* Gợi ý trả lời câu hỏi trước khi đọc:
Câu 1 trang 84 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
Em đã được biết đến phong tục ăn trầu. Đây là phong tục vô cùng quen thuộc đối với tất cả mọi người, xuất hiện trong mọi dịp lễ như cưới hỏi, mừng thọ, lễ tế gia tiên,... Nó tượng trưng cho tình cảm gắn kết, son sắt giữa người với người, mang đến niềm vui và sự sẻ chia.
Câu 2 trang 84 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
Em đã từng được nghe giới thiệu về quy tắc chơi nhảy sạp của người dân tộc thiểu số trên vùng cao. Người dẫn chương trình đã hướng dẫn rất chi tiết về nguồn gốc của điệu nhảy, cách nhảy và những lưu ý để không bị thanh tre kẹp vào chân. Khi chơi, mọi người đều vui vẻ nắm tay nhau, nhảy nhịp nhàng theo điệu nhạc.
* Gợi ý trả lời câu hỏi phần đọc văn bản:
1. Liên hệ: Thời điểm thường được chọn để tổ chức lễ hội trên mọi miền đất nước.
- Thời điểm: sau khi xong xuôi mùa vụ.
2. Chú ý: Cách dẫn dắt người đọc vào thông tin chính của văn bản.
- Giới thiệu về tộc người Lô Lô và những đức tính tốt đẹp của họ.
- Sơ lược về những lễ hội khác của tộc người này rồi dẫn dắt đến lễ rửa làng.
3. Theo dõi: Thời điểm diễn ra lễ rửa làng và những việc cần chuẩn bị cho ngày lễ.
- Thời điểm:
+ Vào thời điểm tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch.
+ Tổ chức ba năm một.
- Những việc cần chuẩn bị:
+ Chọn ngày tổ chức, thống nhất việc mời thầy cúng.
+ Phân công mọi người sắm sanh đồ lễ (bao gồm thẻ hương, chén nước, giấy trúc, con gà trống).
+ Một ngày trước lễ, thầy cúng sẽ thắp hương, cúng xin tổ tiên đồng ý cho làng tổ chức.
+ Đoàn thực hiện lễ bao gồm: một thầy cúng chính, một thầy cúng phụ và một số nam giới trong làng đi theo hỗ trợ.
4. Theo dõi: Sự miêu tả chi tiết các món đồ lễ.
Đồ lễ mang theo sẽ bao gồm:
- Hai con dê: được cho là có mùi đặc trưng để xua đuổi tà ma.
- Một con gà trống trắng.
- Rượu ngô, hạt ngô, cỏ.
- Kiếm gỗ, kiếm sắt.
- Ba cành lau, ba cành đào, ba cành mận.
- Miếng vải đỏ.
- Đôi sừng trâu.
- Câu tre to, dài "đã được đục miệng ở đoạn giữa và đổ đầy đất vào, sau đó cắm hình nhân bằng giấy màu (được cắt theo kiểu đang giơ tay lên van xin, thể hiện cho sự sợ hãi của hồn ma với người dân) rồi cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa cây tre giả làm con ngựa.".
5. Theo dõi: Các bên tham dự lễ phải làm những gì khi đoàn hành lễ đi quanh làng bản?
- Hai người dắt hai con dê.
- Những người còn lại: vác cây tre giả hình ngựa, quấy hạt ngô, xách gà trống trắng cùng các lễ vật còn lại, theo sau thầy cúng đi vào từng nhà dân.
- Gia chủ: chuẩn bị sẵn hình nhân cùng hai bó củi, hai bó cỏ như một cách để ngầm bồi dưỡng công xua đuổi tà ma cho thầy cúng với thái độ cung kính, thành khẩn.
6. Theo dõi: Tác động tinh thần tích cực của lễ rửa làng.
- Mọi người thấy nhẹ nhõm và tin tưởng hơn vào tương lai.
- Các cô gái có dịp xúng xính váy áo, các chàng trai phấn khởi chúc tụng nhau, các cụ già vui vầy bên con cháu.
- Mọi người đều hoan hỉ ăn tiệc, uống rượu.
7. Chú ý: Những quy định nghiêm ngặt về hoạt động sau ngày lễ chính.
- "Phải 9 ngày sau người lạ mới được bước vào làng".
- "Nếu chẳng may có người lạ vào làng, người đó phải sửa soạn lễ vật để cúng lại, bù vào lễ cúng đã bị họ làm mất thiêng".
* Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:
Câu 1 trang 87 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
Những thông tin chính về lễ rửa làng của người Lô Lô mà em tiếp nhận được:
* Thời điểm diễn ra lễ hội:
- Khi xong xuôi mùa vụ.
- Vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch.
- Tổ chức 3 năm một lần.
* Diễn biến lễ hội:
- Một ngày trước lễ:
+ Chuẩn bị lễ vật: thẻ hương, chén nước, giấy trúc và con gà trống.
+ Thầy cúng làm lễ khấn xin tổ tiên đồng ý cho tổ chức lễ rửa làng.
- Vào ngày tổ chức lễ:
+ Đoàn thực hiện lễ gồm một thầy cúng chính, một thầy cúng phụ, một số nam giới trong làng đi theo hỗ trợ.
+ Đồ lễ mang theo: 2 con dê, 1 con gà trống trắng, rượu ngô, hạt ngô, cỏ, kiếm gỗ, kiếm sắt, 3 cành lau, 3 cành đào, 3 cành mận, miếng vải đỏ, đôi sừng trâu, cây tre to (đã được đục miệng ở giữa, đổ đầy đất, cắm hình nhân bằng giấy màu và cắm hương theo từng hàng dọc ở giữa).
+ Đoàn người đi khắp các nhà, những hang cùng ngõ hẻm, vừa đi vừa gõ chiêng trống.
+ Đoàn người tới nhà nào thì gia chủ nơi đó phải chuẩn bị sẵn hình nhân cùng 2 bó củi, 2 bó cỏ để ngầm bồi dưỡng công đuổi tà.
- Sau khi xong lễ: Mọi người hoan hỉ ăn tiệc, uống rượu mừng.
* Lưu ý sau khi làm lễ:
- Phải 9 ngày sau khi xong lễ người lạ mới được bước vào làng.
- Nếu chẳng may có người lạ vào thì người đó phải sửa soạn lễ vật để cúng lại.
* Ý nghĩa:
- Đánh thức những điều đẹp đẽ, xua đuổi vận rủi.
- Giúp con người cảm thấy nhẹ nhõm và tin tưởng vào tương lai thuận lợi, may mắn.
Câu 2 trang 87 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
- Theo em, mục đích của tác giả khi viết văn bản này là để giới thiệu cho mọi người một phong tục rất đặc biệt, thú vị của bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tác giả đã thực hiện mục đích đó bằng cách thuyết minh về lễ rửa làng với các chi tiết cụ thể như thời điểm, cách thức diễn ra lễ hội, các lưu ý và ý nghĩa mà lễ hội mang lại đối với người dân nơi đây.
Câu 3 trang 87 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
- Hoạt động phải được thực hiện theo luật lệ: Sau lễ 9 ngày thì người lạ mới được phép bước vào làng.
- Hoạt động nằm ngoài luật lệ: Mọi người ăn tiệc, uống rượu mừng.
Câu 4 trang 87 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
Tính cộng đồng của các hoạt động trong ngày lễ đã được tô đậm qua các thông tin:
- "Ngoài những lúc làm lụng vất vả, họ lại quây quần bên nhau để cùng thực hiện những nghi thức cổ truyền hướng về nguồn cội và cùng nhau ước vọng về một đời sống ấm no".
- "...vào thời điểm tháng 5 hoặc tháng 6 âm lịch, người Lô Lô ngồi lại cùng nhau chọn ngày tổ chức lễ rửa làng, thống nhất việc mời thầy cúng và phân công mọi người sắm sanh đồ lễ".
- "Mọi người hoan hỉ ăn tiệc, uống rượu mừng rồi mới ai về nhà nấy...".
Câu 5 trang 87 SGK Ngữ văn 7 - tập 2:
Qua văn bản "Lễ rửa làng của người Lô Lô", em đã rút ra được rằng: muốn tạo lập loại văn bản giới thiệu về quy tắc hoặc luật lệ của một trò chơi hay hoạt động, chúng ta cần:
- Nắm rõ quy tắc, luật lệ và những lưu ý của trò chơi/hoạt động đó.
- Sắp xếp và nêu các thông tin mình thu thập được một cách logic, khoa học để người đọc dễ tiếp cận.
Viết kết nối với đọc
Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) nêu cảm nhận của em về những giá trị sống được bộc lộ qua lễ rửa làng của người Lô Lô.
* Gợi ý trả lời phần viết kết nối với đọc:
Qua lễ rửa làng của người Lô Lô, em đã có thêm những kiến thức, hiểu biết mới về một tín ngưỡng độc đáo trên đất nước ta. Không chỉ dùng để xua đuổi tà ma, vận rủi, nghi lễ này còn là sự mời gọi, chào đón những điều may mắn, tốt đẹp. Từ khâu chuẩn bị chu đáo đến quy tắc nghiêm ngặt, tất cả đều thể hiện ước vọng của con người về cuộc sống đủ đầy, ấm no. Ngoài ra, lễ rửa làng còn giúp tăng tình đoàn kết, tương thân tương ái giữa cộng đồng, đem mọi người xích lại gần nhau hơn. Chính lễ rửa làng đã góp phần làm giàu, làm đẹp cho văn hóa, tín ngưỡng của bà con dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Đất nước Việt Nam ta với 54 dân tộc anh em đã có vô số truyền thống, tín ngưỡng văn hóa độc đáo, ý nghĩa. Em có thể tự mình tìm hiểu và khám phá nhé. Đừng quên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài soạn, văn mẫu lớp 7 khác như: Soạn bài Bản tin về hoa anh đào ngắn gọn, Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 90 chất lượng.