a. Mở bài: Giới thiệu tác phẩm văn học và nhân vật; nêu khái quát ấn tượng về nhân vật.
b. Thân bài:
- Phân tích đặc điểm của nhân vật (qua cử chỉ, điệu bộ, cách suy nghĩ, ngôn ngữ, mối quan hệ với các nhân vật khác,...)
- Nhận xét và đánh giá nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.
c. Kết bài: Nêu ấn tượng và đánh giá về nhân vật.
Nhân vật "tôi" trong "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc. Qua nhân vật "tôi", nhà văn đã gửi đến người đọc nhiều bài học ý nghĩa.
"Tôi" có một tâm hồn nhạy cảm và tình yêu thiên nhiên tha thiết. Mỗi buổi chiều ra đồng về, cậu bé thường ra vườn tưới cây cùng bố "Buổi chiều ra đồng về, bố thường làm dẫn tôi ra vườn, hai bố con thi nhau tưới". Bằng sự luyện tập với bố, ngay cả khi nhắm mắt sờ những bông hoa, "tôi" có thể đoán được đó là những bông hoa nào, có thể vừa nhắm mắt vừa đi mà không chạm vào vật gì, đặc biệt hơn cả là đoán được khoảng cách của âm thanh. Điều này khiến "tôi" luôn tự hào. Nhờ có thể đoán được chính xác hướng và khoảng cách của âm thanh, nhân vật "tôi" đã giúp mọi người cứu được Tí suýt chết đuối ở ngoài sông.
Không chỉ có tình yêu tha thiết với thiên nhiên, đối với mọi người xung quanh, "tôi" luôn có những tình cảm chân thành, tha thiết. Nhân vật "tôi" cảm thấy tên của Tí hay và muốn gọi tên bạn bởi khi đọc lên, âm thanh ấy cứ du dương như một bài hát, cậu bé cũng gọi tên bố chỉ để nghe âm thanh vì tin vào lời của bố "mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu". Khi được bố giảng về ý nghĩa những "món quà", cậu bé đã hiểu được khu vườn là món quà bất tận mà bố đã đem lại, còn bố chính là món quà vô giá mà cuộc sống ban tặng cho "tôi".
Qua nhân vật tôi, tác giả đã truyền đạt những thông điệp về tình yêu thiên nhiên. Bí mật mà "tôi" chia sẻ rất đặc biệt. Cậu bé hiểu khu vườn nói gì dù nhắm mắt lại, có thể nghe được âm thanh và đoán được chính xác những bước chân trong vườn đó là của ai. Cậu tự hào rằng mình có "con mắt thần" nằm ở "mũi". Thậm chí khi nằm đắp chăn kín người, cậu bé vẫn có thể "đi dạo" và không bị lạc trước bất kì khu vườn nào bởi có người dẫn đường là những bông hoa.
Nhà văn lựa chọn ngôi kể thứ nhất, từ điểm nhìn của nhân vật "tôi" khiến nhân vật tự bộc lộ mình, thể hiện trực tiếp những cảm nhận, suy nghĩ về người khác và về thế giới vạn vật xung quanh. Với ngôn ngữ tự nhiên, giản dị nhưng sâu sắc, nhân vật hiện lên là một cậu bé có tâm hồn phong phú, nhạy cảm và giàu lòng thương yêu.
Nhân vật "tôi" khiến chúng ta cảm nhận được sự nhạy cảm, phong phú trong tâm hồn và tình yêu dành thiên nhiên. "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" là một câu chuyện nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Thầy Đuy-sen trong tác phẩm "Người thầy đầu tiên" của Trin-ghi-dơ Ai-tơ-ma-tốp đã đem lại cho em những suy nghĩ sâu sắc. Nhà văn Ai-tơ-ma-tốp đã sử dụng nhiều chi tiết miêu tả để khắc họa chân dung thầy Đuy-sen một cách chân thực và cụ thể.
Khi đến quê hương của An-tư-nai thầy vẫn còn trẻ. Với tấm lòng nhân hậu và trái tim yêu thương, thầy đã dựng lên một trường học đơn sơ trong làng và khuyến khích các em nhỏ đi học. Thầy Đuy-sen đã nhìn thấu những khát khao được học hành của các em nhỏ. Thầy kể với các em về chuyện thầy lò sưởi, bắc ống khói và vui mừng thông báo cho các em học sinh rằng trường học đã làm xong và có thể đi học: "Dưới nền nhà ta sẽ trải rơm thật nhiều, thế là có thể bắt đầu học được rồi. Thế nào, các em thích học không, các em sẽ đi học chứ?". Không chỉ vậy, khi thấy cảnh ngộ của An-tư-nai, thầy đã an ủi em và khen tên em hay " - An-tư-nai, cái tên hay quá, mà em thì chắc là ngoan lắm phải không?". Từng hành động, lời nói của thầy khiến các em nhỏ yêu thương và gắn bó với thầy nhiều hơn.
Thầy Đuy-sen còn là một người kiên trì, giàu kinh nghiệm và hết lòng vì học trò. Vào mùa đông giá rét, thầy đã bế các em qua suối "Lưng thì cõng, tay thì bế và cứ như thế thầy lần lượt đưa hết các em sang". Khi bị bọn nhà giàu giễu cợt, thầy đã tỏ ra lạc quan và không để ý những lời lăng mạ đó. Ngược lại, thầy còn động viên những đứa trẻ bằng những câu chuyện vui. Chính thầy đã thắp lên ngọn lửa, khao khát học tập trong tâm hồn những đứa trẻ. Thầy ước mơ An-tư-nai có thể lên thành phố học, như thế cô bé sẽ có một điều kiện học tập tốt hơn.
Hình ảnh thầy Đuy-sen được khắc họa thông qua lời kể của viện sĩ An-tư-nai - người học trò cũ của thầy Đuy-sen. Bằng ngôn ngữ tinh tế, sinh động, tác giả đã khắc họa nhân vật thầy Đuy-sen thật chân thật, gần gũi, một hình ảnh đẹp trong mắt những đứa trẻ và người dân quê hương An-tư-nai, người thầy đầu tiên của tuổi thơ nhiệt huyết và nhân hậu.
Thầy Đuy-sen với nhiều đặc điểm đáng quý đã cho ta thấy tấm lòng nhân hậu và niềm yêu thương bao la. Tấm lòng đó xứng đáng được ngợi ca và tôn vinh. Chúng ta hãy trân trọng những người thầy nhiệt huyết, chân thành, gần gũi, quan tâm đến học trò như thầy Đuy-sen.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi viết bài, em cần phân tích nhân vật dựa trên các đặc điểm về: ngoại hình, tính cách, lời nói, hành động,... Em cũng nên chú ý tới các lỗi diễn đạt và chính tả trong bài làm của mình. Em có thể tham khảo một số bài soạn văn mẫu lớp 7 khác trên Taimienphi.vn như:
- Bài thơ Quê hương: thể loại, tóm tắt, bố cục, nội dung, nghệ thuật
- Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề đời sống (được gợi ra từ một nhân vật văn học)
- Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 3