1. Dàn ý chi tiết:
a) Mở đầu:
- Lí do lựa chọn đề tài.
+ Đây là tác phẩm tiêu biểu và thành công của tác giả Nguyễn Tuân trong việc khám phá và lưu giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.
+ Cho thấy ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân trong cách xây dựng cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện.
b) Triển khai:
* Tóm tắt nội dung chính của truyện.
- Câu chuyện kể về nhân vật Huấn Cao có tài viết chữ đẹp nhưng phải chịu án tử hình do chống lại triều đình. Trước khi bị giải về kinh chịu tội, ông được đưa vào nhà lao nơi có viên quản ngục và thầy thơ lại canh giữ. Cả hai người đều rất yêu mến cái đẹp và hâm mộ tài viết chữ của Huấn Cao. Trong những ngày ở tù, Huấn Cao được viên quản ngục đối đãi đặc biệt với mong muốn được Huấn Cao cho chữ. Cảm động trước tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ và khuyên viên quản ngục nên đổi nghề để giữ được tấm lòng thiên lương.
* Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm
- Tình huống truyện độc đáo.
- Sử dụng thành công thủ pháp đối lập tương phản.
- Xây dựng thành công nhân vật Huấn Cao hội tụ nhiều vẻ đẹp.
* Phân tích, đánh giá về chủ đề của tác phẩm
- Ca ngợi cái đẹp và phẩm chất thiên lương, trong sáng của con người.
- Chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn.
c) Kết luận:
- Kết luận và mở rộng, nâng cao vấn đề của bài nói.
2. Bài nói mẫu tham khảo
Kính chào cô và các bạn, em tên là ..... Sau đây, em xin trình bày bài nói của mình "Giới thiệu, đánh giá về giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân". Em mong cô và các bạn cùng lắng nghe phần trình bày của em!
Trước hết, em xin được trình bày lí do lựa chọn tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân để giới thiệu đến cô và các bạn. Thứ nhất, đây là tác phẩm tiêu biểu và thành công của tác giả Nguyễn Tuân trong việc khám phá và lưu giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc. Thứ hai, tác phẩm cho thấy ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân trong cách xây dựng cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện.
Câu chuyện kể về nhân vật Huấn Cao có tài viết chữ đẹp nhưng phải chịu án tử hình do chống lại triều đình. Trước khi bị giải về kinh chịu tội, ông được đưa vào nhà lao nơi có viên quản ngục và thầy thơ lại canh giữ. Cả hai người đều rất yêu mến cái đẹp và hâm mộ tài viết chữ của Huấn Cao. Trong những ngày ở tù, Huấn Cao được viên quản ngục đối đãi đặc biệt với mong muốn được Huấn Cao cho chữ. Cảm động trước tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục, Huấn Cao đã đồng ý cho chữ và khuyên viên quản ngục nên đổi nghề để giữ được tấm lòng thiên lương.
Em ấn tượng với cách xây dựng tình huống truyện đặc biệt, éo le giữa viên quản ngục và người tử tù Huấn Cao. Đây là cuộc gặp gỡ giữa một người là tên cầm đầu phiến loạn còn một người là viên quan coi ngục đại diện cho trật tự xã hội đương thời. Qua tình huống truyện, Nguyễn Tuân muốn làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao cũng như làm sáng tỏ tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục.
Trong "Chữ người tử tù", tác giả sử dụng và vận dụng triệt để thủ pháp tương phản đối lập. Ông xây dựng nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục trong thế đối lập nhau. Một người đại diện cho chế độ cầm quyền còn người kia lại ra sức chống lại ách thống trị của nhà nước phong kiến. Tuy nhiên, cả hai người đều say mê với cái đẹp, cảm động trước tấm lòng thiên lương, cao cả của người khác. Đặc biệt, tình huống "xưa nay chưa từng có" khi thú viết chữ đại diện cho cái đẹp lại được sản sinh ngay giữa chốn ngục tù, nhơ nhuốc. Ánh sáng của ngọn đuốc và tấm lụa bạch đối lập hoàn toàn với "buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián".
Tiếp theo, một trong số những điều làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm là hình tượng nhân vật Huấn Cao được Nguyễn Tuân dụng công xây dựng. Tác giả tập trung bút lực với những nét phẩm chất đặc biệt, trước hết là người nghệ sĩ tài hoa, có tài viết chữ đẹp. Dù không miêu tả trực tiếp nhưng người đọc vẫn có được những hình dung về tài viết chữ của Huấn Cao qua niềm si mê cái đẹp, tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục. Ngoài ra, hành động cho chữ của Huấn Cao cho thấy sự khoan thai của người sáng tạo nghệ thuật. Nhà lao, gông xiềng có thể trói buộc người nghệ sĩ về mặt thân thể nhưng không thể nào ngăn cản họ sáng tạo ra cái đẹp và say mê với hai chữ nghệ thuật. Huấn Cao còn là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp không bao giờ vì tiền bạc, quyền lực mà cho chữ "ta nhất sinh không bao giờ vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ".
Bên cạnh đó, vẻ đẹp ngôn ngữ cũng là yếu tố làm nên tính đặc sắc về mặt nghệ thuật cho tác phẩm. Nguyễn Tuân sử dụng hệ thống từ Hán Việt đã tạo ra không khí nghiêm trang, cổ kính của quá khứ xa xôi. Đồng thời, tác phẩm được kể từ ngôi thứ ba khiến câu chuyện diễn ra một cách khách quan trước mắt độc giả.
Có thể thấy chủ đề của tác phẩm đã được thể hiện một cách rõ ràng: ca ngợi cái đẹp, phẩm chất đạo đức của con người và chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời tác giả cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, qua đó kín đáo bộc lộ tình yêu quê hương đất nước.
Phần thuyết trình về nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của em đến đây là kết thúc. Em cảm ơn cô cô và các bạn đã lắng nghe. Em mong rằng cô và các bạn có thể góp ý để bài của em ngày càng hoàn thiện hơn!
Mô tả cuối bài: Thuyết trình trước đám đông giúp em có được phong thái tự tin khi trình bày một vấn đề. Bài soạn Taimienphi.vn cung cấp sẽ là những gợi ý quan trọng cho các em trong quá trình chuẩn bị bài học của mình. Chúc các em học tập tốt!
Các bài soạn văn mẫu lớp 10 khác:
- Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật một tác phẩm truyện
- Soạn bài Củng cố, mở rộng bài 1, Ngữ văn lớp 10, Kết nối tri thức với cuộc sống
- Soạn bài Tê-dê