vân với “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” và càng không thể nhắc tới Thúy Kiều “ hoa ghen đua sắc, liễu hờn kém xanh”. Thế nhưng, đối lập với vẻ ngoài “chim sa cá lặn” ấy, cuộc đời Kiều lại toàn là những truân chuyên đau khổ, những thương xót, ngậm ngùi. Cả tác phẩm khắc họa cuộc đời sóng gió của Kiều cùng những bước chân trên con đường đời đau khổ cho đến khi được trở lại đoàn tụ cùng gia đình mình. Thế mới nói, cuộc đời của Kiều là một chuỗi những hiện thực đau khổ ẩn chứa trong đó là một vận mệnh mang đầy tính bi kịch, đau thương.
Tại sao lại nói cuộc đời của Kiều là một chuỗi những hiện thực đau khổ? Nhắc tới điều này, chúng ta phải lật giở lại những câu thơ đầu tiên của tác phẩm truyện Kiều. Kiều sinh ra trong một gia đình trung lưu của xã hội và có hai người em. Thế nhưng, hiện thực nghiệt ngã đến với Kiều bắt đầu tự vụ kiện mà cha và em trai nàng vướng phải khiến hai người phải vào chốn ngục tù. Nếu không có những đồng tiền xoay xở, chắc hẳn, cha và em trai sẽ phải chịu tội trong chốn lao ngục. Thế nên, sau bao quyết định đau khổ, Kiều quyết định bán thân mình cứu lấy gia đình. Từ một quyết định đó đã đẩy cuộc đời Kiều vào những bi kịch nối tiếp bi kịch. Bán mình cứu cha, Kiều trở thành một món hàng không hơn, không kém trong mắt những kẻ như Sở Khanh, Tú Bà, … Kiều là một món hàng với những “cò kè”, những “ngã giá”, … trong mắt những kẻ vô học “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”, buôn thịt người để chúng tha hồ:
“Có kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Nếu như có ai hỏi nguyên nhân nào đã đẩy Kiều vào hoàn cảnh ấy, hoàn cảnh bị tước đoạt tất cả, gia đình, tình yêu, tương lai hạnh phúc, bị chà đạp về nhân phẩm, trở thành một món hàng để người ta trao tay, thì đó chính là cái xã hội đương thời mà Kiều đang sống. Chính nó là tác nhân gây nên tấn bi kịch, gây nên cái hiện thực phũ phàng của Kiều. Nó đã tước đoạt của người con gái ấy tất cả mọi thứ mà nàng có trong tay và dìm nàng xuống bể khổ cuộc đời. Từ một tiểu thư danh giá, nàng trở thành một thứ hàng hóa để người khác mặc sức “ngã giá”, trả tiền. Đó là nỗi nhục nhã, ê chề đầu tiên mà Kiều phải gánh chịu.
Thế nhưng, không chỉ tước đoạt của nàng hạnh phúc, nó còn biến nàng trở thành một người con gái giang hồ, thành một cô gái lầu xanh trong chốn ô nhục. Cuộc đời của một cô gái lầu xanh dường như đều có cái kết cục như của Đạm Tiên:
“Sống là vợ khắp người ta
Đến khi thác xuống làm ma không chồng”
Cuộc đời Kiều trở nên đầy đau khổ. Cô rơi vào vòng xoáy đen tối của cuộc đời, bị đẩy đưa từ người này qua người khác, là một món hàng để người ta trao đổi. Nhân phẩm của nàng bị chà đạp đến tận cùng như vậy. Đau khổ biết nhường nào!
Chẳng những thế, đến khi có được chút hạnh phúc bên cạnh Từ Hải, chỉ vì một chút nông nổi, tin người, nàng đã giết chết người anh hùng cứu vớt của đời mình, lại biến mình trở lại cuộc sống như trước kia. Chẳng phải số phận đã quá nghiệt ngã với người con gái ấy khi khiến nàng sống trong những chuỗi hiện thực đau khổ liên miên suốt mười lăm năm ròng rã sao? Đến khi được trở lại cùng gia đình, gặp lại tình yêu của đời mình, nhưng lại chẳng thể cùng chàng sống trọn bên nhau, đây chẳng phải là điều vô cùng đau lòng hay sao?
Con người của Thúy Kiều là minh chứng cho một xã hội đầy rẫy sự bất công, lừa lọc. Xã hội ấy sẵn sàng vì tiền mà đẩy con người vào những cõi sâu tăm tối nhất. Chính xã hội ấy đã tước đoạt của Kiều tất cả, biến nàng trở thành một thứ rẻ mạt nhất, chà đạp lên nhân phẩm con người nàng. Chuỗi hiện thực đau khổ trong đời Kiều nguyên do đều là bắt nguồn từ cái xã hội thối nát về nhân cách người ấy.
Cuộc đời của Kiều đau khổ là vậy, thế nhưng dường như cái vận mệnh nàng mang đã đầy bi kịch như thế. Và chuỗi sau chỉ là tiếp nối của cái vận mệnh ấy. Một người con gái tài sắc vẹn toàn như Kiều “hoa ghen thua thắm, liều hờn kém xanh” dường như đã chạm tới trời xanh, tới người tạo nên vận mệnh của con người. Liệu có chăng chính ông trời là người đã ghen tức với sự tài hoa của Kiều mà tạo nên cho nàng một vận mệnh đau khổ như thế hay do cái xã hội phong kiến kia đã đẩy nàng vào vận mệnh bi kịch nhường ấy. Khi Nguyễn Du nhắc tới Kiều, ông đã dùng những từ ngữ đẹp nhất dành tặng cho nàng. Thế nhưng, dường như Nguyễn Du cũng đã cảm thấy được rằng sắc đẹp của Kiều sẽ khiến trời đất ghen ghét mà khiến nàng sẽ phải chịu kiếp “hồng nhan bạc phận”. Nguyễn Du đã viết về Kiều rằng:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liều hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai
Thồn minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”.
Với sắc đẹp và tài năng của mình, vận mệnh của Kiều đáng ra sẽ phải suôn sẻ, sáng tươi như bao người con gái khác. Nhưng không, vận mệnh của nàng lại đen tối, đau khổ hơn bất kì người nào khác trong “truyện Kiều”. Nàng phải bán mình cứu lấy cha, nỗi đau đớn trở thành một món hàng để người ta dò xét, đánh giá, “cò kè thêm một bớt hai”. Đó là một nỗi ê chề, khổ sở đầu tiên mà Kiều phải chịu đựng. Bị chà đạp về nhân phẩm, bị coi rẻ, bị xem thường là những nỗi đau mà chắc hẳn Kiều chẳng thể quên. Không chỉ vậy, nàng còn phải trao đi tình yêu của đời mình – một tình yêu mới chớm nở đẹp như hoa đào ấy phải trao lại cho người em trong niềm đau xót, tiếc thương:
“Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Hay: “Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”
Vận mệnh bi kịch ấy của nàng đã đưa đẩy nàng hết bất hạnh này sang bất hạnh khác. Bao lần Kiều những tưởng đã có cho mình hạnh phúc thì lại rơi vào chốn đau khổ lần nữa. Từ Kim Trọng rồi đến Thúc Sinh rồi đến Từ Hải, mỗi người trai ấy đến bên cạnh nàng, nàng lại tưởng có được hạnh phúc, thế nhưng không lần nào cô có được hạnh phúc trọn vẹn. Tình yêu với Kim Trọng phải trao lại cho em gái, tình yêu với Thúc Sinh lại chỉ như “rừng phong kia đã nhuốm màu quan san”, mờ mịt. Còn tình yêu “tâm phúc tương tri” với Từ Hải tưởng rằng đã trọn vẹn thì chính tay nàng đã khiến Từ Hải phải chịu oan ức mà chết đứng giữa trời. Vận mệnh đau khổ đã kéo nàng đi hết những đau thương này tới khổ sở khác, thoát khỏi tay Tú Bà thì đến tay Bạc Bà, thoát khỏi Sở Khanh lại rơi vào tay Hồ Tôn Hiến. Đó đều là những kẻ chỉ biết tới đồng tiền, tư lợi, nào có để ý đến phẩm giá hay biết trân trọng con người.
Đến cuối cùng, sau mười lăm năm lưu lại, Kiều đã được đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng liệu vận mệnh ấy có khiến nàng trở nên hạnh phúc hay vẫn chỉ là bi kịch. Nàng được gặp lại Kim Trọng – tình yêu đầu tiên của mình, thế nhưng mọi chuyện đã chẳng còn như lúc trước, chàng và nàng đã chẳng còn là người của nhau. Đến cuối cùng, nàng cũng chỉ như một Đạm Tiên bạc mệnh, ba mươi tuổi không chồng không con đầy đau xót.
Có thể nói, cuộc đời Kiều là một chuỗi những điều đau khổ của một vận mệnh đầy bi kịch. Vận mệnh ấy đã khiến nàng trở thành con người đáng thương nhất của “truyền Kiều”. Có lẽ vận mệnh ấy ngay từ đầu đã sắp đặt theo đuổi nàng bởi tài hoa và nhan sắc của nàng quá xuất chúng. Như Nguyễn Du đến cuối cùng cũng phải thốt lên một câu đau đớn rằng:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Với truyện Kiều, Nguyễn Du đã cực kì thành công khi xây dựng một nhân vật mà cả số phận và hiện thực cảu nàng đều toát lên sự đau khổ, cùng cực. Nỗi đau khổ ấy nguồn cơn đều do xã hội phong kiến đương thơi thối nát, quá coi trọng những vật chất tầm thường. Chính nó là nguyên do khiến cho mỗi người phải chịu những vận mệnh đầy bi kịch mà đặc biệt là Thúy Kiều.
Bằng tài năng và tình yêu thương con người của mình, Nguyễn Du đã viết lên “truyện Kiều” với đầy lòng bao dung, yêu mến. Ông đã viết lên những mảnh đời đầy tài hoa nhưng bất hạnh bị xã hội chà đạp, bị tước đoạt tất cả. Những điều đó được ông trân trọng đặt hết vào nhân vật Thúy Kiều bởi cuộc đời nàng là một tấn những hiện thực đau khổ qua vận mệnh bi kịch đau xót. Qua đó, ông cũng lên án, tố cáo xã hội phong kiến đã đẩy con người ta vào bước đường cùng đau khổ. “Truyện Kiều”’ xứng danh là tác phẩm tuyệt vời nhất nền văn học Việt Nam.